Những hậu quả kinh tế, xã hội, chính trị của chủ nghĩa can thiệp (Phần 4/4)

Những hậu quả kinh tế, xã hội, chính trị của chủ nghĩa can thiệp (Phần 4/4)

4. Sự ảo tưởng vĩ đại

Không thể phủ nhận rằng ngày nay chế độ độc tài, chủ nghĩa can thiệp, và chủ nghĩa xã hội trở nên rất phổ biến. Không một lập luận logic nào có thể làm suy yếu tính phổ biến này. Các tín đồ ngoan cố từ chối lắng nghe những lời giáo huấn của lý thuyết kinh tế. Kinh nghiệm không thể dạy cho họ bất cứ điều gì. Họ kiên quyết giữ vững lập trường ​​trước đó của họ.

Để hiểu được nguồn gốc của sự bướng bỉnh này chúng ta phải ghi nhớ rằng mọi người cảm thấy đau khổ bởi mọi thứ luôn không diễn ra theo cách họ muốn. Con người được sinh ra là một sinh vật ích kỷ phi xã hội và chỉ trong cuộc sống thực tế anh ta mới biết rằng anh ta không chỉ có một mình trên thế giới này và rằng có nhiều người khác nữa cũng có nguyện vọng riêng của họ. Chỉ có cuộc sống và trải nghiệm dạy cho anh ta rằng, để thực hiện kế hoạch của mình, anh ta phải tự hòa nhập mình với toàn bộ xã hội, rằng anh ta phải chấp nhận nguyện vọng và mong muốn của những người khác như sự thật hiển nhiên, và rằng anh ta phải tự thích nghi với những điều thực tế này để đạt được bất cứ điều gì. Xã hội không phải thứ có thể tùy theo ý muốn mỗi cá nhân. Những người xung quanh bất kỳ cá nhân cụ thể nào không đánh giá cao về anh ta như anh ta nghĩ về chính mình. Họ không đặt anh ta vào một vị trí trong xã hội mà theo ý kiến ​​của anh ta, anh ta xứng đáng được như vậy. Mỗi ngày qua đi sẽ mang lại cho những người tự phụ – và có ai là không tự phụ? – những thất vọng mới. Mỗi ngày sẽ cho anh ta thấy mong muốn của mình xung đột với mong muốn của những người khác.

Những thất vọng này làm cho những người có vấn đề về tâm thần trốn tránh trong những giấc mơ không thực. Anh ta mơ về một thế giới mà ý chí của anh ta có tính quyết định. Trong thế giới của những giấc mơ, anh ta là nhà độc tài. Chỉ tồn tại những gì anh ta chấp thuận sẽ xảy ra. Chỉ riêng anh ta ra lệnh; những người khác tuân lệnh. Chỉ lý trí của anh ta có quyền uy tối cao.

Trong thế giới bí mật của những giấc mơ, những người có vấn đề về tâm thần nắm lấy vai trò của nhà độc tài. Ở đó, anh ta là Caesar, Thành Cát Tư Hãn, Napoleon. Trong cuộc sống thực, khi anh ta nói chuyện với đồng loại của mình, anh ta phải khiêm tốn hơn. Anh ta bằng lòng với một chế độ độc tài do người khác đặt ra. Nhưng trong tâm trí của mình, nhà độc tài này là của riêng anh ta, nghĩa là, người có vấn đề về tâm thần hay là người ra mệnh lệnh; anh ta cho rằng nhà độc tài đó sẽ làm chính xác những gì anh ta muốn. Một người thiếu thận trọng và cho rằng chính anh ta sẽ trở thành nhà độc tài sẽ bị đồng loại của mình coi là mất trí và sẽ được yêu cầu chữa trị theo cách phù hợp. Các bác sĩ tâm thần gọi anh ta là người hoang tưởng.

Không ai có thể ủng hộ một chế độ độc tài để làm những việc ngoại trừ những gì anh ta, người ủng hộ chế độ độc tài, coi là đúng. Trong tâm trí những người khuyến khích chế độ độc tài luôn luôn tồn tại sự thống trị không được kiểm soát bởi ý chí, thậm chí sự thống trị này được thực hiện bởi người khác.

Ví dụ, hãy kiểm chứng khẩu hiệu “nền kinh tế kế hoạch hóa” mà ngày nay là một biệt hiệu đặc biệt phổ biến của chủ nghĩa xã hội. Mọi người muốn thực hiện một cái gì đó trước hết phải được hình dung ra nó, có nghĩa là nó phải được lập kế hoạch. Theo nghĩa này, tất cả hoạt động kinh tế đều là hoạt động kinh tế được lập kế hoạch. Nhưng những người theo Marx không chấp nhận “tình trạng vô chính phủ trong sản xuất” và muốn thay thế nó bằng cách “kế hoạch hóa”, tức là họ không xem xét đến ý chí và kế hoạch của những người khác. Chỉ một người quyết định; chỉ một kế hoạch được thực thi, đó là kế hoạch được người có vấn đề về tâm thần chấp thuận, là kế hoạch đúng đắn, là kế hoạch duy nhất. Mọi chống đối sẽ bị trấn áp; không ai có thể ngăn cản người có vấn đề về tâm thân sắp xếp thế giới theo kế hoạch riêng của mình; mọi phương tiện được phép sử dụng để đảm bảo rằng sự khôn ngoan vượt trội của kẻ mộng tưởng sẽ được phổ biến.

Đây là trạng thái tâm lý của những người từng một lần tham dự các cuộc triển lãm nghệ thuật ở Paris thốt lên khi xem những bức tranh của Manet1: Cảnh sát không nên cho phép điều này! Đây là tâm lý của những người liên tục khóc: cần phải có một đạo luật chống lại điều này! Và bất kể họ có nhận ra hay không thì đây chính là tâm lý của tất cả các những kẻ theo chủ nghĩa can thiệp, chủ nghĩa xã hội, và ủng hộ chế độ độc tài. Chỉ có một điều mà họ ghét hơn cả chủ nghĩa tư bản, đó là chủ nghĩa can thiệp, chủ nghĩa xã hội, hoặc chế độ độc tài không thỏa mãn nguyện vọng của họ. Hãy xem những thành viên Đảng Quốc xã và Đảng Cộng sản đã chiến đấu với nhau ác liệt như thế nào! Hãy xem những người ủng hộ Trotsky2 kiên quyết chống lại những người ủng hộ Stalin, hay những người ủng hộ Strasser3 kiên quyết chống lại những người theo Hitler như thế nào!

5. Khởi nguồn chiến thắng của Hitler

Hitler, Stalin, và Mussolini liên tục tuyên bố rằng số phận lựa chọn họ để cứu độ cho thế giới này. Họ tuyên bố họ là những nhà lãnh đạo của giới thanh niên sáng tạo, những người chiến đấu chống lại những thế hệ người lớn tuổi, cổ hủ. Họ mang một nền văn hóa mới từ phương Đông để thay thế văn minh phương Tây đang suy tàn. Họ muốn thực hiện một đòn giáng mạnh vào chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa tư bản; họ muốn vượt qua tính ích kỷ vô đạo đức bằng lòng vị tha; họ lên kế hoạch thay thế chế độ dân chủ vô chính phủ bằng trật tự và tổ chức, thay thế xã hội của "các giai cấp" bằng một nhà nước toàn diện, thay thế nền kinh tế thị trường bằng chủ nghĩa xã hội. Đây không phải là một cuộc chiến tranh nhằm mở rộng lãnh thổ, cướp bóc và giành quyền bá chủ như các cuộc chiến tranh đế quốc trong quá khứ, mà là như một cuộc thập tự chinh thần thánh vì một thế giới tốt đẹp hơn. Và họ cảm thấy nhất định sẽ giành thắng lợi vì họ tin rằng họ đang gánh trên vai “làn sóng của tương lai”.

