Những tiêu chí của tính khoa học trong kinh tế (Phần 2)

Những tiêu chí của tính khoa học trong kinh tế (Phần 2)

3. Chủ nghĩa duy lí phê phán: chiến lược phản bác và xác minh

Sau khi T. Hutchison gạt bỏ, trong tác phẩm then chốt của ông (1938), chủ nghĩa tiên nghiệm thì phương pháp luận kinh tế lần hồi xích gần đến những luận điểm popperian1, qua hình ảnh quyến rũ của một tập những hiểu biết luôn tiến triển, theo chuẩn của chủ nghĩa duy lí phê phán và theo tiến trình: ý thức về một vấn đề – phát biểu một lí thuyết – thử thách lí thuyết bằng một mưu toan phản bác nó. Sức mạnh của thái độ phương pháp luận này trước hết dựa trên việc từ chối phép qui nạp: như Hume đã chỉ rõ, những lí thuyết hay định luật tự nhiên không thể được xác lập trên việc tích lũy những quan sát có lợi cho lí thuyết. Người ta không bao giờ có thể khẳng định rằng một giả thiết hay lí thuyết tất yếu là đúng vì nó được thiết lập sau một số lớn quan sát cho thấy rằng giả thiết hay lí thuyết đó phù hợp với những sự kiện. Ngược lại chỉ cần một khẳng định duy nhất trong chiều ngược lại đủ để bác bỏ một mệnh đề phổ biến. Chính sự mất đối xứng này biện minh cho tiêu chí popperian về tính phản bác và học thuyết về khả năng sai lầm cho rằng tăng trưởng của tri thức là kết quả của việc sửa sai những sai lầm.

Do đó các lí thuyết phải có thể phản bác được, nghĩa là từ đó rút ra những hệ quả có thể kiểm định được. Lí thuyết phải có một giá trị giải thích khá rộng (không thể là một lí thuyết ad hoc). Kiểm định một lí thuyết do đó là rút ra từ lí thuyết đó, bằng cách thêm một số điều kiện ban đầu, một số dự báo chính xác và đối chiếu những dự báo này với các quan sát.

Một quan sát duy nhất không đủ để bác bỏ một lí thuyết; Popper còn đòi hỏi rằng có thể lặp lại quan sát này. Nếu lí thuyết không bị phản bác thì lí thuyết được xác minh, nghĩa là đã qua được kiểm định. Nếu một lí thuyết cũ gặp phải những mâu thuẫn, nhà bác học phải lập một lí thuyết có khả năng giải thích những hiện tượng đã được những lí thuyết trước giải thích và cả những sự kiện mà những lí thuyết trước không giải thích được hay đã làm cho chúng mất hiệu lực. Nếu nhà bác học thành công, Popper (1972) cho rằng lí thuyết mới còn phải thỏa mãn ba requisits2:

1 Lí thuyết mới cần bắt nguồn từ một ý thống nhất đơn giản và mạnh làm nổi rõ một mối quan hệ mà đến bây giờ người ta chưa nghĩ đến giữa những yếu tố hay những thực thể lí thuyết.

2 Lí thuyết mới phải có thể được kiểm định một cách độc lập, điều này đòi hỏi là nó phải dự báo những hiện tượng mới có khả năng kiểm định được.

3 Lí thuyết mới cần phải vượt qua được một số kiểm định mới và rất chặt chẽ.

Từ một phương pháp luận nghiêm ngặt như thế không nên suy ra rằng hoạt động khoa học có một thái độ chủ yếu tiêu cực và quan tâm chính đến việc phản bác hiểu biết hiện có. Điều Popper mô tả là một khoa học thường xuyên trong trạng thái cách mạng, trong đó việc phản bác là một biến cố tích cực vì nó kêu gọi đến trí tưởng tượng và việc mở rộng những kiến thức. Mặt khác do việc phản bác nhất thiết gồm có việc chấp nhận một lí thuyết thỏa đáng hơn và mạnh hơn nên nó là nguồn gốc của “những thắng lợi mới trên điều chưa biết”.

