Trong nền kinh tế tự do, giá cả có xu hướng giảm chứ không tăng

Trong nền kinh tế tự do, giá cả có xu hướng giảm chứ không tăng

Bất cứ khi nào các chính trị gia và các phương tiện truyền thông bàn luận về lạm phát thì Chỉ số Giá Tiêu dùng (CPI) luôn là thước đo được đem ra sử dụng. CPI chỉ là một trong một vài chỉ số giá cả thường hay được sử dụng trong số nhiều thước đo khác nhau về cung tiền, nhân tố đứng đằng sau những biến động của mức giá chung. Nói đúng ra, bản thân CPI không đo lường lạm phát mà được dùng để đo lường những hệ quả của chính sách mở rộng tiền tệ đối với các sản phẩm tiêu dùng. Trong kinh tế vĩ mô, CPI là một trong những chỉ số quan trọng về sức khỏe của nền kinh tế, và các nhà kinh tế học đã dùng chính thước đo lạm phát này để tính Tổng Sản phẩm Quốc nội thực (real GDP). Tất nhiên, tính chính xác của CPI là vô cùng quan trọng, nhưng các nhà đầu tư vẫn đang tranh cãi về thước đo này. Theo giải thích của trang Investopedia, CPI là “một biến số đại diện cho lạm phát”, và “theo quan điểm của giới đầu tư …, nó là một thước đo quan trọng nhất, có thể được dùng để ước tính tổng lợi tức, theo giá trị danh nghĩa, mà nhà đầu tư đòi hỏi phải đạt được để đáp ứng các mục tiêu tài chính của mình.”

Nhưng nếu mối quan tâm là tác động của chính sách mở rộng tiền tệ, vậy tại sao chúng ta lại sử dụng các biến số đại diện để đo lường hiện tượng này? Các biến số đại diện rất hữu ích khi chúng ta không có dữ liệu chính xác về biến số mà chúng ta muốn đo lường, buộc chúng ta phải tìm ra một biến thay thế không hoàn hảo mà (chúng ta cho rằng) có xu hướng cùng chiều với biến số mà chúng ta không thể đo lường. Nhưng từ hơn một thế kỷ trước, chúng ta đã có những thước đo vô cùng chính xác về cung tiền. Chúng ta biết rằng có các yếu tố khác ảnh hưởng đến giá cả trong nền kinh tế, nên các chỉ số giá cả không thể phản ánh được hết những hệ quả của chính sách mở rộng tiền tệ; như chúng ta đã biết, chúng có thể “ước lượng tương đối” những hệ quả này, nhưng việc gì phải ước lượng một cách tương đối khi chúng ta đã có các thước đo chính xác?

Nói một cách dễ hiểu, tỷ lệ thay đổi cung tiền (M1) trung bình hàng năm kể từ năm 1971 là 10,7%, trong khi đó tỷ lệ thay đổi hàng năm của CPI chỉ là 3,9%. Chúng ta cũng thấy một sự chênh lệch tương tự khi nhìn vào các chỉ số giá cả khác, chẳng hạn như sự khác biệt rõ rệt giữa Chỉ số Giá Sản xuất (PPI) và CPI, điều mà tôi đã bàn đến ở những bài viết khác. Sự chênh lệch lớn giữa các thước đo này có thể khiến ta nghi ngờ về chức năng “ước lượng tương đối" của CPI đối với các hệ quả của lạm phát, và đặt ra những câu hỏi về cách chúng ta lý giải tại sao trong vòng 5 thập niên qua, cung tiền tăng 11%/năm chỉ làm cho CPI tăng 4%/năm mà thôi.

