[Cuộc cách mạng ngược trong khoa học] Chủ nghĩa duy khoa học và nghiên cứu về xã hội: Tập thể luận trong chủ nghĩa duy khoa học (phần 6)

[Cuộc cách mạng ngược trong khoa học] Chủ nghĩa duy khoa học và nghiên cứu về xã hội: Tập thể luận trong chủ nghĩa duy khoa học (phần 6)

Gắn bó mật thiết với khách quan luận trong cách tiếp cận duy khoa học là tập thể luận. Đây là khuynh hướng coi các tổng thể như xã hội, nền kinh tế, chủ nghĩa tư bản (như là một “giai đoạn” lịch sử nhất định) hay một ngành, một nhóm hay một quốc gia cụ thể như là những khách thể nhất định, và chúng ta có thể phát hiện ra các quy luật về chúng bằng cách quan sát hành vi của chúng như là những tổng thể. Trong khi, như chúng ta đã thấy, hướng tiếp cận theo chủ quan luận đặc thù của lĩnh vực khoa học xã hội xuất phát từ kiến thức của chúng ta về cái bên trong của các phức thể xã hội này, cái kiến thức về các thái độ của cá nhân tạo thành các phần tử của cấu trúc các phức thể đó, thì khách quan luận của lĩnh vực khoa học tự nhiên lại cố gắng quan sát các phức thể xã hội từ bên ngoài1, tức là nó coi các hiện tượng xã hội chẳng phải là những thứ tại đó tâm trí con người là một cấu phần và nó cũng không tin rằng chúng ta có thể tái dựng lại các nguyên lý ràng buộc cách thức tổ chức của các hiện tượng đó từ các phần tử quen thuộc, mà là những thứ như thể chúng là các khách thể được chúng ta nhận biết trực tiếp như là các tổng thể.

Có khá nhiều lý do giải thích tại sao khuynh hướng này lại thường xuyên xuất hiện ở các nhà khoa học tự nhiên. Họ có thói quen, trước hết, tìm kiếm các loại hiện tượng xuất hiện thường xuyên bằng con đường thực nghiệm trong số các hiện tượng tương đối phức tạp vốn luôn có sẵn để quan sát, và chỉ sau khi họ tìm thấy các hiện tượng xuất hiện thường xuyên như thế họ mới cố gắng giải thích chúng như là những sản phẩm của sự kết hợp từ những phần tử (cấu tử) khác, thường là những thứ thuần túy giả thuyết, mà được giả định là có hành vi tuân theo các quy tắc đơn giản hơn và tổng quát hơn. Do vậy, họ cũng có khuynh hướng tìm kiếm một cách tương tự trong lĩnh vực xã hội, tức là tìm kiếm các hiện tượng xuất hiện thường xuyên bằng con đường thực nghiệm trong hành vi của các phức thể trước khi cảm thấy rằng cần phải có một giải thích lý thuyết. Thêm nữa, từ kinh nghiệm rằng có rất ít các hiện tượng xuất hiện thường xuyên trong hành vi của các cá nhân mà chúng ta có thể tạo dựng được theo một cách thức thực sự khách quan, họ càng quay sang các tổng thể với hy vọng sẽ tìm ra các hiện tượng xuất hiện thường xuyên. Cuối cùng là một ý tưởng còn mù mờ hơn nữa. Đó là: do “các hiện tượng xã hội” là đối tượng nghiên cứu, nên hiển nhiên một quy trình phải khởi đầu từ việc quan sát trực tiếp “các hiện tượng xã hội” này; ở đây sự tồn tại của các thuật ngữ thông dụng như xã hội hay nền kinh tế được xem là các bằng chứng rằng phải có những “khách thể” nhất định nào đó tương ứng với các thuật ngữ đó. Việc trong thực tế tất cả mọi người đều nói về quốc gia hay chủ nghĩa tư bản dẫn đến thứ niềm tin là: bước đầu tiên trong việc nghiên cứu các hiện tượng này là phải đi quan sát xem chúng như thế nào, giống như việc chúng ta cần phải đi quan sát khi nghe ai đó nói về một hòn đá hay loài vật cụ thể nào đó2.

Sai lầm của hướng tiếp cận theo tập thể luận là ở chỗ nó lầm lẫn khi đánh đồng các thực tế với những thứ chẳng qua chỉ là các lý thuyết nhất thời – các mô hình được hình thành trong tâm trí đại chúng để giải thích mối quan hệ giữa một số các hiện tượng cá thể với nhau mà chúng ta quan sát được. Tuy nhiên, như chúng ta đã biết3, điều nghịch lý ở đây là những người bị dẫn dắt bởi định kiến duy khoa học và, do vậy, tiếp cận các hiện tượng xã hội theo cách thức này với mong muốn tránh mọi yếu tố thuần túy chủ quan thông qua việc tự gò mình vào “các dữ kiện khách quan”, sẽ mắc phải sai lầm mà họ đã cố gắng tránh, đó là: xem những thứ vốn chẳng qua chỉ là các lý thuyết đại chúng mơ hồ là các thực tế. Vì thế, một khi họ ít lưu ý đến điều này, họ trở thành nạn nhân của sự ngụy biện theo “thuyết duy thực khái niệm” (conceptual realism) (tương tự như “sự ngụy biện của sự cụ thể hóa không đúng chỗ” do A. N. Whitehead chỉ ra và đã được biết đến rộng rãi).

