Covid-19 và những thay đổi của nền kinh tế Việt Nam

Covid-19 và những thay đổi của nền kinh tế Việt Nam

Dịch bệnh Covid-19 bùng phát vào những ngày đầu năm 2020 đã làm thay đổi một cách rõ rệt bức tranh kinh tế toàn cầu nói chung và của Việt Nam nói riêng. Hiện đã qua 8 tháng đầu năm 2020 nhưng tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến rất phức tạp.Tính tới 30.08, cả thế giới đã ghi nhận trên 25 triệu ca lây nhiễm và trên 847 nghìn ca tử vong(1), và nhiều quốc gia đã đang phải đối mặt với làn sóng dịch thứ hai. Việt Nam cũng không đứng ngoài hoàn cảnh chung của thế giới. Sau khi dập dịch đợt 1 thành công, Việt Nam đã đang phải đối mặt với đợt dịch thứ hai từ đầu tháng 7 vừa qua với diễn biến phức tạp hơn rất nhiều. Tính tới 30.08, Việt Nam đã ghi nhận 1040 ca lây nhiễm và 32 ca tử vong. 

Nhằm kiểm soát dịch bệnh, nhiều quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng đã thực hiện nhiều biện pháp mạnh mẽ như hạn chế đi lại, đóng cửa nền kinh tế, thực hiện giãn cách xã hội… Những biện pháp này đã phần nào hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, tuy nhiên, những biện pháp này cũng đã và đang thay đổi hành vi của nền kinh tế một cách đáng kinh ngạc.

Doanh nghiệp quay lại với thị trường trong nước

Là một quốc gia có độ mở kinh tế cao, khi tổng kim ngạch thương mại quốc tế lên tới 200% GDP(2), Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất do sự biến động của thị trường thế giới. Theo báo cáo của IMF ( tháng 6.2020) kinh tế toàn cầu dự báo sẽ giảm tốc 4,9% trong năm 2020 nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát hơn trong nửa cuối năm 2020. Tuy nhiên, với tình hình hiện tại, khi các nước vẫn tiếp tục thực hiện các biện pháp đóng cửa kinh tế, giãn cách xã hội… thì dự báo kinh tế thế giới còn giảm mạnh hơn trong năm 2020. Trong đó, các đối tác kinh tế chiến lược của Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật  đều ghi nhận mức tăng trưởng âm 8,0%, 10,2%; 5,8%. Trung Quốc, đối tác nhập khẩu chính của Việt Nam cũng được dự báo chỉ tăng trưởng nhẹ 1,0% năm 2020(3). Sự sụt giảm của kinh tế thế giới nói chung và của các đối tác chính nói riêng đã ảnh hưởng không nhỏ tới tình hình sản xuất và thương mại quốc tế của Việt Nam.  8 tháng đầu năm 2020, có tới 34,3 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 70,8% so với cùng kỳ năm trước, 10,4 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, trong đó 168 doanh nghiệp giải thể có quy mô vốn trên 100 tỷ đồng, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm trước(4). Bên cạnh đó, hoạt động thương mại quốc tế của Việt Nam cũng không mấy khả quan. 8 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam chỉ ước đạt 336,32 tỷ USD, giảm 0,3% so với cùng kỳ năm trước trong đó kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng nông, lâm thủy sản chịu tác động nặng nề nhất(5).

Khi cầu thế giới giảm sút, để giải quyết vấn đề khó khăn, các doanh nghiệp đã bắt đầu thay đổi chiến lược sản xuất, chú trọng nhiều hơn tới thị trường nội địa. Đây là một tín hiệu đáng mừng do thị trường nội địa gần 100 triệu dân của Việt Nam cũng là một thị trường tiêu thụ không hề nhỏ. Theo Tổng cục thống kê, 8 tháng đầu năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa của Việt Nam ước đạt 2.553,6 nghìn tỷ đồng, tăng bền 4% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, kể cả trong tháng 8, khi đợt dịch thứ 2 bùng phát, doanh thu bán lẻ hàng hóa vẫn tăng 6.6% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, doanh thu bán lẻ hàng hóa tại các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng… tiếp tục tăng ổn định ở mức 9,8%; 8,3%; 11%...

Các doanh nghiệp đẩy mạnh các hoạt động kết nối sản xuất – tiêu thụ trong nước, tăng cường kết hợp với các trung tâm thương mại, chuỗi phân phối để tiêu thụ sản phẩm trong nước. Trong tháng 7, các doanh nghiệp cá tra tại miền Nam đã thực hiện chuỗi sự kiện kết nối sản xuất – tiêu thụ tại miền Bắc và ngành thủy sản đang tính toán và tin tưởng chỉ riêng tiêu thụ trong nước có thể được 20-30% tổng sản lượng cá tra(6). Các thương hiệu may mặc như May10, Hanhsilk… vốn tập trung cho thị trường nước ngoài cũng tăng cường hoạt động kết nối với các hệ thống phân phối trong nước như hệ thống các siêu thị BigC, Aeonmall, Coop-Mart, Hapro…nhằm đưa sản phẩm tới tay người tiêu dùng nội địa.

Thương mại điện tử lên ngôi

Các biện pháp “ ngăn sông cấm chợ” đã tạo điều kiện cho các hoạt động thương mại điện tử nở rộ trong thời kỳ dịch Covid-19 hoành hành. Hàng loạt các siêu thị, nhà phân phối đã phát triển các phần mềm mua sắm online, cho phép người tiêu dùng mua sắm các sản phẩm thiết yếu mà không cần tới trực tiếp các khu thương mại mua sắm. Các thương hiệu cũng đẩy mạnh phát triển mục thương mại điện tử, tạo cơ hội cho người tiêu dùng mua sắm online, nhằm duy trì hoạt động kinh doanh, bù đắp sự giảm sút do mua sắm trực tiếp. Chính dịch bệnh đã thay đổi hành vi mua sắm của người tiêu dùng. Theo công ty tư vấn Kantar consulting group, chỉ trong 3 tháng gần đây, doanh thu từ mua sắm online trên toàn thế giới đã tăng 41%, cao gần gấp đôi so với mức tăng trưởng trung bình 22% trong 8 tháng đầu năm 2020(7). Đối với thị trường Việt Nam, theo Iprice insights,  trong quý II, 5 đại gia sàn thương mại điện tử cũng ghi nhận trung bình hơn 26 triệu truy cập mỗi tháng, đặc biệt lượt truy cập vào Shopee trong quý II đã tăng 21% so với quý I.2020(8). Điều này đã cho thấy sự thay đổi trong hành vi mua sắm của người tiêu dùng khi họ ưa chuộng mua sắm online nhiều hơn và cũng đa dạng các sản phẩm mua sắm online hơn.  Đồng hành với sự tăng trưởng về nhu cầu mua sắm online, các sàn thương mại cũng đẩy mạnh hệ thống kho vận hậu cần, cải thiện tốc độ giao hàng từ đó cũng đẩy mạnh sự tăng trưởng của hoạt động vận tải trong nước và bất động sản kho vận. 

Ảnh: Retail Brew 

Hoạt động đầu tư tăng mạnh

Đi kèm với tăng cường mua sắm online, việc phải ở nhà trong thời gian dài cũng gia tăng nhu cầu đầu tư của các cá nhân trong nền kinh tế. Theo Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam, tính tới 31/07/2020, cả nước có 2,57 triệu tài khoản đang giao dịch, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm ngoái trong đó chủ yếu tăng từ các tài khoản cá nhân trong nước với mức tăng tới hơn 262 nghìn tài khoản. Trong khi đó, lượng tài khoản của nhà đầu tư cá nhân cũng như nhà đầu tư trong và ngoài nước không thay đổi nhiều. Đặc biệt, các cá nhân mới gia nhập thị trường chứng khoán là những người trẻ, dưới 45 tuổi và thường được gọi là nhà đầu tư F0 với không nhiều kiến thức về thị trường, kinh nghiệm và người dẫn dắt. Việc gia nhập của các nhà đầu tư này đã tạo động lực cho thị trường chứng khoán tăng điểm mạnh mẽ trong thời gian qua sau khi chịu tác động tiêu cực của đợt dịch lần đầu. Không phủ nhận việc tăng mạnh đầu tư của các nhà đầu tư trẻ này đã tạo một luồng gió mới cho thị trường chứng khoán, cấp thêm vốn cho thị trường nhưng cũng mang lại nhiều rủi ro hơn trong thị trường khi niềm tin, lạc quan đang được đẩy lên mạnh mẽ và có thể thiếu căn cứ.  

Có thể nói, dịch Covid-19 diễn ra đã thay đổi đáng kể cấu trúc nền kinh tế cũng như hành vi tiêu dùng, đầu tư của các thành phần kinh tế. Tuy dịch bệnh mang nhiều tác động tiêu cực tới nền kinh tế nhưng dịch bệnh cũng mở ra nhiều cơ hội mới cho nền kinh tế và người tiêu dùng, từ đó định hướng mô hình tăng trưởng, tiêu dùng và đầu tư mới cho người tiêu dùng. 

Chú thích: 

(1) Covid-19 Coronavirus Pandemic, Worldometer 

(2) "Thời chiến" của kinh tế Việt Nam, Trung tâm WTO và hội nhập, 30/3/2020  

(3) World Economic Outlook Reports, International Monetary Fund

(4) https://www.gso.gov.vn/default.aspx?tabid=621&ItemID=19721

(5) https://www.gso.gov.vn/default.aspx?tabid=621&ItemID=19721

(6) Nông sản Việt Nam chú trọng chinh phục thị trường nội địa, ATV

(7) Virus lockdowns give major boost to ecommerce, The Economic Times 

(8) The Map of E-commerce in Vietnam, Iprice