Chức năng của lợi nhuận

Chức năng của lợi nhuận

Việc nhiều người ngày hôm nay vẫn cảm thấy khó chịu với từ lợi nhuận chứng tỏ rằng chúng ta vẫn còn biết rất ít về chức năng sống còn của lợi nhuận trong nền kinh tế. Để hiểu rõ hơn về chủ đề này, chúng ta sẽ nói lại trong chương này một số điều đã được đề cập đến trong chương XV về hệ thống giá. Tuy nhiên, vấn đề sẽ được xem xét từ một góc độ khác.

Trong toàn bộ nền kinh tế của chúng ta, lợi nhuận thường không chiếm tỷ suất lớn. Lợi nhuận ròng bình quân của các doanh nghiệp trong khoảng thời gian 15 năm, từ 1929 đến 1943 chiếm không đầy 5% tổng thu nhập quốc dân. Mức lợi nhuận sau thuế bình quân của doanh nghiệp trong vòng 5 năm, từ 1956 đến 1960 chỉ đạt chưa đến 6% tổng thu nhập quốc dân. Mức lợi nhuận sau thuế bình quân của doanh nghiệp trong vòng 5 năm, từ 1971 đến 1975 cũng chỉ ở mức dưới 6% tổng thu nhập quốc dân (con số này có thể cao hơn thực tế bởi việc tính toán chưa xem xét hết được tác động của lạm phát). Vậy nhưng lợi nhuận cũng là loại thu nhập bị nhiều người phê phán nhất. Không phải vô cớ mà trong tiếng Anh có từ profiteer (xuất phát từ profit: lợi nhuận) được dùng để phỉ báng những người thu lợi nhuận quá mức, song lại không có những từ tương tự, ví dụ như wageer hoặc losseer, để miêu tả những người nhận lương quá nhiều (wage: lương) hoặc những người thua lỗ quá nhiều (loss: sự thua lỗ). Nhưng lợi nhuận của một người chủ hiệu cắt tóc tính bình quân không chỉ thấp hơn so với lương của một minh tinh màn bạc hay giám đốc điều hành của một tổng công ty thép mà thậm chí còn thấp hơn mức lương bình quân của một lao động có tay nghề.

Suy nghĩ của chúng ta về vấn đề này bị ảnh hưởng bởi nhiều thông tin và quan niệm không chính xác. Người ta nhìn vào tổng lợi nhuận của công ty General Motors, doanh nghiệp lớn nhất trong lĩnh vực công nghiệp trên thế giới, như thể nó là con số đại diện chung cho mức lợi nhuận của các doanh nghiệp chứ không phải như là một trường hợp đặc biệt. Rất ít người biết được tỷ lệ đóng cửa của các doanh nghiệp kinh doanh. Họ không biết rằng (theo trích dẫn từ nghiên cứu của TNEC) “nếu điều kiện kinh doanh bình quân của 50 năm qua được duy trì, cứ trong 10 cửa hàng tạp hóa thì khoảng 7 cửa hàng sẽ tồn tại đến năm thứ hai và chỉ 4 cửa hàng vẫn còn mở cửa sau 4 năm.” Họ không biết rằng, theo thống kê thuế thu nhập, số doanh nghiệp thua lỗ luôn lớn hơn số doanh nghiệp có lợi nhuận trong tất cả các năm từ 1930 đến 1938.

Tính bình quân thì lợi nhuận là bao nhiêu?

Câu hỏi này thường được trả lời thông qua các số liệu mà tôi đưa ra ở đầu chương này - rằng lợi nhuận bình quân của doanh nghiệp thường ở mức dưới 6% tổng thu nhập quốc dân, hay bằng cách chỉ ra rằng lợi nhuận bình quân sau khi đã trừ thuế thu nhập của tất cả các doanh nghiệp sản xuất là dưới 5 cent trên mỗi đôla doanh thu. (Trong vòng 5 năm từ 1971 đến 1975, con số này là 4,6 cent.) Thế nhưng những số liệu chính thức này, dù thấp hơn nhiều so với mức lợi nhuận mà công chúng thường mường tượng, lại chỉ mới áp dụng cho số liệu của các doanh nghiệp và được tính toán theo các phương pháp kế toán thông thường. Chưa ai đưa ra được một số liệu đáng tin cậy có tính đến mọi loại hoạt động kinh tế, trong cũng như ngoài doanh nghiệp, trong một khoảng thời gian đủ dài bao gồm cả những năm kinh doanh tốt cũng như những năm kinh doanh tồi. Một số nhà kinh tế học nổi tiếng cho rằng có thể sẽ không còn lợi nhuận ròng, hay thậm chí là sẽ có lỗ, nếu xét trong một khoảng thời gian dài, sau khi đã tính hết mọi khoản lỗ và trừ đi một khoản lợi tức tối thiểu “phi rủi ro” trên số vốn đầu tư và một mức lương “hợp lý” cho công sức của những người tự điều hành công việc kinh doanh của mình. Điều này hoàn toàn không phải vì các chủ doanh nghiệp (những người kinh doanh vì bản thân mình) cố tình trở thành những nhà hảo tâm, mà là vì họ, với sự tự tin hay lạc quan thái quá của mình, thường theo đuổi các công việc kinh doanh không hoặc không có khả năng thành công.

Trong bất kỳ trường hợp nào, điều rõ ràng là một cá nhân đổ vốn vào kinh doanh sẽ có thể bị mất không chỉ phần lợi tức của vốn đầu tư mà toàn bộ số vốn đó. Trong quá khứ, sự cám dỗ của mức lợi nhuận cao tại một số doanh nghiệp hay ngành sản xuất đặc biệt đã khiến người đó quyết định chấp nhận rủi ro này. Song nếu mức lợi nhuận tối đa không vượt quá 10% hoặc một con số tương tự, trong khi khả năng mất toàn bộ vốn đầu tư vẫn tồn tại, điều này sẽ có tác động như thế nào đối với động cơ thu lợi nhuận, hoạt động tuyển dụng lao động và sự sản xuất? Thuế siêu thu nhập trong thời kỳ Thế Chiến II đã cho ta thấy hiệu suất kinh doanh có thể giảm như thế nào khi mức lợi nhuận bị hạn chế, ngay cả trong một khoảng thời gian ngắn.

Thế nhưng các chính sách của chính phủ ngày nay ở hầu như khắp nơi trên thế giới đều được đưa ra dựa trên giả định rằng cho dù họ có làm gì để ngăn cản sản xuất thì nó vẫn cứ tiếp tục một cách tự động. Ngày nay, một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với sản xuất trên thế giới vẫn là các chính sách định giá của chính phủ. Các chính sách này không chỉ triệt tiêu động cơ của việc sản xuất nhiều mặt hàng, khiến cho nhiều loại hàng hóa không được sản xuất nữa, mà về lâu dài chúng còn gây ra sự mất cân bằng giữa sản xuất và nhu cầu của người tiêu dùng. Khi nền kinh tế được tự do, nhu cầu của người tiêu dùng sẽ khiến cho một số ngành sản xuất có được cái mà chính phủ gọi là mức lợi nhuận “thái quá”, “bất hợp lý”, thậm chí là “bẩn thỉu”. Song chính điều này sẽ khiến mọi công ty trong ngành đó mở rộng sản xuất đến mức cao nhất, tái đầu tư lợi nhuận của nó vào các trang thiết bị và tạo ra nhiều việc làm hơn; đồng thời, nó cũng sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư và nhà sản xuất mới từ mọi nơi, cho tới khi sản xuất của ngành đó đủ để đáp ứng cho nhu cầu của người tiêu dùng và mức lợi nhuận của ngành này sẽ quay trở lại (hay giảm xuống thấp hơn) mức lợi nhuận bình quân.

Trong nền kinh tế tự do, nơi các mức lương, chi phí và giá cả được quyết định bởi hoạt động tự do của thị trường cạnh tranh, khả năng thu lợi nhuận sẽ quyết định loại hàng hóa gì sẽ được sản xuất với số lượng bao nhiêu, cũng như là loại hàng hóa nào sẽ không được sản xuất. Nếu việc sản xuất một loại hàng hóa nào đó không mang lại lợi nhuận, đó là dấu hiệu chứng tỏ rằng lao động và vốn sản xuất được dùng để sản xuất lra nó đã bị đầu tư sai chỗ; giá trị của các nguồn lực được dùng để tạo ra loại hàng hóa đó lớn hơn giá trị của bản thân nó.

Nói tóm lại, chức năng của lợi nhuận là hướng dẫn các yếu tố sản xuất để quyết định mức sản lượng tương đối của hàng ngàn loại hàng hóa khác nhau tùy theo nhu cầu. Không nhà quản lý kinh tế nào, cho dù có khôn ngoan đến đâu, có thể tùy ý mình giải quyết được bài toán khó đó. Các mức giá và lợi nhuận tự do sẽ tăng tối đa sản xuất và giải quyết những khan hiếm nhanh hơn bất kỳ một hệ thống nào khác. Các mức giá bị cố định và mức lợi nhuận bị hạn chế một cách tùy tiện sẽ kéo dài tình trạng khan hiếm, giảm sản xuất và số lượng việc làm.

Cuối cùng, lợi nhuận cũng có chức năng liên tục tạo sức ép lên những người đứng đầu mỗi doanh nghiệp mang tính cạnh tranh để họ luôn tìm cách tiết kiệm và nâng cao hiệu suất kinh tế, cho dù chúng đã ở mức độ đến thế nào. Trong thời điểm kinh doanh phát đạt, người đó sẽ làm điều này để tăng thêm lợi nhuận. Trong thời điểm kinh doanh bình thường, người đó sẽ làm điều này để vượt lên trước các đối thủ cạnh tranh khác. Trong thời điểm kinh doanh tồi tệ, người đó sẽ làm điều này có thể chỉ để tồn tại. Lợi nhuận không chỉ có thể giảm về không (0); nó có thể nhanh chóng chuyển thành lỗ, và một người sẽ cố gắng hơn nhiều để thoát khỏi cảnh thua lỗ so với khi người đó chỉ đơn thuần muốn cải thiện tình hình kinh doanh của mình.

Không giống như mọi người thường nghĩ, ta thu được lợi nhuận không phải nhờ tăng giá mà bằng cách tiết kiệm và nâng cao hiệu suất kinh tế để giảm chi phí sản xuất. Rất hiếm khi (và trừ khi có độc quyền - điều này rất hiếm khi xảy ra trong một thời gian dài) mọi công ty trong một ngành đều có lợi nhuận. Mức giá các công ty đưa ra cho cùng một loại hàng hóa hay dịch vụ phải giống nhau; những người muốn đưa ra mức giá cao hơn sẽ không có khách hàng. Vì vậy, mức lợi nhuận lớn nhất sẽ thuộc về những công ty có chi phí sản xuất thấp nhất. Các công ty này sẽ mở rộng và khiến công ty nào có hiệu suất thấp phải thu nhỏ. Nhờ vậy, người tiêu dùng và công chúng được hưởng lợi.

Nói tóm lại, lợi nhuận - kết quả của tương quan giữa giá và chi phí - cho ta biết nên sản xuất loại hàng hóa nào và bằng cách thức nào thì có lợi nhất. Trong bất kỳ một hệ thống kinh tế nào ta có thể tưởng tượng ra, chủ nghĩa tư bản hay chủ nghĩa xã hội, các câu hỏi này phải được trả lời. Và đối với phần lớn các loại hàng hóa và dịch vụ được sản xuất ra, các câu trả lời do lợi nhuận và lỗ trong một doanh nghiệp tự do cạnh tranh đưa ra luôn đáng tin cậy hơn nhiều so với những câu trả lời có được thông qua bất kỳ một phương pháp nào khác.

Trong chương này, tôi đã nhấn mạnh việc giảm chi phí sản xuất bởi đây là một chức năng của lợi nhuận và lỗ mà ít được chú ý đến nhất. Tất nhiên, lợi nhuận lớn hơn sẽ không chỉ thuộc về người sản xuất ra một cái bẫy chuột có tính kinh tế hơn (giá và chi phí) mà cũng thuộc về người làm ra một cái bẫy chuột tốt hơn so với những người khác. Thế nhưng chức năng của lợi nhuận trong việc khuyến khích nâng cao chất lượng và cải tiến sản phẩm là điều mọi người đều công nhận.

Nguồn: Henry Hazlitt, Kinh tế học trong một bài học (Economics in One Lesson), Chương 22

Dịch giả:
Phạm Việt Anh
Hiệu đính:
Đinh Tuấn Minh