[Kinh tế học cấm đoán] Chương 1: Các nhà kinh tế học và cấm đoán (Phần 2)

[Kinh tế học cấm đoán] Chương 1: Các nhà kinh tế học và cấm đoán (Phần 2)

CỘI NGUỒN CỦA “KINH TẾ HỌC” VỀ CẤM ĐOÁN

Các nhà kinh tế học đã giúp thiết lập các biện pháp cấm đoán trong Kỷ nguyên Tiến bộ (1890-1920, ND), tức là giai đoạn khi mà họ đang tiến hành quá trình chuyên môn hóa ngành học của mình và đấy cũng là lúc phong trào ủng hộ sự can thiệp của chính phủ và chủ nghĩa xã hội được Trường phái Lịch sử Đức – đang thế chỗ cho cách tiếp cận của chủ nghĩa tự do cổ điển đối với kinh tế chính trị học – cổ vũ. Các môn đồ của Trường phái Lịch sử Đức bác bỏ lí thuyết kinh tế và ủng hộ việc nghiên cứu lịch sử và các thiết chế. Bắt nguồn từ trường phái triết học lãng mạn Đức (thuyết quyết định luận của Hegel). Trường phái này cổ vũ cho việc sử dụng luật pháp làm phương tiện cải cách xã hội.

Những người tốt nghiệp Trường phái Lịch sử Đức, mà chủ yếu là Richard T. Ely, năm 1890 đã lập ra Hiệp hội những nhà kinh tế học Mĩ. Hiệp hội này được thành lập theo mô hình các hiệp hội hàn lâm của Đức, mà đấy là những hiệp hội liên kế với nhà nước Đức. Nhiều nhà kinh tế học theo định hướng thị trường đã đe dọa tẩy chay tổ chức mới này vì thiên kiến chính trị rõ ràng của nó. Nhưng khi nguyên tắc xã hội chủ nghĩa của tổ chức này bị bỏ đi thì nó đã được nhiều người chấp nhận.

Nhiều thành viên sáng lập tổ chức này được sinh trưởng trong những gia đình mộ đạo hậu thiên niên kỷ (postmillennial pietism) một cách khắt khe1. Trong thời gian học đại học, nhiều người trong số này đã trở thành những người vô thần, thay thế cách tiếp cận mang tính tôn giáo của cha mẹ họ bằng cách tiếp cận thế tục đối với thái độ cầu toàn. Một số người, ví dụ như Richard T. Ely, đi theo xu hướng xã hội chủ nghĩa, trong khi một số người khác, ví dụ như John Bates Clark, lại theo quan điểm cách mang “cắn xé lẫn nhau” về chủ nghĩa tư bản. Điều họ cùng chia sẻ là quan điểm của kinh phúc âm và rất ghét những sản phẩm như rượu2.

Một trong những thành viên sáng lập hiệp hội này và là người ủng hộ hàng đầu các biện pháp cấm đoán là ông Simon N. Patten. Patten là một người không thích hợp. Là người tàn tật vì sức yếu và mắt kém, ông không thể làm những nghề truyền thống và bị coi là người lập dị, xuất thân từ một gia đình giàu có. Sinh ra trong một gia đình Mĩ theo Thanh giáo, Patten trở thành một nhà trí thức và là người theo thuyết bất khả tri. Sau một vài thất bại, ông ta tới Đức và được thọ giáo với Karl Knies, chủ soái của Trường phái lịch sử Đức. Khi về Mĩ, ông không tìm được việc làm, mãi sau mới được những người bạn và cũng là những người ủng hộ chủ nghĩa can thiệp ở trường Wharton (Wharton School) thuộc trường Đại học Pennsylvania (University of Pennsylvania) thuê.

A. W. Coats (1987) mô tả Patten là một người độc đáo và có phong cách riêng, các tác phẩm của ông thường lạ và kì cục. Đóng góp của Patten “là một cuốn tiểu thuyết hấp dẫn nhưng cũng làm người ta bối rối, nhận thức của ông về chi phí cho phát triển thì thiếu hệ thống và mối quan tâm của ông về môi trường xuất hiện trước khi có những lo lắng hồi cuối thế kỉ XX” (818-19). Mặc dù viết khá nhiều và là người thành lập (sau đó là chủ tịch) Hiệp hội các nhà kinh tế học Mĩ, người ta nhớ đến Patten không phải vì lí thuyết của ông mà vì ông có “những lời tiên tri”.

Một trong những lời tiên tri như thế là sự xuất hiện những biện pháp cấm rượu ở Mĩ. Patten là người theo thuyết đa nguyên, ông tin rằng chính sách không phải là hoàn toàn tốt, cũng chẳng phải là hoàn toàn xấu và một chính sách có thể là rất tốt cho nước này nhưng lại là thảm họa cho nước khác. Năm 1890 ông viết rằng cấm rượu là chính sách tốt cho Mĩ và rằng kiêng khem là kết quả không thể tránh được của cuộc cạnh tranh mang tính tiến hóa.

Theo quan điểm tiến hóa của Patten, ở Mĩ, những biện pháp cấm đoán vừa là nên làm vừa là không thể tránh được. Kết luận của Patten dựa trên ba yếu tố chính sau đây: (1) thay đổi thời tiết khắc nghiệt ở Mĩ dẫn đến kết quả là người ta tiêu thụ rượu nặng và không đạt chuẩn; (2) tục lệ “chiêu đãi” nhau ở Mĩ dẫn đến kết quả là người ta uống nhiều rượu hơn và nhiều loại hơn là nếu để tự họ quyết định; (3) tiến bộ công nghệ dẫn đến việc sản xuất các loại đồ uống có cồn mạnh hơn nhưng chất lượng lại thấp hơn. Ba điều kiện này được so sánh với những điều kiện ở Đức, nơi Patten từng theo học và cũng là nơi mà cấm đoán rõ ràng là không cần thiết.

Patten gần như khẳng định rằng muốn “sống sót” thì chúng ta phải áp dụng những biện pháp cấm đoán. Những dân tộc điều độ sẽ “vượt trội” hơn so với những xã hội nhậu nhẹt về tuổi thọ, khả năng làm ra những điều kì diệu và của cải. Những xã hội điều độ sẽ chiến thắng những xã hội nhậu nhẹt quá độ vì cùng một khoảnh đất có thể nuôi sống hai người điều độ hay một người nhậu nhẹt. Mĩ sẽ suy tàn khi đất đai bị bạc màu vì phải nuôi một dân tộc toàn những con sâu rượu. Đối với Patten, cấm đoán là chiến trường tiến hóa vĩ đại và nước Mĩ phải cấm rượu nếu muốn sống còn và thịnh vượng: “Tách những người tốt trong xã hội khỏi những người xấu, và bạn sẽ tránh cho những người xấu nhiều sự câu thúc nhằm giữ cho họ khỏi phạm tội. Bằng cách này, mỗi biện pháp làm cho người tốt trở nên tốt hơn lại làm cho người xấu trở nên xấu hơn. Đường ranh giới giữa hai giai cấp càng rõ ràng thì người tốt sẽ càng tiến bộ, trong khi người xấu sẽ càng lao xuống dốc nhanh hơn. Cấm đoán làm cho người ta dễ dàng trở nên tốt hơn và người xấu sẽ nguy hiểm hơn” (1890, 65).

Đối với Patten, rượu là sản phẩm không có điểm cân bằng trong tiêu thụ. Một người có thể hoặc là tốt và không uống rượu, hay trở thành một con sâu rượu và tự hủy diệt mình. Patten từng đưa ra phiên bản đầu tiên của lí thuyết về sử dụng ma túy ngày càng nặng hơn (người ta có thể tìm thấy nghĩa là sử dụng cần sa sẽ dẫn đến nghiện heroin) khi nói rằng một loạt các loại rượu trong các quán rượu, thực khách chuyển dần sang những loại rượu mạnh hơn vì loại nhẹ không còn hấp dẫn nữa. Xu hướng này chia xã hội thành hai phần và buộc những người đúng đắn phải liên kết trong tổ chức đối lập với mọi thứ đồ uống có cồn. Cuộc chiến đấu càng quyết liệt thì những người không uống rượu càng được lợi hơn. Dần dần ưu thế về kinh tế của họ sẽ làm cho sức mạnh của họ tăng lên, cho đến khi ảnh hưởng về đạo đức của họ sẽ làm cho những người uống rượu rời bỏ quán rượu và ảnh hưởng chính trị của họ sẽ làm cho quán rượu không còn những người uống rượu nữa. (1890, 67-68).

Patten liên kết hầu như tất cả các vấn đề của xã hội hiện đại (có thực và tưởng tượng) với nạn nghiện rượu. Việc ông bị ám ảnh bởi nạn nghiện ngập được thể hiện trong kết luận của công trình trong lần xuất bản đầu tiên bằng tiếng Anh của ông như sau:

Sự gia tăng nạn nghiện rượu và những khiếm khuyết về cơ thể khác đi kèm với sự phát triển trong thời hiện đại là kết quả của sự phân công lao động quá mức, điều này đã tiêu diệt cả khả năng sản xuất lẫn khả năng vui hưởng phần lớn những đồ vật vốn là nguồn gốc của niềm vui của con người trong tình trạng bị cô lập. Chúng ta chỉ có thể thu được những lợi thế có được từ phân công lao động mà không đánh mất khả năng hưởng thụ tất cả các thành quả bằng cách giáo dục cho con người tất cả những năng lực để anh ta có được sự tự chủ và tất cả những cội nguồn của niềm vui mà những người sống trong tình trạng cô lập vẫn được hưởng. Ngoài ra, chất lượng của đời sống, tức là cái làm gia tăng nguồn vui sống sẽ giảm đi khi lĩnh vực hoạt động kiếm sống được mở rộng và dân số gia tăng, và chỉ khi mà nền giáo dục đã phát triển được tất cả các phẩm chất trong mỗi con người thì chúng ta mới có thể hi vọng rằng xu hướng này sẽ trở thành vô hại, và tất cả mọi người đều được hưởng những niềm vui của tình trạng cô lập cùng với tính hiệu quả của nền văn minh hiện đại. Kết thúc. ([1885] 1968, 244)

Dựa vào luận cứ này, Patten xây dựng nên cơ sở kinh tế học cho những biện pháp cấm đoán và giúp thiết lập chương trình nghị sự về rượu của các nhà kinh tế học Mĩ. Tương tự như William Graham Sumner và John Bates Clark, ông cho rằng sự sống sót của những người mạnh khỏe nhất cuối cùng sẽ loại bỏ được những con sâu rượu ra khỏi xã hội. Nhưng xu hướng can thiệp trong sở học của ông lại thúc đẩy Patten kết luận rằng cấm đoán cùng với cuộc cạnh tranh mang tính tiến hóa sẽ đưa ta tới kết quả mong muốn (hoàn toàn không uống rượu) nhanh hơn là chỉ để cho tiến hóa diễn ra một cách đơn độc3.

Chú thích:

1. Những người mộ đạo hậu thiên niên kỷ tin rằng tồn tại một vương quốc của Chúa kéo dài một ngàn năm trên Trái đất và con người có trách nhiệm thiết lập những điều kiện cần, cũng là điều kiện tiên quyết cho sự trở về của Chúa Jesus (xem thêm chương 20, Khải thị, Kinh tân ước – ND).
2. Trong một đoạn văn có tính tỉnh táo, Newcomb (1886, 11-13) sử dụng việc uống rượu (nghĩa là “làm hài lòng cảm giác ngon miệng bệnh hoạn”) nhằm phân biệt một cách chính xác lĩnh vực của các nhà đạo đức học và vai trò của các nhà kinh tế chính trị học – nhằm tách biệt những vấn đề hoàn toàn khác nhau là liệu một mục tiêu có phải là tốt hay không và cách tốt nhất để đạt được mục tiêu”. Newcomb cho rằng “nhà kinh tế học có thể kết luận” rằng anh ta biết “không có cách nào có thể làm cho một người chấp nhận rằng điều anh ta muốn ít hơn lại tốt hơn là điều anh ta muốn nhiều hơn, ngoại trừ áp dụng những biện pháp kiềm chế mang tính tích cực”.

3. Boswell 1934, 48; đọc thêm Fox 1967, 104-5. Đại đa số các nhà kinh tế học Mỹ thời đó có nhận thức rất mù mờ về uống rượu. Thật thú vị khi ghi nhận rằng Veblen đã xây dựng khái niệm về "tiêu dùng xa hoa", có phần dựa vào những món hàng như rượu, thuốc lá và ma túy.

Nguồn: Mark Thorntom (2016). Kinh tế học cấm đoán. Phạm Nguyên Trường dịch. Nguyên tác: The Economics of Prohibition

Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường