Chủ nghĩa duy khoa học và nghiên cứu về xã hội: Ảnh hưởng của lĩnh vực khoa học tự nhiên đối với lĩnh vực khoa học xã hội(Phần 1)

Chủ nghĩa duy khoa học và nghiên cứu về xã hội: Ảnh hưởng của lĩnh vực khoa học tự nhiên đối với lĩnh vực khoa học xã hội(Phần 1)

 

"Các hệ thống [tư duy] nói chung đều bắt nguồn từ những tác phẩm được sáng tác công phu bởi những người am tường trong một lĩnh vực nhất định nhưng lại thiếu hiểu biết về những lĩnh vực khác; những người mà vì thế đã giải thích cho riêng mình những hiện tượng vốn lạ lẫm với họ bằng các phương pháp quen thuộc với họ; và với những người này, bằng thói quen tư duy đó, phép tương tự, vốn được các nhà văn thỉnh thoảng khai thác để thực hiện một vài so sánh hấp dẫn, đã trở thành điểm tựa vĩ đại để xoay vần mọi thứ trên đó.”

Adam Smith, Essay on the History of Astronomy

(Luận về lịch sử thiên văn học)

Trong thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XIX, công việc nghiên cứu các hiện tượng kinh tế và xã hội diễn ra một cách chậm chãi và được lài léo bằng các phương pháp được lựa chọn chủ yếu dựa trên bản chất của các vấn đề cần nghiên cứu1. Dần dần một phương pháp thích hợp cho các vấn đề này được hình thành mà gần như không phải cân nhắc đến tính đặc thù của các phương pháp nghiên cứu hay về mối liên quan giữa chúng với tính đặc thù của các bộ môn nghiên cứu khác. Những nghiên cứu viên ngành Kinh tế chính trị có thể miêu tả chuyên ngành của mình như một bộ môn khoa học hoặc bộ môn triết học về xã hội hay luân lý mà không phải băn khoăn gì về việc chuyên ngành của họ thuộc về khoa học hay triết học. Thuật ngữ khoa học khi đó chưa mang nghĩa hẹp chuyên biệt như ngày nay2, và cũng không hề có bất kỳ một tiêu chí nào nhằm định ra ranh giới cho các ngành khoa học vật lý hoặc tự nhiên, rồi gắn cho chúng một chân giá trị đặc biệt. Thực ra những người hiến dâng bản thân mình cho những ngành này sẵn sàng lựa chọn cái tên triết học khi phải suy nghĩ tới những khía cạnh chung hơn trong các vấn đề họ nghiên cứu3, và đôi khi chúng ta còn tìm thấy đâu đó cụm từ “triết học về tự nhiên” tương phản với “khoa học về luân lý”.

Trong nửa đầu thế kỷ XIX, một tâm thái mới khiến sự phân biệt này xuất hiện. Thuật ngữ khoa học ngày càng trở nên bị bó hẹp trong các chuyên ngành vật lý và sinh vật – là các ngành khi đó cũng đang phải tự tranh đấu cho hai tiêu chí đặc thù của mình, tính chính xác và tính tất định, để phân biệt chúng với tất cả các ngành khác. Các ngành này thành công tới mức chúng nhanh chóng tạo ra một sức thu hút khác thường đối với những người làm việc ở những ngành khác, khiến những người này nhanh chóng bắt chước cách giảng dạy hay vốn từ vựng của chúng. Đây là điểm khởi đầu của thời kỳ chuyên chế mà các phương pháp và kỹ thuật của các ngành Khoa-Học4, hiểu theo nghĩa hẹp của thuật ngữ này, áp đặt lên những bộ môn khác. Những bộ môn khác này ngày càng muốn chứng minh vị thế ngang bằng của mình bằng cách thể hiện rằng các phương pháp nghiên cứu của chúng cũng giống như các phương pháp của người anh em tài giỏi thành công kia, thay vì điều chỉnh lại các phương pháp sao cho ngày càng phù hợp với những vấn đề riêng của mình. Và, dù cho trong khoảng 120 năm, khoảng thời gian mà tham vọng muốn mô phỏng những phương pháp nghiên cứu của Khoa-Học chứ không phải tinh thần của nó đã giành được vị thế thống trị trong các lĩnh vực nghiên cứu xã hội, thì tham vọng này đã không đóng góp được gì mấy cho những hiểu biết của chúng ta về các hiện tượng xã hội, không chỉ trên khía cạnh nó tiếp tục khiến cho công việc nghiên cứu của các bộ môn khoa học xã hội lộn xộn và mất uy tín, mà còn trên khía cạnh nó khiến chúng ta phải tiêu tốn ngày càng nhiều sức lực theo hướng này với lý lẽ là ngày càng có nhiều phát kiến mang tính cách mạng mới nhất [trong lĩnh vực Khoa-Học] xuất hiện mà nếu được áp dụng sẽ đảm bảo mang lại cho chúng ta sự tiến bộ nhanh chóng không ngờ.

Tuy nhiên, có thể nói ngay rằng những người lớn tiếng nhất cho những đòi hỏi này hiếm khi là những người có những đóng góp đáng kể vào việc làm giàu thêm tri thức của chúng ta về Khoa-Học. Từ Francis Bacon, Chủ tịch Thượng viện, người vừa mới được coi và sẽ mãi luôn bị coi là nguyên mẫu của những “kẻ mị dân về khoa học”, cho tới Auguste Comte và tới những nhà "duy vật lý" trong thời đại của chúng ta, luôn có những nhân vật đưa ra những đòi hỏi phải dành địa vị độc tôn cho các phương pháp nghiên cứu cụ thể sử dụng trong khoa học tự nhiên. Những người này là những người mà tư cách đại diện cho các nhà khoa học của họ không thể không bị nghi ngờ, vì chính họ trong nhiều trường hợp đã thể hiện nhiều tín điều mù quáng trong bản thân các chuyên ngành Khoa-Học hệt như trong thái độ của họ với những bộ môn khác. Chính vì Francis Bacon phản đối Thiên văn học của Copernics5, vì Comte cho rằng bất kỳ sự xem xét quá kỹ lưỡng các hiện tượng bằng các dụng cụ như kính hiển vi đều có hại và nên bị cấm bởi quyền năng tinh thần (spiritual power) của xã hội tiến bộ do nó làm đảo lộn những quy luật của khoa học thực chứng, nên thái độ võ đoán này đã đẩy những người theo nó lạc lối trong lĩnh vực riêng của mình khủng khiếp đến mức chúng ta chẳng có gì phải băn khoăn khi không giành sự tôn trọng đúng mực cho những quan điểm của họ về các vấn đề còn xa lắc xa lơ so với những lĩnh vực mà họ thực sự chú tâm vào.

Tuy vậy, vẫn còn một điểm nữa bạn đọc nên lưu ý khi xem tiếp các phần sau. Những phương pháp mà các nhà khoa học hay những con người bị mê hoặc từ lĩnh vực khoa học tự nhiên thường xuyên cố gắng áp đặt lên lĩnh vực khoa học xã hội không nhất thiết luôn phải là những phương pháp mà các nhà khoa học đang áp dụng trong chuyên ngành riêng của họ trên thực tế, mà thay vì đó lại là những phương pháp mà họ tin rằng họ đã sử dụng. Điều này không nhất thiết phải là một. Một nhà khoa học suy ngẫm và lý thuyết hóa quy trình nghiên cứu của mình không phải lúc nào cũng đưa ra những chỉ dẫn đáng tin cậy. Trong một vài thế hệ gần đây, các quan điểm về đặc điểm của phương pháp nghiên cứu Khoa-Học đã thay đổi khá nhiều, nhưng chúng ta vẫn phải thừa nhận rằng những phương pháp thực sự được áp dụng chẳng có gì thay đổi về bản chất. Nhưng bởi đấy chỉ là những điều mà các nhà khoa học tin rằng họ đã làm, bao gồm cả những quan điểm gây ảnh hưởng lên khoa học xã hội mà họ đã từng mang trước đó, nên những bình luận tiếp sau về các phương pháp nghiên cứu được tiến hành trong các ngành khoa học tự nhiên cũng không nhất thiết phải được xem như là lời giải thích đúng đắn cho những gì mà các nhà khoa học thực sự làm, chúng chỉ nên được xem như là một trong những quan điểm về bản chất của phương pháp nghiên cứu khoa học vốn có vị thế vượt trội trong thời gian gần đây.

