P/v ông Nguyễn Đức Thành: Kinh tế tư nhân vẫn đang bị “cớm nắng”

P/v ông Nguyễn Đức Thành: Kinh tế tư nhân vẫn đang bị “cớm nắng”

TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), trả lời phỏng vấn của Thời báo Ngân hàng.

- Năm 2018 đã trải qua 3 tuần đầu với một tâm thế hứng khởi bởi đà tăng trưởng đạt được từ năm 2017. Vậy, VEPR dự báo năm 2018 như thế nào, thưa Viện trưởng?

- Chúng tôi tin rằng với định hướng điều hành của Chính phủ hiện nay, năm 2018 sẽ vẫn duy trì được ổn định kinh tế vĩ mô, cùng với đó, những cải cách thể chế nhằm cải thiện môi trường đầu tư được Chính phủ quyết tâm tiếp tục thực hiện sẽ phát huy hiệu quả, hỗ trợ tích cực hơn cho hoạt động kinh doanh.

Ba năm vừa qua tăng trưởng GDP vẫn đang trong xu thế dần đi lên, do đó, theo tôi mức tăng trưởng năm tới có thể được duy trì tương tự như 2017.

- Số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê (GSO) cho thấy năm 2017 có được mức tăng trưởng vượt mục tiêu, có phần quan trọng là nhà máy của Formosa đi vào hoạt động và Samsung mở rộng sản xuất. Vậy 2018 có động lực nào, thưa ông?

- Như tôi đã nói, điều đáng mừng là cải cách của Chính phủ đang ngày càng tích lũy được quán tính lớn thêm. Cải cách về môi trường kinh doanh, thủ tục hành chính đang theo hướng thúc đẩy khu vực DN phát triển nhiều hơn, tạo ra môi trường hoạt động thuận lợi hơn cho DN. Khu vực kinh tế tư nhân tuy vẫn còn yếu, nhưng cũng đã có những thay đổi lớn, số lượng DN gia nhập thị trường tăng mạnh. Đây là điều tích cực để chúng ta có hy vọng cho tăng trưởng kinh tế năm sau. Đó là về phía cung.

Ngoài ra, về phía cầu, tôi cho rằng đầu tư nước ngoài, xuất khẩu và mức độ tự tin đang tăng lên trong tiêu dùng, sẽ hỗ trợ thúc đẩy sản lượng.

- Trong Báo cáo mà Viện trưởng vừa nhắc đến có dự báo rằng “Áp lực tăng trưởng cho năm 2018 thực sự là một thách thức lớn”?

- Chúng tôi không chủ quan, nôn nóng mà luôn thận trọng để có dự báo sát thực nhất giúp cho công việc điều hành phù hợp nhất. Như báo cáo của VEPR đã phân tích, năm 2017 đã có mức tăng trưởng cao hơn kỳ vọng, động lực tăng trưởng cơ bản vẫn được duy trì sang năm 2018, nhưng trong nền kinh tế vẫn còn những yếu kém nội tại cố hữu chưa được giải quyết triệt để. Đây sẽ vẫn là lực cản đối với nền kinh tế trong thời gian tiếp theo.

Những vấn đề đó là: công nghiệp chế tạo trong nước chưa tạo ra được những đột phá mới, yếu ớt hoặc lệ thuộc ngày càng nhiều vào nước ngoài; nông nghiệp vẫn đứng trước nhiều rủi ro lớn do tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu; xuất khẩu và tăng trưởng vẫn dựa nhiều vào DN có vốn đầu tư nước ngoài, năng lực tự có của DN trong nước nhìn chung chưa cao. Hiện nay đóng góp của DN trong nước cho sản xuất công nghiệp, cho XK, cho GDP đều yếu và đáng lo ngại là có xu hướng giảm đi.

Nói một cách khái quát thì tăng trưởng chưa gắn liền với cải thiện năng suất của nền kinh tế. Tức là chất lượng tăng trưởng còn thấp, bấp bênh. Tái cơ cấu DNNN chưa thay đổi được về chất, chậm chạp, quy mô khu vực này vẫn lớn. Một điều đáng lo ngại nữa là ngân sách vẫn thâm hụt, thu chi đều chậm, nợ công tăng lên cản trở đầu tư của Nhà nước vào cơ sở hạ tầng và những công trình phúc lợi lớn mang tính dài hạn phục vụ cho con người như giáo dục, y tế. Đây là những cản trở cho chất lượng tăng trưởng tại Việt Nam.

- Đảng và Chính phủ đã có chủ trương, định hướng rõ ràng về phát triển kinh tế tư nhân thành động lực tăng trưởng của đất nước. Khu vực này cũng đã có sự phát triển mạnh trong những năm qua, nhưng vẫn rất nhỏ bé và yếu ớt, theo Viện trưởng, vì sao?

- Việc một nước muốn phát triển, thì phải đẩy mạnh khu vực kinh tế tư nhân là điều không phải bàn, nhưng làm sao cho khu vực này phát triển mạnh thực sự thì lại không phải điều dễ dàng.

Để hỗ trợ sự phát triển của kinh tế tư nhân, trong năm 2017 vừa qua Chính phủ đã làm được rất nhiều việc. Tuy nhiên, có thể lúc đầu thì dễ, nhưng càng về sau sẽ càng khó, trong đó liên quan đến hệ thống pháp luật của Việt Nam. Trước hết, cần một hệ thống pháp luật minh bạch và công bằng để bảo vệ quyền sở hữu và những thành quả của DN, doanh nhân, khi có tranh chấp thì giải quyết với thủ tục nhanh gọn, tiết kiệm chi phí cho DN.

Dù phát triển nhanh hơn gần đây (nhìn về số lượng), nhưng kinh tế tư nhân vẫn chiếm một tỷ trọng nhỏ bé: đóng góp ít hơn 10% vào GDP. Kinh tế tư nhân như cái cây đang bị cớm nắng do phải chen lấn dưới bóng các cây đại thụ trong khu vực kinh tế Nhà nước, tập đoàn nước ngoài… Cây cớm nắng thì dù có cố vươn cao được thì vẫn mảnh mai và yếu ớt.

Trong suốt 10 năm qua, đóng góp của kinh tế tư nhân vào GDP vẫn rất nhỏ khi không vượt qua mức 10% (tại các nước phát triển, mức đóng góp của khu vực này không dưới 80%). Như vậy, còn một chặng đường rất dài cho phát triển kinh tế tư nhân. Bên cạnh đó, vẫn tồn tại một khu vực không chính thức là những hộ sản xuất kinh doanh “ngán” thủ tục rườm rà phức tạp nên không muốn đăng ký thành DN.

Để DN tư nhân không bị cớm nắng và có dư địa để phát triển, phải thu hẹp lại cái bóng quá lớn của khu vực Nhà nước, đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại DN, thu hẹp DNNN lại sẽ tạo dư địa cho DN tư nhân phát triển. Đồng thời, tạo dựng một môi trường kinh doanh thực sự mang tính phục vụ DN.

- Một trăn trở lớn của chúng ta là DN Việt Nam chưa tham gia được vào chuỗi, không gắn kết được với DN FDI. Vậy theo ông cần hỗ trợ DN Việt bằng chính sách nào để khắc phục được điều này?

- Về lý thuyết chúng ta vẫn nói phải gắn kết FDI và DN nội để phát triển, nhưng làm được điều này không dễ, vì đa số các DN lớn nước ngoài không quan tâm tới nhà cung cấp nhỏ của Việt Nam bởi năng lực yếu; và bản thân các DN FDI đi tới đâu cũng mang theo cả mạng lưới rất nhiều nhà cung cấp của họ.

Để phát triển bền vững, trước hết chính các DN trong nước phải tự cứu nhau, liên kết lại để có một lực lượng DN tư nhân mạnh về chất lượng, chứ không chỉ là số đông.

Tôi hy vọng, các DN lớn như Vingroup, Sun Group, Thaco Trường Hải… cùng các tên tuổi khác sẽ là những hạt nhân gắn kết DN trong nước, để giúp các DN nhỏ của Việt Nam ngày càng lớn lên. Chính phủ phải quan tâm tới vấn đề này và cần yêu cầu về nghĩa vụ cho những DN lớn này.

Tất nhiên không thể ép buộc bằng luật hay quy định, mà phải tạo hệ thống chính sách phù hợp, tạo động lực, khuyến khích các DN lớn hỗ trợ, gắn kết, chia sẻ, đặt hàng với các DN nhỏ, để cùng kéo khu vực tư nhân phát triển theo chiều sâu. Nếu mạng lưới DNNVV có năng lực sản xuất tốt hơn, tự các DN lớn cũng được hưởng lợi từ đó. Đây là cú hích đầu tiên và nếu thiếu thì sẽ không có được sự lớn mạnh.

Đơn cử, Nhà nước đặt hàng các DN lớn với số lượng lớn hàng hoá hay dịch vụ, nhưng kèm theo điều kiện DN này phải có đối tác là hàng chục, hàng trăm xưởng của các DN nhỏ nội địa, chứ không phải đi nhập hàng hoá nguyên liệu đầu vào ở nước ngoài. Có như thế mới kéo nhau lớn lên được. Các nước phát triển cũng phải có mô hình này.

- Xin cảm ơn Viện trưởng đã trả lời phỏng vấn!

Nguồn: Vân Khánh, Kinh tế tư nhân vẫn đang bị “cớm nắng, Thời báo Ngân hàng, 18/1/2018