Nhìn lại gói hỗ trợ thứ nhất để thiết kế gói hỗ trợ thứ hai

Nhìn lại gói hỗ trợ thứ nhất để thiết kế gói hỗ trợ thứ hai

Sau ba tháng triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng, ngày 21-8 Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất thêm gói hỗ trợ lần 2 với kinh phí 18.600 tỷ đồng. Câu hỏi đặt ra lúc này là liệu gói hỗ trợ thứ 2 này sẽ hiệu quả đến đâu khi mà doanh nghiệp gần như không thể kinh doanh. 

Trong gói hỗ trợ lần 2, các nhóm doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được vay vốn lãi suất dự kiến 3,96%/năm. Ảnh: Thành Hoa / Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Hai gói hỗ trợ với hai mục tiêu khác nhau

Cho đến thời điểm hiện tại, trong đợt hỗ trợ lần 1, Chính phủ đã đưa ra ba gói hỗ trợ bao gồm gói hỗ trợ tài khóa 180.000 tỷ đồng, gói hỗ trợ tiền tệ trị giá 250.000 tỷ đồng và gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng. Gói hỗ trợ an sinh xã hội trị giá 62.000 tỷ đồng, được đề xuất bởi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), tập trung vào nhóm người lao động, nhóm dễ bị tổn thương và các đối tượng chính sách.

Trong số này, ngoài việc hỗ trợ trực tiếp bằng tiền cho người dân, có khoảng 16.200 tỷ đồng được hỗ trợ thông qua hình thức cho doanh nghiệp vay trả lương với lãi suất 0% và 9.500 tỷ đồng dành cho hai chính sách hỗ trợ đặc thù cho doanh nghiệp (6.500 tỷ đồng hỗ trợ giãn nộp bảo hiểm xã hội và 3.000 tỷ đồng hỗ trợ đào tạo lao động). Có thể thấy, gói hỗ trợ an sinh xã hội lần 1 tập trung vào các nhóm đối tượng là người lao động và nhóm dễ bị tổn thương và các đối tượng chính sách nhằm giúp họ trang trải chi phí sinh hoạt.

Với gói hỗ trợ thứ 2 đang được đề xuất, khác với lần trước, tập trung chủ yếu vào đối tượng doanh nghiệp với các chính sách tín dụng hướng đến các hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm khôi phục, duy trì, thúc đẩy sản xuất và đáp ứng việc làm. Trong gói hỗ trợ lần 2 với quy mô 18.600 tỷ đồng này, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất chỉ dành 3.600 tỷ đồng hỗ trợ cho đối tượng là người dân, số còn lại cho các nhóm doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh thực hiện hoạt động sản xuất - kinh doanh vay với lãi suất dự kiến 3,96%/năm. Đây là mức lãi suất rất hấp dẫn so với lãi suất vay kinh doanh từ 7-12% của các ngân hàng hiện nay.

Như vậy, tính chất của gói hỗ trợ lần 2 này hoàn toàn khác với lần 1. Nếu gói hỗ trợ lần đầu tập trung vào mục tiêu hỗ trợ người dân vượt qua những khó khăn ngắn hạn do đại dịch Covid-19 (ngay cả khoản hỗ trợ cho doanh nghiệp cũng với mục tiêu để trả lương cho người lao động) thì gói hỗ trợ lần thứ 2 hướng đến khôi phục, duy trì và thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Vấn đề là doanh nghiệp có khả năng hấp thụ gói hỗ trợ này không?

Gói hỗ trợ thứ 2, với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các khoản vay để khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, đặt ra câu hỏi về tính hiệu quả khi triển khai. Bản thân doanh nghiệp khi vay mượn đều cần một kế hoạch sản xuất kinh doanh rõ ràng, dựa trên triển vọng của thị trường, như số lượng đơn hàng tăng trở lại hay nhu cầu thị trường hồi phục. Như vậy, nếu triển vọng thị trường vẫn ảm đạm hoặc không có dấu hiệu hồi phục rõ ràng, sẽ có ít doanh nghiệp có nhu cầu khôi phục hay mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh để mà vay được tiền trong gói hỗ trợ này.

Báo cáo triển vọng kinh tế (tháng 6-2020) của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định rằng, kinh tế thế giới sẽ suy thoái trong năm 2020 với mức tăng trưởng âm 4,9%, thậm chí ở mức âm 5,2% theo Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo. Dự báo kinh tế thế giới năm 2021 mặc dù sẽ hồi phục và tăng trưởng dương trở lại, nhưng sẽ vẫn chịu ảnh hưởng tiêu cực từ tình hình dịch bệnh và sẽ khó có thể quay lại trạng thái bình thường trong thời gian ngắn.

Dựa vào khảo sát khoảng 130.000 doanh nghiệp về tình hình xuất khẩu vào tháng 5-2020, thời điểm dịch bệnh đợt 1 đã được kiểm soát tại Việt Nam, 57,7% doanh nghiệp cho biết tiêu thụ giảm mạnh; 47,2% khẳng định hàng hóa sản xuất nhưng không xuất khẩu được. Có những doanh nghiệp đối mặt với tình trạng không có đơn hàng, vì khách hàng cũng đang xem xét các tín hiệu thị trường rồi mới tính tiếp các đơn hàng mới.

Trong khi đó, một số doanh nghiệp khác vẫn có đơn hàng được ký trong năm 2019, nhưng sản xuất xong thì không xuất đi được dẫn đến tồn kho và chưa thể thu hồi vốn. Điển hình như xuất khẩu dệt may giảm ở hai thị trường lớn là Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) lần lượt 14,9% và 19% trong năm tháng đầu năm 2020. Hai thị trường này chiếm khoảng 60% kim ngạch xuất khẩu dệt may.

Với triển vọng như vậy, dễ thấy nhu cầu vay với gói hỗ trợ 18.600 tỷ đồng, ngay cả khi lãi suất tương đối thấp, cũng sẽ không nhiều. Còn nếu gói hỗ trợ lần 2 này hướng đến việc hỗ trợ gián tiếp doanh nghiệp thông qua giãn nợ, giãn thuế... thì sẽ dẫn đến tình trạng chồng chéo với nội dung của gói hỗ trợ chính sách tiền tệ 250.000 tỷ đồng.

Ở một góc độ khác, giả sử gói hỗ trợ lần 2 này của Bộ LĐ-TB&XH đề xuất vẫn tiếp tục hướng đến người dân (người lao động và các đối tượng dễ tổn thương...), thì một thực tế là bản thân gói hỗ trợ lần 1 cho những nhóm đối tượng này vẫn chưa được giải ngân hết.

Tính đến tháng 7-2020, theo Bộ LĐ-TB&XH, có khoảng 16 triệu người được phê duyệt thụ hưởng với tổng kinh phí là 17.500 tỷ đồng (giải ngân trên thực tế chưa đạt mức này). Ngay cả số lượng doanh nghiệp vay để trả lương cũng rất ít, đến ngày 10-6 Cổng dịch vụ công quốc gia tiếp nhận 661 hồ sơ của 227 doanh nghiệp nhưng chỉ có 9 hồ sơ được duyệt, số còn lại không đủ điều kiện hoặc chờ duyệt. So với quy mô 62.000 tỷ đồng của gói hỗ trợ an sinh xã hội lần thứ nhất thì tỷ lệ giải ngân chỉ mới đạt chưa đến 30%.

Việc triển khai các gói hỗ trợ lần 1 vẫn đang bộc lộ nhiều bất cập chưa được giải quyết triệt để, việc cân nhắc đến gói hỗ trợ thứ 2 ở thời điểm này có thể chưa thực sự cần thiết, thay vào đó Chính phủ và các địa phương nên tập trung vào việc triển khai hiệu quả gói hỗ trợ lần 1.

Chính sách hỗ trợ thiết thực thì không thể dàn trải

Doanh nghiệp và người dân là hai nhóm đối tượng mà các quốc gia luôn chú trọng khi thiết kế các gói hỗ trợ, nhằm tiếp lực giúp các đối tượng này vượt qua khó khăn do dịch Covid-19. Đặc biệt với nhóm doanh nghiệp, các nước đã đưa ra các nội dung hỗ trợ khác nhau tùy thuộc vào nhóm ngành, trong đó bao gồm các hỗ trợ ngắn hạn giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn trước mắt nhưng vẫn chú trọng nâng cao năng lực cho doanh nghiệp, đây là một gợi ý chính sách mà Việt Nam có thể học hỏi.

Đến thời điểm hiện tại, có thể thấy các gói hỗ trợ của Việt Nam đã phần nào phát huy hiệu quả trong giai đoạn đầu của khủng hoảng, giúp người dân và doanh nghiệp chống chịu với những cú sốc trong giai đoạn đầu của đại dịch. Tuy nhiên với các gói hỗ trợ doanh nghiệp, các nội dung hỗ trợ vẫn đang dàn trải, chưa có trọng tâm. Các biện pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp hiện nay mới tập trung vào giảm áp lực trả nợ cho các khoản vay hay giãn thuế trên diện rộng, chưa tập trung vào những nhóm doanh nghiệp mũi nhọn hay những những nhóm ngành dễ bị tổn thương bởi đại dịch.

Với mục tiêu vực dậy nền kinh tế, các gói hỗ trợ tiếp theo cho doanh nghiệp nên hướng trọng tâm hỗ trợ các doanh nghiệp trong các ngành kinh tế mũi nhọn cũng như các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Với mỗi nhóm ngành, tùy vào tình hình thực tế và đặc thù của ngành, các nội dung hỗ trợ nên được cụ thể hóa.

Chẳng hạn, những doanh nghiệp trong ngành dịch vụ như khách sạn, du lịch, các nội dung hỗ trợ có thể hướng đến việc giúp doanh nghiệp giảm chi phí và giá thành dịch vụ để kích thích nhu cầu của khách du lịch nội địa; trong khi đó những hỗ trợ cho nhóm doanh nghiệp ngành sản xuất, đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ và vừa, có thể hướng đến việc khuyến khích thay đổi công nghệ để phát triển sản phẩm và dịch vụ mới. Còn với những doanh nghiệp xuất nhập khẩu, chính sách hỗ trợ nên hướng đến việc giúp doanh nghiệp kết nối giao thương trên nền tảng số, tiếp cận với thương mại điện tử quốc tế.

Nếu được chuẩn bị kỹ lưỡng và triển khai thành công, những gói hỗ trợ tiếp theo có thể trở thành bàn đạp để doanh nghiệp Việt nâng cao năng lực và bứt phá ngay khi nền kinh tế thế giới bước vào chu kỳ hồi phục.

Đinh Phương

 

TS. Phùng Đức Tùng, Giám đốc Viện Nghiên cứu phát triển Mekong: Nghĩ cách khác để hỗ trợ người dân

Các gói hỗ trợ về nguyên tắc phải được thiết kế làm sao để hỗ trợ được đúng đối tượng bị ảnh hưởng tiêu cực nhất bởi dịch Covid-19. Các tiêu chí xác định đối tượng hưởng lợi phải đơn giản, rõ ràng và minh bạch, đồng thời dễ thực hiện; giảm thiểu được gian lận và động cơ gian lận trong quá trình thực hiện. Kinh nghiệm từ gói hỗ trợ lần 1 (gói 62.000 tỷ đồng) cho thấy, gần như chỉ có nhóm đối tượng thuộc các gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo (là những hộ đã được xác định và có danh sách từ trước khi dịch Covid-19 xảy ra) mới nhận được hỗ trợ. Nhóm hộ kinh doanh cá thể, người lao động mất việc có rất ít người nhận được hỗ trợ. Đặc biệt, lao động khu vực phi chính thức hầu như không nhận được hỗ trợ. Trong khi đó, việc hỗ trợ các hộ chính sách, hộ nghèo, cận nghèo cũng bộc lộ nhiều bất cập. Thứ nhất, các hộ này đã nhận được hỗ trợ từ các chương trình chính sách hiện có của Chính phủ nên việc nhận thêm hỗ trợ từ gói này cần phải xem xét lại. Thứ hai, quá trình thực hiện cũng bộc lộ rõ những khiếm khuyết của quy trình xác định hộ nghèo do quy trình này không minh bạch, đơn giản, dễ thực hiện nên xuất hiện nhiều hộ trong danh sách thực ra là những hộ không nghèo.

Lý do các hộ kinh doanh cá thể, lao động mất việc, đặc biệt là khu vực phi chính thức không nhận được hỗ trợ là do tiêu chí xác định các đối tượng hưởng lợi phức tạp, thủ tục rườm rà gây khó khăn cho người thực hiện và người hưởng lợi.

Gói hỗ trợ lần 2 (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa đề xuất) vẫn chưa đưa ra được các tiêu chí xác định đối tượng hưởng lợi, quy trình thực hiện nên rất có thể kết quả cũng giống như gói hỗ trợ lần 1.

Do vậy, tôi đề xuất sử dụng gói hỗ trợ này thúc đẩy một chương trình có thể đặt tên là “Vì một Việt Nam xanh và sạch”. Ngân sách từ gói hỗ trợ sẽ phân bổ về các địa phương, các địa phương sẽ cùng người dân xác định ra các khu vực, con đường cần trồng cây, cần dọn sạch rác thải (đặc biệt là rác thải nhựa), từ đó sẽ ước tính số lượng ngày công và vật tư cho từng công việc. Lãnh đạo địa phương sẽ thông báo cho những người không có việc làm, có sức lao động tham gia lao động trên các công trình địa phương này và được trả công lao động theo ngày (ví dụ 150.000-200.000/ngày công lao động). Giải pháp này sẽ đạt được hai mục đích quan trọng. Thứ nhất là đúng đối tượng vì chỉ những người mất việc và cần thu nhập mới tham gia và đóng góp công sức vào làm các công trình này vì tiền công là ở mức tối thiểu. Việc thực hiện cũng đơn giản, minh bạch và rõ ràng, cán bộ địa phương sẽ không sợ trách nhiệm trong quá trình thực hiện. Thứ hai, giúp cho Việt Nam xanh và sạch hơn khi mà chúng ta phủ thêm được nhiều cây xanh trên các con đường, quả đồi trọc và dọn dẹp được." 

 

Nguồn: Trịnh Hoàng, Đinh Phương, TS. Phùng Đức Tùng, Nhìn lại gói hỗ trợ thứ 1 để thiết kế gói hỗ trợ thứ 2Thời báo kinh tế Sài Gòn, 30/8/2020