Chủ nghĩa tư bản và tự do: lời tựa của tác giả (Phần 1)

Chủ nghĩa tư bản và tự do: lời tựa của tác giả (Phần 1)

Lời tựa của tác giả

Việc hoàn thành cuốn sách này đã bị trì hoãn khá lâu. Nó là tổng hợp của chuỗi những bài thuyết trình tôi thực hiện vào tháng 6 năm 1956 tại một hội thảo ở Đại học Wabash do John Van Sickle và Benjamin Rogge tổ chức với nguồn tài trợ từ Quỹ Volker. Những năm sau đó, tôi cũng đã có những bài thuyết trình tương tự tại các hội thảo của Volker tại Đại học Claremont do Arthur Kemp chủ trì; Đại học Bắc Carolina do Clarence Philbrook chủ trì và tại Đại học Bang Oklahoma do Richard Leftwich chủ trì. Trong mỗi bài thuyết trình của mình, tôi đều tóm tắt lại nội dung của hai chương đầu cuốn sách này và sau đó áp dụng những nguyên lý đề cập trong hai chương đó vào những vấn đề khác nhau.

Tôi rất cảm kích các vị chủ trì các hội thảo trên, không chỉ vì đã mời tôi tới tham gia mà hơn hết là vì những lời phê bình, nhận xét cho các bài thuyết trình của tôi, cũng như thúc giục tôi hoàn thành bản sơ thảo của cuốn sách này. Tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành tới Richard Cornuelle, Kenneth Templeton, và Ivan Bierly của Quỹ Volker, những người chịu trách nhiệm tổ chức các hội thảo này. Tôi cũng rất cảm ơn những người tham gia hội thảo, với những truy vấn sắc sảo, sự quan tâm sâu sắc tới các vấn đề, và khao khát tri thức cháy bỏng, các bạn đã khiến tôi phải suy nghĩ lại các quan điểm của mình và sửa chữa được nhiều điểm sai sót. Với tôi, chuỗi hội thảo này là phần đáng nhớ nhất trong suốt quá trình trải nghiệm và tích lũy kiến thức trong cuộc đời. Tất nhiên, có lẽ sẽ không có người chủ trì hay người tham gia hội thảo nào đồng ý với mọi điều trong cuốn sách này. Nhưng tôi tin tưởng rằng họ sẽ luôn sẵn lòng đảm nhận một phần trách nhiệm nào đó với nội dung của nó.

Triết lý chính cùng với hầu hết những nội dung chi tiết mà tôi có được trong cuốn sách này là nhờ sự đóng góp của nhiều giáo viên, đồng nghiệp, bạn bè và trên hết là một nhóm học giả xuất chúng mà tôi đã có vinh dự hợp tác cùng tại Đại học Chicago: Frank H. Knight, Henry C. Simons, Lloyd W. Mints, Aaron Director, Friedrich A. Hayek, George J. Stigler. Tôi xin họ thứ lỗi vì không thể chú thích từng ý tưởng luận điểm của từng người trong cuốn sách này được. Tôi đã học được rất nhiều từ họ và những điều đó trở thành một phần quan trọng trong tư tưởng của tôi đến mức tôi cũng không biết phải chú thích như thế nào.

Tôi không dám liệt kê hết danh sách những người mà tôi biết ơn vì tôi nghĩ sẽ là thiếu công bằng khi vô tình bỏ sót tên ai đó. Nhưng tôi không thể không đề cập tới hai người con của tôi, Janet và David, những người không bao giờ sẵn sàng chấp nhận thứ gọi là niềm tin mà luôn đòi hỏi từng chi tiết xác đáng và dễ hiểu nhất. Vì thế tôi buộc phải diễn giải những vấn đề học thuật bằng ngôn ngữ đơn giản hơn và nhờ đó giúp hoàn thiện hiểu biết cũng như cách trình bày của tôi về các vấn đề trên. Tôi cũng muốn nói thêm rằng hai người con của tôi cũng đồng ý gánh chịu trách nhiệm cho những quan điểm trong cuốn sách này nhưng không nhận các quan điểm đó là của mình.

Nội dung của cuốn sách này là tập hợp từ nhiều tác phẩm đã xuất bản trước đây của tôi. Chương 1 là phiên bản chỉnh sửa của một bài luận cùng tên trong cuốn Essays in Individuality [Các bài luận về tính cá thể] của Felix Morley (chủ biên) (Nhà xuất bản Đại học Pennsylvania, 1958) và cũng có một bản cùng tên khác trong chuyên san The New Individualist Review, tập I, số 1 (Tháng tư, 1961). Chương 6 được chỉnh sửa từ bài viết cùng tên xuất bản lần đầu trong cuốn sách Economics and the Public Interest [Kinh tế học và Lợi ích công] của Robert A. Solo (chủ biên) (Nhà xuất bản Đại học Rutgers, 1955). Những phần nhỏ ở các chương khác cũng được lấy từ rất nhiều bài viết và cuốn sách khác của tôi.

Điệp khúc “Nếu không có sự hỗ trợ của vợ, cuốn sách này sẽ không thể ra đời” đã trở nên phổ biến trong các lời tựa. Trong trường hợp này, tình cờ nó lại đúng theo nghĩa đen. Vợ tôi đã thu thập bản nháp các bài giảng của tôi, tổng hợp các phiên bản khác nhau và viết lại chúng bằng thứ tiếng Anh dễ hiểu hơn. Cô ấy đã luôn là động lực giúp tôi hoàn thành cuốn sách này. Vì thế, lời cảm ơn của tôi dành cho vợ mình trên trang bìa vẫn chưa thể hiện hết được vai trò của cô ấy.

Thư ký của tôi, Muriel A. Porter, đã luôn là một cộng sự đáng tin cậy và hiệu quả mỗi khi cần thiết và tôi biết ơn cô ấy rất nhiều. Cô ấy đánh máy hầu hết các bản thảo cũng như nhiều bản nháp trước đó của tôi.

(Xem tiếp Phần 2)

Nguồn: Milton Friedman, Capitalism and Freedom, The University of Chicago Press, 1962

Dịch giả:
Đinh Tuấn Minh