Sung công và trợ cấp (Phần 3/3)

Sung công và trợ cấp (Phần 3/3)

3. Những hoạt động công ích phi lợi nhuận và các khoản trợ cấp

Các nhà khởi tạo kinh doanh chỉ thực hiện những dự án hứa hẹn mang lại lợi nhuận. Điều này có nghĩa là họ cố gắng sử dụng những phương tiện sản xuất khan hiếm để thỏa mãn những yêu cầu cấp bách nhất trước, và sẽ không dành phần tư bản và lao động nào cho những nhu cầu ít cấp thiết một khi nhu cầu cấp thiết hơn chưa được thỏa mãn.

Nếu chính phủ can thiệp nhằm triển khai một dự án có nguy cơ thua lỗ thay vì mang lại lợi nhuận, khi đó trong dư luận người ta sẽ chỉ nói về sự cấp thiết phải đáp ứng nhu cầu mà sự can thiệp của chính phủ mang lại; chúng ta không thấy ai nói đến những nhu cầu không được thỏa mãn bởi chính phủ đã tác động làm cho các phương tiện đáng lẽ dùng thể thỏa mãn chúng bị chệch đi theo hướng khác. Mọi người chỉ quan tâm đến những thành quả mà hoạt động của chính phủ mang lại, trong khi không đếm xỉa gì đến chi phí để tiến hành chúng.

Nhà kinh tế không có nhiệm vụ nói với mọi người nên làm cái gì và sử dụng nguồn lực của họ như thế nào. Nhưng nhà kinh tế có nhiệm vụ hướng sự quan tâm của mọi người đến chi phí. Đây là điều phân biệt anh ta với một kẻ bất tài luôn chỉ nói về những kết quả mà sự can thiệp mang lại, không bao giờ nói về những thứ mà nó lấy đi.

Ví dụ, hãy xem xét một trường hợp mà hiện nay chúng ta có thể đánh giá khách quan bởi nó là vấn đề của quá khứ, mặc dù không phải quá khứ quá xa. Đề xuất về một tuyến đường sắt, mặc dù việc xây dựng và vận hành nó không hứa hẹn mang lại lợi nhuận, trở nên khả thi nhờ trợ cấp chính phủ. Có thể tuyến đường sắt không mang lại lợi nhuận theo nghĩa thông thường và vì thế nó không hấp dẫn đối với các nhà khởi tạo kinh doanh và những nhà tư bản, nhưng nó sẽ đóng góp vào sự phát triển của toàn bộ khu vực. Nó sẽ thúc đẩy thương mại, ngoại thương, và nông nghiệp và do đó đóng góp quan trọng cho sự tiến bộ của nền kinh tế. Cần phải cân nhắc toàn bộ các yếu tố này này nếu muốn đánh giá giá trị của việc xây dựng và vận hành tuyến đường sắt này dựa trên chuẩn mực cao hơn so với chỉ đánh giá dựa trên yếu tố lợi nhuận. Từ quan điểm về quyền lợi cá nhân, có thể không nên khuyến khích việc xây dựng tuyến đường sắt. Nhưng từ quan điểm phúc lợi quốc gia nó lại mang đến nhiều lợi ích.

Đây là một lập luận hoàn toàn sai lầm. Đương nhiên, không thể phủ nhận rằng dân cư khu vực mà tuyến đường sắt chạy qua sẽ hưởng lợi. Hay nói chính xác hơn, nó mang đến lợi thế cho những người chủ đất của khu vực này và cho các nhà đầu tư vào đó, những người không thể chuyển vốn đầu tư sang một nơi nào khác mà không tránh khỏi mất mát. Nhiều người nói rằng tuyến đường sắt sẽ thúc đẩy các động lực sản xuất tại những khu vực nó chạy qua. Nhà kinh tế phải trình bày điều này theo cách khác: Nhà nước lấy tiền của những người đóng thuế để trợ cấp cho việc xây dựng, duy trì và vận hành tuyến đường sắt mà, nếu không có sự hỗ trợ này, nó không thể được xây dựng và vận hành. Các khoản trợ cấp này đã dịch chuyển một phần sản xuất từ những vùng có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho sản xuất đến những vùng có điều kiện tự nhiên kém hơn. Việc canh tác đất đai, nếu cân nhắc đến khoảng cách từ nó đến những trung tâm tiêu dùng và độ kém màu mỡ của nó, không thể mang lại lợi nhuận trừ khi có sự tài trợ gián tiếp vào hệ thống vận chuyển; đó là khoản chi phí mà nó không thể có đóng góp tương xứng. Đương nhiên, những khoản trợ cấp này vẫn đóng góp vào phát triển kinh tế của một khu vực hơn là khi không có sự đầu tư nào. Nhưng sự gia tăng sản xuất trong một vùng của quốc gia như vậy, vốn có được nhờ đặc quyền từ chính sách xây dựng tuyến đường sắt của chính phủ, cần được so sánh với gánh nặng đặt lên sản xuất và tiêu dùng tại những vùng khác của quốc gia, tức những nơi phải gánh chịu chi phí cho chính sách của chính phủ. Những vùng đất nghèo nàn hơn, ít màu mỡ hơn và xa xôi hơn đang được trợ cấp không thông qua chính sách thuế, mà là qua việc tạo gánh nặng cho việc sản xuất tại những vùng đất tốt hơn hoặc bắt người tiêu dùng phải trực tiếp hy sinh lợi ích. Những doanh nghiệp tại vùng ít thuận lợi hơn sẽ có khả năng mở rộng sản xuất, nhưng những doanh nghiệp tại những khu vực thuận lợi hơn sẽ phải hạn chế sản xuất. Ai đó có thể xem điều này là một “sự công bằng” hay thiết thực về mặt chính trị, nhưng không nên mù quáng khi tin rằng nó sẽ làm tăng tổng mức độ thỏa mãn; trái lại nó làm giảm tổng mức độ thỏa mãn.

Không nên cho rằng sự gia tăng sản xuất tại một vùng nhờ có tuyến đường sắt được trợ cấp là một “lợi thế trên bình diện phúc lợi quốc gia”. Những lợi thế này rốt cuộc chỉ là việc nhiều doanh nghiệp sẽ có thể hoạt động tại những vùng không có triển vọng. Những đặc ân mà nhà nước mang lại cho các doanh nghiệp này một cách gián tiếp thông qua tài trợ cho các tuyến đường sắt không khác so với những đặc quyền mà nhà nước mang lại cho các doanh nghiệp kém hiệu quả hơn. Rốt cuộc thì hiệu ứng cũng là như nhau, bất kể nhà nước trợ cấp hay tạo đặc quyền cho, ví dụ, hoạt động kinh doanh của một thợ chữa giày, nhằm giúp anh ta cạnh tranh được với những người sản xuất giày, hay nhà nước trợ giúp cho một khu đất, mà vị trí của nó không có nhiều khả năng cạnh tranh, bằng cách trả chi phí vận chuyển cho những sản phẩm sản xuất trên khu đất đó.

Liệu nhà nước nên tự điều hành doanh nghiệp không có lợi nhuận hay liệu nhà nước nên trợ cấp cho doanh tư nhân để theo đuổi một hoạt động kinh doanh không có lợi nhuận, không phải là vấn đề quan trọng. Hiệu ứng đối với cộng đồng trong cả hai trường hợp là giống nhau. Phương pháp cung cấp các khoản trợ cấp cũng không quan trọng. Việc trợ cấp cho một nhà sản xuất không hiệu quả, giúp anh ta có thể sản xuất hay gia tăng sản xuất của mình, hay trợ cấp cho một nhà sản xuất hiệu quả hơn để yêu cầu anh ta không sản xuất nữa hay hạn chế sản xuất, đều không quan trọng. Liệu trả tiền thưởng cho việc sản xuất hay cho việc không sản xuất, liệu chính phủ có nên mua những sản phẩm để giữ chúng khỏi bị đưa ra thị trường, cũng chẳng phải là vấn đề. Trong mọi trường hợp người dân đều phải trả hai lần – một lần với vai trò là người đóng thuế phải trả gián tiếp trả cho các khoản trợ cấp, và một lần với vai trò là người tiêu dùng phải trả giá cao hơn cho những sản phẩm họ mua và cho việc suy giảm tiêu dùng.

4. Nhà khởi tạo kinh doanh “vị tha”

Khi “những người tự nhận là cấp tiến” sử dụng từ lợi nhuận họ dùng nó với giọng mỉa mai. Họ muốn loại bỏ hoàn toàn lợi nhuận. Theo quan điểm của họ, nhà khởi tạo kinh doanh nên phục vụ con người một cách vị tha, không hướng đến lợi nhuận. Anh ta hoặc là không nhận được gì, hoặc nếu hoạt động kinh doanh của anh ta thành công, thì nên bằng lòng với một biên lợi nhuận nhỏ sau khi đã trừ đi chi phí thực tế. Việc nhà khởi tạo kinh doanh có thể phải gánh chịu những khoản thua lỗ thì không thấy ai phản đối.

Nhưng định hướng lợi nhuận của những hoạt động khởi tạo kinh doanh chính xác là những gì mang lại ý nghĩa và định hướng cho nền kinh tế thị trường dựa trên sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất. Loại bỏ động cơ lợi nhuận đồng nghĩa với việc làm cho nền kinh tế thị trường trở nên hỗn loạn.

Chúng ta đã phân tích về sự sung công lợi nhuận và hậu quả của hành động đó. Bây giờ, chúng ta thảo luận về việc giới hạn lợi nhuận theo một tỷ lệ xác định với chi phí. Nếu nhà khởi tạo kinh doanh nhận được nhiều hơn, chi phí của anh ta sẽ tăng lên, động cơ để sản xuất càng ít tốn kém càng tốt sẽ thay đổi theo chiều ngược lại. Mọi nỗ lực giảm chi phí sản xuất sẽ làm giảm phần lợi nhuận anh ta được hưởng; chi phí sản xuất gia tăng đồng nghĩa với việc anh ta được hưởng thu nhập nhiều hơn. Chúng ta không nên mặc nhiên xem đấy là động cơ nham hiểm của nhà khởi tạo kinh doanh. Chúng ta cần phải hiểu sự cắt giảm chi phí sản xuất có mối quan hệ với hoạt động khởi tạo kinh doanh như thế nào.

Nói chung nhà khởi tạo kinh doanh có thể cắt giảm chi phí theo hai cách: (i) cẩn trọng hơn khi mua nguyên liệu thô và các bán thành phẩm, và (ii) tiếp nhận những phương pháp sản xuất hiệu quả hơn. Cả hai cách đều bao hàm rủi ro lớn, đòi hỏi phải vận dụng trí thông minh cùng với khả năng nhìn thấy trước tương lai. Giống như tất cả các hoạt động khác của nhà khởi tạo kinh doanh, cân nhắc liệu nên mua ở thời điểm hiện tại hay nên đợi thêm một thời gian nữa, đều là sự suy đoán về một tương lai không chắc chắn. Nhà khởi tạo kinh doanh mà phải gánh chịu hoàn toàn thua lỗ, nhưng chỉ được nhận một phần thành công, tức phần anh ta được hưởng tăng theo sự gia tăng chi tiêu, sẽ có vị trí khác với nhà khởi tạo kinh doanh được nhận toàn bộ lợi nhuận hoặc chịu toàn bộ chi phí.Thái độ của anh ta với rủi ro thị trường về cơ bản sẽ thay đổi. Anh ta sẽ có xu hướng mua với giá thị trường cao hơn so với nhà khởi tạo kinh doanh trong nền kinh tế tự do. Điều tương tự cũng đúng với những cải tiến phương pháp sản xuất. Chúng đều luôn rất rủi ro; đó là những khoản đầu tư thêm cần thiết phải tiến hành nhưng không thể nói trước một cách chắc chắn rằng chúng sẽ cho lãi. Tại sao một nhà khởi tạo kinh doanh lại phải tận dụng cơ hội nếu như anh ta sẽ bị trừng phạt bằng cách cắt giảm phần anh ta nhận được trong trường hợp thành công?

Nguồn: Ludwig von Mises, Interventionism: An Economic Analysis, Edited by Bettina Bien Greaves, FEE, 1998

Dịch giả:
Vũ Minh Long
Hiệu đính:
Đinh Tuấn Minh
Biên tập:
Greaves, Bettina Bien