[Kinh tế học cấm đoán] Lời giới thiệu

[Kinh tế học cấm đoán] Lời giới thiệu

LỜI GIỚI THIỆU

Các bạn đang cầm trên tay cuốn sách có thể gây ra những chấn thương đáng kể về nhận thức, nếu bạn chưa chuẩn bị tinh thần chu đáo cho việc đọc nó. Vì lý do đó, chúng tôi phải thận trọng ghi ở đầu sách, đây là “sách tham khảo đặc biệt dành cho chuyên ngành kinh tế học”. Điều ấy không có nghĩa là bạn nhất định phải hiểu biết về kinh tế học mới đọc được cuốn sách này. Ý của chúng tôi là tác phẩm này nên dành cho những độc giả có thói quen suy xét vấn đề một cách cẩn trọng, đa chiều, cởi mở, và qua đó, nhìn nhận các vấn đề dưới con mắt của một trí tuệ tự do – điều mà những người trong ngành kinh tế luôn tự nhủ phải giữ gìn.

Cuốn sách này sẽ nói với bạn rằng về cơ bản những cấm đoán, ngăn cản trong xã hội mà bạn vẫn cho là thật hợp lý về đạo đức, được luật pháp hay các phương tiện gần như luật pháp bảo hộ, hầu hết đều không có tác dụng, nếu không muốn nói là phản tác dụng. Tức là chúng thường tạo thêm những điều tồi tệ hơn cho nhiều thành phần trong xã hội, hoặc làm phát sinh thêm những vấn nạn mới như tội ác khốc liệt hơn, dung dưỡng tham nhũng, đặc quyền và hình thành thêm các băng đảng.

Tác giả của cuốn sách này, Giáo sư Mark Thornton, là một nhà kinh tế học Trường phái Áo, học trò của Murry Rothbard, một trong những người Mỹ đầu tiên tiếp nối dòng “truyền thừa” của trường phái tự do Áo từ nhà kinh tế vĩ đại Ludwig von Mises.

Cuốn sách này bắt đầu bằng việc phân tích kỹ Luật cấm rượu ở Mỹ vào đầu thế kỷ XX, chứng minh rằng những cấm đoán như vậy bỗng nhiên tạo ra một loạt hệ quả không dự liệu được, và về sau người ta đã phải hủy bỏ đạo luật đó. Thường thì các ý tưởng cấm đoán như vậy bắt nguồn từ một lập luận hoặc cảm nhận về đạo đức, rằng một hành động nào đấy là không đáng có. Ví dụ uống rượu hay hút cần sa. Quả là trong xã hội luôn có một nhóm nhỏ thích làm những điều không phù hợp với đám đông. Mà đạo đức thì lại thường do đám đông áp đặt. Nhưng khi đưa nó thành điều cấm đoán được luật pháp bảo hộ, họ không ngờ những hậu quả mới bỗng bùng lên. Ví dụ, các chất hay đồ uống gây nghiện lập tức tiến hóa để trở nên cô đặc, gọn nhẹ, và có sức phá hủy cao hơn bao giờ hết. Khi cấm đồ uống có cồn, người ta không còn thấy bia, mà chỉ thấy rượu rất nặng được mua bán lén lút. Vì làm như vậy sẽ dễ giao dịch hơn. Còn ma túy, trong suốt lịch sử cấm đoán lâu dài của nó trong thời hiện đại, các chất ma túy đã không ngừng biến hóa để trở thành những đặc chất ngày càng có sức công phá não bộ mạnh mẽ hơn bao giờ hết, được cô đặc và ngâm tẩm dưới những hình thức dễ tiêu thụ và tiện dụng nhất. Nếu không có sự cấm đoán khốc liệt đó, phải chăng loài người vẫn chỉ đang mơ màng với những loại cần sa nhẹ nhàng qua những ống hút mờ ảo đã tồn tại hàng trăm năm?

