Giới thiệu tác phẩm On Economic Inequality của Amartya Sen

Giới thiệu tác phẩm On Economic Inequality của Amartya Sen

Giới thiệu tác giả Sen Amartya K.

Amartya Sen sinh năm 1933 ở Bengale (Ấn Độ). Thuở nhỏ, nạn đói lớn năm 1943 để lại ấn tượng sâu sắc nơi ông, và dù bản thân không bị đói, năm 9 tuổi ông đã nhận thấy rằng những nạn nhân của nạn đói là những người nghèo. Nhận xét này có vẻ là tiểu tiết nhưng việc lựa chọn các chủ đề nghiên cứu của Sen trái lại chứng minh tầm quan trọng của nó. Amartya Sen tốt nghiệp tiến sĩ ở đại học Cambridge (Anh) năm 1959 và từng là giáo sư kinh tế ở Ấn Độ, London School of Economics (nhiệm sở của ông vào lúc On Economic Inequality được xuất bản) và đại học Oxford. Tiếp đó, ông là giáo sư kinh tế và triết học tại đại học Harvard, trước khi quay trở lại, năm 1998, Trinity College ở Cambridge (mà ông từng là fellow – [nghiên cứu sinh – ND] – từ 1957 đến 1963). Ông được vinh danh nhiều lần trong suốt sự nghiệp của ông, trong đó có giải Nobel kinh tế do Hàn lâm viện Thụy Điển trao năm 1998 vì sự đóng góp cho kinh tế học phúc lợi.

Là một lí thuyết gia lớn, một nhà triết học quan tâm đến công bằng xã hội và một nhà kinh tế phát triển, Sen đã tham gia tích cực vào vài cuộc tranh luận lớn của khoa học kinh tế đương đại. Những đóng góp của ông trong trường của kinh tế học chuẩn tắc theo hai hướng. Một mặt, là tác giả chủ yếu của lí thuyết lựa chọn xã hội được phát triển tiếp theo sau định lí bất khả của Arrow, ông đã đóng góp, trong các công trình trong những năm 1960, những bước tiến lí thuyết về việc gộp những sở thích cá nhân và việc tôn trọng các quyền tự do (Sen, 1970). Mặt khác, theo một hướng do các công trình đầu này mở ra, trong những nghiên cứu gần đây hơn, ông duy trì một cuộc đối thoại phong phú giữa kinh tế học và triết học, đặc biệt chung quanh việc đánh giá những trạng thái của xã hội trên quan điểm công bằng (Sen, 1992 và 1999). Sen cũng đã tham gia vào việc phát triển những ứng dụng như thước đo sự bất bình đẳng (đối tượng của On Economic Inequality) và nguồn gốc của các nạn đói và nghèo khó (Sen, 1981; Sen và Drèze, 1980).   

Cuối cùng trên quan điểm phương pháp luận, điều lí thú là nhận xét rằng Sen đã vượt qua những đường biên thông thường khi kết hợp một cách tài hoa lí thuyết kinh tế, chính sách kinh tế và kinh tế học ứng dụng. Không những vận dụng các công cụ toán học (đặc biệt là logic và đại số), tất nhiên bao giờ cũng phân tích các giả thiết và bàn luận các kết quả và hệ luỵ của chúng, song ông cũng phát triển những luận chứng triết học đạo đức và luôn thể hiện sự quan tâm và cảm thông thật sự đối với những ai liên quan đến các nghiên cứu của mình, đặc biệt là đối với người nghèo.

Kinh tế học phúc lợi đối mặt với sự bất bình đẳng

Thật ra tác phẩm On Economic Inequality gồm có hai tác phẩm về những bất bình đẳng kinh tế: quyển thứ nhất, xuất bản năm 1973 và quyển thứ hai một phụ lục quan trọng khi tái bản năm 1977 và có đồng tác giả là James A. Foster. Các bài Radcliffe Lectures mà Sen giảng năm 1972 tại đại học Warwick phân tích bằng khái niệm phúc lợi xã hội những chỉ số bất bình đẳng khác nhau trong việc phân phối thu nhập, làm rõ những giải thiết và đòi hỏi thống kê, những nội dung và hệ quả kinh tế. Phụ lục “On Economic Inequality After A Quarter Century” điểm lại những phát triển chính về mặt phân tích được công bố từ lần xuất bản đầu.