Phương pháp luận này được quan niệm trước hết từ việc xem xét lịch sử của vật lí học và hoá học và do đó đặc biệt áp dụng cho những “khoa học cứng”. Nhưng đối với các khoa học xã hội Popper cũng đã phát biểu rõ ràng luận điểm tính thống nhất của phương pháp và mô tả cho những khoa học này một phương pháp luận bằng thử và sai lầm, về mọi mặt giống với phương pháp luận ông đề xuất cho những khoa học tự nhiên (xem Boyer, 1987: 5-25).

Về tính khoa học của kinh tế học, hầu tước K. Popper trong Misère de lHistoricisme, đã có một đánh giá rất thuận lợi khi viết “thành công của kinh tế toán học cho thấy là có ít nhất một khoa học xã hội đã trải qua cuộc cách mạng galilian” (xem Latsis, 1976: 186). Nhưng sau đó ông đã xét lại khẳng định quá lạc quan này, dựa trên ý không đúng là có thể đánh giá tính khoa học của một bộ môn theo mức độ hình thức hoá bộ môn này.

Trong một đóng góp gần đây hơn, được hỏi cũng về vấn đề trên K. Popper (1986: 490-540) đã có nhiều dè dặt và thừa nhận là không thể đánh giá một cách tổng quát. Theo ông, kinh tế học “đôi lúc và từng phần” là khoa học. “Một vài phần (của khoa học kinh tế) không phải là khoa học vì chúng không thỏa mãn tiêu chí này (tính phản bác được) vì chúng quá phức tạp”.

Theo chúng tôi, quan niệm này, một quan niệm tinh tế hơn, đối với kinh tế học là đúng đắn hơn. Nó nhấn mạnh, một cách chính đáng, đến sự phản bác. Bàn luận sau đây về những vấn đề tổng quát mà tiêu chí này đặt ra sẽ giúp chúng ta hiểu là về mặt này khoa học kinh tế có, và trong chừng mực nào, một vị thế đặc biệt và những kháng cự của các nhà kinh tế đối với những đòi hỏi của việc phản bác là do tính chất riêng của bộ môn hay xuất phát từ một quan điểm phương pháp luận sai trái.

4. Một khó khăn của sự phủ nhận: vấn dề Duhem

Một trong những khó khăn logic mà sự phản bác gặp phải được nhà vật lí và sử gia khoa học Pháp Pierre Duhem trình bày và nhà triết học Mĩ Quine lấy lại trong một bài viết nổi tiếng (xem Boyer, 1985: 31-93). Khó khăn này sẽ được trình bày trên cơ sở lập luận của Duhem, một lập luận trước hết có giá trị cho vật lí học nhưng không phải là không có hệ quả cho những bộ môn khác.

Đối với Duhem, “trong vật lí học không thể tách những lí thuyết với những phương thức thí nghiệm đặc thù để kiểm tra những lí thuyết này”. Thật vậy, nhà vật lí kiểm định những giả thiết vật lí nhưng trong thí nghiệm cũng sử dụng những giả thiết vật lí: ví dụ, những giả thiết của quang học hình học để nghiên cứu ánh sáng. Trong trường hợp những lí thuyết thực nghiệm thì thí nghiệm có một vị thế không rõ ràng vì nếu hiện tượng được chờ đợi không xảy ra “thì toàn bộ thiết kế lí thuyết mà nhà vật lí sử dụng là có thiếu sót”: như vậy ta biết rằng là có ít nhất một sai lầm vì một mâu thuẫn đã xuất hiện nhưng ta không biết nó nằm ở đâu. Thậm chí mọi toan tính bác bỏ vận dụng đến toàn bộ hiểu biết đã hình thành (background knowledge) và do đó là vô vọng.