Họ nói, đây là một quy luật tự nhiên, rằng những thay đổi vĩ đại mang tính lịch sử không thể diễn ra một cách hòa bình hoặc không có xung đột. Họ cho rằng thật là thiển cận và ngu ngốc nếu chỉ vì một số điều khó chịu mà bỏ qua chất lượng sáng tạo trong công việc sẽ được mang đến từ cuộc cách mạng vĩ đại trên thế giới. Họ bảo vệ ý kiến cho rằng không nên bỏ qua những vinh quang của chân lý mới chỉ vì lòng thương hại đối với người Do Thái và người theo giáo phái Mason, người Ba Lan và người Séc, người Phần Lan và người Hy Lạp, tầng lớp quý tộc Anh suy đồi và giai cấp tư sản thối nát Pháp. Thái độ mềm dẻo và mù quáng như vậy đối với những tiêu chuẩn đạo đức mới chỉ chứng minh sự suy đồi của nền văn hóa giả tạo của giai cấp tư bản đang hấp hối. Họ nói rằng tiếng rên rỉ và khóc lóc của những người già bất lực là vô ích; nó sẽ không ngăn chặn được chiến thắng của tuổi trẻ. Không ai có thể chặn lại bánh xe lịch sử, hoặc quay ngược đồng hồ thời gian.

Cách tuyên truyền này giành chiến thắng áp đảo. Người ta không cân nhắc tới nội dung của thứ chân lý mới chưa được chứng minh; họ chỉ hiểu rằng nội dung đó mới và tin rằng điều đó là đủ để biện minh. Điều này giống như phụ nữ chào đón một phong cách trang phục mới chỉ với mục đích thay đổi, vì vậy họ hoan nghênh trào lưu chính trị và kinh tế được cho là mới. Người ta vội vàng bỏ những ý tưởng “cũ” để đổi lấy những cái “mới”, bởi họ lo sợ phải xuất hiện lỗi thời và đi ngược với sự tiến hóa chung. Họ tham gia vào điệp khúc chỉ trích những nhược điểm của nền văn minh tư bản và nhiệt tình nói về về những thành tựu của các nhà chuyên chế. Ngày nay, chẳng có gì hợp thời hơn bằng việc chê bai nền văn minh phương Tây.

Tâm lý này đã làm cho Hitler dễ dàng đạt được chiến thắng hơn. Cộng hòa Séc và Đan Mạch đầu hàng mà chưa hề chiến đấu. Công chức Na Uy bàn giao phần lớn các bộ phận của quốc gia vào tay quân đội của Hitler. Hà Lan và Bỉ sau đó chỉ kháng cự yếu ớt. Những người Pháp còn tráo trợn ăn mừng sự hủy diệt của nền độc lập của họ như là một “sự hồi sinh quốc gia”. Hitler phải mất năm năm để gây ảnh hưởng lên liên minh chính trị của Áo; 2,5 năm sau đó ông ta nắm quyền kiểm soát lục địa châu Âu.

Hitler không có một vũ khí bí mật mới để sử dụng theo ý của mình. Chiến thắng của ông không dựa trên một đội quân tình báo tuyệt vời thông báo cho ông ta kế hoạch của những đối thủ. Thậm chí một “tổ chức hoạt động ngầm” được nhắc tới nhiều cũng không nắm quyền quyết quyết định. Ông ta giành chiến thắng được bởi vì các đối thủ đã hoàn toàn ủng hộ ý tưởng mà ông khởi xướng.

Chỉ có những người chấp nhận một cách vô điều kiện và không giới hạn rằng nền kinh tế thị trường là hình thức hợp tác xã hội khả thi duy nhất mới là đối thủ của các hệ thống độc tài toàn trị và có khả năng chống lại chúng thành công. Những người mong muốn chủ nghĩa xã hội có ý định mang hệ thống tồn tại ở nước Nga và Đức đến đất nước của họ. Ủng hộ chủ nghĩa can thiệp có nghĩa là bước vào một con đường chắc chắn dẫn đến chủ nghĩa xã hội.

Một cuộc đấu tranh tư tưởng không thể chiến thắng bằng cách nhượng bộ liên tục trước các nguyên tắc của kẻ thù. Những người bác bỏ chủ nghĩa tư bản bởi nó được cho là có hại cho lợi ích của quần chúng, những người tuyên bố rằng sau khi chiến thắng Hitler, “như một điều tất yếu”, nền kinh tế thị trường sẽ phải được thay thế bằng một hệ thống tốt đẹp hơn và, do đó, cần phải hoàn tất mọi thứ ngay từ bây giờ để chính phủ có thể kiểm soát hoàn toàn hoạt động kinh doanh, thực chất lại là những người đang đấu tranh ủng hộ cho chế độ độc tài. Những người “cấp tiến” hôm nay ngụy trang là “những người theo chủ nghĩa tự do” có thể nguyền rủa chống lại “chủ nghĩa phát xít”; nhưng đây lại là chính sách mở đường cho chủ nghĩa Hitler của họ.

Không có phương pháp nào hữu ích đối với sự thành công của phong trào Chủ nghĩa xã hội Quốc gia (Đức quốc xã) hơn các phương pháp mà “những người cấp tiến” sử dụng, đó là tố cáo chủ nghĩa phát xít là một đảng phục vụ các lợi ích của “tư bản”. Công nhân Đức quá biết chiến thuật này để không bị lừa gạt một lần nữa. Có đúng là kể từ những năm 1870, những người theo đảng Dân chủ-xã hội có khuynh hướng ủng hộ lao động đã mạnh mẽ chống lại tất cả các biện pháp ủng hộ lao động của chính phủ Đức, gọi họ là “giai cấp tư sản” và gây tổn hại đến lợi ích của giai cấp công nhân? Những người theo đảng Dân chủ - xã hội luôn bỏ phiếu chống lại quốc hữu hóa các tuyến đường sắt, đô thị hóa các tiện ích công cộng, pháp luật lao động, các bảo hiểm tai nạn, bệnh tật và bảo hiểm tuổi già bắt buộc, hệ thống an sinh xã hội của Đức, hệ thống mà sau đó được lựa chọn trên toàn thế giới. Sau đó, sau chiến tranh [Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất] những người Cộng sản gọi đảng Dân chủ - xã hội Đức và các đoàn thể Dân chủ-xã hội là “những kẻ phản bội giai cấp của họ”. Vì thế, các công nhân Đức nhận ra rằng tất cả các đảng thúc giục họ gọi các đảng đối thủ là “những kẻ đầy tớ tự nguyện của chủ nghĩa tư bản”, hay các cụm từ tương tự như vậy, không làm tan vỡ lòng trung thành của họ với chủ nghĩa phát xít.

Trừ khi chúng ta hoàn toàn không biết gì về các sự thật, còn nếu không chúng ta phải nhận ra rằng công nhân Đức là những người ủng hộ đáng tin cậy nhất của chế độ Hitler. Chủ nghĩa phát xít giành chiến thắng hoàn toàn bằng cách loại bỏ tình trạng thất nghiệp và biến các nghiệp chủ thành những chủ quản lý (Betriebsführer). Những doanh nghiệp lớn, chủ cửa hàng, và nông dân cảm thấy thất vọng. Những người lao động khá hài lòng và sẽ đứng về phía Hitler, trừ khi chiến tranh đảo chiều, có thể phá hủy hy vọng của họ về một cuộc sống tốt đẹp hơn sau hiệp ước hòa bình. Chỉ có sự đảo chiều quân sự mới có thể tước đoạt sự ủng hộ của công nhân Đức đối với Hitler.

Thực tế là các nhà tư bản và giới nghiệp chủ, những người phải đối mặt với sự lựa chọn chủ nghĩa cộng sản hay chủ nghĩa phát xít, đã chọn chủ nghĩa phát xít mà không cần giải thích thêm. Họ thích sống như những người quản lý dưới thời Hitler hơn là bị “trừ khử” bởi Stalin như “những người thuộc giai cấp tư sản”. Các nhà tư bản, cũng giống như những người dân khác, không muốn bị giết hại.

Việc tin rằng công nhân Đức phản đối Hitler có thể tạo nên những tác động nguy hại đã được chứng minh bởi các chiến thuật của người Anh trong năm đầu tiên của cuộc chiến. Chính phủ Neville Chamberlain4 tin chắc rằng chiến tranh sẽ đi đến hồi kết thúc bằng một cuộc cách mạng của công nhân Đức. Thay vì tập trung vào trang bị vũ khí mạnh mẽ và chiến đấu, họ đã cho máy bay của họ thả truyền đơn tới Đức và nói với các công nhân Đức rằng nước Anh không tham chiến để chống lại họ, mà để chống lại những kẻ áp bức của họ, Hitler. Họ nói, chính phủ Anh biết rất rõ rằng người Đức, đặc biệt là những người lao động, phản đối chiến tranh và chỉ bị buộc bước vào cuộc chiến bởi nhà độc tài của họ.

Những công nhân tại các quốc gia Anglo-Saxon cũng biết rằng các phe phái xã hội chủ nghĩa tranh giành lợi ích thường cáo buộc lẫn nhau ủng hộ chủ nghĩa tư bản. Tất cả những người Cộng sản đưa ra lời buộc tội lẫn nhau chống lại chủ nghĩa xã hội. Và bên trong các nhóm Cộng sản, những người theo chủ nghĩa Trotsky sử dụng cùng một lập luận để chống lại Stalin và quân đội của ông ta. Và ngược lại. Thực tế rằng “những người cấp tiến” có những lời buộc tội tương tự đối với Phát xít Đức và Chủ nghĩa Phát xít sẽ không ngăn chặn được những người lao động khỏi việc một ngày nào đó họ đi theo một băng đảng phát xít khác, mặc áo sơ mi có màu khác nhau.

Sai lầm của nền văn minh phương Tây chính là thói quen đánh giá các đảng chính trị chỉ bằng cách hỏi liệu chúng có mới và đủ triệt để không, chứ không phải phân tích liệu chúng có khôn ngoan hay không, hoặc liệu chúng có đưa ra được các giải pháp để đạt được mục tiêu của họ hay không. Không phải mọi thứ tồn tại ngày nay đều hợp lý; nhưng điều đó không có nghĩa rằng mọi thứ không tồn tại là hợp lý.

Các thuật ngữ thông thường của ngôn ngữ chính trị là ngu ngốc. Thế nào là “cánh tả” và thế nào là “cánh hữu”? Tại sao Hitler phải là “cánh hữu” và Stalin, đồng minh tạm thời của ông ta, lại là “cánh tả”?5 Ai “phản động” và ai “tiến bộ”? Phản ứng chống lại một chính sách không khôn ngoan không đáng bị lên án. Và tiến bộ dẫn tới sự hỗn loạn không đáng được khen thưởng. Không nên chấp nhận một thứ chỉ vì nó mới, cấp tiến, và hợp thời. “Chính thống” không phải là một điều xấu xa nếu những “chính thống” đó dựa trên các học thuyết đúng đắn. Ai là người chống lao động, những người muốn giảm giá trị lao động xuống mức tại Nga, hoặc những người muốn đem lại cho người lao động chuẩn mực tư bản của Mỹ? Ai là “người theo chủ nghĩa dân tộc”, những người muốn quốc gia của họ phục tùng dưới gót chân của Đức quốc xã, hay những người gìn giữ nền độc lập?

Điều gì sẽ xảy ra với nền văn minh phương Tây nếu người dân của nó đã luôn luôn thể hiện niềm ưa thích với những thứ “mới”? Giả sử họ chào đón người Attila và người Hung Nô, tín ngưỡng của Mohammed, hay người Tartar như là “làn sóng của tương lai”? Thì đó cũng là những kẻ độc tài và được biết đến nhờ những thành công quân sự, khiến những người yếu đuối phải ngần ngại và sẵn sàng đầu hàng. Điều mà ngày nay nhân loại đang cần là sự giải thoát khỏi ách cai trị của những khẩu hiệu vô nghĩa và quay trở lại với những luận điểm đúng đắn.

Chú thích:

(1) [Edouard Manet (1832-1883), họa sỹ theo trường phái ấn tượng người Pháp – Chủ biên].

(2) [Leon Trotsky (1879-1940), Đảng viên Đảng Cộng sản người Nga chống lại Stalin và bị lưu đày. Ông bị đày đến Mexico và bị giết hại vào tháng 8 năm 1940 – Chủ biên].

(3) [Gregor Strasser (1892-1934), một người ủng hộ Hitler từ rất sớm, sau này bất đồng ý kiến với Hitler và bị giết hại – Chủ biên].

(4) [Neville Chamberlain (1869-1940) là Thủ tướng Anh từ năm 1937 tới tháng 5 năm 1940 – Chủ biên].

(5) Nhớ rắng khi Mises viết bài này vào năm 1940, Hitler và Stalin là đồng minh theo các điều khoản trong hiệp ước bất tương xâm vào tháng 8 năm 1939 – Chủ biên].

Nguồn: Ludwig von Mises, Interventionism: An Economic Analysis, Edited by Bettina Bien Greaves, FEE, 1998

Dịch giả:
Đinh Tuấn Minh
Hiệu đính:
Đinh Tuấn Minh