Ngay từ 1973, trong bối cảnh xuất hiện của những phản bác vững chắc đối với sự thống trị của thuyết công lợi trong triết học và trong kinh tế học, Sen chứng minh rằng kinh tế học phúc lợi truyền thống là ít ích lợi cho việc nghiên cứu những bất bình đẳng do chấp nhận thuyết công lợi được các nhà kinh tế thừa nhận. Thuyết công lợi chủ trương việc tối đa hóa phúc lợi tập thể được định nghĩa như tổng của những lợi ích cá nhân. Nhấn mạnh đến tổng lợi ích, thuyết này không quan tâm đến sự phân phối lợi ích và do đó không quan tâm đến những bất bình đẳng về lợi ích giữa các cá thể. Đặc biệt, chứng minh dựa trên tiên đề yếu về công bằng (WEA: Weak Equity Axiom) hình thức hóa nỗi ghê tởm nhất định sự bất bình đẳng: xét một cá nhân i có một phúc lợi thấp hơn một cá nhân j cho mọi mức thu nhập, phân bổ tối ưu các nguồn lực giữa n cá nhân, kể cả i và j, phải phân bổ một thu nhập quan trọng hơn cho i (chênh lệch thu nhập có thể là rất nhỏ). Thế mà, thuyết công lợi, trong nhiều trường hợp vi phạm sở thích như được thể hiện trong WEA. Thật ra, thuyết công lợi được đặc trưng bằng ba yếu tố: hệ quả luận (giá trị được đánh giá tùy theo kết quả); phúc lợi luận (chiều kích thích đáng để đo kết quả là lợi ích); sắp xếp thứ tự bằng phép tổng hay sum ranking. Việc bàng quan đối với vấn đề phân phối là do thành tố thứ ba này. Trong thời gian đầu, và cho dù trong kinh văn đã có những phê phán hệ quả luận và phúc lợi luận – đặc biệt là của Rawls –, Sen vẫn giữ khuôn khổ chuẩn và chỉ từ bỏ nguyên tắc xếp hạng sau khi tổng cộng. Hệ quả chủ yếu của điều này là, trong lần xuất bản đầu tiên của On Economic Inequality và trong những phần đầu của phụ lục chỉ có việc mở rộng những kết quả đã có trong kinh văn, đặc biệt là những kết quả của Atkinson (1970) như khái niệm thu nhập tương đương được phân phối đồng đều hay sự phân tích quan hệ khống chế của Lorenz. Sau đó – và mặc dù có những phê phán của những người bảo vệ thuyết công lợi như Harsanyi – Sen (1980) sẽ đào sâu sự phê phán thuyết công lợi và đặc biệt là phản bác phúc lợi luận; các bàn luận này được trình bày lại trong phần cuối của phụ lục (xem dưới đây).

Về phần mình, kinh tế học phúc lợi mới (lợi ích thứ tự), khi từ chối những so sánh liên cá thể, kéo theo là tất cả những trạng thái tối ưu Pareto không thể so sánh được. Như vậy, việc đưa vào một hàm lợi ích xã hội nhằm thể hiện những sở thích tập thể hầu xếp hạng các trạng thái tối ưu này. Sen nhắc lại rằng không thể thu được hàm này từ việc gộp những sở thích cá thể, như định lí bất khả của Arrow đã chứng minh (bản thân Sen (1970) cũng đã mở rộng tính bất khả này ra trường hợp mà quan hệ thứ tự không còn có tính bắc cầu mà chỉ có tính tựa bắc cầu). Đối với Sen, vấn đề là do hàm lợi ích xã hội có tính thứ tự: hàm này chỉ phụ thuộc vào những sắp xếp cá thể mà không qui chiếu về những cường độ sở thích, nghĩa là về những so sánh liên cá thể. Như vậy, kinh tế học phúc lợi mới càng ít có khả năng hơn thuyết công lợi cổ điển để xử lí những bất bình đẳng, một lĩnh vực bắt buộc phải tiến hành những so sánh liên cá thể. Con đường Sen chọn là theo những hàm phúc lợi xã hội bản số cho phép làm rõ những so sánh liên cá thể cần thiết về phúc lợi.

Bởi thế, để đánh giá bất bình đẳng bằng khái niệm phúc lợi xã hội, Sen đồng nhất các so sánh liên cá thể ngầm ẩn với những chỉ số bất bình đẳng và xác định xem chúng có tuân thủ những điều kiện thể hiện lí lẽ thông thường về bất bình đẳng không. Cốt lõi của việc nghiên cứu này bằng khái niệm phúc lợi xã hội là nghiên cứu những tương ứng giữa những tính chất của các hàm phúc lợi xã hội W và những tính chất của các chỉ số bất bình đẳng I, biết rằng một chỉ số bất bình đẳng I có thể cho được một hàm W và một hàm W có thể xác định một chỉ số I.

Một tích chất khá logic đòi hỏi là mọi chuyển nhượng thu nhập từ một người nghèo sang một người giàu hơn (tất cả những biến khác không thay đổi) được xem như là sự xuống cấp của phân phối và do đó làm tăng mức độ bất bình đẳng: đó là nguyên tắc của Pigou-Dalton. Nguyên tắc này được hệ số biến thiên C tuân thủ, do việc lấy bình phương những khoảng cách với giá trị trung bình càng làm tăng sức nặng của những khoảng cách lớn. Tổng quát hơn, có thể kết nối nguyên tắc này với những điều kiện về tính lõm của hàm W. 

Một tính chất bổ sung (nguyên tắc những chuyển nhượng giảm dần) liên quan đến tính nhạy cảm của những chuyển nhượng tùy theo mức thu nhập: có thể cho rằng chuyển nhượng giữa hai người có thu nhập thấp có tầm quan trọng lớn hơn sự chuyển nhượng cùng số tiền đó giữa hai nhà tỉ phú. Thế mà có những chỉ số (như C) không tôn trọng trực giác này do gán một quyền số giống nhau cho những chuyển nhượng được tiến hành tùy theo mức thu nhập. Phương sai của các loga chỉnh sửa tính trung lập này, nhưng lại vi phạm nguyên tắc Pigou-Dalton và do đó không còn được sử dụng. Còn hệ số Gini G, tuy tuân thủ điều kiện Pigou-Dalton nhưng tính nhạy cảm với các chuyển nhượng không được bảo đảm vì phụ thuộc vào số người có liên quan: thật vậy, nguyên lí xây dựng G là sắp xếp mỗi người theo vị thế của mình, một chuyển nhượng giữa A và B được đánh giá khác nhau tùy theo vị thế của mỗi người (theo số người nằm giữa A và B) và ngay cả khi chênh lệch thu nhập giữa hai người là không đổi. Một số chỉ số bất bình đẳng khác cũng được xem xét, đặc biệt những chỉ số phái sinh từ thu nhập tương đương được phân phối đồng đều của Atkinson và sự khái quát hóa khái niệm này của Sen. Một số tiên đề khác, đặc biệt tiên đề bất biến (đối với đơn vị đo lường hay với quy mô của tổng thể thống kê) được trình bày và bàn luận một cách hệ thống hơn trong phụ lục năm 1997.

Sen còn nhấn mặnh rằng một thước đo sự bất bình đẳng không nhất thiết phải là một sắp xếp đầy đủ (so sánh tất cả các cặp). Nếu không thỏa mãn điều kiện đầy đủ (không thể sắp xếp tất cả các cặp) thì tiền thứ tự bộ phận thu được vẫn thể hiện lí lẽ thông thường của chúng ta về bất bình đẳng. Đó là trường hợp của việc so sánh những đường Lorentz, một nguyên lí sắp xếp tuy không đầy đủ, nhưng ít phản bác được trong những trường hợp đơn giản.

Cuối cùng, nếu trong lần xuất bản đầu tiên vấn đề thước đo sự nghèo khó không được đề cập một cách rõ ràng thì phụ lục xem xét những công trình được công bố từ lần xuất bản ấy. Đối với Sen, xác định một ngưỡng nghèo và đếm số người sống dưới ngưỡng này là chưa đủ, còn phải đo cường độ và sự phân phối của cái nghèo, nghĩa là phải tìm ra một phương thức tổng gộp để có được mức nghèo khó của cộng đồng. Phụ lục trình bày chỉ số Sen (cho các cá thể dưới ngưỡng của hệ số Gini G và một chỉ số chênh lệch thu nhập), những tính chất được thỏa mãn (tính đơn điệu, tính phân tích được) hay không và nhiều chỉ số khác để bổ khuyết cho các thiếu sót ấy (ví dụ, thay thế G bằng những thước đo bất bình đẳng khác)1.      

Đào sâu sự phê phán thuyết công lợi: bình đẳng của những năng lực và sự phát triển con người

Giữa hai lần xuất bản của On Economic Inequality, kinh văn về những vấn đề bất bình đẳng và công bằng trở nên cực kì phong phú. Có thể quy một phần sự đổi mới này cho tiểu luận của Sen, trong chừng mực mà đóng góp của ông vào việc phê phán thuyết công lợi đã cho thấy rằng tính hiệu quả, được xem một cách sai lầm là trung tính, cũng đã là một đánh giá giá trị và rằng kinh tế học có đủ thẩm quyền và được trang bị để xử lí những vấn đề công bằng. Phụ lục năm 1997 cho thấy là những biến đổi được khơi mào năm 1973 tiếp tục làm gia tăng hiểu biết kinh tế về những bất bình đẳng, công bằng, nghèo khó đến dường nào.

Trong lần xuất bản đầu tiên, việc đánh giá sự bất bình đẳng được thực hiện trong khuôn khổ một phân tích phúc lợi xã hội với giả định là mức phúc lợi xã hội do vectơ những thu nhập ấn định. Thế mà, sau đó, Sen (1980, 1992, phụ lục 1997) mở rộng phê phán của ông đối với thuyết công lợi vượt ra ngoài vấn đề cộng các lợi ích: nay, vấn đề nằm chính ngay ở không gian đo những bất bình đẳng. Giới hạn phân tích ở thu nhập che khuất những khía cạnh mấu chốt của sự bất bình đẳng. Cần phải đưa vào những yếu tố khác (tự do, các quyền, chất lượng cuộc sống). Khi phê phán phúc lợi luận, Sen giải thích rằng không chỉ phúc lợi là giá trị duy nhất cần phải tính đến mà, hơn nữa, khái niệm lợi ích dẫn đến một tầm nhìn khiếm khuyết về phúc lợi do tác động của những tình huống ngẫu nhiên. Chẳng hạn, một người gánh trải những đau đớn mãnh liệt, tự bằng lòng với những hạnh phúc cỏn con và ít ham muốn sẽ thấy những thiếu hụt của mình bị hạ thấp trên thước đo của lợi ích.

Hệ quả đầu tiên của phê phán triệt để hơn này đối với thuyết công lợi có tính lí thuyết: Sen bảo vệ một quan niệm về công bằng dựa trên sự bình đẳng của những năng lực (capability). Tự do thực tế của các cá nhân là điều cơ bản nhưng không thể được đảm bảo bằng việc đơn giản cung cấp cho các cá nhân cùng một lượng nguồn lực: việc thực thi tự do thật sự không chỉ phụ thuộc duy nhất vào những phương tiện ta có được, mà còn vào năng lực biến đổi các phương tiện này và chuyển hóa chúng thành những quyền tự do hay thành quả (functionnings). Do đó, một lí thuyết về sự công bằng phải vượt qua ý niệm nguồn lực hay sản phẩm ban đầu (primary goods) (do Rawls (1971) bảo vệ) và phải tính đến những biến động của các năng lực. Phải đo sự bất bình đẳng (và chủ trương bình đẳng) trong không gian các năng lực, nghĩa là những quyền tự do thực chất cho phép một cá nhân sống kiểu sống mà mình mong muốn. Tất nhiên một số vấn đề vẫn còn bỏ ngõ và nhằm vào, ví dụ, việc quyền số hóa những thành quả khác nhau mà một cách chính đáng ta có thể công nhận giá trị, hay việc nên chăng kết hợp cách tiếp cận bình đẳng về cơ hội thành quả của Sen với cách tiếp cận bình đẳng về cơ hội nguồn lực của Rawls.

