Giả thiết lí thuyết và dữ kiện không quan sát (Phần 2)

Giả thiết lí thuyết và dữ kiện không quan sát (Phần 2)

Để đào sâu nền tảng của hệ thống phân tích, cần không do dự vượt qua các giới hạn của các hiện tượng kinh tế mà lĩnh vực vốn đã được khoanh tới nay. Đeo đuổi việc tìm hiểu một cách căn cơ quá trình sản xuất tất yếu không tránh khỏi phải bước vào lĩnh vực của khoa học kĩ sư. Để nhìn xuyên qua bức màn mỏng của các hàm tiêu dùng cổ điển, cần phải tiến hành nghiên cứu một cách có hệ thống các đặc điểm cấu trúc và hoạt động của các hộ gia đình, một lĩnh vực mà ở đấy việc mô tả và phân tích các yếu tố xã hội, nhân loại học, và nhân khẩu học đương nhiên phải là trọng tâm.

Việc thiết lập các quan hệ vượt qua các biên giới truyền thống hiện ngăn cách kinh tế học và các lĩnh vực kế cận bị một mặc cảm tự phụ cản trở. Mặc cảm này, như tôi đã nói, là kết quả của lòng tự tin quá đáng vào qui nạp thống kê, gián tiếp được coi như phương pháp chính của nghiên cứu thực nghiệm. Ở cương vị một nhà lí thuyết, chúng ta xây dựng một hệ thống trong đó giá cả, sản xuất, tỉ suất tiết kiệm và đầu tư, ... được giải thích bằng các hàm sản xuất và hàm tiêu dùng và các quan hệ cấu trúc khác, với những tham số được giả định -ít nhất là do yêu cầu của lập luận- là biết được. Tuy nhiên, như một nhà kinh trắc, khi tiến hành nghiên cứu thực nghiệm, chúng ta không thử kiểm tra dạng của các hàm và đo đạc trị số các tham số bằng cách đối chiếu những thông tin mới trên cơ sở những dữ liệu thực tế. Chúng ta đột ngột trở mặt và dựa vào qui nạp thống kê gián tiếp để rút ra các quan hệ cấu trúc không biết từ những quan hệ quan sát về mức giá, sản xuất và các biến khác mà, ở cương vị một lí thuyết gia chúng ta coi như những ẩn số.

Về mặt hình thức, tất nhiên không có gì sai trái khi làm một cách có vẻ luẩn quẩn như vậy. Hơn nữa, nhà xây dựng mô hình, khi thiết kế các cấu trúc giả định, có quyền tính đến mọi hiểu biết có thể có được về các sự kiện và ít nhất là, trên nguyên tắc, nhà kinh trắc có thể đưa vào trong phương thức ước lượng, bất kì số lượng thông tin nào thường được biết dưới tên thông tin “ngoại” trước khi cung cấp chúng cho máy tính xử lí. Khả năng này hiếm khi được sử dụng, và nếu có, thì là một cách không có chủ định.

Những chuỗi số liệu quá quen thuộc được các mô hình lí thuyết đối chọi nhau, xào đi nấu lại trong một cuộc chiến thống kê hình thức. Trong phần lớn các trường hợp, vì những lí do hiển nhiên, cuộc chiến kết thúc không bằng sự đo ván của một đối thủ mà chỉ có sự sai biệt trên một vài điểm. Tính hệ thống và trật tự của cả quá trình này làm nảy sinh một tâm lí tự mãn dễ chịu.

Cảm giác vừa ý này, như tôi đã nói, làm nản lòng những cố gắng táo bạo nhằm mở rộng và đào sâu các cơ sở thực nghiệm của phân tích kinh tế, đặc biệt là những cố gắng dẫn đến việc vượt qua các mốc qui định những ranh giới giữa ngành chúng ta và các ngành lân cận.

