[Kinh tế học cấm đoán] Chương 6: Bãi bỏ những biện pháp cấm đoán (Phần 2)

[Kinh tế học cấm đoán] Chương 6: Bãi bỏ những biện pháp cấm đoán (Phần 2)

CẤM ĐOÁN HIỆU QUẢ CÓ KHẢ THI HAY KHÔNG?

Cấm đoán có thể được bất kì hình thức chính phủ nào ban hành, và trên thực tế, gần như tất cả các chính phủ quốc gia và Liên Hiệp Quốc đều đã ban hành những biện pháp cấm đoán. Hiện nhìn chung, mọi người đều đồng ý rằng cấm đoán triệt để là bất khả thi, ngoại trừ trường hợp rất hiếm xảy ra (khi có ít hoặc không có nhu cầu đối với sản phẩm hoặc nơi có những sản phẩm thay thế hợp pháp gần như hoàn hảo). Nhưng khả năng sử dụng chính trị nhằm ban hành cấm đoán và không thể cấm được hoàn toàn không phải là những vấn đề được đặt ra ở đây.

Những cuộc tranh luận về cấm đoán đã tập trung vào chi phí và lợi ích của những biện pháp cấm đoán. Những lợi ích mà người ta nghĩ rằng có thể thu được từ cấm đoán hoàn toàn phụ thuộc vào việc giảm số lượng món hàng cấm được tiêu thụ. Chi phí cho những biện pháp cấm đoán bao gồm chi phí trực tiếp cho việc thực thi pháp luật và chi phí gián tiếp, ví dụ như chi phí cơ hội của các tòa án và nhà tù, tội phạm và tham nhũng gia tăng là kết quả của những biện pháp cấm đoán. Người ta đã chỉ ra rằng chi phí cho những biện pháp cấm đoán là hàm số của những nguồn lực dành cho việc thi hành những biện pháp cấm đoán và lớn hơn nhiều so với những gì họ tưởng tượng. Một chi phí nữa, quan trọng, nhưng thường bị bỏ quên là cấm đoán bóp nghẹt quá trình khám phá diễn ra trên thương trường.

Luận cứ chống lại cấm đoán được trình bày ở đây không phải chủ yếu là chi phí cho những biện pháp cấm đoán cao hơn lợi ích thu được, mà là cấm đoán chẳng mang lại lợi ích gì vì số lượng tiêu thụ giảm, nhưng hiệu lực của ma túy lại cao hơn, nguy hiểm hơn, đồng thời tội phạm và tham nhũng cũng gia tăng. Nhưng, khi người tiêu dùng chứng tỏ rằng họ sẽ trả giá theo thị trường chợ đen cho những món hàng hóa bị cấm thì những người ủng hộ cấm đoán liền chứng tỏ rằng họ sẽ bỏ phiếu ủng hộ cho việc gia tăng những nguồn lực nhằm thực thi những biện pháp cấm đoán. Sự ủng hộ này vẫn tiếp tục mặc dù xã hội đã công nhận rằng nguồn lực gia tăng cũng không thể đem lại những kết quả mong muốn.

Randy Barnett (1987, 73-76) nhận xét rằng, về mặt tâm lí, người Mĩ đã trở thành những người nghiện những đạo luật phòng chống ma túy. Ông cũng nhận thức được rằng những người sử dụng pháp luật phòng chống ma túy khác, ví dụ như các chính trị gia, các quan chức, các nhà nghiên cứu và các viện nghiên cứu, lờ đi chi phí cho những biện pháp cấm đoán vì họ “phụ thuộc về mặt kinh tế” vào luật đó. Thomas S. Szasz (1985, 342-45 và ở những trang khác) đưa ra luận cứ cho rằng Hoa Kì đã trở thành nhà nước chuyên chữa bệnh (liên minh giữa nhà nước và ngành y), chẳng khác gì những nhà nước thần quyền. Trong nhà nước chuyên chữa bệnh, lợi ích của chính phủ và ngành y lấn át bất kì mối bận tâm nào về chi phí cho những biện pháp cấm đoán.

Những lợi ích của cấm đoán (nếu có) phải được các nhà kinh tế xem xét như những giá trị chủ quan, hệt như giá trị của gói kẹo hay bức tranh Mona Lisa mà thôi. Đơn giản là do bản chất chính trị và không có đánh giá của thị trường cho nên không thể chúng minh một cách chính xác và dứt khoát giá trị của các biện pháp cấm đoán. Trên thực tế, những biện pháp cấm đoán hiện nay không và không bao giờ là vấn đề được đem ra cho nhân dân bỏ phiếu. Các chuyên gia về chính sách và những người tổ chức thăm dò dư luận chỉ có thể cung cấp cho chúng ta “những dự đoán tốt nhất”, được những bài phân tích chi phí-lợi ích và cuộc thăm dò dư luận mang động cơ chính trị tạo ra mà thôi.

