Kinh tế học thể chế: Quá khứ và hiện tại (Phần 1)

Kinh tế học thể chế: Quá khứ và hiện tại (Phần 1)

Trong suốt những năm vừa qua, thuật ngữ “kinh tế học thể chế” được sử dụng để nhắc đến một tập hợp đa dạng, không ngừng mở rộng, các phương pháp nghiên cứu hoặc các trường phái tư tưởng kinh tế. Hầu hết các nhà nghiên cứu chấp nhận thuật ngữ “kinh tế học thể chế” hoặc “kinh tế học thể chế Mỹ” hoặc “kinh tế học thể chế cũ” (hiện tại, đôi khi được gọi là “kinh tế học thể chế nguyên bản”) để tham chiếu đến nhánh nghiên cứu kinh tế gắn với Thorstein Veblen, John R. Commons, Wesley Mitchell, và Clarence Ayres. Cho tới mãi gần đây, đây là cách hiểu duy nhất khi đề cập đến thuật ngữ “kinh tế học thể chế”. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, thuật ngữ “kinh tế học thể chế mới” đã được hình thành và đứng vững để chỉ đến nhánh nghiên cứu gắn chủ yếu với phương pháp nghiên cứu chi phí giao dịch của Ronald Coase, Oliver Williamson, và Douglass North. Để bao quát được nhiều chủ đề hơn, cái tên "kinh tế học thể chế mới" còn được mở rộng sang cả các phương pháp tiếp cận sử dụng lý thuyết trò chơi để nghiên cứu sự tiến hóa của các quy ước ước xã hội, và đôi khi sang cả các phương pháp tiếp cận của trường phái kinh tế học Áo về các thể chế và thay đổi thể chế được xây dựng bởi Carl Menger và Frederick von Hayek. Thêm vào đó, một số học giả tiếp tục tìm cách cấu trúc lại kinh tế học thể chế “cũ” bằng cách đưa vào các nội dung mà có thể thảo luận được trong khuôn khổ kinh tế học thể chế “mới”, và thuật ngữ “kinh tế học thể chế mới” được kéo trở về thời xa xưa hơn theo những cách thức mới và do đó, những tác gia được coi như là tiền bối của thể chế luận đang được nhân rộng.

Trong bài nghiên cứu này, tôi tập trung xem xét kinh tế học thể chế theo nghĩa nguyên bản của nó và từ thời điểm mà nó xuất hiện như một phong trào mang bản sắc riêng trong làng kinh tế học Mỹ. Thuật ngữ “kinh tế học thể chế” xuất hiện lần đầu tiên đã thu hút sự chú ý lớn của giới chuyên gia kinh tế với bài nghiên cứu của Walton Hamilton (1919) trình bày trong hội thảo của Hiệp hội Kinh tế Mỹ. Thể chế luận trở thành nhân tố quan trọng trong kinh tế học Mỹ ở giai đoạn giữa hai cuộc thế chiến, vị trí và uy tín của nó chỉ suy giảm nhanh chóng sau Thế Chiến II. Tôi sẽ khảo sát một cách tóm lược nguồn gốc của trào lưu này, điều gì đã mang đến cho nó động lực ban đầu và sự hấp dẫn, những đóng góp của trào lưu này và điều gì đã xảy ra với nó. Điều này sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về ý nghĩa của học phái thể chế luận trong làng kinh tế học Mỹ đối với những người đã (và vẫn) tham gia trào lưu này, và sẽ cho phép chỉ ra một số mối liên kết cũng như điểm khác biệt với các học phái “ thể chế luận” khác. 

Quá trình hình thành và Sự hấp dẫn của thể chế luận Mỹ

Theo quan điểm truyền thống, “những nhà sáng lập” thể chế luận là Thorstein Veblen, Wesley Mitchell, và John R. Commons. Có lẽ chính xác hơn khi nói rằng Thorstein Veblen đã mang lại nhiều nguồn cảm hứng trí tuệ cho thể chế luận, dù rằng nhiều tác gia khác cũng có những ảnh hưởng rất quan trọng. Wesley Mitchell tham gia sâu rộng vào việc phát triển thể chế luận trong thời gian đầu và tạo ra một trào lưu rõ ràng, cùng với Walton Hamilton, Walter Stewart, và John M. Clark. Còn John R. Commons tham gia vào trào lưu thể chế luận muộn hơn một chút, sau năm 1924 (Rutherford, 2000b).

Để đánh giá đúng thực chất của thể chế luận giai đoạn đầu, điều quan trọng là phải hiểu được ảnh hưởng của Veblen và sự hòa trộn giữa ảnh hưởng này với các yếu tố khác trong việc tạo ra một nghị trình hấp dẫn.  Khung lý thuyết tổng thể của Veblen nhấn mạnh bản chất của sự thay đổi thể chế có tính tích lũy và theo lối mòn (path-dependent), nhấn mạnh vai trò của công nghệ mới đối với sự thay đổi thể chế (bằng cách thay đổi lối sống và nếp nghĩ), và nhấn mạnh tính cách “coi trọng tiền bạc” trong các thể chế hiện hành của Mỹ (nghĩa là, coi các giá trị “kinh doanh” như sự thành đạt về tiền bạc và lợi ích cá nhân đạt được từ quá trình tìm kiếm lợi nhuận có sức mạnh vượt lên trên tất cả các giá trị khác). Đối với Veblen, cũng như các nhà thể chế luận khác, các thể chế không chỉ đơn thuần ràng buộc hành động của cá nhân, mà còn bao gồm các cách thức tư duy và hành vi nói chung. Thực vậy, các thể chế đã nhào nặn các giá trị và sở thích của các cá nhân dưới sự thống trị của chúng. Trong khung lý thuyết này, Veblen đã phát triển các phân tích của ông về "sự tiêu dùng phô trương" (conspicuous consumption) và các chuẩn mực tiêu dùng; ảnh hưởng của tài chính hợp doanh (corporate finance) đến quyền sở hữu và quyền kiểm soát các hãng kinh doanh; các chiến lược kinh doanh và chiến lược tài chính để thúc đẩy tìm kiếm lợi nhuận, nghề bán hàng chuyên nghiệp và quảng cáo; sự nổi lên của giới quản lý chuyên nghiệp; các dao động ngành; và nhiều chủ đề khác (Veblen, 1899, 1904).

Tuy nhiên, Veblen không cho rằng các thể chế hiện hữu đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy lợi ích xã hội – thực tế là theo chiều ngược lại. Các thể chế hiện hữu, bởi tính ì cố hữu trong bất cứ khuôn khổ được thiết lập nào và bởi các hoạt động bảo vệ của các nhóm lợi ích, có khuynh hướng trở nên lạc hậu so với các phương tiện công nghệ mới và với các vấn đề kinh tế hay vấn đề xã hội do chính những công nghệ mới này tạo ra. Do vậy, đối với Veblen, các thể chế pháp lý và xã hội hiện hành trong nước Mỹ nơi ông sinh sống đã lỗi thời và không xứng tầm với sứ mệnh kiểm soát xã hội trong nền công nghiệp hiện đại quy mô lớn. Theo cách chuyển ngữ của Walton Hamilton, nó trở thành “đường đứt gãy – tôi không thích dùng từ “chậm pha” - giữa những chương trình công nghiệp mà chúng ta đang tiến hành và cách thức tổ chức xã hội lỗi thời để quản thúc chúng" (thư Walton Hamilton gửi Clarence Ayres, ngày 15 tháng Năm, không rõ năm). Wesley Mitchell (1923) cũng có cách tư duy tương tự khi mô tả sự xung đột giữa “việc tạo ra hàng hóa và việc kiếm tiền” hay giữa lợi ích chung khi tạo ra các mức sản lượng cao và ổn định và lợi ích cá nhân trong việc kiếm tiền.

Veblen đã chỉ ra điều mà ông nhìn nhận là sự thất bại mang tính hệ thống của các thể chế “kinh doanh” trong việc định hướng hoạt động kinh tế tư nhân nhất quán với lợi ích công. Đối với Veblen, ý niệm “bàn tay vô hình” của thị trường có lẽ áp dụng được trong điều kiện của nền sản xuất quy mô nhỏ, nhưng không tương thích với các điều kiện của nền sản xuất quy mô lớn, tài chính hợp doanh và hoạt động thúc đẩy bán hàng chuyên nghiệp. Veblen đặc biệt công kích các chiến thuật thao túng, hạn chế, và các mánh khóe phi năng suất được sử dụng bởi các doanh nghiệp nhằm kiếm lợi nhuận (bao gồm cả các hoạt động thâu tóm công ty, việc kiểm soát thông qua các công ty mẹ và lãnh đạo kiêm nhiệm nhiều công ty, thao túng tài chính, giao dịch nội gián, các thủ thuật lắt léo, và cách thức thúc đẩy bán hàng phi đạo đức); ông cũng công kích “sự lãng phí” tạo ra bởi sự hạn chế do độc quyền, các chu kỳ kinh doanh, thất nghiệp, và quảng cáo mang tính cạnh tranh. Veblen ít hy vọng vào sự thay đổi nhanh chóng ngoại trừ việc loại bỏ hoàn toàn các nguyên lý “kinh doanh”, còn các nhà thể chế luận khác thể hiện phê phán này bằng giọng điệu có chừng mực hơn, và với mức độ lạc quan hơn về khả năng cải cách xã hội thông qua nghiên cứu khoa học và thảo luận dân chủ. Các quan điểm phê phán của Veblen thường được kết hợp với quan điểm của các nhà cải cách, như vấn đề bổ sung các hình thức “kiểm soát xã hội” vào thị trường, hoặc vấn đế “làm thế nào để biến hoạt động sản xuất vì lợi nhuận trở thành hoạt động tạo ra nguồn cung các hàng hóa hữu ích dồi dào hơn dưới các điều kiện có lợi hơn cho phúc lợi chung" (Mitchell, 1923, tr. 148).

Ảnh hưởng của Veblen cũng rất đáng kể trong các lĩnh vực khác, nhưng một lần nữa theo cách thức ít nhiều bị cải biên. Veblen (1898) kịch liệt chỉ trích tâm lý học khoái lạc và tâm lý học duy lý ẩn trong lý thuyết thỏa dụng cận biên và chỉ ra sự thay thế dựa trên cơ sở tâm lý học thói quen/bản năng. Bản thân những công trình nghiên cứu của Veblen về chủ đề này bị ảnh hưởng bởi nhà tâm lý học William James, tuy nhiên điều quan trọng không phải là mô hình cụ thể của Veblen mà là cảm hứng từ ý tưởng cho rằng kinh tế học cần được xây dựng lại trên cơ sở “tâm lý học hiện đại”. Cuốn An Introduction to Social Psychology [Giới thiệu về tâm lý học xã hội] (1908) của William McDougall, và những công trình nghiên cứu giai đoạn đầu của John B. Watson theo phương pháp tiếp cận “hành vi luận” đặc biệt ảnh hưởng tới Veblen. Điều này cũng thúc đẩy Wesley Mitchell (1910) viết bài nghiên cứu dài hai kỳ “The Rationality of Economic Activity” [Tính duy lý của hoạt động kinh tế]. Phương pháp tiếp cận này đã tạo cảm hứng lớn tại thời điểm đó. F. C. Mills (cùng nghiên cứu với Mitchell ở Berkeley và Columbia) đã viết về trải nghiệm của ông giữa những năm 1915 và 1917 (thư F. C. Mills gửi Milton Friedman, ngày 25 tháng 6, 1951), như sau:

Khi tôi nghiên cứu tại Califorlia và sau đó tại Columbia, tôi cảm thấy một bầu không khí phấn khích về các viễn cảnh mới của kinh tế học liên quan tới những công trình nghiên cứu gần đây trong tâm lý học. Các công trình nghiên cứu của McDougall về tâm lý học xã hội, John B. Watson về hành vi luận, Patrick về tâm lý học giả trí, Trotter về bản năng bầy đàn trong chiến tranh và hòa bình, Crile và một số cộng sự khác nghiên cứu về các lĩnh vực tâm-sinh lý học, James Harvey Robinson về hình thành nhận thức, và dĩ nhiên cả Freud (nhưng chỉ mang tính điểm lại và không hệ thống), đã tác động mạnh mẽ đến chúng tôi trong các buổi seminar tại Califorlia, và với quy mô nhỏ hơn ở Columbia. Luồng tư tưởng đó ít nhiều đã bổ trợ cho luồng tư tưởng khác đến từ Peirce, James và Dewey ... Veblen dường như một lần nữa chặt gãy các trụ cột khác [của kinh tế học], cụ thể với việc đưa ra các câu hỏi tại sao kinh tế học không là một khoa học tiến hóa. Tất cả những điều đó tạo ra một môi trường hoàn toàn đối nghịch với các nguyên lý duy lý của tư tưởng kinh tế cổ điển.

Nguồn cảm hứng qua những nghiên cứu về nền móng tâm lý của kinh tế học tiếp tục phát triển trong suốt những năm 1920. Max Lerner (sinh viên của Robert Brookings Graduate School, nơi mà Walton Hamilton đã giảng dạy trong khoảng thời gian 1923 đến 1928) hồi tưởng lại rằng “đó là khoảng thời gian thú vị khi chúng tôi tư duy về kinh tế Mỹ theo phương pháp tiếp cận tâm lý học mà hứa hẹn làm biến đổi kinh tế học và mở ra những chân trời mới” (Max Lerner gửi tới Carter Goodrich, 23 Tháng 6, 1933). Tương tự, Walter Morton cũng hồi tưởng lại rằng nhiều sinh viên tại Brookings “đang nói về lĩnh vực kinh tế học mới, theo nghĩa tiếp cận tâm lý học trong các vấn đề kinh tế” (Walter Morton gửi tới Robert Coleberd, 4 Tháng 3, 1973).