Thuyết duy thực ở dạng sơ khai giả định một cách thiếu phê phán rằng ở đâu có các khái niệm được sử dụng một cách phổ quát thì ở đó cũng phải tồn tại những “sự vật” nhất định tương ứng với các khái niệm đó. Do thuyết này đã ngấm quá sâu vào tư duy hiện tại về các hiện tượng xã hội nên chúng ta cần phải chủ động tự giải thoát khỏi nó. Trong khi hầu hết mọi người sẵn sàng chấp nhận rằng trong lĩnh vực nghiên cứu xã hội có lẽ tồn tại những khó khăn đặc biệt trong việc phát hiện ra những tổng thể xác định bởi vì chúng ta không có nhiều mẫu thuộc loại này trước đây và do đó không thể phân tách ngay được các tính chất trường tồn khỏi các tính chất thuần túy nhất thời, thì ít người nhận ra được là còn đó một khó khăn hết sức nền tảng: rằng những tổng thể như thế chưa bao giờ tồn tại có sẵn để chúng ta quan sát và chúng đòi hỏi chúng ta phải xây dựng bằng trí tuệ của mình. Chúng không phải là các “thực tế có sẵn”– các dữ liệu khách quan thuộc về một thể loại quen biết, được chúng ta nhận ra hết sức tự nhiên nhờ các tính chất vật lý quen thuộc của chúng. Chúng ta không tài nào có thể nhận biết được chúng từ một giản đồ tâm trí (mental scheme), tức cái chỉ ra mối quan hệ giữa một số các thực tế cá thể mà chúng ta có thể quan sát được. Trong trường hợp chúng ta phải đối mặt với các tổng thể xã hội như thế thì chúng ta không thể nào (như chúng ta làm với lĩnh vực khoa học tự nhiên) bắt đầu từ sự quan sát một số các trường hợp cụ thể, nhờ khả năng nhận thức tự nhiên của chúng ta về các tính chất cảm giác phổ quát, để nhận ra chúng là “các xã hội” hay “các nền kinh tế”, “chủ nghĩa tư bản” hay “các quốc gia”, “ngôn ngữ” hay “các hệ thống pháp luật”, và rồi chỉ sau khi có được tương đối đầy đủ số lượng các trường hợp quan sát thì chúng ta mới bắt tay vào tìm kiếm các quy luật chung mà chúng phải tuân thủ. Các tổng thể xã hội không cung cấp cho chúng ta cái mà chúng ta gọi là “các đơn vị tự nhiên” vốn có thể nhận biết bởi các giác quan của chúng ta tương tự như việc chúng ta nhận ra các bông hoa hay những con bướm, những khoáng chất hay các tia sáng, hoặc thậm chí các cánh rừng hay các tổ kiến. Chúng chưa bao giờ có sẵn cho chúng ta như là những sự vật quen thuộc ngay cả khi chúng ta bắt đầu đặt câu hỏi liệu rằng cái đối với chúng ta trông giống như thế có hành vi theo cùng một cách thức như thế hay không. Các thuật ngữ dùng để chỉ các tập thể mà chúng ta sẵn sàng sử dụng không cho chúng ta biết một cách rõ ràng đâu là những sự vật xác định theo nghĩa những tập thể ổn định của các tính chất cảm giác mà chúng ta có thể nhận ra là thuộc cùng thể loại nếu được kiểm tra kỹ càng; những thuật ngữ này ám chỉ những cấu trúc các mối quan hệ nhất định giữa một số trong rất nhiều các sự vật mà chúng ta có thể quan sát trong phạm vi không gian và thời gian nhất định và có thể lựa chọn bởi vì chúng ta nghĩ rằng chúng ta có thể phân tách các mối quan hệ giữa chúng – các mối quan hệ mà có lẽ hoặc tồn tại hoặc không tồn tại trong thực tế.

Những cái mà chúng ta coi là các trường hợp cụ thể của cùng một tập thể hoặc một tổng thể là các tổ hợp khác nhau của các sự kiện cá thể, trong đó bản thân các sự kiện này có lẽ hoàn toàn khác nhau, nhưng chúng ta lại tin rằng chúng có mối quan hệ với nhau theo cùng một cách thức; chúng [các trường hợp cụ thể của cùng một tập thể] là kết quả của những lựa chọn các phần tử nhất định từ một bức tranh rối rắm dựa trên một lý thuyết về sự cố kết của chúng. Chúng không đại diện cho các sự vật hay các lớp các sự vật nhất định (nếu chúng ta hiểu thuật ngữ sự vật theo bất kỳ nghĩa vật chất hay trực quan nào) mà là cho một mô thức (pattern) hay một trật tự tại đó những sự vật khác nhau có thể có mối quan hệ với nhau – một trật tự không phải là một trật tự không gian và thời gian mà là một trật tự được xác định chỉ bằng các mối quan hệ vốn là các nhìn nhận của người lý giải. Chúng ta rất khó có khả năng nhận biết được trật tự hay mô thức này như là một thực tế vật lý (physical fact) xuất phát từ chính bản thân các mối quan hệ này; và chúng ta chỉ có thể nghiên cứu nó bằng cách xem xét các ngụ ý về sự kết hợp cụ thể của các mối quan hệ. Nói cách khác, các tổng thể mà chúng ta nhắc tới chỉ tồn tại nếu, và ở chừng mực mà, cái lý thuyết mà chúng ta tạo dựng về mối quan hệ giữa các bộ phận của các tổng thể là đúng, và chúng ta chỉ có thể phát biểu một cách tường minh lý thuyết này dưới dạng một mô hình được xây dựng từ các mối quan hệ đó4