May mắn là hiện đã có công trình phân tích cơ bản hơn để các nhà kinh tế xem xét, đấy là sự hiện hữu – chứ không phải là nhận thức hay ý nghĩa – của lợi ích. Việc người ta lờ đi phân tích cơ bản này có thể phần lớn là do người ta nghĩ rằng cấm đoán sẽ làm giảm lượng cầu và lợi ích của cấm đoán được hiểu là hàm số của số ma túy được tiêu thụ. Nếu cấm đoán làm tăng giá, trong khi những thứ khác giữ nguyên, thì chắc chắn là sẽ có lợi. Nhưng trong khi cấm đoán chắc chắn làm tăng giá, thì nó cũng làm cho hiệu lực của ma túy gia tăng và chất lượng giảm. Trong khi không coi luận cứ này là quan trọng, nhiều người, trong đó có Brecher (1972), đã khẳng định rằng cấm đoán làm tăng cả cầu và tiêu thụ các sản phẩm bị cấm đoán.

Nói về lượng tiêu thụ, hiệu lực của ma túy gia tăng là yếu tố chính trong việc giữ nguyên lượng ma túy được tiêu thụ. Còn nói về chất lượng, cấm đoán làm giảm đáng kể chất lượng sản phẩm. Hiệu lực của ma túy gia tăng còn chất lượng thì lại giảm làm cho việc tiêu thụ sản phẩm trở thành nguy hiểm hơn và có thể dễ gây nghiện hơn. Người ta cũng đã phát hiện ra rằng thay thế bằng những loại ma túy nguy hiểm hơn là kết quả có thể dự đoán được khi luật lệ được thi hành một cách chặt chẽ hơn. Những biện pháp cấm đoán sẽ ngăn chặn được một số người thỉnh thoảng mới sử dụng sản phẩm nhưng không để ngăn chặn được những người đã nghiện sản phẩm bị cấm1. Những người thực sự hạn chế việc tiêu thụ những loại ma túy bị cấm có thể dễ dàng thay thế chúng bằng những loại thuốc, rượu, và ma túy hợp pháp2.

Cấm đoán không ngăn chặn được người ta tiếp xúc với sản phẩm và không ngăn chặn được việc tiêu thụ chính cái sản phẩm mà nó dự định ngăn chặn. Vì vậy, lập luận cho rằng giá tăng làm giảm lượng tiêu thụ và do đó là có lợi vẫn chưa được chứng minh cả về lí thuyết lẫn trên thực tế. Số lượng ma túy bị lực lượng thực thi pháp luật bắt giữ không phải là lợi ích của cấm đoán mà chỉ là giá phải trả cho việc kinh doanh trên thị trường chợ đen mà thôi.

Cấm đoán dường như bất lực trong việc giảm cầu hoặc ngăn chặn sự gia tăng nhu cầu. Số liệu thống kê của chính phủ cho thấy trong những năm gần đây tiêu thụ cần sa đã giảm hoặc chững lại. Nhưng, sẽ là một sai lầm khi tuyên bố rằng đây là một lợi ích của cấm đoán và của việc thực thi luật pháp nghiêm khắc hơn. Thứ nhất, chính số liệu thống kê cũng đáng ngờ. Sản xuất cần sa trên những mảnh đất nhỏ và trong nhà đã gia tăng, khó xác định được thông tin về những nơi này và hiệu lực của cần sa tiếp tục gia tăng. Nếu hiệu chỉnh với hiệu lực thì tiêu thụ cần sa có thể đã tăng. Ngay cả khi tiêu thụ có giảm thì đấy cũng không phải là lợi ích của cấm đoán; hoàn toàn ngược lại. Các ước tính của chính phủ về tiêu thụ chỉ ra rằng giá cần sa bán ngoài phố đã gia tăng, giá cocaine giảm, và tiêu thụ cocaine tăng lên. Những ước tính này phù hợp với sự dịch chuyển nhu cầu giữa các sản phẩm thay thế, đã được dự đoán như là kết quả khi những biện pháp thực thi pháp luật trở nên cứng rắn hơn.

Trong cuốn sách này, tôi đã chứng minh rằng cấm đoán có thể là bất khả thi. Khẳng định mạnh mẽ hơn – những biện pháp cấm đoán hữu hiệu là bất khả thi (nghĩa là, chẳng mang lại lợi ích gì) – thì khó chứng minh hơn và bị nhiều chỉ trích hơn. Phê phán luận điểm bất khả thi hay gặp nhất là không phải tất cả những lợi ích khả thi đều được xem xét. Thật vậy, một trong những điểm liên quan đến tác động của cấm đoán là những nhà nghiên cứu và những người lập chính sách biết hay hiểu rõ tất cả những hậu quả có thể của cấm đoán. Ví dụ, người ta có thể tuyên bố rằng trong một số điều kiện nhất định cấm đoán có thể làm giảm chi tiêu cho một số sản phẩm nào đó3.

Trong cuốn sách này, tôi đã khảo sát tất cả những luận cứ (có thiện chí) ủng hộ những biện pháp cấm đoán. Nhiều luận cứ đã được tôi khảo sát một cách rất chi tiết. Không luận cứ nào chứng tỏ được rằng lợi ích là khả thi, nhưng cũng chưa tìm được công trình nghiên cứu thực tiễn nào phủ nhận kết luận này một cách thỏa đáng. Nhiều luận cứ mà tôi đã khảo sát ở đây cần phải được kiểm tra và trau chuốt thêm.

Việc bãi bỏ những biện pháp cấm đoán không nhất thiết phải xuất phát từ kết luận mang tính lí thuyết rằng cấm đoán là bất khả thi trên thực tế. Hai câu hỏi quan trọng đầu tiên phải được đặt ra. Thứ nhất, với chi phí cho các biện pháp cấm đoán là như thế, thì bãi bỏ cấm đoán có phải là đường lối hợp lí phải theo hay không? Ví dụ, cấm đoán tạo ra những sản phẩm có hiệu lực cao hơn và các loại ma túy mới, nguy hiểm hơn. Bãi bỏ cấm đoán có tạo ra những loại ma túy có hiệu lực thậm chí còn cao hơn và nguy hiểm hơn hay không? Thứ hai, mặc dù chẳng mang lại lợi ích gì, nhưng cấm đoán vẫn mang lại giá trị thì sao? Ví dụ, giả định rằng thị trường không làm cho người ta cải tiến các loại ma túy và chi phí cho các biện pháp cấm đoán có thể được bỏ qua, cấm đoán có tạo giá trị cho xã hội bằng cách giữ quan điểm (mặc dù vô ích) về một vấn đề quan trọng hay không? Nếu hai câu hỏi này không được giải quyết một cách trực tiếp cùng với những kết quả kinh tế của cấm đoán thì chúng vẫn là những vấn đề quan trọng cần phải xem xét trong khi lập chính sách.

Chú thích:

(1) Người nghiện hoặc người sử dụng nhiều cuối cùng thường bỏ những loại thuốc gây nghiện hoặc có hại, nhưng đấy chủ yếu là do tuổi tác hoặc sự trưởng thành chứ không phải vì giá cao hoặc sợ tù tội.
(2) Cấm đoán một số loại ma túy làm gia tăng nhu cầu đối với những chất làm người ta say sưa, ví dụ như rượu. Sự thay thế này không thể được coi là lợi cho xã hội ngay cả khi không so sánh về những nguy hại hoặc có khả năng gây hại của các loại ma túy được sản xuất trên thị trường với những loại ma túy trên thị trường chợ đen.

(3) Như vậy, có thể khẳng định rằng các khoản chi tiêu giảm nhiều hơn là tổng số chi phí bỏ ra và do đó, những biện pháp cấm đoán có hiệu quả là khả thi. Tuy nhiên, cấm đoán có thể làm giảm chi tiêu theo nghĩa cực đoan nhất và hạn chế nhất, có nghĩa là, nơi mà nhu cầu tương đối linh hoạt và không dẫn đến việc thay thế bằng những chất độc hại khác. Hầu hết những đánh giá về chi tiêu cho thấy tổng chi tiêu trong giai đoạn cấm đoán vẫn giữ nguyễn như cũ hoặc gia tăng so với không có cấm đoán. Năm Cấm Rượu trên toàn quốc đầu tiên (1921) dường như là trường hợp duy nhất được ghi nhận là chi phí giảm (Warburton,1932, 170-71). Nhưng Warbur- ton cũng ghi nhận rằng “chúng ta phải kết luận rằng áp dụng những biện pháp cấm đoán trên toàn quốc đã thất bại trong việc giảm tiêu dùng nước uống có cồn và đã tăng tổng chi tiêu cho nước uống có cồn”. Chưa có ai khẳng định rằng cấm đoán làm giảm tổng chi phí cho heroine, cocaine hay cần sa. Trên thực tế, mọi người đều công nhận rằng trong giai đoạn cấm đoán chi tiêu trên toàn quốc cho những sản phẩm như cocaine và cần sa đã gia tăng đáng kể.

Nguồn: Mark Thorntom (2016). Kinh tế học cấm đoán. Phạm Nguyên Trường dịch. Nguyên tác: The Economics of Prohibition

Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường