[Chế độ dân chủ -  Một dẫn nhập] Chương 14: Những trích dẫn về chế độ dân chủ (hết)

[Chế độ dân chủ - Một dẫn nhập] Chương 14: Những trích dẫn về chế độ dân chủ (hết)

Chuyên chế của đa số

Chế độ dân chủ không giới hạn, tương tự như chế độ quả đầu, là chế độ chuyên chế bao trùm lên rất nhiều người. — Aristotle (khoảng 350 TCN), Politics.

Dân chủ không phải là tự do. Dân chủ là hai con sói và một con cừu biểu quyết xem phải chuẩn bị gì cho bữa ăn trưa. Tự do xuất phát từ việc công nhận một số quyền có thể không bị tước đoạt, thậm chí không bị tước đoạt bởi số phiếu 99%. — Marvin Simkin (1992), “Quyền cá nhân”, Los Angeles Times

Quyền lực dẫn tới tha hóa

Ngay khi có quyền lực, người ta lập tức trở thành quanh co và đôi khi không thực tế, vì quyền lực đẩy họ vào khu vực mà trung thực thông thường không bao giờ được báo đáp. — E. M. Forster (1951), Two Cheers for Democracy.

Tất cả các chính phủ đều gặp phải vấn đề thường xuyên tái diễn: Quyền lực thu hút những nhân cách bệnh hoạn. Không phải quyền lực làm con người tha hóa mà nó có sức cuốn hút những kẻ dễ bị tha hóa. — Frank Herbert (1965), Dune

Tôi có xu hướng nghĩ rằng những người cầm quyền hiếm khi nằm trên mức trung bình, cả về đạo đức lẫn trí tuệ, và thường ở dưới mức đó. Và tôi nghĩ rằng, trong chính trị, áp dụng nguyên tắc chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất là hoàn toàn có cơ sở … — Karl Popper (1945), The Open Society and Its Enemies

Nền văn hóa dân chủ

Nếu tự do và bình đẳng, như một số người nghĩ, chủ yếu được tìm thấy trong chế độ dân chủ, thì tự do và bình đẳng sẽ ở đỉnh cao nhất khi tất cả mọi người đều tham gia hết mình vào công việc quản trị. — Aristotle (khoảng 350 TCN), Politics

Bằng cách hy sinh cá nhân vì Nhà nước, những người cai trị thế giới La Mã đã làm suy yếu những đức tính thực sự góp phần duy trì Nhà nước. Họ đã biến những công dân năng động và tự trọng thành những người trì trệ và ích kỷ. — Sir Arthur Bryant (1984), Set in a Silver Sea: A History of Britain and the British People

Không có nghị sĩ nào phải mù quáng tuân theo ý kiến của đảng khi nó mâu thuẫn trực tiếp với ý kiến rõ ràng của chính mình; tuân phục là tình trạng nô lệ mà không một người đàn ông xứng đáng nào có thể chịu đựng được. — Edmund Burke (1741), Edmund Burke (1741), The Gentleman’s and London Magazine

Phải làm cho thế giới trở thành an toàn cho chế độ dân chủ. Nền hòa bình của nó phải được xây dựng trên những nền tảng đã được thử thách là tự do chính trị. — Woodrow Wilson (1917), Address to Congress on War

 

TÀI LIỆU ĐỌC THÊM

Giải thích và tổng quan

Beetham, D. (2005) Democracy: A Beginner’s Guide. London: One world Publications. Một dẫn nhập đơn giản, nêu rõ các nguyên tắc và thiết chế cần thiết để cho chế độ dân chủ hoạt động và so sánh với quá trình phát triển trên thực tế. Cuốn sách giải thích các vấn đề của các các chế độ dân chủ mới nổi, sự thất vọng về chính trị nói chung và các giải pháp thay thế cùng với sự tham gia.

Butler, E. (2012) Public Choice: A Primer. London: Institute of Economic Affairs. Hướng dẫn đơn giản về vai trò của tư lợi của cử tri, các nhóm áp lực, các chính trị gia và quan chức, cũng như những hiện tượng này làm cho người ta nghi ngờ về hiệu quả và tính khách quan của các quyết định dân chủ.

Butler, E. (2013) Foundations of a Free Society. London: Institute of Economic Affairs. Trình bày đơn giản về các nguyên tắc làm nền tảng cho tự do về xã hội, kinh tế và chế độ dân chủ tự do, ví dụ như thái độ khoan dung, công bằng, quyền sở hữu và bình đẳng công dân.

Crick, B. (2003) Democracy: A Very Short Introduction. Oxford University Press. Theo dõi lịch sử của chế độ dân chủ từ Hy Lạp cổ đại, sau đó giải thích các vấn đề như chủ nghĩa dân túy, các thiết chế của chính phủ tốt và quyền công dân.

Cartledge, P. (2018) Democracy: A Life. Oxford University Press. Lịch sử bao trùm truy tìm nguồn gốc của nền dân chủ từ Hy Lạp cổ đại đến Cộng hòa La Mã, những hệ thống của thời Phục hưng, Hiến pháp Hoa Kỳ cho đến các chế độ dân chủ tự do hiện nay – và những biện pháp mà mỗi hệ thống dùng để giải quyết vấn đề quyền khi đối đầu với ý kiến của đa số.

Weale, A. (2007) Democracy. London: Palgrave. Hơi có tính lý thuyết và triết học nhưng đặt ra một số câu hỏi khá hay về bản chất của chế độ dân chủ, những thách thức đối với nó và cách đánh giá nó trên cơ sở những giá trị sâu sắc hơn của chúng ta.

Thách thức và phê phán

Achen, C. và Bartels, L. (2017) Democracy for Realists. Princeton University Press. Tổng quan khá hay về các vấn đề về sự vô minh của cử tri, chủ nghĩa bộ lạc và tư duy nhiệm kỳ. Các tác giả bác bỏ các sáng kiến bầu cử và những giải pháp có sự tham gia khác để ủng hộ việc tổ chức các cuộc bầu cử định kỳ và thường xuyên nhằm ngăn chặn quá trình thâu tóm quyền lực.

Brennan, J. (2016) Against Democracy. Princeton University Press. Nhà triết học này chỉ ra những thành kiến mang tính hệ thống của cử tri, khẳng định rằng không thể “giáo dục” họ bằng những hệ thống tham gia, và những hệ thống này chỉ làm cho họ trở thành tồi tệ hơn. Ông khẳng định rằng, chế độ dân chủ làm tầm thường hóa những lựa chọn phức tạp, dựa vào vũ lực, tạo điều kiện cho các cá nhân thống trị người khác và do đó, biến người xa lạ thành kẻ thù.

Caplan, B. (2007) The Myth of the Rational Voter. Princeton University Press. Lời giải thích kinh điển về việc cử tri có những thành kiến mang tính hệ thống - cụ thể là những thành kiến chống thị trường, chống nước ngoài, chỉ làm công việc chân tay và bi quan - làm sai lệch các kết quả dân chủ và giải thích tại sao chế độ dân chủ thất bại.

Karsten, F. và Beckman, K. (2012) Beyond Democracy. Scotts Valley, CA: CreateSpace. Phê phán duy lý và dễ hiểu từ quan điểm của chủ nghĩa tự do cá nhân, giải thích rằng dân chủ là một ý tưởng mang tính tập thể hiện đang rơi vào khủng hoảng. Các tác giả liệt kê những huyền thoại – về chính quyền của nhân dân, công bằng, tự do, khoan dung, v.v. – được cho là của chế độ dân chủ và nêu bật những vấn đề của nó – trong đó có bộ máy quan liêu, phúc lợi và tư tưởng nhiệm kỳ ngắn hạn. Các tác giả ủng hộ tư tưởng mới về chính phủ nhỏ hơn với những điều luật cơ bản đơn giản.

Ostrom, V. (1997) The Meaning of Democracy and Vulnerability of Democracies. University of Michigan Press. Khám phá những điều kiện văn hóa và xã hội cần để cho một hệ thống dân chủ phát triển, cũng như những khó khăn trong việc duy trì các quyền tự do cá nhân và xã hội dân sự trước các chính phủ “dân chủ” đầy quyền lực. Tác giả còn khám phá những khó khăn trong việc xây dựng xã hội dân chủ ở nhiều châu lục khác nhau, và đặc biệt ở các quốc gia mới thoát thai từ chủ nghĩa cộng sản.

Smith, C. và Miers, T. (2011) Democracy and the Fall of the West. Exeter: Imprint Academic. Cuốn sách ngắn này khẳng định rằng chế độ dân chủ đang tạo ra chế độ chuyên chế mới, làm suy yếu các giá trị tự do vốn là nền tảng của nó - như pháp quyền, khoan dung, quyền sở hữu, thị trường tự do, xã hội dân sự và tự do xã hội. Các chính trị gia coi dân chủ là nguồn sức mạnh hữu ích cho các dự án của chính mình, kết quả là nhà nước độc đoán.