Do vậy, nhóm các ngành khoa học xã hội không xử lý các tổng thể “có sẵn”. Thay vào đó, nhiệm vụ của chúng là thiết lập các tổng thể đó bằng cách tạo dựng các mô hình từ các phần tử quen thuộc – các mô hình tái tạo cấu trúc các mối quan hệ giữa một số trong rất nhiều các hiện tượng mà chúng ta luôn quan sát được đồng thời trong đời sống thực. Điều này cũng đúng không kém đối với các khái niệm đại chúng về các tổng thể xã hội được biết đến trong ngôn ngữ đời thường; chúng đều đề cập tới các mô hình tâm trí; nhưng thay vì là một mô tả chính xác chúng truyền tải đơn thuần các gợi ý mơ hồ và mập mờ về cách thức mà các hiện tượng nhất định nối kết với nhau. Đôi khi các tổng thể được thiết lập bởi các ngành khoa học xã hội lý thuyết có thể sẽ tương ứng ở mức độ nào đó với các tổng thể được diễn tả bằng các khái niệm đại chúng bởi việc sử dụng đại chúng đã thành công trong việc phân tách một cách tương đối những cái có ý nghĩa khỏi những cái ngẫu nhiên; đôi khi các tổng thể được thiết lập bởi lý thuyết có thể đề cập tới các nối kết có cấu trúc hoàn toàn mới mà chúng ta chưa hề biết tới khi chưa bắt đầu tiến hành nghiên cứu một cách có hệ thống và chúng chưa hề có tên trong ngôn ngữ đời thường. Các khái niệm hiện nay như “thị trường” hay “vốn” mang nghĩa phổ thông ở một mức độ nhất định tương ứng với các khái niệm tương tự mà chúng ta tạo dựng vì mục đích lý thuyết, mặc dù đối với ngay cả những ví dụ này thì nghĩa phổ thông của chúng vẫn quá mơ hồ, và chúng ta chỉ có thể sử dụng chúng chỉ sau khi đưa ra một định nghĩa chính xác hơn về chúng. Các tổng thể có thể được giữ lại trong nghiên cứu lý thuyết là bởi vì chúng, ngay cả những trường hợp rất thông dụng trên, không còn được dùng để mô tả những vật trực quan cụ thể, được định nghĩa dưới các góc độ thuần túy vật lý; giờ đây chúng bao gồm vô số những sự vật khác nhau, được phân loại vào cùng nhóm với nhau chỉ bởi vì tồn tại một nét tương tự có thể nhận biết được trong cấu trúc các mối quan hệ giữa người và sự vật. Ví dụ, một “thị trường” chẳng còn chỉ mang nghĩa là sự gặp gỡ định kỳ giữa những con người ở một nơi cố định để bày bán cho nhau các sản phẩm trên các kệ gỗ. Giờ đây, nó ám chỉ bất kỳ những sự sắp đặt nào để có được những tiếp xúc đều đặn giữa những người mua và bán tiềm năng về bất kỳ thứ gì có thể mua bán, bất kể đó là các tiếp xúc cá nhân, qua điện thoại hay telegraph, hay qua quảng cáo v.v. và v.v.5