Lịch sử của ảnh hưởng này, các kênh ảnh hưởng và chiều hướng tác động của nó tới sự phát triển xã hội sẽ là các chủ đề theo sát chúng ta trong loạt bài nghiên cứu lịch sử mà trong đó chương này được viết như là một lời giới thiệu. Trước khi truy cứu quá trình lịch sử của những ảnh hưởng này cũng như các hệ lụy của nó, chúng tôi sẽ cố gắng miêu tả những đặc điểm chung của nó và bản chất của những vấn đề khiến cho các thói quen suy nghĩ trong các ngành khoa học vật lý và sinh vật ngày càng phát triển tuỳ tiện và không phù hợp. Chúng ta sẽ gặp lại một số khía cạnh tiêu biểu của khuynh hướng này nhiều lần, và vì tính thoạt-đúng (prima facie plausibility) của chúng nên chúng ta cần phải xem xét chúng một cách cẩn trọng. Trong khi từ một vài ví dụ lịch sử khó có thể chỉ ra bằng cách nào những quan điểm có tính đặc trưng này lại có mối quan hệ hay có nguồn gốc từ những thói quen suy nghĩ của các nhà khoa học, chúng ta lại làm được điều này dễ dàng hơn thông qua một khảo cứu có hệ thống.

Cần phải khẳng định dứt khoát rằng, mọi thứ mà chúng tôi sẽ trình bày không có một chút nào nhằm chống lại những phương pháp nghiên cứu của Khoa-Học trong đúng lĩnh vực của chúng, hay tỏ thái độ nghi ngờ, dù là nhỏ nhất, về những giá trị của các phương pháp này. Và để loại trừ mọi hiểu lầm, chúng ta sẽ dùng thuật ngữ chủ nghĩa duy khoa học (scientism) và định kiến duy khoa học (scientistic prejudice) bất kỳ khi nào chúng tôi đề cập đến sự bắt chước mù quáng các phương pháp và ngôn ngữ của Khoa-Học, chứ không phải đến tinh thần chung về sự nghiên cứu vô tư. Tuy những thuật ngữ này không hẳn quá xa lạ trong tiếng Anh6, chúng thực ra được vay mượn từ tiếng Pháp, nơi mà trong những năm gần đây chúng cũng đang được sử dụng theo nghĩa tương tự như cách chúng sẽ được sử dụng ở đây7. Lưu ý rằng, những thuật ngữ này được chúng tôi sử dụng theo nghĩa biểu tả một thái độ hoàn toàn phi khoa học đúng theo nghĩa của thuật ngữ, bởi nó còn liên quan tới việc áp dụng một cách máy móc và không có tính phê phán những thói quen suy nghĩ vào các lĩnh vực khác biệt so với những lĩnh vực mà các thuật ngữ này được hình thành nên. Khác với quan điểm khoa học, quan điểm duy khoa học không phải là một cách tiếp cận phi định kiến mà là một cách tiếp cận rất định kiến; Trước khi xem xét một chủ đề gì, nó luôn đòi hỏi phải biết đâu là phương pháp thích hợp nhất để nghiên cứu chủ đề đó8.

Sẽ thuận lợi hơn nếu có một thuật ngữ tương tự để miêu tả não trạng đặc trưng của giới kỹ sư. Mặc dù trên nhiều khía cạnh, nó có liên hệ chặt chẽ nhưng vẫn khác biệt với duy khoa học, ngay cả khi chúng ta nghiên cứu nó trong mối quan hệ với duy khoa học. Tiếc rằng, không có một từ cụ thể nào diễn tả được đầy đủ ý này, và chúng tôi buộc phải bằng lòng miêu tả loại não trạng thứ hai này – cách suy nghĩ rất đặc trưng của thế kỷ XIX và XX – bằng thuật ngữ “loại tâm trí máy móc” (engineering type of mind).

(Đọc tiếp Phần 2)

Chú thích:

(1) Điều này không phải là hoàn toàn đúng. Những cố gắng xem xét các hiện tượng xã hội “một cách duy khoa học”, vốn có ảnh hưởng rất sâu đậm trong thế kỷ XIX, không hẳn chưa xuất hiện trong thế kỷ XVIII. Cách tiếp cận duy khoa học chí ít đã được sử dụng nhiều trong tác phẩm của Montesquieu và những người theo phái trọng nông. Nhưng những thành tựu vĩ đại của lĩnh vực lý thuyết khoa học xã hội trong thế kỷ XVIII, như các tác phẩm của Cantillon và Hume, của Turgot và Adam Smith, nhìn chung tránh được cách tiếp cận duy khoa học.

(2) Theo New English Dictionary của Murray, việc sử dụng thuật ngữ “khoa học” theo nghĩa hẹp hiện đại xuất hiện sớm nhất vào khoảng năm 1867. Nhưng J.T.Merz (History of European Thought in the Nineteenth Century [1896], vol. 1, p. 89) có lẽ đã đúng khi cho rằng thuật ngữ “khoa học” mang nghĩa như ngày nay vào khoảng thời gian thành lập Hiệp hội vì sự Tiến bộ Khoa học của Anh quốc (British Association for the Advancement of Science) (1831). 

(3) Ví dụ, tác phẩm New System of Chemical Philosophy (1808) của J. Dalton; Philosophie Zoologique (1809) của Lamarck; hay Philosophie Chimique (1806) của Foureroy.

(4) Chúng ta sử dụng thuật ngữ Khoa-Học viết hoa và liền nhau để diễn tả thuật ngữ này theo nghĩa hẹp hiện đại.

(5)  Xem M.R.Cohen, “The Myth About Bacon and the Inductive Method,” Scientific Monthly 23 (1926): 505.

(6) New English Dictionary của Murray phân biệt cả hai khái niệm chủ nghĩa duy khoa học (Sciencism) và tính duy khoa học (scientistic). Theo đó, chủ nghĩa duy khoa học là “thói quen và cách thức thể hiện của người làm khoa học”, còn tính duy khoa học là “đặc điểm, hoặc có những thuộc tính của một nhà khoa học (sử dụng theo nghĩa khinh thị)”. Các thuật ngữ “(thuộc) duy tự nhiên” (naturalistic) và “(thuộc) duy cơ học” (mechanistic) thường được sử dụng với nghĩa tương tự xem ra không thích hợp bằng bởi chúng có xu hướng đưa đến một sự tương phản sai.

(7) Ví dụ xem J. Fiolle, Scientisme et science (Paris, 1936) và A. Lalande, Vocabulaire technique et critique de la philosophie, 4th ed., vol. 2, p. 740.

(8) Có thể đoạn viết của một nhà vật lý xuất sắc sau sẽ giúp chỉ rõ việc bản thân các nhà khoa học đã chịu đựng thái độ đó nhiều như thế nào khiến ảnh hưởng của họ tới các chuyên ngành khác bị xấu như vậy: “Khó có thể tưởng tượng còn có một cái gì đó thiếu khoa học hơn là việc mặc nhiên công nhận rằng mọi kinh nghiệm đều tuân theo những cách thức mà chúng ta đã quen thuộc, và vì thế đòi hỏi rằng việc giải thích điều đó cũng chỉ cần những yếu tố quen thuộc trong kinh nghiệm sống hàng ngày. Một thái độ như vậy cho thấy một trí tưởng tượng nghèo nàn, một sự thiểu năng và đầy ngoan cố, khiến những lời biện hộ thực dụng của họ bị đẩy xuống đáy cùng của mặt bằng trí tuệ” (P. W. Bridgman, The Logic of Modern Physics [1928], p. 46).

Nguồn: Friedrich A. Hayek, Cuộc cách mạng ngược trong khoa học: Các nghiên cứu về sự lạm dụng lý tính, NXB Tri Thức, 2007

Dịch giả:
Đinh Tuấn Minh