Chỉ có thể đạt được tiến triển thật sự bằng những bước lặp lại khi cách đặt vấn đề lí thuyết được cải thiện làm nảy sinh các câu hỏi thực nghiệm và đến lượt các câu trả lời cho các câu hỏi ấy dẫn đến những cách nhìn lí thuyết dưới những góc độ mới. Những điều “cho trước” của hôm nay sẽ trở thành những điều “không biết” cần được giải thích của ngày mai. Nhân thể cách tiếp cận này làm cho khó giữ được quan điểm dễ dãi về phương pháp luận theo đấy nhà lí thuyết không cần kiểm tra trực tiếp các giả thiết cụ thể được chọn làm cơ sở cho các lập luận diễn dịch của mình, miễn là khi các kết luận thực nghiệm có vẻ đúng đắn. Trong một chừng mực đáng kể, quan điểm thịnh hành này là nguyên nhân của sự cô lập đến độ huy hoàng của ngành chúng ta ngày nay.

Khoa kinh tế nông nghiệp như được phát triển trong vòng 50 năm qua ở đất nước này là một ví dụ hiếm thấy của một cân bằng lành mạnh giữa phân tích lí thuyết và phân tích thực nghiệm. Đó cũng là một ví dụ về thiện ý hợp tác của các nhà kinh tế chuyên nghiệp với các chuyên gia trong các lĩnh vực kế cận khác. Một sự phối hợp có một không hai giữa các thế lực xã hội và chính trị đã trang bị cho bộ môn này một bộ máy tổ chức vững mạnh hiếm có và rót cho nó những nguồn tài trợ dồi dào. Những thống kê chính thức về nông nghiệp là đầy đủ, đáng tin cậy và hệ thống hơn thống kê của bất kì ngành kinh tế quan trọng nào khác trong nền kinh tế chúng ta. Sự hợp tác chặt chẽ với các nhà nông học đã giúp các nhà kinh tế nông nghiệp nắm trực tiếp các thông tin có tính chất kĩ thuật. Khi họ đề cập đến luân canh, phân bón hay các kĩ thuật khác nhau về vụ gặt, thường là họ biết, đôi lúc bằng kinh nghiệm bản thân, những gì họ nói. Mối quan tâm về mức sống của dân cư nông thôn đã đưa các nhà kinh tế nông nghiệp hợp tác với các nhà kinh tế chuyên về hộ gia đình và các nhà xã hội học của các ngành xã hội “mềm” hơn. Trong khi chỉ tập trung vào một bộ phận riêng lẻ của hệ thống thống kê, các nhà kinh tế nông nghiệp đã chứng minh hiệu quả của một cách phối hợp có hệ thống giữa cách tiếp cận lí thuyết và một phân tích chi tiết dữ kiện. Họ cũng là những nhà kinh tế đầu tiên sử dụng những phương pháp tiên tiến của thống kê toán. Nhưng trong tay họ, qui nạp thống kê đã trở thành một công cụ bổ sung, chứ không phải là một công cụ thay thế cho nghiên cứu thực nghiệm.

Sẽ không dễ dàng chuyển từ một chủ nghĩa kinh nghiệm không phương pháp hiện nay đang thống trị phần lớn các công trình kinh trắc sang một phân tích có hệ thống và trên bình diện rộng các dữ kiện. Trước hết, cần phải tăng một cách rõ rệt ngân sách dành cho các cơ quan thống kê của liên bang. Tất nhiên chất lượng các thống kê của chính phủ đã không ngừng được cải thiện. Tuy nhiên phạm vi bao phủ vẫn chưa nắm bắt đủ độ phức tạp của hệ thống xã hội và kinh tế cũng như chưa theo kịp khả năng của chúng ta xử lí các luồng dữ liệu ngày càng tăng.

Những tiến bộ ngoạn mục của công nghệ thông tin đã tăng khả năng của các nhà kinh tế sử dụng có hiệu quả các tập dữ liệu chi tiết đồ sộ. Đã qua rồi cái thời mà cách tốt nhất khi có một lượng lớn các biến là tính trung bình của chúng hoặc gộp chúng lại, về thực chất không khác gì cách trên, trong những đại lượng tổng hợp. Ngày nay ta có thể vận dụng những hệ thống phân tích phức tạp mà không xoá bỏ những đặc trưng riêng biệt của từng bộ phận cấu thành. Có một điều khôi hài là tuy cùng thuộc ngành dịch vụ đang tăng trưởng nhanh, song các giao dịch của chính phủ, ở cấp liên bang lẫn ở cấp các bang, vẫn chưa được cơ quan điều tra Census1 bao phủ hết.