Logic thông thường của các chỉ số giá cả

Khi giải thích về các thước đo lạm phát cho sinh viên, một giáo sư kinh tế học điển hình sẽ nhấn mạnh rằng chúng ta đo lường giỏ hàng hóa - các mức giá trung bình của vài trăm mặt hàng trong một danh mục nhất định - để nắm bắt được “Lạm phát thực sự diễn ra” (underlying inflation) trong nền kinh tế. Như Cục Dự trữ Liên bang Cleveland đã giải thích:

Nếu một cơn bão tàn phá mùa cam ở Florida, thì giá cam sẽ tăng trong một khoảng thời gian. Nhưng mức giá cao hơn đó sẽ chỉ khiến chỉ số giá tiêu dùng chung và lạm phát được đo lường tăng lên trong thời gian ngắn. Tác động hạn chế hay tạm thời như vậy đôi khi được ví như “tiếng ồn” trong dữ liệu giá cả vì chúng có thể làm nhiễu những biến động về sự thay đổi giá cả mà người ta kì vọng sẽ tiếp diễn trong thời gian trung hạn kéo dài vài năm - tỷ lệ lạm phát thực sự diễn ra.

Lập luận này không có cơ sở vững chắc. Các yếu tố nhất định sẽ tác động đến giá của các mặt hàng cụ thể trong giỏ hàng hóa, nhưng điều duy nhất tác động đến giá của tất cả mặt hàng trong giỏ là cung tiền. Chí ít thì đây là giả định đã được coi là chuẩn mực. Dựa vào giả định này, sự thay đổi của CPI có thể chậm hơn phần nào so với sự thay đổi của cung tiền do giá cả cần thời gian để điều chỉnh, nhưng các thước đo cần phải phản ánh sát với xu hướng trong dài hạn.

Vậy tại sao chỉ số CPI lại thấp như vậy?

Tích lũy tư bản và mức giá chung

Xuyên suốt lịch sử, chúng ta đã chứng kiến rất nhiều đổi mới sáng tạo trong công nghệ và kinh doanh giúp làm giảm giá thành của toàn bộ giỏ hàng hóa. Công nghệ vận tải là minh chứng dễ thấy nhất, từ đường cao tốc, kênh đào, đường sắt, các phương tiện chạy bằng hơi nước trong thế kỷ 19 cho tới xe đầu kéo và xe container vận chuyển trong thế kỷ 20. Ví dụ, chi phí vận chuyển hàng hóa từ Buffalo đến Thành phố New York năm 1817 là 19,12 cent mỗi tấn-dặm; đến năm 1850, chi phí đã giảm xuống còn 1,68 cent mỗi tấn-dặm1. Bởi vì hàng tiêu dùng (và các cấu phần được sử dụng để làm ra chúng) phải được vận chuyển từ nhà máy đến kho hàng rồi đến nhà bán lẻ, bất kỳ sự giảm chi phí vận chuyển nào cũng tạo ra hiệu ứng kép về giá cả trên toàn bộ nền kinh tế2.

Những thay đổi khác trong công nghệ và tổ chức kinh doanh có ảnh hưởng tương tự đối với các mức giá trên toàn nền kinh tế. Những đổi mới về tổ chức trong vận chuyển đường thủy, như dây chuyền đóng gói và mô hình phân phối hub-and-spoke (tạm dịch: trục bánh xe-và-nan hoa) cũng làm giảm chi phí vận chuyển hàng hóa. Công nghệ truyền thông, như điện báo và internet, đã làm giảm chi phí giao dịch bằng cách tối ưu hóa việc tiếp nhận thông tin và phân bổ nguồn lực một cách hiệu quả.

Những đổi mới sáng tạo trong sản xuất, bằng cách giảm chi phí sản xuất những hàng hóa xa xỉ phẩm, cũng tương tự làm giảm giá thành của các hàng hóa trên toàn bộ nền kinh tế. Người La Mã cổ đại đã biết cách sản xuất thép, nhưng phương pháp luyện thép đại trà Bessemer cho phép Vua Thép Andrew Carnegie hạ giá thép xuống thật sâu, làm cho các sản phẩm thép, từ chỗ xa xỉ đã trở thành các mặt hàng gia dụng bình dân (chưa kể việc sử dụng thép trong các đường ray tàu hỏa, các cây cầu, và máy móc cũng đã làm giảm chi phí sản xuất và vận chuyển của cả những hàng hóa không làm từ thép). Và cũng như giao thông vận tải, những đổi mới về tổ chức trong phương thức sản xuất, như các bộ phận có thể thay thế cho nhau và quy trình dây chuyền lắp ráp, đã giúp cho việc sản xuất hàng loạt có thể triển khai cho tất cả các loại hàng tiêu dùng khác nhau.

Tất nhiên, tích lũy tư bản là cần thiết để lan tỏa lợi ích từ những đổi mới sáng tạo này trên toàn bộ nền kinh tế. Bằng cách trì hoãn tiêu dùng và rót tiền tiết kiệm để đầu tư mở rộng các dây chuyền sản xuất, các nhà đầu tư đã tạo ra một vòng lặp (feedback loop) đảm bảo gặt hái được lợi nhuận liên tục từ các công nghệ và các chiến lược tổ chức tân tiến. Ví dụ, Delta có thể đã phát minh ra mô hình trục bánh xe-và-nan hoa như một phương thức vận chuyển tiết kiệm chi phí hơn đối với đường hàng không, nhưng chính những nỗ lực khởi tạo của Frederick Smith và Sam Walton (lần lượt là nhà sáng lập FedEx và Walmart) đã vận dụng ý tưởng này vào vận chuyển hàng hóa. Chỉ bằng cách từ từ tái đầu tư vào doanh nghiệp của mình (và buộc các đối thủ cạnh tranh phải làm tương tự) họ mới có thể tạo ra từng chút lợi nhuận kinh tế một nhưng liên tục.

Các chỉ số giá cả không thể đo lường hệ quả của lạm phát tiền tệ bởi vì áp lực giảm giá mà những đổi mới sáng tạo này tạo ra trong toàn bộ nền kinh tế vận hành độc lập với áp lực làm tăng giá của các chính sách mở rộng tín dụng. Nói cách khác, hệ quả của chính sách mở rộng tiền tệ lớn hơn rất nhiều so với sự tăng lên của mức giá tiêu dùng. Khi chỉ số CPI thấp, chúng ta chỉ phải chi trả cho hàng tiêu dùng nhiều hơn một chút so với năm trước. Nhưng nếu không có lạm phát tiền tệ, chúng ta sẽ trả ít hơn nhiều.

Trên thực tế, đây chính là những gì đã diễn ra trong hầu hết thế kỷ 19, cho tới khi đạo luật về Cục Dự trữ Liên bang đưa ra quy định về một chính sách tiền tệ nhằm bình ổn giá; đấy là một cách nói tích cực về chính sách làm tăng các mức giá mà đáng lẽ ra sẽ giảm khi hạ tầng vốn được mở rộng và năng suất tăng. Đại khái là cái mà chúng ta thấy tăng lên 4% hàng năm trong chỉ số CPI kể từ năm 1971 đáng lẽ phải là một mức giảm 7% giá cả hàng năm (và đáng lưu ý là, điều này không khiến cho tiền công bị giảm ở mức tương ứng, hiện tượng chỉ xảy ra trong trường hợp giảm phát do thu hẹp tiền tệ).

Frédéric Bastiat đã dạy chúng ta xem xét không chỉ những gì được thấy, mà cả những cái không được nhìn thấy khi phân tích hệ quả của chính sách. Chỉ số CPI chỉ đơn thuần là hệ quả có thể thấy được của chính sách mở rộng tiền tệ đối với giá cả, nhưng nó che đậy hệ quả xa hơn mà không thể nhìn thấy được: sự cải thiện mức sống tốt hơn mà lẽ ra có được từ mức giá thấp dần nhờ đổi mới sáng tạo và tích lũy tư bản đã bị mất đi.

Chú thích:

(1) George Rogers Taylor, Cuộc Cách mạng Vận tải, 1815-1860 (New York: Harper Torchbooks, 1951), tr. 137.

(2) Khi tôi mô tả đây là một “hiệu ứng kép”, tôi ngụ ý rằng việc giảm khoảng 2,76% chi phí vận chuyển hàng năm áp dụng cho từng bộ phận được sử dụng để sản xuất một mặt hàng tiêu dùng đơn lẻ. Do đó, sản phẩm cuối cùng sẽ hưởng hiệu quả tích lũy của việc giảm chi phí vận chuyển trong suốt quá trình sản xuất.

Nguồn: Chris Calton, In a Free Economy, Prices Would be Going down, Not Up, Mises Institute, 11/6/2021

 

Dịch giả:
Nguyễn Ngọc Minh Châu
Hiệu đính:
Hoàng Văn Trung