P/v ông Phạm Thế Anh: Hỗ trợ nền kinh tế thời Covid-19, lựa chọn và ưu tiên như thế nào?

P/v ông Phạm Thế Anh: Hỗ trợ nền kinh tế thời Covid-19, lựa chọn và ưu tiên như thế nào?

Cho đến nay, ngoài gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỉ đồng đang được các ngân hàng thương mại (NHTM) triển khai và gói hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp khó khăn vì dịch Covid-19 trị giá 61.580 tỉ đồng vừa được Thủ tướng Chính phủ ký thông qua, thì còn các gói hỗ trợ khác đang trong giai đoạn soạn thảo, lấy ý kiến, như gói hỗ trợ tài khóa (dự thảo nghị định về việc gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất) do Bộ Tài chính chủ trì.

Trên tinh thần khẩn cấp chống suy giảm kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội bên cạnh phòng chống dịch bệnh, lựa chọn và ưu tiên trong việc thực hiện các chính sách hỗ trợ này nên như thế nào? Thời báo Kinh tế Sài Gòn (TBKTSG) trao đổi với PGS.TS. Phạm Thế Anh - Kinh tế trưởng của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR).

- TBKTSG: Đánh giá của ông về gói hỗ trợ tài khóa mà Bộ Tài chính đang soạn thảo, nó có tác dụng gì nhiều đối với doanh nghiệp đang rất khó khăn hiện nay không? So sánh với các gói hỗ trợ khác (tín dụng, an sinh xã hội) thì tác động của nó như thế nào?

- Chính sách hoãn nộp thuế giá trị gia tăng hay thuế thu nhập mà Bộ Tài chính đưa ra chủ yếu nhắm vào những doanh nghiệp vẫn còn đang hoạt động được, tức là bị ảnh hưởng một phần nên họ vẫn có doanh thu, vẫn còn tạo ra thu nhập,... nên vẫn có thể chịu thuế.

Còn đối với những doanh nghiệp bị dừng hoạt động gần như hoàn toàn như khu nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà hàng, hàng không, giáo dục tư thục,... thì các chính sách hoãn, giãn thuế này không tác động tới họ được bởi họ không có hoạt động, không phát sinh doanh thu hay lợi nhuận, do vậy không chịu thuế.

Ngoài ra, hoãn nộp tiền thuế đất có thể giúp các doanh nghiệp (cả còn hoạt động và tạm ngừng) tạm thời giãn được gánh nặng chi phí. Tuy nhiên, nó không giúp một doanh nghiệp từ đang ngừng hoạt động trở lại hoạt động được.

Tóm lại, những biện pháp này chủ yếu giúp những doanh nghiệp đang còn hoạt động có thêm nguồn vốn lưu động tạm thời để có thể chống đỡ tốt hơn với suy giảm kinh tế.

Các chính sách ưu đãi tín dụng hay an sinh xã hội (như hoãn đóng bảo hiểm xã hội) cũng là những cách để doanh nghiệp có thêm nguồn vốn tạm thời để tiếp tục sản xuất kinh doanh, hoặc giảm bớt gánh nặng chi phí trong thời gian phải ngừng hoạt động.

- Nhiều doanh nghiệp đặt vấn đề sao không miễn, giảm thuế sẽ thiết thực hơn mà chỉ hoãn nộp, mà sao chỉ hoãn có... năm tháng (như đối với thuế giá trị gia tăng)? Quan điểm của ông giữa việc hoãn và miễn, giảm nộp thuế trực tiếp?

- Vấn đề miễn hẳn thuế với những doanh nghiệp còn hoạt động kinh doanh có thể chưa cấp bách bằng việc trợ cấp an sinh cho những đối tượng bị ảnh hưởng nặng hơn (doanh nghiệp phải đóng cửa hoàn toàn, lao động mất việc). Trong điều kiện ngân sách hạn hẹp thì Chính phủ phải lựa chọn giải pháp nào cần thiết hơn để thực hiện.