Giao cho một cơ quan duy nhất tập trung tất cả hoặc chỉ các nhiệm vụ chính của công tác thông tin kinh tế là một sai lầm. Phương thức phi tập trung phổ biến cho phép và khuyến khích một số lớn cơ quan nhà nước, tổ chức không vị lợi và công ti tư nhân lo việc thu thập thông tin đem lại kết quả tốt. Thông tin tốt hơn có nghĩa là thông tin chi tiết hơn. Và chính những ai gần gũi với một lĩnh vực nhất định mới thu thập tốt các thông tin chi tiết về lĩnh vực đó. Tuy nhiên điều cấp bách là các đơn vị, nhà nước lẫn tư nhân, liên quan đến việc thu thập thông tin cần thiết kế, duy trì và áp dụng những hệ thống danh mục nhất quán và có phối hợp. Dữ liệu không tương thích là những dữ liệu vô ích. Trên phương diện này, có thể hình dung khoảng cách giữa những thống kê hiện có và tình trạng không phải là lí tưởng mà chấp nhận được khi biết rằng những khác biệt trong hệ thống danh mục không cho phép so sánh số liệu về sản lượng sản xuất và xuất nhập của nhiều sản phẩm. Cũng như vậy không thể đối chiếu, ngành theo ngành, số liệu lao động và sản xuất mà không phải gian khổ điều chỉnh lại chúng. Một khối lượng đáng kể nguồn lực chất xám và vật chất dành cho công tác thống kê hiện không tập trung cho việc thu thập thông tin ban đầu mà lại phải dùng để vật lộn với những định nghĩa không thích hợp và những danh mục không tương thích.

Dù không muốn dùng một hình ảnh loại suy, không đúng chỗ về mặt phương pháp luận, việc bảo đảm cho các nhà kinh tế một luồng thông tin kinh tế ban đầu, có thể tương tự như việc cung cấp cho các nhà vật lí năng lượng cao một máy gia tốc khổng lồ. Các nhà khoa học đã có máy trong lúc các nhà kinh tế vẫn chờ đợi các số liệu. Trong trường hợp chúng ta, không chỉ xã hội phải sẵn sàng tài trợ năm này sang năm khác hàng triệu đô la để bảo hành bộ máy thống kê khổng lồ mà phần lớn các công dân còn phải chuẩn bị đóng một vai trò, ít nhất là thụ động và đôi lúc chủ động trong công tác thu thập dữ kiện. Tương tự như phải thuyết phục các electron và proton hợp tác với các nhà vật lí.

Dường như người Mĩ trung bình không có gì phản đối khi được thăm dò phỏng vấn, điều tra. Sự hiếu kì và mong muốn hiểu biết cách nào hệ thống kinh tế (mà phần lớn chúng ta là một bánh xe nhỏ và đối với một số ít là bánh xe lớn) vận hành đủ để xui khiến sự hợp tác này.

Đương nhiên đôi lúc ta gặp phải phản ứng kiểu “điều anh không biết không thể làm hại anh được” hoặc sự hiểu biết có thể là nguy hiểm vì làm nảy sinh mong muốn chắp vá lại hệ thống. Nhưng kinh nghiệm những năm qua dường như đã thuyết phục không chỉ đa số các  nhà kinh tế -trừ một số ngoại lệ đáng kể- mà cả quảng đại quần chúng rằng một sự thiếu hụt về hiểu biết kinh tế có thể gây tác hại lớn. Chế độ tự do kinh doanh của chúng ta được so sánh thích đáng với một máy tính khổng lồ có khả năng tự động lí giải mọi vấn đề của chính nó. Nhưng bất kì ai có ít nhiều kinh nghiệm với các máy tính lớn đều biết là chúng có thể bị hỏng hóc và không thể hoạt động nếu không được theo dõi. Để giữ cho động cơ tự động, hoặc đúng hơn là nửa tự động, trong tình trạng hoạt động tốt, chúng ta không chỉ cần hiểu nguyên lí vận hành của nó mà còn phải quen thuộc với chi tiết thiết kế nó.