Thêm vào đó, như các bậc thầy của chủ nghĩa tự do, trong đó có Milton Friedman (giải Nobel Kinh tế 1976), đã chỉ ra, cấm đoán đã giúp tạo ra một thị trường thực sự của các chất gây nghiện. Cụ thể là, các băng nhóm sẽ hình thành và phân chia thị trường ngầm của mình, và trong mỗi thị trường đó, họ cố gắng mồi chài những thanh thiếu niên ngây thơ bằng cách phát không cho họ ma túy để dùng lúc đầu. Đó là một động lực trực tiếp cám dỗ và hủy hoại cuộc đời những đứa trẻ vô tội. Nhưng nếu không có cấm đoán, như ma túy có thể bán ở các tiệm thuốc như thuốc lá hay rượu bia (cho những người trên một độ tuổi nhất định), sẽ không băng nhóm nào còn động lực mồi chài các em, vì khi mồi chài được, các em cũng sẽ không phải là khách hàng trung thành của chúng (vì ma túy có thể mua được ở bất cứ đâu). Cũng như không có ai phát không cho chúng ta bánh mì để dụ ta mua bánh mì của họ vĩnh viễn, khi mà người ta có thể mua bánh mì từ bất cứ đâu. Do đó, những nhà kinh tế cũng như tác giả của cuốn sách này lập luận rằng số người nghiện hút vì bị dẫn dụ lúc còn thơ bé sẽ giảm xuống. Sẽ chỉ còn những người tự tìm đến ma túy khi đã trưởng thành, với lí trí đầy đủ, như người ta đã lựa chọn hút thuốc và uống rượu vậy. 

Còn rất nhiều phân tích và thảo luận thú vị trong suốt cuốn sách này, dựa trên các công cụ thuần lí trí và suy luận logic của kinh tế học, cho ta thấy những cấm đoán có thể bóp méo hành vi và thị trường thế nào, khiến tạo nên những kết quả hoàn toàn ngược với mong đợi, đồng thời, hình thành một tầng lớp tham nhũng đặc quyền ăn bám trên sự duy trì cấm đoán đó, cũng như tạo nền tảng kinh tế và tài chính cho các băng nhóm phi pháp tồn tại và phát triển.

Dịch giả Phạm Nguyên Trường, ngoài công việc dịch thuật một cách công phu toàn bộ cuốn sách này, còn chọn lọc thêm năm tiểu luận (của các tác giả khác) cùng xoay quanh chủ đề này (liên quan đến sự cấm đoán ma túy, thuốc lá, và mại dâm) để đưa vào phần Phụ lục. Có thể coi đó là những thảo luận chính sách mang tính ứng dụng, minh họa, bổ sung thêm cho các lý thuyết và phân tích được trình bày trong sáu chương của cuốn sách. Nhờ thế, cuốn sách bạn đang cầm đã trở thành một tác phẩm thật dày dặn và cân đối.

Xét cho cùng, một cuốn sách mới, một bài học mới, hay một cuộc đối thoại với người mới gặp chỉ mang lại giá trị thực sự khi nó đem lại một sự ngạc nhiên, đôi khi bàng hoàng hay điều gì đó như thể vừa rạn vỡ. Bởi vì chúng ta đã khác đi ngay sau khi cái mới ấy đến với ta. Và đó mới đích thực là “cái mới”, là một cái gì đó mang lại giá trị cho ta. Với quan niệm như thế, tôi tin rằng cuốn sách này sẽ là thứ mang đến cho các bạn những điều mới mẻ. Hãy đọc nó với một tư duy rộng mở, vị tha, và một cái nhìn không thành kiến của lí trí.

Xin trân trọng giới thiệu cùng độc giả!

Hà Nội, ngày 11 tháng 11 năm 2016.
TS. Nguyễn Đức Thành
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR)
Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội.

