Biden vung tay quá trán thì con cháu sẽ phải thắt lưng buộc bụng

Biden vung tay quá trán thì con cháu sẽ phải thắt lưng buộc bụng

Đúng, một khoản chi lớn cho Covid là cần thiết, nhưng các quy luật cơ bản của kinh tế học vẫn còn đó. Mặc dù gói kích thích và viện trợ kinh tế trị giá 1,9 nghìn tỷ đô-la của Tổng thống Joe Biden có vẻ sẽ được thông qua, nhưng hiện trạng của nền kinh tế cho thấy chỉ cần một chương trình có quy mô nhỏ hơn nhiều là đủ.

Vắc-xin thì đang được triển khai, ngân sách của nhiều bang đang ổn định, bảng cân đối chi tiêu của các hộ gia đình cũng tương đối tốt, kể cả những hộ nghèo, bất động sản cũng đang bùng nổ, và bán lẻ đã vượt mức của một năm trước.

Xin đừng nhầm lẫn: chúng ta cần phải có một sự phản ứng y tế cộng đồng nhanh hơn và tốt hơn. Đó là điều tối quan trọng, vừa để cứu người vừa thúc đẩy sự phục hồi nhanh chóng. Thế nhưng không cần thiết phải “thúc giục nền kinh tế” trên một quy mô như đang được đề xuất. Ngay cả hai nhà kinh tế vĩ mô giỏi nhất thuộc trường phái Keynesian là Lawrence H. Summers và Olivier Blanchard, cũng đã nói như thế. Nhưng trong cuộc tranh luận hiện nay, họ đã không hoàn toàn bị bác bỏ vì họ không quá thiên tả. 

Chắc chắn phải có những luận điểm ủng hộ cho một gói cứu trợ lớn như vậy. Nhưng chúng không phải là những lời khuyên kinh tế khôn ngoan nhất. Nguyên lý đầu tiên trong kinh tế học là chi phí cơ hội, nghĩa là bất kỳ một chính sách nào cũng nên được so sánh với các lựa chọn khả dĩ khác tốt hơn. Với cách phân tích này, kế hoạch hiện tại không đạt yêu cầu. Nó tập trung quá nhiều cho tiêu dùng và quá ít cho đầu tư. Các cấu phần chính của kế hoạch này bao gồm một khoản trợ cấp bằng tiền mặt trị giá $1.400, bảo hiểm thất nghiệp, viện trợ cho các trường học, các điều khoản nghỉ phép có lương, viện trợ cho chính phủ các bang và địa phương, và các khoản trợ cấp tạm thời cho các hộ gia đình.

Một phần không nhỏ số tiền này sẽ được gửi tiết kiệm, làm giảm tác dụng kích thích của nó. Có một rủi ro nữa là việc phát quà sẽ biến tướng thành một cơ chế mua phiếu bầu định kỳ, việc làm dễ bị lạm dụng nhưng sẽ chẳng bao giờ xảy ra thường xuyên nếu công chúng phải trả trước cho nó. Ít nhất, một số yếu tố trong gói trợ cấp này nên gắn với những điều kiện kinh tế trong tương lai.

Tuy nhiên, sau những thất bại trong việc ứng phó với cuộc khủng hoảng tài chính hơn một thập kỷ trước, ý tưởng chi tiêu gần 2.000 tỷ đô-la, mà phần lớn là cho người nghèo, là một ý tưởng quá đỗi hấp dẫn với những người cấp tiến. Nó phù hợp với khuynh hướng tự nhiên của họ đến nỗi họ không thể làm gì khác ngoài việc ủng hộ.

Chúng ta hãy thử bỏ qua câu hỏi chính trị về mức độ ủng hộ một chương trình nghị sự cho một chính phủ lớn hơn và năng động hơn. Coi như chúng ta đang có Chính phủ lớn như thế. Dù vậy đi chăng nữa, lịch sử vẫn cho thấy tiêu dùng không nên được đặt lên ưu tiên. 

Thứ nhất, các khoản đầu tư công khôn ngoan có lợi cho người nghèo hơn là các khoản trợ cấp tiền mặt một lần. Nước Mỹ vẫn đang được hưởng những thành tựu to lớn của y tế công và cơ sở hạ tầng công cộng của thế kỷ 20. Thứ hai, các chương trình trợ cấp bền vững nhất và có nhiều lợi thế nhất của chính phủ - chẳng hạn như An sinh Xã hội -  vốn đã được xây dựng trên sự ủng hộ bền vững của đa số.

Các xã hội tiến bộ cơ bản được xây dựng dựa trên sự đơm hoa kết trái của đầu tư – vào hạ tầng, phần mềm, hoặc các chính sách bền vững. Điều này phản bác lại quan điểm “hãy tranh thủ nắm lấy chiến thắng chính sách này khi chúng ta còn có thể”, bất kể quan điểm đó hiện phổ biến tới mức nào trên mạng xã hội. Thật ngu ngốc khi nghĩ rằng không thể có được một sự kết hợp chính sách khả thi về mặt chính trị nào khác, và nếu các cố vấn và những người ủng hộ tổng thống thực sự tin vậy, thì họ sắp sửa sẽ phải trải qua một khoảng thời gian bốn năm thật dài và đầy bất mãn.

Không phải là không có bất cứ một lựa chọn đầu tư nào khác. Có thể nêu một số ví dụ như đầu tư vào hạ tầng y tế công cộng để sẵn sàng cho các đợt dịch sau, đầu tư vào năng lượng xanh và băng thông rộng. Đúng, tôi đã quen với kiểu lập luận rằng nếu tiêu thêm một nghìn tỷ bây giờ thì sau này có thể tiêu thêm nhiều nghìn tỷ nữa, bao gồm cả các chính sách tương tự. Nhưng bất kể các vấn đề chính trị có phức tạp như thế nào đi chăng nữa, ta không thể chối bỏ những quy luật của kinh tế học. Việc tăng chi tiêu cho hiện tại, trên thực tế, dẫn đến việc bỏ qua những cơ hội trong tương lai.

Một hướng khả thi khác đó là thiết kế lại kế hoạch hỗ trợ trẻ em được đề xuất bởi Thượng nghị sĩ Mitt Romney và biến nó trở thành một chính sách dài hơi. Tuy là một ý tưởng tốn kém, nhưng ít nhất nó đại diện cho một khoản đầu tư lớn hơn cho tương lai của nước Mỹ thay vì chỉ đơn giản là các khoản trợ cấp tiền mặt một lần.

Những người bảo vệ kế hoạch của tổng thống lập luận rằng lạm phát và một nền kinh tế quá nóng không phải là rủi ro chính. Có thể là như vậy, có thể không – nhưng đó không phải là vấn đề cốt yếu. Thay vào đó, bạn hãy tự đặt ra câu hỏi: Liệu chương trình này, hoặc kiểu lập luận này, có nhận ra sự quan trọng của đầu tư, bất kể đó là đầu tư công hay tư, hay không? Nếu không thì bạn cũng chẳng cần phải nghe thêm nữa.

Nguồn: Tyler Cowen, If Biden Goes Big Now, He May Have to Go Small Later, Bloomberg.com, 8/2/2021

Dịch giả:
Hoàng Văn Trung
Hiệu đính:
Nguyễn Văn Thịnh