Hệ quả thứ hai có tính thực tiễn hơn. Những phê phán đối với các thước đo phúc lợi dựa trên thu nhập cũng liên quan đến những chỉ số nghèo khó (kể cả chỉ số của Sen). Nghèo khó không đơn giản chỉ là sự yếu kém của thu nhập mà cơ bản hơn là sự thiếu hụt những năng lực sơ đẳng. Tất nhiên thiếu hụt thu nhập là nguồn gốc chính của sự thiếu hụt năng lực, nhưng mối liên hệ giữa thu nhập và năng lực bị chi phối bởi nhiều nhân tố khác: tuổi tác, giới tính và vai trò xã hội, bối cảnh dịch tễ học, khuyết tật, tài năng, v.v.  

Những công trình trên có một ứng dụng trực tiếp trong các báo cáo về sự phát triển con người của Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) mà Sen từng tư vấn. Được xuất bản kể từ 1990, báo cáo này trình bày chỉ số phát triển con người (HDI), có tính đến, với những quyền số bằng nhau, mức sống (GDP thực trên đầu người được điều chỉnh cho ngang bằng sức mua (PPP) tùy theo là GDP trên đầu người có thấp hay không trung bình thế giới), cũng như kì vọng sống lúc chào đời và mức độ giáo dục (tỉ suất biết đọc của người lớn và số năm học trung bình). So sánh các kết quả thứ hạng của các nước theo tiêu chí của HDI và GDP trên đầu người cho thấy là ở những mức GDP tương đương có thể ứng những mức phát triển con người khác nhau tùy theo việc sử dụng và phân bổ những thành quả của tăng trưởng. Kể từ 1993, UNDP cũng tính chỉ số phát triển giới (Gender-related Development Index hay GDI): HDI được chỉnh sửa nhằm phản ánh những khác biệt giữa nam và nữ về kì vọng sống, thu nhập và giáo dục. Cuối cùng kể từ 1997, UNDP công bố một chỉ số nghèo đói con người (Human Poverty Index hay HPI) từ những chỉ báo kì vọng sống (tỉ lệ người có nguy cơ chết trước 40 tuổi), mức độ giáo dục (tỉ lệ người biết đọc) và những điều kiện sống (tỉ lệ người không tiếp cận được những dịch vụ y tế, nước sạch, tỉ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị thiếu dinh dưỡng). Như vậy, phù hợp với các công trình của Sen, HPI nhấn mạnh rằng nghèo khó không chỉ là việc thiếu hay yếu kém của những nguồn lực tiền tệ mà còn được xác định bằng thiếu hay yếu kém của những cơ hội cho phép thụ hưởng một cuộc sống chấp nhận được.

Không thể phủ nhận ảnh hưởng của các công trình trên nhất là khi đến lượt nhiều tổ chức quốc tế khác ngày càng có nỗ lực đưa vào các điều kiện sống (xem các báo cáo hằng năm của Unicef vể đời sống trẻ em hay báo cáo năm 1993 của Ngân hàng thế giới về y tế). Hơn nữa các nhà nghiên cứu tiếp tục thiết kế những chỉ số, như chỉ số Bip 40, “phong vũ biểu của những bất bình đẳng và nghèo khó” được một hệ thống cảnh báo ở Pháp thiết lập năm 2002 từ nhiều chuỗi thống kê (việc làm và điều kiện lao động, y tế, giáo dục, nhà ở, tư pháp) với một mục tiêu kép là cải tiến hiểu biết về những bất bình đẳng và nghèo khó và để chống lại sự hiện diện mọi lúc mọi nơi của những chỉ số chứng khoán. Chính sự tồn tại của các chỉ báo mới này làm thay đổi cách đề cập những vấn đề nghèo khó và bất bình đẳng và các quan hệ kinh tế giữa các quốc gia. Các chuỗi thống kê HDI và HPI cung cấp những yếu tố cụ thể cho một tầm nhìn mở rộng về sự phát triển nay không còn có thể đồng nhất với sự tăng trưởng của sản xuất (cho dù, có nên nhắc lại chăng, sản xuất theo nghĩa GDP không chỉ quy về sản xuất hàng hóa). Diễn biến của quan điểm của Ngân hàng thế giới và của Quỹ tiền tệ quốc tế vào cuối những năm 1990 và đặc biệt hơn là việc xét lại điều khoản có điều kiện2 vào năm 2001 là một dấu hiệu tốt cho sự phát triển con người (nghĩa là cho các chính sách ủng hộ giáo dục, y tế và việc cải thiện những điều kiện sống). Tất nhiên, khi tính đến những được mất kinh tế và địa-chính trị, các chỉ báo mới chưa sẵn sàng để thay thế cho các thước đo truyền thống là GDP và GDP trên đầu người trong việc phân bổ viện trợ cho phát triển hay, ví dụ, cho việc phân chia quyền lực trong nội bộ các tổ chức quốc tế. Còn cần nhiều bước tiến nữa để chuyển thành chính sách kinh tế những tiến bộ về mặt khái niệm và thực nghiệm về thước đo bất bình đẳng và nghèo khó.

Thư mục

Atkinson A. B. (1970), “On the Measurement of Inequality”, Journal of Economic Theory, 2, p. 244-263.

Drèze J. và Sen A. K. (1995), Hunger and Public Action, Oxford, Clarendon Press.

Fleurbaey M. (1996), Théories économiques de la justice, Paris, Economica.

Kolm S. C. (1976), “Unequal Inequalities”, Journal of Economic Theory, 12, p.416-442 và 13, p.82-111.

Marcus V. và Duval C. (2002), “Le BIP 40, un baromètre des inégalités et de la pauvreté”, Alternatives économiques, 202, avril, p. 44-53.

Rawls J. (1971), A Theory of Justice, Harvard, Harvard University Press.

Royal Swedish Academy of Sciences (1998), “Social Choices, Social Distributions and Poverty”, bản dịch tiếng Pháp: “La valorisation de la philosophie en économie: Amartya Sen, prix Nobel d’économie, 1998”, Problèmes économiques, n02.588, 28 oct., p.1-3.

Sen A. K. (1970), Collective Choice and Social Welfare, San Francisco, Holden-Day.

Sen A. K (1980), “Equality of What ?”, in Mc Maurin S. M. (ed.), Tanner Lectures on Human Nature I, Salt Lake City, University of Utah Press và Cambridge, Cambridge University Press và Cambridge, in lại tại các trang 353-369 trong Sen A. K. (1982), Choice, Welfare and Measurement, Oxford, Blackwell and Cambridge, MIT Press, bản dịch tiếng Pháp, “Quelle égalité?”, p.189-213 in Sen A. K. (1993), Éthique et économie et autres essais, Paris, PUF.

Sen A. K (1980), Poverty and Famines: An Essay on Entitlement and Deprivation, Oxford, Clarendon Press.

Sen A. K (1992), Inequality Reconsidered, Oxford, Oxford University Press, bản dịch tiếng Pháp, Repenser l’inégalité, Paris, Le Seuil, 2000.

Sen A. K (1999), Development and Freedom, Alfred Knopf Inc., bản dịch tiếng Pháp, Un nouveau modèle économique. Développement, Justice, Liberté, Paris, Odile Jacob, 2000, [bản dịch tiếng Việt, Phát triển là quyền tự do, NXB Thống Kê, Hà Nội, 2002 - ND]. 

Arrow, Social Choice and Individual Values, Hayek, Law, Legislation and Liberty, Pareto, Manuel d’économie politique

Chú thích:

(1) Xem các bài "Bất bình đẳng""Bất bình đẳng thu nhập" (ND).

(2) Điều khoản có điều kiện (conditionality) chỉ toàn bộ những điều kiện mà IMF và WB áp đặt cho các khoản vay của các nước đang phát triển theo tinh thần của “đồng thuận Washington”, chẳng hạn thông qua các chính sách “điều chỉnh cấu trúc” (structural adjustment) (ND).

Nguồn: Xavier Greffe, Jérôme Lallement, Michel de Vroey, Dictionnaire des grandes oeuvres économiques, Dalloz, Paris, 2002, trang 508-515.

Nguồn dịch: Phân tích kinh tế: On Economic inequality

 

Dịch giả:
Nguyễn Đôn Phước

Tác giả liên quan