Nếu chấp nhận quan điểm này thì sẽ rơi vào chủ nghĩa qui ước – thuật ngữ để chỉ một triết lí theo đó những lí thuyết không được thí nghiệm bác bỏ và phải được lựa chọn vì tính “tiện lợi”, “đơn giản” hay quá lắm là tính nhất quán của chúng. Khoa học trở thành một diễn ngôn qui ước không có tham vọng có một sự thích hợp nào với thế giới.

Chủ nghĩa qui ước trong kinh tế học được Pareto thừa nhận (xem Latsis, 1976: 9) khi ngay từ 1909 và có qui chiếu đến Poincaré, ông đã viết:

Cùng những sự kiện có thể được vô số lí thuyết giải thích vì tất cả các lí thuyết này đều tái tạo lại những sự kiện phải giải thích. Chính trong nghĩa này mà Poincaré có thể nói rằng từ việc đơn giản là một hiện tượng cho phép một cách giải thích cơ học, nó cho phép có vô số cách giải thích ...”

Như chúng ta sẽ thấy trong phần sau, có thể xem rằng Friedmann và Machlup đều chủ trương một phương pháp luận qui ước.

Đứng trước chủ nghĩa qui ước, Popper duy trì những đòi hỏi của chủ nghĩa hiện thực khoa học, như là ý cho rằng đối tượng, rõ ràng hay ẩn tàng, của những lí thuyết là làm cho hiện thực là có thể hiểu được. Nếu không phải thế thì thành công của lí thuyết và việc ứng dụng nó là không thể giải thích được.

Hơn nữa, ông cho thấy là, nếu ta đứng trước hai lí thuyết cạnh tranh nhau mà thí nghiệm phải phân định đúng sai, và nếu ta thừa nhận là mỗi lí thuyết đều bao quát hiểu biết đã hình thành thì “như thế ta lựa chọn giữa hai hệ thống chỉ đối lập nhau ở hai lí thuyết tranh chấp nhau”. Như vậy khả năng kiểm định phát biểu tách bạch của toàn bộ tri thức được bảo toàn.

Trong lĩnh vực kinh tế, cũng có thể so sánh với phương pháp nên theo: trong việc phê phán vốn là cơ sở kiểm tra những hiểu biết khoa học cần phân tách những hệ thống lí thuyết phức hợp và xem xét vào chi tiết những khâu khác nhau. Trong những trường hợp đơn giản nhất, có thể bắt đầu bằng cách nêu lên những “điều kiện có thể”, ít nhiều ngặt nghèo, của lí thuyết được xem xét và như thế giới hạn phạm vi hiệu lực thực nghiệm của lí thuyết ấy.

Hình như những cuộc tranh luận đương đại về những lí thuyết có nội dung thực nghiệm đã diễn ra theo cách trên. Cuộc tranh luận về định lí của Heckscher-Ohlin-Samuelson trước nghịch lí Leontief (xem Blaugh, 1980) dường như đã đưa ra ánh sáng những điều kiện cực kì nghiêm ngặt chi phối hiệu lực của quan điểm chính thống và như thế cung cấp những yếu tố phản bác nghiêm túc lí thuyết này, tuy rằng lí thuyết vẫn còn hiệu lực như một cách giải thích vô cùng đơn giản về cấu trúc những trao đổi giữa các nước.

Trường hợp của cuộc tranh luận nổi tiếng về học thuyết cận biên trong những năm bốn mươi và năm mươi của thế kỉ hai mươi, với sự tấn công của những người bảo vệ việc ấn định giá theo qui tắc “chi phí đầy đủ” (full cost) là phức tạp hơn, như P. Mongin (1986) chỉ rõ. Dường như những người chống học thuyết cận biên đã không biết tận dụng những yếu tố thực nghiệm khá mạnh họ đã thu thập chống lại việc ấn định giá theo chi phí cận biên; việc ấn định giá theo chi phí đầy đủ đã không bị phản bác thật sự nhưng đã bị, có thể gọi là, lí thuyết chính thống về tối đa hoá lợi nhuận hấp thụ.