Tuy nhiên, khi chúng ta nói về hành vi của, chẳng hạn, hệ thống giá cả như là một tổng thể và bàn luận về một tổ hợp các thay đổi nối kết nhau khi có một sự sụt giảm mức lãi suất trong những điều kiện nhất định nào đó, chúng ta không đụng chạm tới một tổng thể theo nghĩa thông dụng hoặc hoàn toàn có sẵn; chúng ta chỉ có thể tái dựng lại nó bằng cách theo dõi các phản ứng của rất nhiều cá nhân đối với sự thay đổi ban đầu và các ảnh hưởng tức thì của hệ thống này. Trong trường hợp này, tồn tại một số những thay đổi nhất định nào đó “diễn ra cùng chiều”. Tuy nhiên, những thay đổi hình thành một bộ phận bất kỳ nào đó của tổ hợp mà chúng ta quan tâm lại bị che lấp bởi vô vàn các thay đổi khác vốn luôn xuất hiện đồng thời với chúng trong bất kỳ tình huống cụ thể nào. Nghĩa là chỉ có một số ít các thay đổi tham gia vào việc hình thành một tổ hợp các mối quan hệ liên đới chặt chẽ hơn với nhau, nhưng chúng ta lại không biết được những thay đổi cụ thể này diễn ra đều đặn cùng nhau từ quá trình quan sát. Đấy là điều bất khả và thực ra là bởi vì chúng ta không thể nào xác định được những cái mà trong những hoàn cảnh khác nhau phải được xem như là thuộc về cùng một tập hợp các thay đổi thông qua bất kỳ tính chất vật lý nào của những sự vật. Chúng ta chỉ có thể chắt lọc những khía cạnh nhất định nào đó từ những biểu hiện thái độ của con người đối với các sự vật; và điều này có thể được thực hiện chỉ bởi sự dẫn dắt của các mô hình mà chúng ta tạo dựng nên. Sai lầm trong việc xem xét các tổng thể – những cái chẳng qua chỉ là những kiến dựng và chẳng thể chứa đựng thuộc tính nào ngoại trừ những những cái gắn với cách thức mà chúng ta tạo dựng chúng từ những phần tử nhất định – như là các đối tượng xác định có lẽ đã xuất hiện gần như thường xuyên dưới dạng các lý thuyết khác nhau về một tâm trí “xã hội” hay “tập thể”6. Từ đây, tất cả các loại tưởng là vấn đề (pseudo-problems) được sản sinh. Một ý tưởng giống thế cũng thường xuyên xuất hiện nhưng được che đậy kém hoàn mỹ hơn là việc người ta gán các đặc tính của nhân cách hay cá tính cho xã hội. Dù dưới bất kỳ cái tên nào, những thuật ngữ này luôn mang một nghĩa, đó là thay vì xây dựng các tổng thể từ các mối quan hệ giữa các tâm trí cá nhân mà chúng ta biết được một cách trực tiếp, thì lại xem xét một tổng thể mơ hồ như là một cái gì đó tựa như tâm trí cá nhân. Chính dưới dạng này mà việc sử dụng không hợp lệ các khái niệm nhân cách hóa đã tạo ra những ảnh hưởng tai hại cho lĩnh vực khoa học xã hội tựa như chúng đã từng gây ra trong lĩnh vực khoa học tự nhiên. Một lần nữa, điều đáng lưu ý ở đây là chủ nghĩa thực nghiệm của những nhà thực chứng, những kẻ thù không đội trời chung của các khái niệm nhân cách hóa ngay cả khi chúng nằm đúng vị trí, vẫn luôn là thứ luận thuyết giúp họ dựng nên các thực thể siêu hình như thế và xem xét con người, chẳng hạn như Comte đã làm, như là một “sinh vật xã hội”, một loại siêu nhân. Nhưng, do chẳng còn khả năng nào khác giữa hai khả năng, hoặc thiết lập tổng thể từ các tâm trí cá nhân hoặc dựng nên một tâm trí siêu phàm dưới dạng hình ảnh của tâm trí cá nhân, và do các nhà thực chứng loại bỏ khả năng đầu, nên họ nhất thiết phải theo khả năng thứ hai. Ở đây chúng ta tìm thấy nguồn gốc của một thứ liên minh kỳ quái giữa chủ nghĩa thực chứng thế kỷ XIX và chủ nghĩa Hegelian, nội dung mà chúng ta sẽ xem xét ở phần III.

Những người tiếp cận các hiện tượng xã hội theo cách của tập thể luận đã không còn quá thường xuyên tuyên bố đầy quả quyết giống như cha đẻ của ngành xã hội học, Auguste Comte, nhận định về chúng: giống như sinh vật học, “tổng thể của khách thể tất nhiên được biết đến rõ ràng hơn và dễ dàng hơn”7 so với các bộ phận [của khách thể]. Quan điểm này đã có ảnh hưởng không ngừng đến việc nghiên cứu dựa theo chủ nghĩa duy khoa học về xã hội mà ông ta đã nỗ lực tạo ra. Song, sự so sánh tương tự cụ thể giữa các khách thể của sinh vật học và của xã hội học, vốn rất thích hợp trong hệ thống khoa học của Comte, trong thực tế không hề tồn tại. Trong sinh vật học, chúng ta trước hết phải nhận biết những sự vật thuộc cùng một loại làm các đơn vị tự nhiên, những tổ hợp ổn định của các tính chất cảm giác, để từ đó chúng ta tìm kiếm các trường hợp khác mà chúng ta nhận ra một cách tự nhiên là thuộc cùng loại. Vì thế, chúng ta có thể bắt đầu đặt câu hỏi tại sao những tập hợp các tính chất xác định lại diễn ra đều đặn cùng nhau. Nhưng, khi chúng ta phải xử lý các tổng thể hay các cấu trúc xã hội thì việc quan sát sự tồn tại cùng nhau đều đặn của các thực tế vật lý nhất định nào đó chẳng giúp cho chúng ta biết gì về việc chúng diễn ra cùng nhau hay hình thành một tổng thể. Chúng ta không bắt đầu bằng cách quan sát những bộ phận luôn diễn ra cùng nhau và sau đó mới tìm hiểu xem cái gì gắn kết chúng với nhau; đúng ra chỉ bởi vì chúng ta biết các mối ràng buộc gắn kết chúng với nhau nên chúng ta mới có thể lựa chọn được một số ít các phần tử từ cái thế giới vô cùng phức tạp xung quanh chúng ta để làm các bộ phận cho một tổng thể nối kết.

