![[Tự do kinh tế và chính thể đại diện] Chương 2: Dân chủ đi về đâu (Phần 2)](http://thitruongtudo.vn/upload/01_bai_viet/k25004.1_(1).png)
[Tự do kinh tế và chính thể đại diện] Chương 2: Dân chủ đi về đâu (Phần 2)
III.
Xét trên khía cạnh lịch sử, bi kịch phát triển này khó có thể tránh khỏi. Tất nhiên, xét về logic, đây là nhận định không thuyết phục. Việc tưởng tượng quá trình phát triển có thể diễn ra theo những đường hướng khác nhau không hề khó khăn gì. Vào thế kỉ XVIII, khi Hạ viện Anh thành công trong việc đòi quyền trọn vẹn đối với việc quyết định ngân sách nhà nước, thì trên thực tế, nó đã giành được quyền kiểm soát trọn vẹn đối với chính quyền. Giả dụ như vào lúc này, Thượng viện Anh rơi vào vị thế phải nhượng bộ quyền lực này nhưng chỉ với điều kiện việc làm luật thực sự (luật dân sự và luật hình sự nhằm hạn chế quyền lực của mọi chính quyền) phải là quyền trọn vẹn riêng của Thượng viện - diễn tiến này không có gì bất thường khi Thượng viện đảm nhiệm vai trò tòa án cao nhất - thì sự phân chia quyền lực như vậy giữa một hội đồng chính quyền và một hội đồng lập pháp có thể đã đạt được và sự kiềm chế đối với chính quyền bằng luật được duy trì. Tuy nhiên, xét trên khía cạnh chính trị, không thể trao quyền lập pháp như vậy cho các vị đại diện của một tầng lớp đặc quyền trong xã hội.
Các mô thức dân chủ hiện hành, ở đó hội đồng đại diện toàn quyền vừa làm luật vừa chỉ đạo chính quyền, làm cho uy quyền của dân chủ bị biến thành một trò bịp bợm. Niềm tin rằng chính quyền dân chủ như vậy sẽ thực thi ý nguyện của người dân là một niềm tin nguỵ tạo. Các cơ quan lập pháp được bầu lên một cách dân chủ có thể thực thi ý nguyện của người dân chỉ khi chúng thực hiện chức năng làm luật, tức theo đúng nghĩa ban đầu của thuật ngữ này. Nghĩa là, ý nguyện của người dân có thể được thực hiện thông qua các hội đồng được bầu lên với điều kiện quyền lực của những hội đồng này bị hạn chế vào việc ban hành các quy tác phổ quát về hành xử công bằng, tức các quy tắc nhằm phân định rõ ràng những khu vực mà ở đấy cá nhân có quyền kiểm soát và có khả năng áp dụng cho một số lượng không biết trước các trường hợp trong tương lai.
Về các quy tắc chi phối hành xử cá nhân nhằm ngăn ngừa những xung đột mà đa số người dân có thể vướng vào thì một cộng đồng có thể hình thành một điểm vượt trội, và có thể tìm được sự nhất trí giữa các vị đại diện của phái đa số. Một hội đồng với nhiệm quan vụ được giới hạn rõ ràng như vậy có thể phản ánh quan điểm của đa số - và với nhiệm vụ chỉ liên quan đến việc hình thành những quy tắc phổ quát, hội đồng đó không có mấy cơ hội để phản ánh ý muốn của các nhóm lợi ích cụ thể trên những vấn đề cụ thể.
Nhưng việc làm luật theo nghĩa cổ điển của từ này lại là phần kém quan trọng nhất trong những nhiệm vụ của các hội đồng mà chúng ta vẫn quen gọi là “các cơ quan lập pháp”. Điều quan tâm chủ yếu của các cơ quan này là chính quyền. Như một quan sát viên sắc bén về Nghị viện Anh viết cách đây hơn 70 năm, “Nghị viện không có đủ thời gian cũng như không có chủ kiến” để đảm nhiệm chức năng “làm luật của các luật sư”. Thực ra thì ở mọi nơi, hầu hết những hoạt động đặc tính và các quy trình của những hội đồng đại diện được quyết định bởi nhiệm vụ liên quan đến chính quyền đến nỗi cái danh “cơ quan lập pháp” mà chúng mang chẳng còn phát sinh từ nhiệm vụ làm luật. Hơn thế, mối quan hệ này còn bị đảo ngược. Ngày nay, theo thói quen, chúng ta gọi hầu như tất cả các nghị quyết mà những hội đồng ấy đưa ra là luật, duy nhất chỉ bởi vì chúng xuất phát từ một cơ quan lập pháp, dù rằng các nghị quyết ấy có rất ít thuộc tính của một cam kết về một quy tắc phổ quát về hành xử công bằng, và của một cam kết về việc thực thi theo đó các quyền lực mang tính cưỡng chế của chính quyền đáng ra phải bị giới hạn trong một xã hội tự do.
IV.
Nhưng vì mọi nghị quyết của cơ quan có thẩm quyền tối cao đối với chính quyền này đều có “sức mạnh của luật pháp”, nên các hành động mang tính hành pháp của nó cũng không bị hạn chế bởi luật pháp. Điều đáng lưu tâm hơn là, không thể coi các hành động ấy là ý kiến uỷ thác bởi đa số người dân. Trên thực tế, cơ sở cho việc ủng hộ các thành viên của một đa số có quyền lực vô hạn hoàn toàn khác với cơ sở cho việc ủng hộ một đa số làm nền cho các hành động của một cơ quan lập pháp thực thụ. Bỏ phiếu cho một nhà làm luật có quyền lực bị giới hạn là việc lựa chọn giữa các phương án khác nhau trong việc đảm bảo một trật tự tổng thể được hình thành từ các quyết định của những cá nhân tự do. Bỏ phiếu cho một thành viên của một cơ quan có quyền lực ban phát những đặc lợi, mà bản thân cơ quan đó lại không bị ràng buộc bởi các quy tắc phổ quát, là một cái gì đó khác hoàn toàn. Trong một hội đồng được bầu lên theo cách thức dân chủ với quyền lực không bị giới hạn như vậy đối với việc ban phát những đặc lợi và áp đặt các gánh nặng đặc biệt lên những nhóm cụ thể, thì một đa số chỉ có thể hình thành được bằng cách mua sự ủng hộ của nhiều nhóm đặc lợi, thông qua việc trao cho những nhóm này các lợi ích có được từ sự thiệt hại của nhóm thiểu số.
Một vị đại diện có thể đe dọa rút bỏ sự ủng hộ ngay cả đối với những đạo luật phổ quát vì vị đại diện này chỉ chấp thuận chúng trừ phi những lá phiếu của ông ta được đáp trả bằng những nhượng bộ đặc biệt cho nhóm của ông ta. Do đó, trong một hội đồng có quyền lực vô hạn, các quyết định được đưa ra sẽ dựa trên một quá trình tống tiền và tham nhũng nhằm mục đích tìm kiếm sự ủng hộ. Từ lâu điều này đã được thừa - nhận là một phần của hệ thống, khiến cho ngay cá những vị đại diện tốt nhất cũng không thể vượt qua.
Các quyết định nhằm thỏa mãn lợi ích cho các nhóm cụ thể như thế hầu như không dựa trên bất cứ sự đồng thuận nào của phái đa số về những điều thiết yếu mà chính quyền cần phải hành động, đó là bởi các thành viên của phái đa số thường hiểu biết rất ít về những lĩnh vực mà họ đã trao cho một cơ quan thừa hành (agency) nào đó những quyền lực không rõ ràng nhằm đạt một mục tiêu nào đó cũng không rõ ràng đấy là nói theo một cách tôn trọng nhất có thể. Đa số cử tri sẽ không có lí do gì để chống lại hay ủng hộ các quyết định mà phái đa số đề xuất, ngoại trừ việc họ biết rằng để đổi lại sự hậu thuẫn cho những người nhân danh họ, họ sẽ nhận được lời hứa hẹn rằng những ước muốn riêng của họ sẽ được thỏa mãn. Đó là kết quả của quá trình thỏa hiệp được tôn lên thành “ý nguyện của đa số”.
Cái mà chúng ta gọi là “các cơ quan lập pháp” trên thực tế là những cơ quan liên tục đưa ra những quyết định về các giải pháp cụ thể, và uỷ thác quyền cưỡng chế cho những cơ quan thi hành chúng, mà điều này thì không dựa trên bất kì sự đồng thuận thực thụ nào của một đa số, mà là thông qua các thỏa thuận (deals) để đạt được sự ủng hộ của một đa số. Do vậy, trong một hội đồng có quyền lực vô hạn, chủ yếu quan tâm đến những vấn đề cụ thể thay vì các nguyên tắc, thì sự hình thành những đa số không phải là được dựa trên sự đồng thuận của các quan điểm, mà là từ sự tập hợp những nhóm đặc lợi câu kết vì quyền lợi của nhau.
Điều này dẫn đến một thực tế hết sức nghịch lí là, một hội đồng nắm mọi quyền lực trên danh nghĩa - tức quyền uy của nó không bị giới hạn bởi, hoặc phải tự cam kết vào, những quy tắc phổ quát - thực chất lại rất yếu và hoàn toàn chịu lệ thuộc vào sự ủng hộ của các nhóm lợi ích riêng lẻ, những nhóm có xu hướng đòi hỏi các đặc ân để cho phép mệnh lệnh của chính quyền được thực thi. Trong một hội đồng như thế, bức tranh về phái đa số được thống nhất bằng các nền tảng đạo đức chung để đánh giá những đòi hỏi đưa ra bởi các nhóm cụ thể dựa trên giá trị và ý nghĩa của chúng đương nhiên là một bức tranh hư tưởng. Đấy là một đa số chỉ bởi vì nó đã tự cam kết, không phải với một nguyên tắc, mà là với việc thỏa mãn các đòi hỏi cụ thể. Hội đồng toàn quyền làm mọi thứ trừ việc nắm toàn quyền sử dụng quyền lực không bị giới hạn của mình. Hiển nhiên là trong mọi “nền dân chủ hiện đại” người ta đều có thể tìm ra điều này hay điều khác là cần thiết, nhưng điều khá kì quặc là những thứ này đôi khi lại được trích dẫn như là những bằng chứng về tính đáng mong ước hoặc tính hợp lí của một giải pháp nào đó. Phần lớn các thành viên của phái đa số thường đã biết trước rằng một biện pháp nào đó là ngu xuẩn và bất công, nhưng họ vẫn phải chấp nhận nó nhằm duy tì địa vị thành viên của một phái đa số.
Nguồn: Friedrich Hayek (2015). Tự do kinh tế và chính thể đại diện. Đinh Tuấn Minh và Nguyễn Vi Yên dịch.