Stoker, G. (2007) Why Politics Matters: Making Democracy Work. New York: Palgrave Macmillan. Tác phẩm này chỉ ra rằng chính trị là một phần tất yếu của chế độ dân chủ vì các quyết định tập thể rất quan trọng đối với mọi người. Nhưng chính trị đã trở thành “nghề” làm cho công chúng xa lánh – và trở nên hoài nghi khi truyền thông đưa tin về nó. Kêu gọi trách nhiệm giải trình cao hơn, giới hạn chi tiêu của đảng, địa phương chủ nghĩa hơn nữa.

Tài liệu tham khảo khác

Acemoglu, D. and Robinson, J. (2006) Economic Origins of Dictatorship and Democracy. Cambridge University Press.

Acemoglu, D. and Robinson, J. (2012) Why Nations Fail. New York: Crown Publishing Group.

Adams, J. (1814) Letter to John Taylor (XVIII). Washington, DC: National Archives (https://founders.archives.gov/documents/ Adams/99-02-02-6371

Alves, A. and Meadowcroft, J. (2014) Hayek’s slippery slope, the stability of the mixed economy and the dynamics of rent seeking. Political Studies 62(4): 843–61.

Aristotle (350 bc) Politics.

Attlee, C. (1957) Speech at Oxford, 14 June.

Brennan, G. and Buchanan, J. M. (1980) The Power to Tax. Analytic Foundations of a Fiscal Constitution. Cambridge University Press.

Burke, E. (1774) Speech to the electors of Bristol (https://www .econlib.org/book-chapters/chapter-vol-4-miscellaneous-wri tings-speech-to-the-electors-of-bristol/).

Burke, E. (1790) Reflections on the Revolution in France. London: James Dodsley.

Butler, E. (2015a) Classical Liberalism: A Primer. London: Institute of Economic Affairs.

Butler, E. (2015b) Magna Carta: A Primer. London: Adam Smith Institute.

Economist Intelligence Unit (2019) Democracy Index 2019 (http://www.eiu.com/topic/democracy-index).

Forster, E. M. (1951) Two Cheers for Democracy. New York: Harcourt, Brace and Company.

Fukuyama, F. (1992) The End of History and the Last Man. New York: Free Press.

Hayek, F. A. (1944) The Road to Serfdom. London: Routledge.

Hayek, F. A. (1979) Law, Legislation and Liberty, Volume 1. London: Routledge.

Hayek, F. A. (1988) The Fatal Conceit: The Errors of Socialism. London: Routledge.

Hobbes, T. (1651) Leviathan. London: Andrew Crooke.

Hume, D. (1758) Essays, Moral, Political and Literary. Edinburgh: Alexander Kincaid.

 Kennedy, A. (1999) Frontline interview: Justice for Sale. Public Broadcasting System.

Kibbe, M. (2014) Don’t Hurt People and Don’t Take Their Stuff. New York: Harper Collins.

Lawson, R., Murphy, R. and Powell, B. (2020) The determinants of economic freedom: a survey. Contemporary Economic Policy 38(4): 622–42.

Lemke, J. S. (2016) Interjurisdictional competition and the Married Women’s Property Acts. Public Choice 166(3): 291–313.

Lincoln, A. (1863) Gettysburg Address (http://www.ourdocu ments.gov/doc.php?doc=36&page=transcript).

Locke, J. (1689) Second treatise of government. In Two Treatises of Government. London: Awnsham Churchill.

Luxemburg, R. (1899) Social Reform or Revolution? (https://www .marxists.org/archive/luxemburg/1900/reform-revolution/).

Machiavelli, N. (1513) The Prince. Rome: Antonio Blado d’Asola.

Macpherson, C. B. (1966) The Real World of Democracy. Oxford: Clarendon Press.

Matsusaka, J. G. (2004) For the Many or the Few: The Initiative, Public Policy and American Democracy. Chicago University Press.

Mencken, H. L. (1956) Minority Report. Baltimore: Johns Hopkins University Press.

Mesquita, B. B. De, Smith, A., Siverson, R. M., Morrow, J. D. (2003) The Logic of Political Survival. Cambridge, MA: MIT Press.

Mill, J. S. (1861) Considerations on Representative Government. London: Parker, Son, and Bourn

Montesquieu, C.-L. (1748) The Spirit of the Laws (https://oll.lib ertyfund.org/title/montesquieu-complete-works-vol-1-the -spirit-of-laws).

Murphy, R. (2018) Governance and the dimensions of autocracy. Constitutional Political Economy 30: 131–48.

Orwell, G. (1946) Politics and the English language. Horizon 13(76): 252–65.

Pericles of Athens (c. 431 bc) Funeral Oration. In The History of the Peloponnesian War.

Popper, K. R. (1945) The Open Society and Its Enemies. London: Routledge.

Ridley, M. (2020) How Innovation Works. London: Fourth Estate.

Robespierre, M. (1794) Report on the Principles of Public Morality. Philadelphia: Benjamin Franklin Bache.

Schumpeter, J. (1942) Capitalism, Socialism and Democracy. New York: Harper & Brothers.

Tocqueville, A. de (1835) Democracy in America. London: Saunders and Otley.

Transparency International (2019) Corruption Perceptions Index. Berlin: Transparency International.

Vidal, G. (1987) Armageddon. London: Grafton.

CÁC THUẬT NGỮ CHÍNH

Chế độ chuyên chế

Xuất phát từ tiếng Hy Lạp autos (bản thân) và kratos (quyền lực). Một hình thức chính phủ trong đó một người duy nhất (chuyên quyền) thực hiện quyền kiểm soát mà không chịu bất kỳ hạn chế nào về mặt pháp lý hoặc bầu cử.

Sáng kiến bỏ phiếu

Một đề xuất do một nhóm cử tri khởi xướng nhằm áp dụng chính sách, buộc phải bỏ phiếu trong cơ quan lập pháp hoặc kêu gọi trưng cầu dân ý.

Hiến pháp

Một tập hợp các quy ước, luật pháp và tiền lệ quy định cách thức tổ chức và vận hành chính phủ cũng như những giới hạn quyền lực của những người liên quan.

Chính phủ hiến định

Bất kỳ hình thức chính phủ nào mà trong đó quyền lực được xác định và giới hạn bởi các điều luật cơ bản, công ước hoặc hiến pháp thành văn (“được hệ thống hóa”). Đấy là chế độ quân chủ hiến định trong đó địa vị nguyên thủ quốc gia được kế thừa, chế độ dân chủ hiến định trong đó các công dân đủ điều kiện có thể lựa chọn và buộc những người cầm quyền phải có trách nhiệm giải trình, và chế độ quả đầu hiến định, trong đó quyền lực do một nhóm người nắm giữ.

Dân chủ

Xuất phát từ tiếng Hy Lạp demos (nhân dân) và kratos (quyền lực). Ở Hy Lạp cổ đại, đây là hình thức chính phủ, trong đó, các công dân đáp ứng các điều kiện của thành bang sẽ cùng nhau tranh luận và quyết định luật pháp và chính sách. Ngày nay, bất kỳ hình thức chính phủ nào, trong đó, các công dân đáp ứng các điều kiện đều được quyền lựa chọn những người đại diện cho mình để họ tranh luận và quyết định luật pháp và chính sách.

Nhà độc tài

Xuất phát từ tiếng Latin dicto (ra lệnh). Người cai trị có quyền lực tuyệt đối đối với quốc gia, thường là người cướp được quyền kiểm soát bằng vũ lực.

Dân chủ tự do

Một hình thức của dân chủ, ưu tiên các quyền và quyền tự do cá nhân hơn là sự cai trị của đa số. Dân chủ tự do có đặc điểm là các cuộc bầu cử tự do và công bằng, phân tách quyền lực, thái độ khoan dung và chế độ pháp quyền.

Chế độ quả đầu

Xuất phát từ tiếng Hy Lạp olígos (số ít) và arkho (quy tắc). Một hình thức chính phủ nằm dưới quyền cai trị của nhóm nhỏ như gia đình hoặc chính quyền quân sự.

Triệu hồi

Thủ tục mà cử tri khu vực có thể dùng để bãi nhiệm người đại diện của mình mà không cần đợi đến kỳ bầu cử tiếp theo.

Trưng cầu dân ý

Cuộc bỏ phiếu của toàn thể cử tri về một số vấn đề, thường là do chính phủ khởi xướng. Kết quả có thể có tính ràng buộc đối với cơ quan lập pháp và hành pháp, hoặc chỉ đơn giản là để tham khảo.

Cộng hòa

Xuất phát từ tiếng Latin res publica (việc của nhân dân). Một hình thức chính phủ. trong đó quyền lực không được kế thừa mà thông qua bầu cử toàn dân hoặc do các đại diện dân cử bổ nhiệm và đôi khi do những quả đầu hoặc chuyên chế bổ nhiệm. Quyền lực ở các nước cộng hòa thường bị giới hạn bởi các công ước đã được mọi người đồng ý hoặc bởi hiến pháp thành văn. Người đứng đầu nhà nước thường là tổng thống.

Phân tách quyền lực

Hệ thống tìm cách hạn chế quá trình thâu tóm quyền lực bằng cách tách các chức năng của chính phủ thành các nhánh khác nhau như hành pháp, lập pháp và tư pháp. Thông thường, quyền lập pháp được tiếp tục phân tách giữa hai viện thuộc cơ quan lập pháp.

Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường