![[Lược khảo Ludwig von Mises] Chương X: Tai họa của chu kỳ kinh tế](http://thitruongtudo.vn/upload/01_bai_viet/k25001.1_(1).jpg)
[Lược khảo Ludwig von Mises] Chương X: Tai họa của chu kỳ kinh tế
Các nhà kinh tế học đã xem xét rất lâu vì sao hoạt động kinh tế dường như lại diễn ra theo chu kì, theo sau giai đoạn phát triển bao giờ cũng là giai đoạn suy thoái - gọi là chu kì kinh tế. Các nhà kinh tế học tiền bối thuộc Trường phái Áo đã thảo luận vấn đề này trước Mises, và họ đã để đồng nghiệp của ông là F. A. Hayek công bố kết quả nghiên cứu chung của hai người cho nên phần đóng góp của Mises đã không được nhiều người công nhận. Nhưng, đóng góp của ông có vai trò đặc biệt quan trọng: bằng một cách trình bày đặc trưng, Mises đã liên kết một số đề tài - tiền tệ và tín dụng, quá trình sản xuất, giá cả và lãi suất - vào một lí thuyết bao trùm về tăng trưởng nóng và suy thoái1.
Mises cho rằng tiền, trong ý nghĩa rộng nhất của từ này - bao gồm các phương tiện tín thác như giấy tờ có giá do chính phủ phát hành, tiền xu và giấy bạc ngân hàng không có bảo đảm, ngân phiếu và chứng nhận tiền gửi - là nguồn gốc của tai họa đó. Chính sách nới lỏng tiền tệ ảnh hưởng đến tương quan giá cả giữa các món hàng khác nhau và làm cho sai lệch đi. Chính sách này còn tạo ra những nguồn tài chính mới trên thị trường vay nợ, làm giảm lãi suất thị trường. Đến lượt mình, những khoản vay với lãi suất thấp lại thúc đẩy các khởi lập kinh doanh vay và xây các nhà máy sản xuất mới và phức tạp hơn. Nhưng khi giai đoạn tăng trưởng nóng qua đi, Mises giải thích, mọi người mới thấy rằng đấy là sai lầm phải trả giá đắt.
Sự quyến rũ của lãi suất thấp
Thước đo quan trọng nhất là cái mà Mises gọi là tiền lãi nguyên thuỷ (originary interest). Khoản tiền lãi này phản ánh việc lựa chọn thời gian chi tiêu của con người - ví dụ, họ sẵn sàng đợi một năm để biến khoản chi tiêu trị giá 100 USD thành khoản 104 USD, như đã giải thích bên trên. Nếu quá trình sản xuất có thể tạo ra lợi nhuận bằng hoặc lớn hơn số tiền đó thì đấy là quá trình có ý nghĩa kinh tế. Nếu không, việc đầu tư sẽ không thể biện hộ được.
Nếu nhiều khoản cho vay được bơm ra khiến cho lãi suất thị trường thấp hơn lãi suất nguyên thủy thì vay để đầu tư sẽ trở thành có lợi, nhưng trên thực tế những vụ đầu tư này đã không phản ánh đúng việc lựa chọn thời gian chi tiêu của người dân. Các nhà khởi lập kinh doanh cuối cùng cũng nhận thấy rằng việc xây dựng những nhà máy sản xuất mới đó rốt cuộc sẽ thất bại. Đấy là cội nguồn của chu kì kinh tế.
Sự phát triển của chu kì kinh tế
Thời gian đầu, với sự xuất hiện của các nguồn tài chính mới, việc đi vay trở nên rẻ hơn, mọi việc đều dường như rất thuận lợi và đầy triển vọng đối với nhà khởi lập kinh doanh. Do hoạt động vay mượn rẻ đi, các dự án sản xuất mới dường như sẽ mang lại nhiều lợi nhuận. Cho nên các nhà khởi lập kinh doanh vay để mua vật tư, thuê lao động và đặt trang thiết bị mới. Giai đoạn bùng nổ bắt đầu.
Nhưng không lâu sau đó, cạnh tranh giữa các doanh nghiệp về lao động và vật tư sẽ đẩy định mức tiền công và giá thành sản xuất lên. Nhưng sau đó, tiền công cao cũng sẽ đẩy giá hàng tiêu dùng lên. Điều đó càng làm cho các doanh nhân phấn khởi hơn; họ, mặc dù giá thành cao, nhưng vẫn hi vọng rằng giá sản phẩm cuối cùng cũng sẽ cao. Họ cứ làm tiếp và giai đoạn bùng nổ vẫn tiếp tục.
Tuy vậy, giá thành lên nghĩa là các doanh nhân phải vay thêm để duy trì các quá trình sản xuất mới. Họ biết rằng nếu bây giờ dừng các dự án này thì chắc chắn họ sẽ bị lỗ. Tựa như người xây dựng đã làm nền móng quá to và hết gạch, các doanh nhận phải vay để tiếp tục xây dựng, hi vọng giữ được những khoản đầu tư trước đó.
Nhưng, trừ phi các khoản tài chính cho vay mới tiếp tục được bơm ra, lãi suất thị trường sẽ bắt đầu gia tăng vì nhu cầu vay của các doanh nhân bây giờ đã vượt cung. Ngân sách của doanh nghiệp bị co lại và họ buộc phải cắt giảm: tiền công phải giảm hoặc nhân công phải bị sa thải, và giai đoạn bùng nổ sẽ chấm dứt.
Và đấy chính là những điều xảy ra trên thực tế. Các khoản vay ngày một nhiều hơn nhằm duy trì giai đoạn bùng nổ sẽ không thể kéo dài được mãi. Những người cho vay bắt đầu lo lắng về sự an toàn của các khoản vay mà họ đã cấp và bắt đầu ghìm lại. Nhưng vụ siết tín dụng mới này đơn giản là đã cho thấy tính chất không bền vững của tăng trưởng nóng. Các dự án mà lãi suất vay thấp làm cho trở thành có lãi bây giờ trở thành không còn lãi nữa.
Việc quay trở lại với chính sách ổn định tiền tệ không phải là nguyên nhân của khủng hoảng: nó chỉ phơi bày những vụ đầu tư sai lầm trong quá khứ mà thôi. Và những sai lầm này sẽ dẫn đến thiệt hại trên thực tế. Không thể vay mãi được, các công ti sẽ hết tiền. Họ sẽ phải bán tài sản theo giá mà người khác đưa ra; nhà máy sẽ bị đóng cửa, dự án xây dựng bị tạm dừng, công nhân mất việc. Các công ti không trả được nợ, còn người cho vay thì nâng lãi suất để bù lại khoản đã mất, làm cho những người đi vay càng khó khăn hơn. Sự suy giảm đột ngột tín dụng làm cho ngay cả các công ti thận trọng cũng bị thiệt hại. Đổ vỡ tiếp tục gia tăng, một số sẽ rơi vào hoảng loạn.
Thoát ra là đau đớn
Các chính khách có thể tuyên bố rằng hoảng loạn gây ra tai họa, rằng tất cả chúng ta phải sợ chính nỗi sợ, và rằng chỉ cần chúng ta lấy lại được lòng tự tin thì có thể ngăn chặn được vòng xoáy trôn ốc đi xuống. Nhưng Mises khẳng định rằng không phải như thế. Không có cách nào thoát được quá trình này ngoài việc phải để mặc cho vết thương của những vụ đầu tư sai lầm trong quá khứ tự lành.
Trong khi đó đồng vốn thì bị mất và người tiêu dùng gặp khó khăn hơn. Không như những kẻ đề xướng hi vọng, việc bơm nóng tín dụng và tiền chẳng làm cho ai giàu thêm mà lại làm cho tất cả nghèo đi. Trong quá trình đó, cán cân của cải và thu nhập sẽ dịch chuyển, hình thức chi tiêu mới sẽ xuất hiện và người ta sẽ phải quen dần và thiết lập nên tương quan giá cả mới. Phải mất thời gian và công sức để tái xây dựng quá trình sản xuất phản ánh được mẫu hình mới về nhu cầu mới của người tiêu dùng.
Chỉ có một lối thoát, Mises khẳng định, đấy là đi qua giai đoạn lao dốc của tiền công và giá. Bất kì cố gắng nào nhằm trì hoãn việc điều chỉnh - ví dụ như công đoàn hay chính phủ chống lại việc sa thải và cắt giảm tiền công - đơn giản là chỉ kéo dài thời gian đau đớn và làm chậm lại quá trình phục hồi. Sự thực đáng buồn là giai đoạn bùng nổ được kích hoạt, có tính hão huyền đó không hề khởi động một sự thịnh vượng nào, lại đẩy các doanh nghiệp vào những vụ đầu tư sai lầm dẫn đến mất mát những nguồn lực quý giá. Những cố gắng sau đó không thể nào thay đổi được sự kiện lịch sử và hậu quả tai hại của nó.
Lí giải của Mises-Hayek cho ngày nay
Các nhà kinh tế theo trường phái Keynes, những người giữ thế thượng phong trong tư duy kinh tế thời hậu chiến ở châu Âu và Mĩ, không bao giờ chấp nhận lí giải về chu kì kinh tế do Mises và Hayek đưa ra. Họ nghĩ rằng suy giảm là tín hiệu cho thấy cần phải nới lỏng hơn nữa chứ không phải là hậu quả không thể tránh được của những sai lầm trong quá khứ. Rằng, dĩ nhiên là các vụ suy giảm đó chủ yếu là do lạm phát quá cao trong những năm 1960 và 1970. Ngay cả những người theo chủ nghĩa trọng tiền, những người đã giúp chữa lành được vụ lạm phát đó, cũng không chấp nhận cách giải thích của Trường phái Áo. Ví dụ như Milton Friedman, ông này kết luận rằng lời giải thích của họ “mâu thuẫn với thực tế” và tin là “sai”.
Tuy nhiên, sau cuộc khủng hoảng tài chính, xuất hiện lần đầu năm 2007, số người quan tâm đến cách lí giải của Mises và Hayek đột ngột gia tăng. Vì các sự kiện dường như phù hợp với phân tích của họ. Trong hơn một chục năm, các cơ quan quản lí tiền tệ ở Mĩ và Anh đã tung ra quá nhiều tín dụng lãi suất thấp. Họ giữ lãi suất thấp vì cho rằng đấy là cách duy nhất để tránh suy giảm sau những sự kiện làm mất niềm tin như vụ sụp đổ thị trường chứng khoán năm 1987, vụ vỡ nợ của Nga năm 1998 hay vụ tấn công khủng bố ở Mĩ tháng 9 năm 2001. Họ còn tin rằng hàng triệu người có tiền tiết kiệm ở Trung Quốc đã tham gia vào nền kinh tế thế giới có nghĩa là lãi suất phải được hạ xuống để phản ánh đúng thực tế cung cầu. (Trong thị trường tự do, lãi suất sẽ tự động được thiết lập; nhưng trong thị trường bị thao túng thì các cơ quan quyền lực quyết định lãi suất tín dụng). Và tác nhân thứ ba là một khối lượng lớn hàng hóa giá rẻ xuất xứ từ Trung Quốc đã làm cho giá hàng hóa giảm và làm cho các cơ quan quyền lực tin rằng họ không mở rộng cung tiền quá mức.
Và dĩ nhiên là họ đã đổ thêm dầu vào lửa cho một giai đoạn bùng nổ cực lớn, đặc biệt là trên thị trường nhà ở, nơi những khoản vay với lãi suất thấp đã kích thích làm cho nhu cầu tăng một cách đột biến. Và cuối cùng là sự sụp đổ, như Mises và Hayek từng nhận định chắc chắn sẽ xảy ra, và nhiều nước phát triển đã rơi vào tình trạng suy thoái khi những sai lầm trong lĩnh vực đầu tư vừa qua bị thanh loại. Mises cũng đã dự đoán được phản ứng của Anh và Mĩ đối với vụ suy sụp này - tìm đường thoát bằng cách in thêm tiền và vay những khoản tiền lớn chưa từng thấy - đơn giản là hạ giá đồng tiền, làm rối loạn thị trường và vì vậy mà làm cho quá trình hồi phục diễn ra chậm hơn.
Chú thích:
(1) Xin đọc Theory of Money and Credit và Human Action
Nguồn: Eamonn Butler (2014). Lược khảo Ludwig von Mises. Phạm Nguyên Trường dịch. Nguyên tác: Ludwig Von Mises―A Primer (2014). Bản đăng trên thitruongtudo.vn đã được Đinh Tuấn Minh hiệu đính.