Rồi chúng ta sẽ thấy ở phần dưới đây, Comte và nhiều người khác nữa còn nhìn nhận các hiện tượng xã hội như là các tổng thể có sẵn theo một nghĩa khác hơn nữa, rằng các hiện tượng xã hội chỉ có thể hiểu được bằng cách xem xét toàn bộ mọi thứ được tìm thấy trong những phạm vi không gian và thời gian nhất định nào đó, và rằng mọi cố gắng lựa chọn những phần hay những khía cạnh được xem là có quan hệ một cách hệ thống với nhau sẽ dẫn đến thất bại. Lập luận dưới dạng này góp phần vào việc khước từ khả năng tồn tại của một lý thuyết về các hiện tượng xã hội trong, chẳng hạn, kinh tế học, và trực tiếp dẫn đến cái được gọi bằng một cái tên sai lệch “phương pháp lịch sử” vốn, thực ra, có mối liên hệ chặt chẽ với tập thể luận về phương pháp nghiên cứu. Chúng ta sẽ bàn về quan điểm này ở phần dưới đây dưới tiêu đề duy sử luận.

Vì thế, nỗ lực muốn thấu hiểu các hiện tượng xã hội như là các tổng thể tìm thấy cách thể hiện đặc trưng nhất của nó trong mong muốn có được một cái nhìn từ xa và toàn diện để [có thể] hy vọng rằng các hiện tượng xuất hiện thường xuyên mà không rõ ràng khi quan sát gần sẽ tự bộc lộ ra. Bất kể đó là quan niệm của một người quan sát từ một hành tinh xa xôi nào khác, vốn luôn được các nhà thực chứng từ Condorcet tới Mach ưa thích8, hay đó là một nỗ lực khảo cứu về một quãng thời gian vô cùng dài của lịch sử với hy vọng các cấu hình không đổi hay các hiện tượng xuất hiện thường xuyên sẽ tự bộc lộ ra, thì đấy luôn là loại nỗ lực tách rời khỏi tri thức bên trong của chúng ta về các vấn đề con người và tìm kiếm một quan niệm thuộc về loại mà, như được giả định, sẽ được chế ngự bởi một kẻ nào đó, vốn chẳng phải tự thân là một con người, nhưng lại có vị thế đối với con người giống như chúng ta có vị thế đối với thế giới bên ngoài.

Cái nhìn từ xa và toàn diện này về các vấn đề con người mà cách tiếp cận duy khoa học hướng tới hiện nay thường được biết đến với cái tên “cái nhìn vĩ mô” (macroscopic view). Có lẽ tốt hơn nên gọi nó là cách nhìn viễn vọng (nghĩa đơn giản là cái nhìn từ xa – trừ phi đó là cái nhìn qua kính viễn vọng) vì mục đích của nó là chủ động bỏ qua những cái mà chúng ta chỉ có thể thấy được từ bên trong. Trong cái “vĩ thể” mà cách tiếp cận này muốn thấy, và trong các lý thuyết “vĩ mô động” mà nó cố gắng tạo ra, các phần tử không còn là những con người cá thể mà là các tập thể, các cấu hình không đổi, mà, như được giả định ngay từ đầu, có thể được định nghĩa và mô tả thuần túy dưới các góc độ vật lý.

Tuy nhiên, niềm tin rằng cái nhìn tổng thể sẽ cho phép chúng ta phân biệt được các tổng thể bằng các tiêu chuẩn khách quan tỏ rõ chỉ là ảo tưởng trong hầu hết các trường hợp. Điều này trở nên rõ ràng ngay khi chúng ta cố gắng hình dung xem cái vĩ thể bao gồm cái gì nếu giả dụ chúng ta thực sự phải bỏ qua tri thức của mình về ý nghĩa mà những sự vật mang đến cho người hành động, và nếu giả dụ chúng ta đơn thuần chỉ quan sát các hành động của con người như cách chúng ta quan sát một tổ kiến hay một tổ ong. Trong bức tranh mà một nghiên cứu như vậy tạo ra sẽ không thể có những thứ như phương tiện hay công cụ, hàng hóa hay tiền tệ, tội phạm hay trừng phạt, hoặc từ ngữ hay câu cú; nó có thể chứa đựng chỉ các khách thể vật lý được định nghĩa hoặc bằng các tính chất cảm giác mà chúng đem đến cho người quan sát hoặc thậm chí thuần túy bằng các yếu tố quan hệ. Và do hành vi con người hướng tới các khách thể vật lý trong thực tiễn sẽ chẳng biểu hiện thành những hiện tượng xuất hiện thường xuyên nào cho một người quan sát như vậy, do con người trong phần lớn các trường hợp sẽ không có biểu hiện phản ứng theo cùng một cách thức với những sự vật mà đối với người quan sát là giống nhau, hoặc lại không khác nhau đối với cái theo anh ta là khác nhau, nên anh ta không thể hy vọng có thể có được lời giải thích cho các hành động của người hành động trừ phi anh ta trước hết phải thành công trong việc tái dựng lại một cách chi tiết cách thức mà các giác quan và tâm trí của người hành động hình dung ra về thế giới bên ngoài của mình. Nói cách khác, một nhà quan sát tài ba từ sao Hoả, trước khi có thể hiểu các hiện tượng trong thế giới con người chỉ ở mức độ như người bình thường hiểu, sẽ phải tái dựng lại từ hành vi của chúng ta những dữ liệu thường trực xuất hiện trong tâm trí của chúng ta, những loại mà đối với chúng ta tạo thành điểm khởi đầu của bất kỳ quá trình lý giải hành động con người nào.

Việc chúng ta thường không nhận ra các khó khăn mà một người quan sát phải đối mặt khi không sở hữu tâm trí con người là bởi vì chúng ta chưa khi nào hình dung một cách nghiêm túc về khả năng mà một sinh vật nào đó quen thuộc với chúng ta lại có được những cảm nhận hoặc tri thức mà chúng ta không có. Bất kể đúng hay sai, chúng ta có xu hướng giả định rằng các tâm trí khác mà chúng ta bắt gặp có thể khác với của chúng ta chỉ bởi vì chúng thấp kém hơn của chúng ta, vì thế mọi thứ mà họ nhận ra hoặc biết được thì chúng ta cũng có thể nhận ra hoặc biết được. Cách duy nhất để chúng ta hình thành một ý tưởng tàm tạm về vị thế của chúng ta trong trường hợp chúng ta phải đối diện với một cơ thể cũng phức tạp như của chúng ta nhưng lại được tổ chức dựa theo một nguyên lý khác đến nỗi chúng ta không thể tái dựng được hoạt động của nó bằng cách so sánh tương tự với tâm trí của chính chúng ta là: hãy hình dung ra tình huống tại đó chúng ta phải nghiên cứu hành vi của những người được trang bị một loại tri thức ưu việt hơn của chúng ta. Ví dụ, nếu như chúng ta phát triển được một trình độ khoa học hiện đại nhưng vẫn bị bó hẹp ở trong một khu vực nào đó trên hành tinh chúng ta, và sau đó tiếp xúc với những nơi khác trên hành tinh mà có những cư dân có trí tuệ ưu việt hơn, thì rõ ràng là chúng ta không thể hy vọng hiểu được một số lớn các hành động của họ chỉ đơn thuần bằng việc quan sát xem họ làm gì, thay vì học hỏi trực tiếp họ. Chúng ta sẽ không thể nào có được tri thức của họ nếu chúng ta chỉ dừng lại ở việc quan sát họ hành động như thế nào. Chúng ta chỉ có được tri thức đó nếu như chúng ta được họ truyền đạt cho, và chỉ nhờ tri thức đó chúng ta mới có thể hiểu được các hành động của họ. 

Còn một lập luận nữa ủng hộ xu hướng xem xét các hiện tượng xã hội “từ bên ngoài” và chúng ta xem xét nó một cách tóm tắt ở đây. Lập luận này, vốn thực sự khác hẳn, nhưng lại dễ bị nhầm lẫn với tập thể luận về phương pháp nghiên cứu mà chúng ta đã nói tới. Ai đó có thể đặt câu hỏi chẳng phải các hiện tượng xã hội từ định nghĩa của chúng là các hiện tượng số đông đó sao, và do vậy, chẳng phải hiển nhiên là chúng ta có thể hy vọng khám phá các hiện tượng xuất hiện thường xuyên trong chúng bằng cách sử dụng phương pháp, chẳng hạn thống kê học, được phát triển để nghiên cứu các hiện tượng số đông hay sao? Điều này tất nhiên đúng đối với việc nghiên cứu các hiện tượng nhất định nào đó, chẳng hạn các hiện tượng tạo thành đối tượng của thống kê dân số, và các hiện tượng, như chúng ta đã đề cập trước đây, thỉnh thoảng được mô tả như là các hiện tượng xã hội, mặc dù bản chất của chúng khác hẳn với các hiện tượng mà chúng ta quan tâm ở đây.

Để cho dễ hiểu chúng ta so sánh bản chất của các tổng thể thống kê này, loại tổng thể mà thỉnh thoảng chúng ta vẫn dùng từ tập thể để thể hiện, với bản chất của các tổng thể hay tập thể mà chúng ta phải xử lý trong nhóm các ngành khoa học xã hội lý thuyết. Nghiên cứu thống kê quan tâm tới các tính chất của các cá thể. Đấy không phải là các tính chất của các cá thể cụ thể mà là các tính chất chúng ta biết tới chỉ như là của một phần nhất định, với số lượng xác định trong tổng số tất cả các cá thể của “tập thể” hay “dân số” của chúng ta. Để tạo thành một tập thể thống kê thực sự từ bất kỳ một tập hợp các cá thể nào thì các tính chất của các cá thể mà có tần suất phân phối nằm trong phạm vi nghiên cứu của chúng ta phải nhất thiết không được có quan hệ với nhau một cách hệ thống, hoặc ít nhất chúng ta phải không biết gì về một mối quan hệ như thế trong quá trình lựa chọn các cá thể để hình thành “tập thể”. Các tập thể của thống kê học, mà dựa vào đó chúng ta nghiên cứu về các hiện tượng xuất hiện thường xuyên tạo ra bởi “quy luật các số lớn”, do vậy dứt khoát không phải là các tổng thể theo nghĩa chúng ta mô tả các cấu trúc xã hội như là các tổng thể. Chúng ta có thể nhận biết điều này rõ ràng qua thực tế là các thuộc tính của các tập thể trong nghiên cứu thống kê phải không bị ảnh hưởng khi chúng ta lựa chọn ngẫu nhiên một phần nhất định các phần tử từ tổng số các phần tử. Thay vì xem xét các cấu trúc hay các mối quan hệ, thống kê học bỏ qua một cách chủ động và hệ thống các mối quan hệ giữa các phần tử cá thể. Xin nhắc lại, thống kê học quan tâm tới các thuộc tính của các phần tử trong một tập thể [nhất định]. Đấy không phải là các thuộc tính của các phần tử cụ thể mà là tần suất mà các phần tử mang một số các thuộc tính nhất định xuất hiện trong tổng số các phần tử. Và, hơn thế, nó còn giả thiết rằng các thuộc tính này phải không được gắn kết với nhau một cách có hệ thống theo những cách khác nhau khiến cho các phần tử có quan hệ với nhau.

Hệ quả của điều này là: trong nghiên cứu thống kê về các hiện tượng xã hội, những cấu trúc vốn được các ngành khoa học xã hội quan tâm trong thực tế bị biến mất. Thống kê học có thể cung cấp cho chúng ta rất nhiều thông tin thú vị và quan trọng về những thứ chúng ta xem là chất liệu thô để giúp chúng ta tái tạo lại những cấu trúc này, nhưng lại chẳng cho chúng ta biết gì về bản thân các cấu trúc đó. Chúng ta có thể thấy điều này gần như là hiển nhiên khi nhắc tới bất kỳ một lĩnh vực nghiên cứu xã hội nào đó. Hầu như không thể bác bỏ được việc thống kê các từ ngữ chẳng cho chúng ta biết gì về cấu trúc của một ngôn ngữ. Điều này cũng đúng chẳng kém với các tổng thể được nối kết một cách có hệ thống, chẳng hạn hệ thống giá cả, mặc dù người ta đôi khi đưa ra nhận định trái ngược. Không có thông tin thống kê nào về các phần tử có thể giải thích cho chúng ta các thuộc tính của các tổng thể nối kết. Các nghiên cứu thống kê có thể tạo ra tri thức về các thuộc tính của các tổng thể chỉ khi chúng xử lý các tổng thể thống kê mà bản thân các phần tử của các tổng thể này cũng lại là các tổng thể, nghĩa là nếu như chúng ta có thông tin thống kê về các thuộc tính của nhiều ngôn ngữ, nhiều hệ thống giá cả v.v… Nhưng ngoài các khó khăn thực tiễn về số lượng hạn chế các trường hợp mà chúng ta biết, còn có một trở ngại nghiêm trọng hơn nhiều trong việc nghiên cứu thống kê các tổng thể này: thực tế là, như chúng ta đã trình bày, những tổng thể này và các thuộc tính của chúng không có sẵn để chúng ta quan sát, chúng ta phải thiết lập hay tổng hợp chúng từ các bộ phận của chúng.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là lập luận của chúng ta ở trên đúng cho mọi nghiên cứu mang cái tên thống kê học trong các ngành khoa học xã hội. Rất nhiều cái được mô tả là thống kê thực ra không phải là thống kê theo nghĩa hiện đại của thuật ngữ này; nó không xử lý các hiện tượng số đông nào cả, và chỉ mang cái tên thống kê theo nghĩa rộng hơn và cổ điển hơn của từ này, theo đó nó được dùng để cung cấp các thông tin mô tả về nhà nước hay xã hội. Mặc dù ngày nay thuật ngữ này được sử dụng chỉ ở nơi mà các dữ liệu mô tả mang bản chất lượng hóa, thì chúng ta vẫn không được phép nhầm lẫn nó với khoa học về thống kê theo nghĩa hẹp hơn. Hầu hết các thống kê kinh tế mà chúng ta bắt gặp hằng ngày, chẳng hạn thống kê về thương mại, các số liệu về sự thay đổi các mức giá cả, và hầu hết “chuỗi thời gian” hay thống kê về “thu nhập quốc gia” không phải là các dữ liệu mà chúng ta có thể áp dụng loại phương pháp vốn thích hợp cho việc nghiên cứu các hiện tượng số đông để xử lý. Chúng chỉ là các “đại lượng” và thường là các đại lượng thuộc về loại được đề cập tới trong phần cuối của chương 5 ở trên. Nếu chúng đề cập tới những hiện tượng quan trọng nào đó chúng có thể là những thông tin rất thú vị về các điều kiện tồn tại ở một thời điểm cụ thể nào đó. Nhưng, không giống như thống kê học theo nghĩa hẹp, cái thực ra có thể giúp chúng ta phát hiện ra các hiện tượng xuất hiện thường xuyên quan trọng trong thế giới xã hội (mặc dù đây là các hiện tượng xuất hiện thường xuyên về một loại trật tự hoàn toàn khác so với những cái mà các ngành khoa học lý thuyết về xã hội xem xét), không có lý do gì khiến chúng ta phải kỳ vọng rằng những đại lượng này sẽ bộc lộ cho chúng ta một cái gì đó có ý nghĩa vượt quá địa điểm và thời gian cụ thể mà chúng được tạo ra. Tất nhiên, việc chúng không tạo ra được sự tổng quát hóa không có nghĩa là chúng không hữu dụng. Thậm chí chúng rất hữu dụng nữa là đằng khác. Chúng thường cung cấp cho chúng ta dữ liệu mà các tổng quát hóa lý thuyết của chúng ta phải được lồng vào để trở thành một ứng dụng thực tiễn nào đó. Chúng là một trường hợp của lịch sử về một tình huống cụ thể nào đó mà ý nghĩa của nó là cái chúng ta phải tìm hiểu trong các chương tiếp theo.

Chú thích:

(1) Việc mô tả sự đối sánh giữa một bên là cách nhìn từ bên trong và một bên là cách nhìn từ bên ngoài, dù tất nhiên là ẩn dụ, gây ra hiểu lầm ít hơn so với các ẩn dụ theo kiểu như thế thường gây ra, và có lẽ đây là con đường ngắn nhất để chỉ ra bản chất của sự đối sánh này. Nó cho chúng ta biết rằng cái mà chúng ta biết được một cách trực tiếp về các phức thể xã hội chỉ là những bộ phận, và rằng tổng thể là cái không bao giờ nhận biết được một cách trực tiếp, mà là cái luôn được tái dựng lại bằng nỗ lực tưởng tượng của chúng ta.

(2) Tất nhiên sẽ là sai lầm khi tin rằng khuynh hướng bẩm sinh của nghiên cứu viên về các hiện tượng xã hội là phải ít “đi quan sát”. Anh ta cần trải qua nhiều kinh nghiệm để hiểu được rằng việc quan sát trực tiếp các tổng thể, điều mà ngôn ngữ đời thường gợi cho biết là tồn tại, không dẫn anh ta đi tới đâu cả. Thực ra, một trong những phương châm đầu tiên mà một nghiên cứu viên về các hiện tượng xã hội cần phải học là không bao giờ nói “xã hội” hay “quốc gia” như là một cái gì đó đang hành động hoặc thể hiện theo một cách thức nhất định nào đó, mà phải luôn nghĩ rằng chỉ có các cá nhân mới hành động.

(3) Xem các trang 62-63 của cuốn sách này.

(4) Xem F. Kaufmann, “Soziale Kollektiva,” Zeitschrift für Nationalökonomie 1 (1930).

(5) Cần phải lưu ý là mặc dù sự quan sát có thể giúp chúng ta hiểu được người ta sử dụng các thuật ngữ với hàm ý gì, nó có thể không bao giờ cho chúng ta biết “thị trường”, “vốn” v.v… thực sự là cái gì; nghĩa là nó không thể cho chúng ta biết đâu là các mối quan hệ quan trọng mà chúng ta cần tách ra và đưa vào trong một mô hình nào đó.

(6) Về tổng thể vấn đề này, xem M. Ginsberg, The Psychology of Society (1921), chap. 4. Tất nhiên nội dung được đề cập trong bản văn không loại trừ khả năng rằng nghiên cứu của chúng ta về cách thức mà các tâm trí cá nhân tương tác có thể sẽ bộc lộ cho chúng ta một cấu trúc vận hành theo một số khía cạnh nhất định tương tự như tâm trí của cá nhân. Và, có lẽ là thuật ngữ tâm trí tập thể sẽ là thuật ngữ phù hợp nhất để mô tả cấu trúc như vậy – mặc dù hầu như không chắc rằng liệu các ưu điểm của việc sử dụng thuật ngữ này có mang lại nhiều hữu dụng hơn so với các nhược điểm của nó. Nhưng ngay cả trong trường hợp này, việc sử dụng thuật ngữ này cần phải không khiến chúng ta nghĩ rằng nó mô tả một khách thể có thể quan sát nào đó mà chúng ta có thể nghiên cứu trực tiếp được.

(7) Cours de philosophie positive, 4th ed., vol. 4, p. 258.

(8) Cf. Ernst Mach, Erkenntnis und Irrtum, 3d ed. (1917), p. 28. Tuy nhiên, ở đây ông chỉ ra một cách đúng đắn rằng: “Nếu giả sử chúng ta có thể quan sát con người từ khoảng cách rất xa, từ tầm chim bay, từ mặt trăng, ắt những chi tiết tinh vi – cùng với những ảnh hưởng do những trải nghiệm cá nhân gây ra – sẽ tiêu biến hết, và chắc hẳn ta sẽ không thấy gì hơn ngoài những con người đang lớn dần lên, đang tự nuôi sống mình và sinh con đẻ cái theo một quy tắc nhất định”.

Nguồn: Friedrich A. Hayek, Cuộc cách mạng ngược trong khoa học: Các nghiên cứu về sự lạm dụng lý tính, NXB Tri Thức, 2007