LỜI NÓI ĐẦU

Những cuộc chiến tranh ở nước ngoài bùng lên rồi lụi tàn, nhưng cuộc chiến chống ma túy thì vẫn còn mãi trong chính sách đối nội của Mĩ. Suốt gần tám thập niên qua, chính phủ đã tìm cách ngăn chặn người dân Mĩ sử dụng một hoặc một số chất bị pháp luật cấm. Trước những năm 1980, các nỗ lực của chính phủ đúng là rất hà khắc: mỗi năm có hơn một triệu vụ ma túy bị bắt giữ, bản án tối thiểu dành cho tội phạm ma túy còn nặng hơn mức phạt trung bình dành cho những kẻ giết người và hiếp dâm, những vụ nghe trộm điện thoại tăng lên, tài sản và nhà ở bị tịch thu chỉ vì nghi ngờ có sử dụng ma túy; chưa bao giờ có nhiều vụ khám xét mà không có lệnh – trong khuôn khổ của “biệt lệ ma túy” thuộc Tu chính án IV đang ngày càng phình ra - đến như thế; Cục Tình báo Trung ương (CIA), Bộ Quốc phòng và Vệ binh Quốc gia ngày càng dính líu nhiều hơn, lệnh giới nghiêm trên toàn thành phố, và có những đề xuất là tuyên bố thiết quân luật với tất cả những thứ trong những chiếc máy bay không xác định bị bắn hạ ở biên giới.

Tuy nhiên, những nỗ lực này mang lại rất ít kết quả tích cực. Hoa Kì hiện có hơn một triệu tù nhân, tỉ lệ tù nhân cao nhất trong các nước công nghiệp. Các thanh niên da đen có nhiều có khả năng chết trong những trận đấu súng trong thế giới tội phạm – được những biện pháp cấm đoán ma túy tài trợ – hơn là chết trong khi tòng chinh ở Việt Nam. Người sử dụng ma túy, trong khi tìm tiền để mua những chất bất hợp pháp với giá trên trời, đã thực hiện hàng ngàn tội phạm về tài sản ở các thành phố và vùng ngoại ô, nơi họ sinh sống. Trẻ em, bị phạt nhẹ hơn, ngày càng bị lôi kéo vào việc buôn bán ma túy, nhiều đứa sau này trở thành người sử dụng ma túy.

Hơn nữa, pháp luật dường như chỉ ngăn được rất ít người thử dùng những chất bất hợp pháp. Theo Viện Quốc gia về Lạm dụng Ma túy, mặc dù ma túy đã bị cấm hàng chục năm, nhưng 74,4 triệu người trên 12 tuổi đã thử dùng ma túy. Mỗi năm, gần 27 triệu đã sử dụng những chất bất hợp pháp ít nhất một lần. tỉ lệ người sử dụng ma túy đang giảm, nhưng giảm bắt đầu trước khi cuộc chiến chống ma túy leo thang trong những năm 1980.

Với số liệu như thế, đã đến lúc đánh giá lại một cách cơ bản chính sách ma túy của Mĩ. Làm như thế có nguy cơ bị những người phụ trách các cơ quan phòng chống ma túy to mồm và các chính trị gia tìm kiếm phiếu bầu tấn công. Nhưng không làm như thế là mặc nhiên thừa nhận một chính sách giết hại, bỏ tù và làm tàn phế một cách vô lí hàng chục ngàn người vì họ tự nguyện sử dụng và bán những chất rõ ràng là ít độc hại hơn - đặc biệt trong số người chết mà chúng gây ra – so với những loại thuốc, rượu và thuốc lá hợp pháp, mà thuốc lá còn được chính phủ liên bang tài trợ. 

Mark Thornton đã can đảm nhận lời thách đấu mà những người vận động cho cuộc chiến chống ma túy tung ra. Trong cuộc tranh luận mà cảm xúc thường xuyên được viện dẫn hơn là sự kiện, Giáo sư Thornton đã xem xét cách thức thị trường ma túy bất hợp pháp – trước đây là rượu mà nay là ma túy – hoạt động như thế nào. Và đây là kết luận của ông: Những vấn đề như tội phạm và tham nhũng là kết quả tự nhiên của những biện pháp cấm đoán ma túy chứ không phải là do sử dụng ma túy. Kết quả là, những người ngoài cuộc vô tội bị chết trong những trận đấu súng của bọn buôn bán ma túy tạo ra luận cứ cho việc hợp pháp hoá ma túy chứ không phải là thực thi luật pháp một cách nghiêm ngặt hơn.

Tuy nhiên, nhiều độc giả có thể vẫn không đồng ý với những kết luận của Giáo sư Thornton. Nhưng họ vẫn sẽ phải đáp lại bằng chứng của ông rằng chi phí cho các biện pháp cấm đoán là rất lớn và rõ ràng, trong khi lợi ích thì rất ít và đáng ngờ. Bây giờ, những người chống lại việc hợp pháp hóa ma túy phải nhận lấy gánh nặng là chứng minh Giáo sư Thornton sai, và bằng cách đó, biện minh cho việc tiếp tục cuộc chiến chống ma túy.

DOUG BANDOW
Viện Cato

TRI ÂN

Trong quá trình nghiên cứu về cấm đoán tôi đã được nhiều bạn bè và đồng nghiệp giúp đỡ. Nhờ những lời động viên, đề nghị và chỉnh sửa của họ mà cuốn sách mới có hình hài như hiện nay.

Tôi xin tỏ lòng biết ơn và kính trọng đối với John D. Jackson, ông đã cho tôi những lời chỉ dẫn mang tính phê bình cực kì quan trọng trong quá trình hoàn tất dự án này. Những lời nhận xét và đề xuất liên tục của Richard D. Ault và Leland B. Yeager đã giúp tôi có những hiểu biết thấu triệt và có quan điểm rộng rãi. Seth A. Anderson đã gợi ý cho tôi những đề xuất có giá trị và khuyến khích tôi trong quá trình tìm nhà xuất bản.

Nhờ có Robert B. Ekelund, Jr., người thày giáo của tôi, ông cũng là đồng tác giả, đồng nghiệp, và người bạn của tôi, những bài học và những cuộc tranh luận trong lớp học của ông đã hướng câu hỏi của tôi vào một câu trả lời – câu trả lời tạo ra nền tảng của cuốn sách này.

Tôi chịu một món nợ đặc biệt với nhà xuất bản của trường Đại học Utah (University of Utah Press), đội ngũ nhân viên can đảm và tầm nhìn xa của nhà xuất bản này đã giúp cuốn sách đơm hoa kết trái. Tôi cũng xin tỏ lòng biết ơn nhóm những nhà phê bình kiệt xuất được tập hợp lại cho dự án – Bruce Benson, Charles Maurice và Murray Rothbard – mỗi người đều có những góp ý và sửa chữa đầy giá trị.

Ba viện nghiên cứu đã hỗ trợ cho dự án này. Viện nghiên cứu nhân văn tại Đại học George Mason giúp tôi có tiếp xúc đầu tiên với chủ nghĩa tự do cổ điển và nghiên cứu mang tính hàn lâm. Tôi xin cám ơn khóa học hè năm 1990 của F. Leroy Hill Summer Faculty Fellowship và xin đặc biệt cám ơn ông Sheldon Richman vì sự giúp đỡ của ông trong việc chuẩn bị bản thảo tác phẩm này.

Tôi cũng xin tỏ lòng biết ơn Quỹ HB Earhart (H. B. Earhart Foundation) vì những khoản hỗ trợ về tài chính trong thời gian chuẩn bị cuốn sách này.

Tôi xin gửi lời cảm ơn rất đặc biệt đến các thành viên và nhân viên của Viện Ludwig von Mises. Môi trường trí tuệ, những lời động viên thường xuyên và hỗ trợ tài chính của họ là vô giá. Tôi xin đặc biệt cám ơn Llewellyn H. Rockwell và O. P. Alford III vì đã giúp đỡ và tin cậy tôi.

Tôi hi vọng rằng việc xuất bản cuốn sách này là bắt đầu của sự đền ơn đối với tất cả những người đã thể hiện lòng tin của họ đối với tôi. 

Nguồn: Mark Thornton (2016). Kinh tế học cấm đoán. Phạm Nguyên Trường dịch. Nguyên tác: The Economics of Prohibition

Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường