Xu hướng thoái trào của chiến tranh và khái niệm nhân tính

Xu hướng thoái trào của chiến tranh và khái niệm nhân tính

Có thể điều này rất khó tin nhưng trên thực tế ảnh hưởng của chiến tranh đã bắt đầu suy yếu. Vậy những chứng cứ nào, lý do nào có thể chứng minh cho sự thật tuyệt vời này? Steven Pinker là giáo sư Johnstone Family, hiện đang làm việc tại Khoa Tâm lý học trường Đại học Harvard. Ông nghiên cứu về ngôn ngữ và nhận thức và là một cây viết cho một số tạp chí như New York Times, Time và The New Republic. Ông cũng là tác giả của tám quyển sách bao gồm The Language Instinct [Bản năng ngôn ngữ], How the Mind Works [Trí não hoạt động như thế nào?], Words and Rules [Từ ngữ và luật lệ], The Blank Slate [Trang giấy trắng], The Stuff of Thought [Một vài suy nghĩ], và gần đây nhất là cuốn The Better Angels of Our Nature: Why Violence Has Declined [Có một thiên thần tốt hơn trong bản ngã con người: vì sao bạo lực suy giảm]. 

Chiến tranh đang có dấu hiệu suy giảm. Trong hai phần ba thế kỷ tính từ Thế chiến thứ II, những cường quốc, những quốc gia phát triển nói chung hiếm khi nào đối mặt với nhau trên chiến trường. Điều này thể hiện một nỗ lực ngoại giao chưa từng thấy trong lịch sử (Holsti 1986, Jervis 1988; Luard 1988; Gaddis 1989; Mueller 1989, 2004, 2009; Ray 1989; Howard 1991; Keegan 1993; Payne 2004; Gat 2006; Gleditsch 2008; xem cuốn của Pinker 2011, chương 5 để biết thêm chi tiết). Đối lập với dự đoán của các chuyên gia, Hoa Kỳ và Liên bang Xô viết đã không khơi mào Thế chiến III hay bất kỳ một cuộc chiến quyền lực nào khác kể từ cuối cuộc Chiến tranh Triều Tiên năm 1953. Trong khi trong vòng 600 năm trước đó, mỗi năm lại có hai cuộc chiến mới xảy ra ở các nước Tây Âu thì nay đã không có cuộc chiến nào kể từ năm 1945. Trong 40 quốc gia giàu có nhất thế giới, không có quốc gia nào tham gia vào xung đột quân sự. Một bất ngờ tích cực khác kể từ cuộc Chiến tranh Lạnh năm 1989, tất cả các loại chiến tranh đều giảm trên khắp thế giới (Trung tâm An ninh Nhân quyền 2005; Lacina, Gleditsch và Russett 2006; Dự án Báo cáo Nhân quyền 2007; Gleditsch 2008; Goldstein 2011; Dự án Báo cáo An ninh Nhân quyền 2011; xem Pinker 2011, chương 6). Chiến tranh giữa các quốc gia gần như biến mất. Về nội chiến, sau giai đoạn gia tăng số lượng từ những năm 1960 đến 1990, các cuộc nội chiến đến nay đã giảm. Nếu tính cả các cuộc nội chiến và chiến tranh giữa các nước, tỷ lệ tử vong do chiến tranh trên toàn thế giới đã giảm mạnh từ 300 trên 100.000 người trong suốt Thế chiến II, xuống còn 30 trong Chiến tranh Triều Tiên, 10 trong chiến tranh Việt Nam; và tới những năm 1970-1980, tỷ lệ này chỉ còn lại một chữ số, và trong thế kỷ 21 này, chỉ còn ở mức dưới 1. 

Vậy bằng chứng này nên được xem xét nghiêm túc đến đâu trong việc chứng minh sự thoái trào của chiến tranh? Liệu rằng đây có phải là sự ngẫu nhiên trong thống kê, kiểu như may mắn xảy ra khi đánh bạc? Hay ở đây có sự suy xét của con người trong việc tính toán chi phí nhân lực chiến tranh? Hoặc đây cũng có thể chỉ là giai đoạn yên ả tạm thời trong một chu kỳ bất biến – sự lắng dịu trước cơn bão lớn, dải San Andreas trước thảm họa, khu rừng sum sê đang chờ đợi một tàn thuốc lá bất cẩn? Không ai có thể trả lời chắc chắn những câu hỏi trên. Trong bài viết này, tôi sẽ giải quyết những vấn đề ấy dưới góc độ bản chất của nhân tính. 

Rất nhiều nhà quan sát không tin rằng chiến tranh đang suy giảm, bởi theo họ, bản tính con người là không thể thay đổi, và chúng ta sẽ vẫn tiếp tục thực hiện những hành vi bạo lực do thiên hướng bẩm sinh - thứ đã châm ngòi những giai đoạn chiến tranh liên miên trong lịch sử. Có rất nhiều bằng chứng chứng minh thiên hướng bạo lực bẩm sinh của con người: chúng ta thấy sự hung hãn phổ biến trong các loài động vật linh trưởng và bạo lực trong xã hội loài người bao gồm việc giết người, cưỡng hiếp, bạo lực gia đình, nổi loạn, cướp bóc và thù hằn. Hơn thế nữa, có lý do để tin rằng quá trình tiến hóa của con người đã xuất hiện một số loại gen, hoóc-môn, dây thần kinh não và những áp lực chọn lọc theo khuynh hướng bạo lực (xem Pinker 2011, chương 2, 8 và 9). Tính đến thời điểm trưởng thành của hai thế hệ từ năm 1945, những áp lực mang khuynh hướng bạo lực dường như vẫn còn tồn tại trong hàng triệu năm tiến hóa của loài người. Nói một cách khác, khuynh hướng tự nhiên hướng tới chiến tranh vẫn chưa hoàn toàn biến mất, vì vậy, theo cách lập luận này, mọi giai đoạn hòa bình chỉ là tạm thời. Những ai tin rằng sự thoái trào của chiến tranh là một cái gì khác chứ không phải là do tạo tác của con người hay do bản tính chúa trời ban cho thường bị coi là lãng mạn, quá lý tưởng hóa và thiếu thực tế. Thật vậy, rất ít người theo trường phái Rousseau chấp nhận lý lẽ này và ngay từ ban đầu, họ phủ nhận thiên hướng bạo lực trong bản ngã con người – họ cho rằng, chúng ta là những con bonobo (hay tinh tinh hippie), mang trong mình rất nhiều hoóc-môn oxytocin và nơ-ron thông cảm; vì vậy, theo tự nhiên, chúng ta có khuynh hướng ôn hòa. 

Tôi không tin chúng ta là loài tinh tinh hippie nhưng tôi tin sự suy giảm của chiến tranh là thật. Là một người theo chủ nghĩa duy thực Hobbes, tôi tin rằng sự suy giảm của chiến tranh là hiện tượng hoàn toàn phù hợp với cách nhìn phi lãng mạn về bản chất con người. Trong cuốn The Blank Slate [Trang giấy trắng] (Pinker 2002), tôi đã chỉ ra rằng não bộ của chúng ta được định hình bởi quá trình chọn lọc tự nhiên và hiện chứa đựng rất nhiều tính cách tiêu cực như: tham lam, sợ hãi, trả thù, giận dữ, gia trưởng, trung thành, và sự tự dối mình. Những tính cách này dù đi chung hay tách biệt đều có khả năng kích động chúng ta đến con đường bạo lực. Dù thế, tôi vẫn tin rằng cách nhìn nhận tiêu cực này về bản chất con người vẫn hoàn toàn phù hợp để giải thích rằng: chiến tranh suy giảm là một bước phát triển thực sự và hoàn toàn khả thi trong lịch sử loài người. 

Bốn lý do khiến cho sự thoái trào của chiến tranh lại phù hợp với quan niệm duy thực về bản chất con người

1. Những điều kỳ lạ hơn đã từng xảy ra

Sự suy giảm về tỷ lệ - trong một vài trường hợp là về sự hiện diện – của một loại hình bạo lực cụ thể nào đó chắc chắn không phải là điều bất thường trong lịch sử loài người. Đã có rất nhiều tư liệu dẫn chứng về vấn đề này bao gồm cuốn sách tôi viết The Better Angels of Our Nature [Có một thiên thần tốt hơn trong bản ngã con người] (Pinker 2011), và cuốn sách của James Payne A History of Force [Lịch sử vũ lực] (Payne 2004). Đây là một vài ví dụ: 

Xã hội bộ lạc phi nhà nước có tỷ lệ tử vong trong chiến tranh cao gấp năm lần những xã hội có sự hiện diện của nhà nước trong giai đoạn khởi thủy. 

Hiến tế con người là một hoạt động phổ biến trong mọi nền văn minh cổ đại và giờ đây đã biến mất. 

So sánh giữa thời Trung cổ và thế kỷ hai mươi, tỷ lệ giết người tại châu Âu giảm xuống ít nhất 35 lần. 

Trong cuộc Cách mạng Nhân bản ở nửa sau thế kỷ 18, tất cả các quốc gia lớn ở phương Tây đều bãi bỏ việc sử dụng các biện pháp tra tấn để trừng trị tội phạm. 

Các nước châu Âu đã từng ghi lại hàng trăm tội tử hình bao gồm cả những vi phạm không đáng kể như tội ăn cắp cải bắp và tội chê bai khu vườn hoàng gia. Ở đầu thế kỷ 18, các tội tử hình đã được quy định lại: chỉ áp dụng tử hình đối với những tội danh mưu phản và những loại tội phạm bạo lực nghiêm trọng nhất. Tuy nhiên, sang đến thế kỷ 20, án tử hình đã bị xóa bỏ bởi tất cả các nước dân chủ phương Tây, trừ Hoa Kỳ. Kể cả ở Hoa Kỳ, 17 trong số 50 bang đã bãi bỏ án tử hình và ở những bang còn lại, tỷ lệ tử hình chỉ chiếm một phần rất nhỏ so với thời kỳ thuộc địa. 

Chế độ chiếm hữu nô lệ từng là chế độ hợp pháp trên toàn thế giới. Thế nhưng thế kỷ 18 đã đánh dấu làn sóng phản đối ngập tràn khắp mọi nơi trên thế giới và lên đỉnh điểm vào năm 1980 khi chế độ nô lệ bị bãi bỏ ở Mauritania. 

Cũng trong Cách mạng Nhân bản, rất nhiều hoạt động đã bị bãi bỏ bao gồm: săn phù thủy, bức hại vì lý do tôn giáo, đọ súng tay đôi, đấu trường dẫn đến đổ máu và nhà tù giam giữ con nợ. 

Đã từng có đến 150 cuộc hành hình người Mỹ gốc Phi một năm. Trong suốt nửa đầu của thế kỷ 20, tỷ lệ này đã xuống mức 0. 

Các biện pháp trừng phạt trẻ em, bao gồm việc sử dụng đòn roi ở trường và đánh đập trẻ tại gia đình đều đã giảm mạnh ở hầu hết các nước phương Tây và đã trở thành hành động phi pháp ở một vài nước Tây Âu. 

Tỷ lệ giết người, cưỡng hiếp, bạo lực gia đình, lạm dụng trẻ em và những tội ác do thành kiến gây nên đã giảm đáng kể (tỷ lệ của một vài loại tội phạm đã giảm đến 80%) kể từ những năm 1970. 

Việc tranh cãi liệu rằng bản chất con người có làm thay đổi tỷ lệ bạo lực hay không là vô nghĩa, bởi chính những tài liệu nêu trên đã cho chúng ta một câu trả lời hiển nhiên: là có; câu hỏi cần đặt ra ở đây phải là ”như thế nào.”

2. Nhân tính được hình thành bởi nhiều thành tố

Con người ta thường có xu hướng tìm ra một bản tính đại diện duy nhất của mình để tranh luận xem bản tính đó gồm những gì. Chúng ta là người khó tính hay là người xuất chúng, là người theo trường phái Hobbes hay Rousseau, là người dễ nổi giận hay là người hiền lành? Theo cách tư duy này, nếu chúng ta thường xuyên liên quan đến bạo lực, chúng ta sẽ trở thành một giống loài hung tợn; nếu chúng ta thúc đẩy sự ôn hòa, chúng ta sẽ trở thành những người yêu hòa bình. 

Thế nhưng xét trên phương diện hoá học hay giải phẫu, não bộ là một bộ phận phức tạp dị thường với vô số mạch thần kinh. Hầu hết các nhà tâm lý học đều tin rằng bản tính con người không chỉ là một thứ mà bao gồm rất nhiều tổ chức sinh học, đơn vị, bộ phận, các phân hệ và tiểu phân hệ khác. Một vài phân hệ trong số đó có thể thúc đẩy chúng ta tham gia vào bạo lực, nhưng một số khác lại kiềm chế chúng ta khỏi bạo lực. 

Ta có thể chia ra bốn loại động cơ được tạo ra từ các phân khu bạo lực một cách tự nhiên trong hệ thần kinh như sau: 

Sự bóc lột: Bạo lực được dùng như là một phương thức để đạt được mục đích; có nghĩa là, sử dụng bạo lực để loại bỏ những ai là chướng ngại vật trên con đường dẫn đến mục đích mà chủ thể mong muốn. Việc sử dụng bạo lực này được thể hiện dưới hình thức cướp bóc, cưỡng hiếp, xâm lược, đồng hoá hoặc tiêu diệt người bản địa, giết người, giam giữ tù nhân chính trị và kinh tế. 

Sự thống trị: Động cơ này là do mỗi cá nhân luôn có tham vọng đạt tới vị trí xã hội tối thượng, trở thành người tối quan trọng. Suy rộng ra, các bộ lạc, dân tộc, sắc tộc, quốc gia, tôn giáo cũng bị thúc đẩy thực hành vũ lực với những tham vọng tương tự. 

Trả thù: Đây là nhận thức cho rằng bất kỳ ai đã từng có hành vi vi phạm chuẩn mực đạo đức đều đáng bị trừng phạt. 

Ý thức hệ: là một hệ thống chia sẻ niềm tin tạo ra một xã hội lý tưởng, được truyền bá rộng rãi thông qua tín ngưỡng, đức tin hoặc các phương pháp cưỡng chế. Một số ví dụ về khía cạnh này bao gồm: chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa quốc xã, chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa chiến binh tôn giáo. Trong ý thức hệ, xã hội lý tưởng là một thế giới tươi đẹp vĩnh hằng, vì vậy mỗi người được phép thực thi quyền lực không giới hạn để chống lại những ai ngáng đường, giống như câu nói: “Để rán trứng thì trước tiên ta phải đập vỡ vài quả trứng đã”. 

Để đối trọng với nhân tính hung tàn, con người ta có những bản tính tự nhiên khác ôn hoà hơn, được tạo ra từ các phân khu ôn hoà bao gồm: 

Khả năng tự kiểm soát: Hệ thống thần kinh ở thùy trước của não có thể dự đoán được hậu quả trong dài hạn của một hành động dự kiến thực hiện, và khi đó sẽ có thể ngăn cản con người hành động. 

Lòng cảm thông: Khả năng cảm nhận nỗi đau của người khác. 

Lương tâm: Một hệ thống những quy tắc và những điều cấm kỵ dựa trên các trực giác khác nhau về: sự công bằng giữa cá nhân, lòng trung thành với cộng đồng, sự tôn trọng đối với thẩm quyền hợp pháp và việc gìn giữ, bảo vệ những điều thiêng liêng và thuần khiết. Lương tâm sẽ thúc đẩy chúng ta tuân thủ những tiêu chuẩn về công bằng và kìm nén chúng ta khỏi việc thực hiện những hành động xấu. (Tuy nhiên, thật không may, chính điều này cũng có thể gây ra bạo lực, bởi lương tâm có thể hợp lý hóa tư tưởng chiến tranh dựa trên chủ nghĩa trung quân, chủ nghĩa thanh trừng và chủ nghĩa độc tài). 

Lý trí: là quá trình nhận thức cho phép chúng ta phân tích khách quan, không định kiến. 

Con người có hành động bạo lực hay không phụ thuộc vào tác động qua lại giữa các phân khu của não bộ. Chỉ với sự tồn tại của khuynh hướng bạo lực thì không thể kết tội chúng ta là một giống loài hung tợn. 

Cụ thể, quyết định tiến hành chiến tranh có thể nảy sinh từ rất nhiều động cơ khác nhau. Nếu như quyết định chiến tranh không bị chế ngự bởi bất kỳ phân khu kiềm chế bạo lực nào, khi đó, người ra quyết định gây chiến sẽ cần phải xây dựng được “liên minh” bạo lực của mình bằng cách vận động sự tham gia của những người cùng phe cánh, đồng thời nỗ lực vô hiệu hoá các phân khu hoà bình ở những người này. Do đó, chiến tranh thực chất là tổng hòa của rất nhiều quy trình tâm lý. Để đi đến quyết định gây chiến, các phân khu bạo lực phải tự sắp xếp để tạo thành một quyền lực nhất định, sau đó lấn át và đàn áp sự ảnh hưởng các phân khu ôn hoà của cả một nhóm người. Tuy nhiên, thế thống lĩnh tượng của các phân khu này chỉ có tính tương đối, và vì thế, không phải là bất biến trong lịch sử loài người. 

3. Những nhân tố quan năng cấu thành nhân tính

Nhiều nhân tố cấu thành nhân tính có tính quan năng (facultative) (ở đây được hiểu là luôn có sự thay đổi để đáp lại môi trường bên ngoài), chứ không có tính thuỷ tĩnh (hydraulic) (tức không có tính nội cân bằng). Ý kiến phủ nhận sự tồn tại của giai đoạn không có chiến tranh dựa trên mô hình tâm lý cho rằng động cơ hướng tới bạo lực là một lực thuỷ tĩnh. Tuy lực thuỷ tĩnh này có thể bị chuyển hướng hoặc phân tán, nhưng không thể bị kìm nén mãi mãi. Mô hình thuỷ tĩnh này về động cơ hành động của con người đã ăn sâu vào cách nghĩ của con người về bạo lực. Điều này đã được tán thành bởi các nghiên cứu phân tâm học, tập quán học và chủ nghĩa hành vi (dưới dạng giảm thiểu động cơ hành động). Xét về mặt nội cân bằng (homeostasis), nó cũng phù hợp với khái niệm điều khiển học, ở đó các vòng phản hồi liên tục duy trì một hệ thống ở trạng thái tĩnh tại bằng cách triệt tiêu các yếu tố mất cân bằng. Nó cũng phù hợp với những trải nghiệm chủ quan của chúng ta: không ai có thể sống mà không ăn, không uống, không ngủ, hay sẽ vô cùng khó nếu như sống mà không có tình dục, hoặc không được ngáp, hắt xì, gãi ngứa hay tắm rửa và vệ sinh cá nhân. 

Tuy nhiên, nếu cho rằng tất cả hành vi của con người đều có tính nội cân bằng thì đó là một sai lầm to lớn. Hành vi của con người xuất phát từ những động cơ khác nhau như cơ hội, phản ứng hay để thích nghi với môi trường: hành vi được thực hiện bởi sự tổng hợp của nhiều yếu tố khách quan từ môi trường và tâm lý chủ quan, cũng như cảm xúc của con người. Ví dụ, trong quá trình tiến hoá, con người dần nảy sinh những nỗi sợ như sợ độ cao, sợ rắn, sợ không gian hẹp, sợ nước sâu hay sợ nhện. Tuy nhiên, nếu một người cả đời không hề gặp rắn, họ sẽ không thể biết rằng họ bẩm sinh có sợ rắn hay không, và họ sẽ không thể trải nghiệm nỗi sợ rắn như thế nào. Ví dụ tương tự về các cảm xúc khác bao gồm: rùng mình, yêu điên cuồng hay ghen tuông mù quáng. 

Như vậy, các động cơ bạo lực trong con người không nhất thiết cần phải mang tính nội cân bằng. Không có bằng chứng nào chỉ ra rằng mong muốn làm hại người khác sẽ tích tụ dần dần, và cần thường xuyên được thoả mãn. Bạo lực mang đến rất nhiều rủi ro, khi khách thể phải tự phòng vệ; khi người thân trong gia đình nạn nhân muốn báo thù, hay khi khách thể muốn tấn công trước. Lý thuyết của chọn lọc tự nhiên tiên liệu rằng khả năng thích nghi sẽ được tiến hóa khi chi phí kỳ vọng vượt quá lợi ích kỳ vọng. Chúng ta không nên mong đợi khuynh hướng bạo lực sẽ tiến hóa mà thay vào đó, chúng ta nên mong đợi khuynh hướng bạo lực do môi trường kích thích. Cụ thể hơn, môi trường có thể thúc đẩy những bản năng như: săn mồi và bóc lột (bộc lộ khi con người nhận ra khả năng có thể đàn áp một đối tượng yếu thế hơn mình mà không gặp rủi ro); thống trị (bộc lộ khi bản lĩnh đàn ông bị khích bác giữa chốn đông người); trả thù (bộc lộ khi con người muốn tạo ra hình phạt, sỉ nhục hay làm tổn thương ai đó); và giận dữ, một mối phiền hà đã tồn tại lâu dài bị kìm nén đột nhiên phát lộ khi đối diện với hoàn cảnh mong manh. Nếu như những hoàn cảnh để bộc lộ bản năng bạo lực không bao giờ được hiện thực hoá – ví dụ, con người sống trong một xã hội quy củ và đầy đủ, không phải chịu đe doạ hay sỉ nhục, thì những thiên hướng bạo lực sẽ ngủ yên giống như nỗi sợ rắn độc trong ví dụ phía trên. Kể cả khi các điều kiện để bộc lộ bản năng bạo lực đã hình thành, cảm nhận về rủi ro cũng sẽ ngăn cản các nhà lãnh đạo tiến hành tham chiến. 

4. Nhận thức của con người là một hệ thống phát triển mở

Trong số rất nhiều các quan năng tâm lý ôn hoà, nhận thức có vai trò đặc biệt, cho phép loài người suy luận. Suy luận là một hệ thống phức hợp, có thể sản sinh ra vô vàn những ý nghĩ khác nhau. Giống như chỉ với vài chục ngàn từ vựng, chúng ta có thể ghép thành cả tỷ câu văn khi áp dụng quy phạm ngữ pháp; số lượng những ý nghĩ trong đầu chúng ta thậm chí còn có thể được sắp xếp nhiều hơn nữa thông qua quá trình nhận thức của hằng hà sa số những ý nghĩ mạch lạc mà chúng ta không thể lý giải (Pinker 1994, 1997, 1999). Không gian phạm vi hiểu biết của con người chứa đựng những đức tin, thần thoại, câu chuyện, tôn giáo, tư tưởng, mê tín, trực giác và nguyên tắc. Tất cả xuất phát từ suy tưởng của con người, rồi sau đó lan rộng nhờ ngôn ngữ và các mối quan hệ xã hội, khi đó những suy tưởng này bị sai lệch, bị điều chỉnh, chắp vá rồi lại kết hợp lại. Trong điều kiện hạ tầng xã hội tích cực - tỷ lệ biết chữ cao, xã hội cởi mở cho tranh luận và phản biện, con người có quyền tự do di chuyển và trao đổi ý tưởng, xã hội cùng cam kết tôn trọng nguyên tắc phù hợp lô-gic và kiểm nghiệm thực tiễn – chính những cuộc trò chuyện như vậy sẽ là nguồn cảm hứng để phát triển khoa học đúng đắn, chân lý toán học sâu sắc và nhiều phát kiến hữu ích. 

Trước đây, con người đã từng dùng khả năng nhận thức của mình để phòng ngừa dịch bệnh, và đói kém; nay, ta cũng có thể áp dụng khả năng ấy để ngăn chặn sự len lỏi của chiến tranh. Suy cho cùng, dù những lợi ích hứa hẹn của chiến tranh luôn hấp dẫn, đầy cám dỗ nhưng sớm hay muộn con người cũng sẽ nhận ra rằng về lâu dài, danh hiệu kẻ thắng người thua không phải là bất biến. Vì vậy, tất cả mọi người đều có lợi nếu như (bằng cách nào đó) tất cả cùng hạ vũ khí. Thách thức nằm ở chỗ làm thế nào để khiến đối phương hạ vũ khí cùng lúc với mình, bởi chủ nghĩa hòa bình đơn phương sẽ càng khiến cho xã hội dễ bị tổn thương hơn khi đương đầu với láng giềng hiếu chiến. 

Chúng ta hoàn toàn có thể khẳng định rằng, con người đã dần đúc rút kinh nghiệm và khả năng để đương đầu với những vấn đề của chiến tranh, giống như cách chúng ta đang dần giải quyết nghèo đói và bệnh dịch. Sau đây là một vài ví dụ cho thấy, nhận thức con người đang dần dần làm chùn bước các lãnh đạo và nhân loại lao vào chiến tranh: 

Chính quyền không còn thèm khát chiến tranh bóc lột, bởi các biện pháp trừng phạt hợp pháp sẽ loại bỏ lợi ích kỳ vọng mà chiến tranh mang lại. Điều này cũng khiến cho các nước ở thế bị xâm lược không còn cố tấn công kẻ thù trước để duy trì lợi thế nhằm ngăn chặn bị xâm lược, hay để trả thù sau khi đã bị tấn công. 

Chính quyền phải hoạt động trong những giới hạn nhất định, (bao gồm cả thiết chế dân chủ), điều này để đảm bảo chính quyền không áp dụng bạo lực đối với nhân dân nhiều hơn chức năng ngăn chặn bạo lực. 

Cơ sở hạ tầng của thương mại tạo điều kiện cho việc phát triển giao thương, dẫn đến việc mua bán hàng hóa trở nên ít tốn kém hơn là cướp bóc. Điều này cũng khiến cho người ta nhận ra giá trị kinh tế của của mạng sống con người và hạn chế giết chóc. 

Một cộng đồng quốc tế có thể tuyên truyền những quy tắc hợp tác phi bạo lực. Đây là mô phỏng ở quy mô lớn hơn của các cộng đồng nơi mọi cá nhân có thể sống và làm việc hòa hợp với nhau. 

Những tổ chức liên chính phủ có thể khuyến khích giao thương, giải quyết bất đồng, loại bỏ thù địch, kiểm soát vi phạm và trừng phạt các hành vi khiêu chiến. 

Các biện pháp đáp lại hành vi khiêu chiến sẽ được cân nhắc một cách thận trọng bao gồm cấm vận kinh tế, cô lập, tuyên bố tượng trưng, chiến lược phi bạo lực và chiến lược đối kháng tương ứng thay vì thực hiện trả đũa toàn lực. 

Các phương thức hoà giải có thể thực hiện bao gồm lễ tưởng niệm, công trình tưởng niệm, ủy ban điều trần và xin lỗi chính thức để thể hiện sự hoà hiếu của hai bên, và làm dịu dần suy nghĩ hơn thiệt. 

Đối lập với chủ nghĩa thống trị là những tư tưởng nhân văn như quyền con người, tình bằng hữu quốc tế, tăng cường cảm thông và căm ghét chiến tranh. Những tư tưởng ấy hoàn toàn có thể cạnh tranh với chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa quân phiệt, chủ nghĩa phục thù và những tư tưởng hoang đường khác. 

Tất cả những sản phẩm của nhận thức con người nêu trên cùng với những sản phẩm nhận thức khác có thể đã làm suy giảm khả năng khơi mào chiến tranh gây ra bởi những bất đồng liên miên giữa người với người (Russett và Oneal 2001; Long và Breke 2003; Mueller 2004, 2010; Gleditsch 2008; Goldstein 2011; Human Security Report Project [Dự án báo cáo An ninh Nhân loại] 2011). Những thành tựu trên đây của trí tuệ con người là hiện thân của thuyết tự do, thuyết hòa bình của Kant nơi mà những nhà tư tưởng Khai sáng luôn được khuyến khích. Giống như rất nhiều những nhà lý luận chính trị khác từ thời kỳ Duy lý và thời kỳ Khai sáng như Locke, Hume và Spinoza; Kant đã lý thuyết hóa những điều kiện phát triển phi bạo lực và những cơ chế kết hợp trong nhận thức con người. Vì vậy, tôi cho rằng, sự kết hợp giữa lợi ích tâm lý và lợi ích chính trị không phải là ngẫu nhiên. 

Kết luận

Chỉ có thời gian mới có thể cho ta câu trả lời: liệu rằng sự thoái trào của chiến tranh là một thay đổi vĩnh viễn trong cuộc sống nhân loại, thay vì là một khoảng lặng trước cơn bão, hay đơn giản chỉ là may mắn với xác suất nhất thời. Tuy nhiên, qua bài viết này, tôi hy vọng tôi đã phủ định được một trong những lý do khiến con người ta hoài nghi về sự thoái trào của chiến tranh: bạo lực là bản chất của nhân tính khiến cho việc chấm dứt chiến tranh là bất khả. Trong suốt lịch sử nhân loại, bạo lực đã dần suy giảm, và sự suy giảm đó hoàn toàn tương thích với bản tính tự nhiên của loài người - phức hợp của nhiều hình thái nhân cách. Khái niệm hiện đại về nhân tính, lấy tiền đề trong khoa học nhận thức và tâm lý học tiến hóa, cho rằng giống loài chúng ta, tuy còn nhiều sai sót, nhưng sở hữu đầy đủ những phương tiện để kiềm chế bản tính của chính mình. Bản tính con người không phải là một đặc tính đơn lẻ, mà là một hệ thống phức tạp bao gồm rất nhiều phân hệ, với các phân hệ tạo nên hành động bạo lực và các phân hệ ôn hoà. Bạo lực không phải nảy sinh từ một cơ chế thuỷ tĩnh vĩnh cửu, mà là một phản ứng mang tính quan năng với các điều kiện môi trường khách quan nhất định, có thể thay đổi theo thời gian. Một trong những cơ chế ngăn chặn bạo lực là hệ thống phát triển tư duy mở có khả năng tổng hợp, suy luận và tạo thành vô số ý tưởng. Và, trong số những ý tưởng đó là các ý tưởng về các thể chế có khả năng làm giảm xác suất xảy ra chiến tranh. 

Tài liệu trích dẫn

(1) Gaddis, John Lewis. (1989) The Long Peace. New York: Oxford University Press. 

(2) Gat, Azar. (2006) War in Human Civilization. Oxford: Oxford University Press. 

(3) Gleditsch, Nils Petter. (2008) “The Liberal Moment Fifteen Years On,” International Studies Quarterly 52(4): 691–712. 

(4) Goldstein, Joshua S. (2011) Winning the War on War. New York: Dutton. 

Holsti, Kalevi J. (1986) “The Horsemen of the Apocalypse,” International Studies Quarterly 30(4): 355–372. 

(5) Howard, Michael. (1991) The Lessons of History. New Haven, CT: Yale University Press. 

(6) Human Security Centre. (2005) Human Security Report 2005. NewYork: Oxford University Press. 

(7) Human Security Report Project. (2007) Human Security Brief 2007. Vancouver, BC: HSRP. 

(8) Human Security Report Project. (2011) Human Security Report 2009/2010. New York: Human Security Report Project. 

(9) Jervis, Robert. (1988) “The Political Effects of Nuclear Weapons - A Comment,” International Security 13(2): 80–90. 

(10) Keegan, John. (1993) A History of Warfare. New York: Vintage. 

(11) Lacina, Bethany, Nils Petter Gleditsch, and Bruce Russett. (2006) “The Declining Risk of Death in Battle,” International Studies Quarterly 50(3): 673–680. 

(12) Long, William J., and Peter Brecke. (2003) War and Reconciliation. Cambridge, MA: MIT Press. 

(13) Luard, Evan. (1988) The Blunted Sword. New York: New Amsterdam Books.

(14) Mueller, John. (1989) Retreat from Doomsday. New York: Basic Books. 

(15) Mueller, John. (2004) The Remnants of War. Ithaca, NY: Cornell University Press. 

(16) Mueller, John. (2009) “War Has Almost Ceased to Exist,” Political Science Quarterly 124 (2): 297–321. 

(17) Mueller, John. (2010) “Capitalism, Peace, and the Historical Movement of Ideas,” International Interactions 36(2): 169–184

(18) Payne, James L. (2004) A History of Force. Sandpoint, ID: Lytton 52(4): 691–712. 

(19) Pinker, Steven. (2002) The Blank Slate. New York: Viking. 

(20) Pinker, Steven. (1994) The Language Instinct. New York: Harper Collins. 

(21) Pinker, Steven. (1997) How the Mind Works. New York: Norton. 

(22) Pinker, Steven. (1999) Words and Rules. New York: Harper Collins. 

(23) Pinker, Steven. (2011) The Better Angels of Our Nature. New York: Viking. 

(24) Ray, James L. (1989) “The Abolition of Slavery and the End of International War,” International Organization 43(3): 405–439. 

(25) Russett, Bruce, and John Oneal. (2001) Triangulating Peace. New York: Norton. 

Nguồn: Tom G. Palmer, Peace, Love & Liberty, Chương 2, Jameson Books, Inc., 2014

 

Dịch giả:
Đinh Tuấn Minh
Hiệu đính:
Đinh Tuấn Minh
Biên tập:
Palmer, Tom G.