Việc đặt thời hạn hoãn theo từng giai đoạn theo các kịch bản của dịch bệnh tôi nghĩ là phù hợp. Sau thời gian ba hoặc năm tháng, Chính phủ có thể xem xét tiếp và có phản ứng phù hợp tùy theo diễn biến của nền kinh tế.

- Trong trường hợp miễn, giảm thuế, chắc chắn sẽ làm ngân sách nhà nước hụt thu. Trong bối cảnh ngân sách nhà nước đang phải chi đột xuất rất nhiều cho việc phòng chống dịch và sắp tới là cho gói hỗ trợ an sinh xã hội, vấn đề bội chi ngân sách nên được cân nhắc dựa trên những yếu tố nào để có thể kiểm soát, liệu có nên chủ động chấp nhận một mức cao hơn dự toán?

- Dư địa chính sách tiền tệ có thể còn, tuy nhiên việc tính toán dùng vào thời điểm nào với mức độ ra sao cần phải cân nhắc kỹ. Bởi vì chính sách tiền tệ còn đối mặt với ràng buộc về tỷ giá và lạm phát.

Do các hoạt động kinh tế bị ngưng trệ nên nguồn thu ngân sách nhà nước sẽ giảm. Trong khi đó, các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng sẽ khiến chi tiêu tăng.

Chính phủ đang phải sử dụng các quỹ dự phòng, tuy nhiên các quỹ này có thể là không đủ do số đối tượng chịu ảnh hưởng thuộc diện được nhận hỗ trợ rất lớn, trong khi dịch bệnh còn có thể kéo dài. Năm nay nhiều khả năng thâm hụt ngân sách sẽ tăng cao, nhưng không có cách nào tránh được.

Đây là điều mà trong nhiều năm qua tôi luôn khuyến cáo, rằng Chính phủ cần phải xây dựng được các đệm tài khóa. Tức là phải giảm được thâm hụt và hướng tới đạt được cân bằng ngân sách trong những năm có tăng trưởng kinh tế tốt. Nguồn lực tài chính để dành được trong những năm có tăng trưởng tốt sẽ rất hữu ích trong việc chống lại những cú sốc kiểu như dịch Covid-19.

- Nói thêm về gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỉ đồng (cơ cấu nợ, giảm lãi suất...), thật ra việc thực hiện tùy thuộc vào các NHTM, các ngân hàng này cân nhắc với từng khách hàng cụ thể của mình, nên nếu họ có chủ động thực hiện thì ngoài hệ quả ảnh hưởng đến lợi nhuận, khả năng cao là nợ xấu thật sẽ tăng, dù có thể Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho phép không chuyển nhóm nợ xấu. Chúng ta cần chuẩn bị cho tình huống này như thế nào? Nguồn lực của NHNN (nguồn lực chính sách và... tiền) nên đóng vai trò như thế nào trong các khó khăn của doanh nghiệp và NHTM?

- Các NHTM cũng là doanh nghiệp. Theo tôi họ nên hướng dòng vốn vay tới những doanh nghiệp còn hoạt động, có khả năng thích ứng, đặc biệt là những doanh nghiệp trong các ngành nghề hưởng lợi hoặc ít chịu ảnh hưởng trong thời điểm hiện tại. Điều này một mặt vừa đảm bảo an toàn cho nguồn vốn vay, vừa đạt được hiệu quả chung cho nền kinh tế. Nguồn lực được tập trung cho nhóm doanh nghiệp này thì tăng trưởng chung của cả nền kinh tế sẽ đỡ bị ảnh hưởng.

Còn đối với các doanh nghiệp đang phải dừng hoạt động, cách tốt nhất hiện nay là khoanh nợ lại, cố gắng giảm hoặc dừng các chi phí tài chính lại thì càng tốt (đàm phán với doanh nghiệp). Khi nào nền kinh tế dần trở lại hoạt động bình thường, các doanh nghiệp còn trụ được và bắt đầu sản xuất, kinh doanh trở lại thì lúc đó các chính sách hỗ trợ tín dụng mới có giá trị đối với họ.

-  Một cách tổng thể, theo ông, để hỗ trợ nền kinh tế, nên tập trung vào giải pháp gì? Nếu tập trung vào đầu tư công thì cách làm nên như thế nào để hiệu quả, tránh những bất cập, sai phạm, lãng phí như trong thời gian qua?

- Theo tôi chính sách nên tập trung vào những ngành sản xuất còn có thể hoạt động và hoạt động tốt. Còn các doanh nghiệp đang phải dừng hoạt động thì khoanh nợ và chi phí tài chính lại. Đồng thời, chính sách an sinh xã hội phải đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho những người lao động mất việc, kể cả lao động trong khu vực chính thức và phi chính thức.

Mục tiêu dài hơi hơn là phải giữ được môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, phải ở vị thế tốt để sẵn sàng tăng tốc khi dịch bệnh được khống chế.

Tập trung vào đầu tư công không phải là mở ra những dự án mới, mà là thúc đẩy triển khai và thực hiện những dự án đã được phê duyệt, đã nằm trong kế hoạch nhưng vì nhiều lý do khác nhau mà chưa thực hiện được, hoặc đang thực hiện nhưng cần đẩy nhanh tiến độ. Khi dịch bệnh xảy ra, nguồn lực cần được tập trung để thực hiện chúng nhanh và sớm hơn, tạo ra các dòng thu nhập mới trong nền kinh tế để từ đó giảm bớt tác động tiêu cực của dịch bệnh.

Tuy nhiên, chúng ta không thể vội vàng mà bỏ qua các quy định về quản lý và giám sát các dự án đầu tư công. Các dự án cơ sở hạ tầng thường liên quan tới số tiền rất lớn, do vậy phải tuân thủ các quy định của pháp luật để đảm bảo lựa chọn được các nhà thầu tốt, đảm bảo chất lượng công trình và không gây thất thoát vốn.

- Cách đây chừng một tháng, quan điểm của Chính phủ là chưa đặt vấn đề nới lỏng tiền tệ hay đưa ra gói kích thích kinh tế, các biện pháp nói trên là mang tính “hỗ trợ”. Giờ đây, khi thiệt hại kinh tế do dịch bệnh càng rõ, các nước liên tục nới lỏng chính sách tiền tệ, kích thích kinh tế thì theo ông, đã đến lúc chúng ta tính đến việc này chưa?

- Về cơ bản chính sách tiền tệ trong thời điểm này sẽ ít hiệu quả. Khi dịch bệnh còn tồn tại thì nhiều nhu cầu sẽ biến mất. Những ngành đó thì dù lãi suất có giảm thế nào cũng không kích thích được doanh nghiệp vay vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Dư địa chính sách tiền tệ có thể còn, tuy nhiên việc tính toán dùng vào thời điểm vào với mức độ ra sao cần phải cân nhắc kỹ. Bởi vì chính sách tiền tệ còn đối mặt với ràng buộc về tỷ giá và lạm phát. Tiền đồng không phải là đồng tiền mạnh như đô la Mỹ, euro hay yen nên NHNN không thể hạ lãi suất quá thấp hay thực hiện các chương trình nới lỏng định lượng như các nước khác.

Nếu làm thế rất có thể sẽ ảnh hưởng tới dòng vốn ngoại, lúc đó tình hình còn bất ổn hơn. Mục tiêu dài hơi hơn là phải giữ được môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, phải ở vị thế tốt để sẵn sàng tăng tốc khi dịch bệnh được khống chế.

Nguồn: Nguyên Lê, Hỗ trợ nền kinh tế thời Covid-19: lựa chọn và ưu tiên như thế nào, Thời báo Kinh tế Sài Gòn, 11/4/2020