Điều mới xuất hiện trong những năm vừa qua là việc các công ti tư nhân chấp nhận và ứng dụng các phương pháp hiện đại của phân tích kinh tế. Việc các công ti lớn hỗ trợ cho nghiên cứu kinh tế đã có từ đầu những năm 1920 khi Wesley Mitchell thành lập Văn phòng quốc gia nghiên cứu kinh tế (NBER). Tuy nhiên tôi không nghĩ đến mối quan tâm của các doanh nghiệp về các chính sách chung hoặc ngay cả những vấn đề như tăng trưởng kinh tế và chu kì kinh doanh mà là việc ứng dụng nhanh chóng các phương pháp tiên tiến của vận trù học và cái được gọi là phân tích hệ thống. Một vài khái niệm chuẩn và phương sách phân tích của lí thuyết kinh tế trước hết được đưa vào chương trình học của các trường quản trị kinh doanh và ngay sau đó được các nhà quản lí tiên tiến đưa vào ứng dụng. Trong khi các lí thuyết gia kinh viện tự bằng lòng với việc phát biểu những nguyên lí tổng quát, những nhà vận trù học và phân tích hệ thống ở các công ti phải giải đáp những câu hỏi do tình hình thực tế đặt ra. Nhu cầu số liệu kinh tế để sử dụng cho các kế hoạch kinh doanh cụ thể đang tăng nhanh. Đây là một nhu cầu có chất lượng vì các người sử dụng thường có những hiểu biết kĩ thuật trực tiếp về những lĩnh vực mà họ có yêu cầu được cung cấp dữ liệu. Hơn nữa nhu cầu này thường là “thực dụng”. Các công ti với chức năng làm lợi nhuận chấp nhận và có khả năng trả giá cho việc thu thập thông tin họ muốn có. Điều này làm nổi bật một vấn đề gai góc: quyền truy cập công cộng vào các thông tin do tư nhân thu thập cũng như sự phân công lao động và hợp tác thoả đáng giữa chính quyền và các công ti trên lĩnh vực ngày càng phát triển này. Dưới áp lực khó cưỡng của một nhu cầu cụ thể ngày mỗi lớn các vấn đề này rồi cũng sẽ được giải quyết bằng cách này hay cách khác. Nền kinh tế của chúng ta sẽ được điều tra và lên bản đồ dưới tất cả mọi kích thước với những tỉ lệ ngày càng chính xác.

Các nhà kinh tế cần phải chuẩn bị đóng một vai trò tiên phong trong việc định hướng công trình xã hội quan trọng này, không phải ở cương vị người phát ngôn hay cố vấn cho ai khác mà cho chính bản thân mình. Đến hôm nay, họ vẫn chưa làm được điều này. Hội nghị về các người sử dụng thống kê liên bang các năm trước đều có đại biểu của giới chủ, lao động và các giới khác, song lại vắng mặt các nhà kinh tế như một thành viên. Làm sao chờ đợi là nhu cầu của chúng ta được thoả mãn khi tiếng nói của chúng ta chưa cất lên.

Chúng ta, những nhà kinh tế ở đại học, sẵn sàng trình bày cho bất kì ai muốn nghe quan điểm của chúng ta về các vấn đề chính sách công, tư vấn về các phương thức tốt nhất để giữ toàn dụng lao động, chống lạm phát và khuyến khích tăng trưởng. Đồng thời chúng ta cũng phải chuẩn bị chia sẻ với công chúng niềm tin và nỗi thất vọng đi kèm những bước tiến triển của hành trình tri thức, đôi lúc khó khăn đến tuyệt vọng, song bao giờ cũng vô cùng hứng thú. Công chúng đã từng chứng tỏ mạnh mẽ là họ sẵn sàng hỗ trợ công cuộc tìm kiếm kiến thức. Họ cũng sẽ rộng lượng hỗ trợ công việc của chúng ta nếu chúng ta chịu khó giải thích đầy đủ cho họ.

(Hết)

Chú thích:

F. H. Hahn, “Some Adjustment Problems“, Econometrica, Jan. 1970, 38, 1-2.

(1) Cơ quan điều tra thống kê trực thuộc Bộ thương mại Hoa Kì (ND).

Nguồn: “Theoretical Assumptions and Nonobserved Facts”, American Economic Review, 61(1), March 1971, 408-429.

 

Dịch giả:
Nguyễn Đôn Phước