P. Mongin cho thấy là, một cách lạ lùng, giả thiết tối đa hoá lợi nhuận không được xác minh bằng chiến thắng của những người bảo vệ nó, bằng chứng là sự nở rộ trong những năm năm mươi và sáu mươi của thế kỉ hai mươi của những lí thuyết về doanh nghiệp dựa trên những nguyên lí khác. Nhưng tất cả những nhà cách tân dựa trên những “lập luận tiên nghiệm, những sự kiện cách điệu hoá và một phê phán bên trong” hơn là trên những sự kiện thực nghiệm do những người chống học thuyết cận biên cung cấp. Theo tác giả này, điều đó khiến cho phương pháp luận phản bác có vẻ là không có tính quyết định trong diễn tiến của cuộc tranh luận. Cuộc tranh luận này có “cấu trúc của một vấn đề Duhem và của giải pháp bảo thủ mà ta có thể gán cho vấn đề này: chưa bao giờ một phát biểu riêng lẻ nào bị phản bác, mà chỉ có những phát biểu phức hợp bị phản bác và mỗi lần như thế việc bác bỏ được kiến giải như là nhằm vào những giả thiết bổ trợ hơn là vào giải thiết được kiểm định” (Mongin, 1989: 49).

Một tình thế như vậy hình như là kết quả của những cách thực hành phương pháp luận vô cùng lỏng lẻo của các nhà kinh tế cũng như của những hệ quả thật sự của vấn đề Duhem.

Tuy nhiên một khó khăn khác của việc ứng dụng có phê phán những lí thuyết xét lại sự tách biệt một số yếu tố của hiểu biết, hiện ra khi người ta muốn kiểm định những lí thuyết giải thích lớn tranh chấp nhau trách nhiệm hướng dẫn chính sách kinh tế, ví dụ như học thuyết trọng tiền và học thuyết Keynes. Kinh tế học không ngừng đụng đến những vấn đề chính trị khiến cho những lí thuyết kinh tế lớn không chỉ là những “chương trình nghiên cứu khoa học” mà còn là những chương trình hành động chính trị. Đây là một lí do tốt để những người bảo vệ một trong những lí thuyết này, một lí thuyết do đó đồng thời vừa là một tập hợp những phát biểu khoa học, một quan điểm ý thức hệ, và vừa là một chương trình những biện pháp kinh tế ứng dụng cho hiện tại, không coi trọng một cách thích đáng đến những yếu tố phản bác mà những bác bỏ thực nghiệm có thể mang tới.

Như thế người ta nhận thấy là vấn đề Duhem, hay có thể là rộng hơn, những vấn đề tách biệt những yếu tố của các lí thuyết kinh tế, gây nên những khó khăn nghiêm trọng cho sự vận hành của một phương pháp luận phản bác.

Nhưng trong việc trốn tránh những đòi hỏi của một phương pháp luận thực nghiệm, các nhà kinh tế tìm thấy một đồng minh, thật ra là một đồng minh không rõ ràng, nhưng đặc biệt nổi tiếng và được họ quí trọng vì do một đồng nghiệp đề xướng: chủ nghĩa công cụ của Milton Friedman.

(còn nữa)

Chú thích

(1) Có thể tham khảo thêm phần “chủ nghĩa duy lí phê phán” (trang 590-594) trong Lịch sử triết học (Nguyễn Hữu Vui chủ biên), nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998 (ND)↩

(2) Điều kiện cần thiết (ND).↩

Nguồn: “Critères de scienticifité en économie” của Hubert Brochier trong Encyclopédie économique (Bách khoa kinh tế), nhà xuất bản Economica, Paris, 1990, trang 25-54.

Nguồn dịch: Phantichkinhte123:Những tiêu chí của tính khoa học trong kinh tế

Dịch giả:
Nguyễn Đôn Phước