Những nền tảng của chính sách tự do (Phần 4/4)

Những nền tảng của chính sách tự do (Phần 4/4)

Đây là phần trích đăng từ chương "The Foundations of Liberal Policy" (tr. 1-34) trong cuốn sách "Chủ nghĩa tự do truyền thống", tác phẩm kinh điển, có tính chất đặt nền móng cho chủ nghĩa tự do cá nhân của Ludwig von Mises, xuất bản lần đầu năm 1929. Nhan đề bài viết do TTTD Academy đặt.

- Thị trường Tự do Academy

(Tiếp theo Phần 3)

12. Lòng khoan dung

Chủ nghĩa tự do chỉ và tuyệt đối chỉ quan tâm đến đời sống trần tục và những lo lắng trần tục mà thôi. Vương quốc tôn giáo không nằm trong thế giới này. Nghĩa là chủ nghĩa tự do và tôn giáo có thể sống bên nhau mà không hề va chạm với nhau. Chủ nghĩa tự do không có lỗi khi hai phía xảy ra đụng độ. Chủ nghĩa tự do không đi ra ngoài lĩnh vực của mình, nó không xâm nhập vào lãnh thổ của đức tin hay lãnh địa của các học thuyết mang tính siêu hình. Nhưng nó đã đụng độ với nhà thờ, tức là thế lực chính trị đòi quyền điều tiết không chỉ quan hệ của con người với thế giới bên kia mà còn điều tiết cả công việc của thế giới này theo quan điểm của nó. Đấy chính là chiến tuyến giữa hai bên.

Trong cuộc xung đột này, chủ nghĩa tự do giành được chiến thắng vang dội đến mức nhà thờ đã phải vĩnh viễn từ bỏ những yêu sách mà họ đã kiên quyết duy trì trong hàng ngàn năm. Thiêu sống những người dị giáo, khủng bố của tòa án giáo hội, chiến tranh tôn giáo, hôm nay đấy đã là những hiện tượng thuộc về lịch sử. Hiện nay không ai có thể hiểu làm sao mà những con người hoà nhã, những người chỉ thực hành những nghi lễ tôn giáo mà họ cho là đúng đắn trong bốn bức tường nhà mình lại bị lôi ra tòa, bị tống giam, bị tra tấn và thiêu sống. Nhưng ngay cả khi không còn những đống củi thiêu người nữa ad majorem Dei gloriam [lạy chúa tôi - ND] thì thái độ bất khoan dung cũng vẫn còn hiện diện khắp nơi.

Nhưng chủ nghĩa tự do phải tỏ ra bất khoan dung với bất kì biểu hiện bất khoan dung nào. Nếu ta cho rằng sự hợp tác hoà bình giữa tất cả mọi người là mục đích của sự phát triển xã hội thì ta không thể cho phép các cố đạo và những kẻ cuồng tín phá hoại hoà bình được. Chủ nghĩa tự do tuyên bố có thái độ khoan dung với mọi đức tin tôn giáo và mọi học thuyết có tính siêu hình không phải vì nó bàng quan với những vấn đề “cao siêu” này, mà từ niềm tin rằng bảo đảm hoà bình trong xã hội phải là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Và vì nó đòi hỏi lòng khoan dung đối với tất cả các quan điểm, tất cả các nhà thờ, tất cả các giáo phái nên nó cũng phải kêu gọi tất cả đều phải trở về những giới hạn phù hợp mỗi khi họ có thái độ bất khoan dung. Trong chế độ xã hội dựa trên sự hợp tác hoà bình, không có chỗ cho đòi hỏi của nhà thờ về việc giáo huấn và giáo dục thanh niên. Nhà thờ có thể và phải được nhận tất cả những thứ mà tín đồ tự nguyện cung cấp cho họ, nhưng họ cũng không được động đến bất cứ thứ gì của những người không muốn dây dưa với họ.

Thật khó mà hiểu làm sao mà những nguyên tắc này lại làm cho một số người có đạo trong các tôn giáo khác nhau trở thành kẻ thù của chủ nghĩa tự do. Nếu những nguyên tắc này không cho phép một nhà thờ dùng vũ lực buộc người ta phải cải đạo, dù đấy là bạo lực của họ hay của nhà nước giao cho họ, thì những nguyên tắc này cũng bảo vệ nhà thờ đó chống lại việc ép buộc các tín đồ của mình cải đạo sang các nhà thờ khác và giáo phái khác. Cái mà chủ nghĩa tự do lấy của nhà thờ bằng tay này thì lại trả nhà thờ bằng tay kia. Ngay cả những kẻ cuồng tín tôn giáo cũng phải thừa nhận rằng chủ nghĩa tự do không lấy đi bất cứ thứ gì thuộc lĩnh vực của nhà thờ.

Chắc chắn là ở đâu mà họ giữ thế thượng phong thì nhà thờ và các giáo phái sẽ tìm mọi cách đàn áp những người không quy phục, nhưng nếu là thiểu số thì họ sẽ đòi phải có thái độ khoan dung đối với họ. Nhưng đòi hỏi sự khoan dung của chủ nghĩa tự do khác hẳn với đòi hỏi khoan dung như thế. Chủ nghĩa tự do đòi hỏi khoan dung là vấn đề nguyên tắc chứ không phải là chủ nghĩa cơ hội. Nó đòi hỏi lòng khoan dung đối với ngay những học thuyết vô nghĩa lí nhất, với những tín ngưỡng ngu ngốc nhất và trẻ con nhất. Nó đòi hỏi lòng khoan dung đối với những học thuyết và quan điểm mà nó cho là có hại và có tính phá hoại đối với xã hội và ngay cả với những phong trào mà nó đang chiến đấu một cách không mệt mỏi. Điều thúc đẩy chủ nghĩa tự do đòi hỏi và tỏ thái độ khoan dung không phải là nội dung của học thuyết cần phải khoan dung mà chính là nhận thức rằng chỉ có lòng khoan dung mới có thể tạo lập và giữ vững được nền hoà bình trong xã hội, không có nó thì xã hội loài người có thể rơi trở lại thời kì dã man và cảnh cơ hàn của những thế kỉ đã qua từ lâu.

Chủ nghĩa tự do đấu tranh chống lại những điều ngu dốt, vô lí, sai lầm và độc ác bằng vũ khí của trí tuệ chứ không phải bằng bạo lực hung tàn và đàn áp.

13. Nhà nước và hành động phản xã hội

Nhà nước là bộ máy cưỡng bức và bạo lực. Điều đó đúng không chỉ đối với “nhà nước tuần đêm” mà còn đúng cho bất kì nhà nước nào, và đúng nhất đối với nhà nước xã hội chủ nghĩa. Tất cả những gì nhà nước có thể làm đều được nó làm bằng cách cưỡng bức và dùng vũ lực. Đàn áp những hành vi nguy hiểm cho trật tự xã hội là bản chất hoạt động của nhà nước; ngoài ra, trong chế độ xã hội chủ nghĩa, nó còn kiểm soát cả các tư liệu sản xuất nữa.

Những người La Mã có đầu óc tỉnh táo đã thể hiện điều đó bằng hình vẽ một cái búa và bó roi trên biểu tượng của quốc gia. Trong thời đại ngày nay chủ nghĩa thần bí khó hiểu, tự huyễn mình là triết học, đã tìm mọi cách nhằm che dấu sự thật của vấn đề. Đối với Schelling1 thì nhà nước là hình ảnh trực tiếp và có thể nhìn thấy được của đời sống xác thực, là một giai đoạn trong quá trình khám phá cái Tuyệt Đối hay là Tinh Thần Thế Giới. Nhà nước tồn tại vì mục đích của chính nó, và hoạt động của nó cũng chỉ nhằm giữ vững bản chất và hình thức tồn tại của nó mà thôi. Đối với Hegel2 thì Lí Tính Tuyệt Đối tự thể hiện mình trong nhà nước, và Tinh Thần Khách Quan cũng được hiện thực hóa trong nhà nước. Đấy là trí tuệ đầy đức hạnh phát triển thành hiện thực hữu cơ - tức là hiện thực và ý tưởng đạo đức được biểu hiện ra như là ý chí đã được vật chất hoá, có thể nhận thức được đối với chính nó. Các đồ đệ của triết học duy tâm chủ nghĩa đã vượt ngay cả các sư phụ của mình trong việc sùng bái nhà nước. Chắc chắn là những người cùng với Nietzsche, nhằm phản ứng lại những học thuyết nói trên và những học thuyết tương tự như thế, gọi nhà nước là con quái vật lạnh lùng nhất cũng chẳng đền gần chân lí hơn. Nhà nước chẳng lạnh cũng chẳng nóng vì nó là một khái niệm trừu tượng và những thực thể đang sống – các tổ chức của nhà nước, chính phủ - thay mặt nó mà hành động. Toàn bộ hoạt động của nhà nước đều là hành động của con người, là cái ác do con người tự tạo ra cho nhau. Mục đích của nhà nước - tức là duy trì trật tự xã hội - biện hộ cho hành động của các cơ quan nhà nước, nhưng những người bị tác động thì không vì thế mà cảm thấy cái ác là dễ chịu hơn. Cái ác mà người nọ gây ra cho người kia làm cả hai đều bị tổn thương – không chỉ người bị làm ác mà cả kẻ gây ra cái ác cùng bị đau khổ. Không gì có thể làm cho người ta thoái hoá nhanh hơn là khi họ trở thành phương tiện thi hành pháp luật và làm cho người khác bị đau khổ. Số phận của thần dân là phải lo lắng, là tinh thần nô lệ và thái độ nịnh bợ; thái độ cao ngạo đạo đức giả, kiêu căng của ông chủ cũng chẳng có gì hay ho hơn. 

Chủ nghĩa tự do tìm cách giảm nhẹ mức độ cay đắng trong quan hệ giữa cơ quan chính chính phủ và công dân. Dĩ nhiên là trong khi làm như thế nó sẽ không bước vào vết chân của những người lãng mạn, tức là những người biện hộ cho những hành vi phản xã hội của những người vi phạm pháp luật và lên án không chỉ quan tòa và cảnh sát mà còn lên án cả trật tự xã hội nữa. Chủ nghĩa tự do không muốn và không thể phủ nhận rằng sức mạnh cưỡng chế của nhà nước và sự trừng phạt theo đúng pháp luật những kẻ tội phạm là những thể chế mà xã hội không bao giờ - dù hoàn cảnh có như thế nào - bãi bỏ được. Nhưng người theo chủ nghĩa tự do tin rằng mục đích của trừng phạt là loại bỏ những hành vi có hại cho xã hội bất cứ khi nào có thể. Trừng phạt không được có tính thù hận hay trả đũa. Kẻ tội phạm phải nhận sự trừng phạt của pháp luật chứ không phải là do lòng thù hận hay sự tàn bạo của quan tòa, của cảnh sát hay đám đông khao khát đàn áp.

Tai hoạ lớn nhất của lực lượng cưỡng bức nhân danh “nhà nước” là nó hướng sự tấn công vào những sáng kiến mới xuất hiện vì cuối cùng thì bao giờ nó cũng cần sự đồng thuận của đa số. Xã hội loài người không thể sống thiếu bộ máy nhà nước, nhưng để có được tiến bộ thì loài người lại phải phản kháng và chống đối lại nhà nước và bộ máy cưỡng chế của nó. Không có gì ngạc nhiên khi tất cả những người có cái mới để trình bày với nhân loại đều không thể nói được bất cứ điều gì tốt đẹp về nhà nước và luật pháp của nó. Những người theo chủ nghĩa quốc gia thần bí và những người sùng bái nhà nước có thể phản đối họ; nhưng những người theo trường phái tự do thì ủng hộ họ, ngay cả khi không đồng ý với họ. Nhưng những người theo trường phái tự do đều phải chống lại sự ác cảm có thể hiểu được với tất cả những gì liên quan tới cảnh sát và cai tù, đấy là nói khi thái độ đó trở thành kiêu căng quá đáng và tự tuyên bố là quyền nổi loạn chống lại nhà nước. Phản kháng bằng bạo lực chống lại sức mạnh của nhà nước phải được coi là biện pháp cuối cùng của phe thiểu số nhằm thoát ra khỏi sự áp bức của đa số. Thiểu số cần phải sử dụng tri thức làm vũ khí trong cuộc đấu tranh để trở thành phe đa số. Nhà nước cần phải được xây dựng như thế nào đó để trong khuôn khổ pháp luật của nó có những chỗ trống cho phép cá nhân được tự do di chuyển trong đó. Hoạt động của người công dân không bị thu hẹp một cách quá đáng đến mức khi quan điểm của anh ta khác với nhà cầm quyền thì anh ta chỉ còn lựa chọn: lật đổ bộ máy nhà nước hay là chết.

Chú thích:

(1) Friedrich Wilhelm Joseph Schelling (1775 – 1854), triết gia lớn, người Đức -ND

(2) Georg Wilhelm Friedrich Hegel (1770 - 1831) là một nhà triết học người Đức, cùng với Johann Gottlieb FichteFriedrich Wilhelm Joseph Schelling, Hegel được coi là người sáng lập ra chủ nghĩa duy tâm Đức.

Nguồn: Ludwig von Mises, Liberalism - The Classical Tradition. Edited by Bettina Bien Greaves, Liberty Fund, Inc. 2005

Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường
Hiệu đính:
Đinh Tuấn Minh