Các tuyến phát triển khác mà sau này hợp thành thể chế luận không có quan hệ nhiều với ảnh hường từ Veblen. Rất nhiều nhà thể chế luận, bao gồm cả Hamilton, J. M. Clark, John R. Com-mons, và Robert L. Hale đã quan tâm đáng kể đến các vấn đề luật học và kinh tế học. Thực vậy, việc xếp loại Commons như một nhà thể chế luận bắt đầu từ việc xuất bản cuốn sách của ông năm 1924, The Legal Foundations of Capitalism [Những nền tảng Pháp lý của Chủ nghĩa tư bản]. Phương pháp tiếp cận của Commons được xây dựng dựa trên ý niệm của ông về sự tràn ngập các xung đột liên quan đến phân bổ lợi ích, về các cơ quan lập pháp và toà án trong những nỗ lực nhằm giải quyết xung đột (ít nhất là giữa các nhóm lợi ích có người đại diện), và về sự tiến hóa của luật pháp như là kết quả của các quá trình giải quyết xung đột đang diễn ra đó. Ở mức độ vi mô, Commons phát triển khái niệm mà ông đưa ra về “giao dịch [transaction]” như là đơn vị phân tích cơ bản. Theo đó, các điều kiện của các giao dịch được quyết định bởi (i) cấu trúc của “các quy tắc vận hành,” bao gồm các quyền pháp lý, các nghĩa vụ, các quyền lợi được hưởng, và các rủi ro phải gánh chịu, và (ii) quyền lực (mặc cả) kinh tế. Nói chung, sự quan tâm của các nhà thể chế luận  tới luật học và kinh tế học bao gồm các chủ đề như sự tiến hóa của các quyền tài sản, bối cảnh pháp lý của các giao dịch, tài sản vô hình và sự tín nhiệm của khách hàng, đánh giá các ngành cung ứng hàng hóa công, quy định về giá (rate regulation), nhiều vấn đề trong luật lao động, mặc cả tập thể, các quy định về sức khỏe và sự an toàn, và bảo vệ người tiêu dùng. Cần lưu ý rằng cả Hamilton và Hale chuyển tới các trường luật và ở đó họ có quan hệ chặt chẽ với các học giả ngành luật của trường phái hiện thực và với một số thẩm phán Tòa án Tối cao.

Ngoại trừ những tài liệu về tài sản vô hình, những lưu ý trên về luật và kinh tế học hầu như không có đóng góp trực tiếp từ Veblen. Các nguồn chính đến từ nghiên cứu về kinh tế luật của Richard Ely (người dạy Commons) và H. C. Adams (người dạy Hamilton). Đến lượt mình, họ lại chịu ảnh hưởng mạnh mẽ do tiếp xúc với trường phái lịch sử Đức. Ảnh hưởng của trường phái lịch sử Đức là cực kỳ mạnh mẽ trong kinh tế học Mỹ những năm 1880 và 18901, và ảnh hưởng này đã nuôi dưỡng sự phát triển thể chế luận.

   Cuối cùng, nhân tố đóng vai trò cực kỳ quan trọng khiến thể chế luận hấp dẫn là việc tuyên bố rằng thể chế luận đại diện cho lý tưởng của khoa học thực nghiệm2. Ảnh hưởng chính tới lĩnh vực này là đóng góp của Wesley Mitchell khi kết hợp các ý tưởng của Veblen liên quan tới tầm quan trọng của các thể chế trong “nền kinh tế tiền tệ”– một nền kinh tế đặc trưng bởi tổng thể các hoạt động mà cần đến các giao dịch trên thị trường, doanh nghiệp tìm kiếm lợi nhuận, các thể chế tiền tệ và ngân hàng đã phát triển, tài chính hợp doanh, và một hệ thống giá cả có tương quan với nhau một cách chặt chẽ và phức tạp – với phương pháp tiếp cận thống kê và định lượng ông đã tiếp thu hồi còn là sinh viên tại Chicago. Những năm đầu trong sự nghiệp của ông, Mitchell đã bắt đầu thực hiện nghiên cứu thực nghiệm về sự tiến hoá và việc định hình chức năng của các thể chế của “nền kinh tế tiền tệ”, bao gồm cả sự phát triển của hệ thống này vượt ra khỏi hệ thống nghĩa vụ lao động gắn với đất đai (manorial system of labor dues) (Mitchell, 1910 [1996]), nhưng năm 1910 ông đã từ bỏ dự án này bởi nó quá lớn và mang nặng tính tự biện; ông chỉ tập trung vào một phần trong đó. Nỗ lực này đã mang lại kết quả là cuốn Business Cycles [Các chu kỳ Kinh doanh] của Mitchell (1913) được công bố, công trình được đón nhận một cách rộng rãi vào thời điểm đó và được coi như là mẫu hình nghiên cứu khoa học cho chuyên ngành kinh tế. Tư tưởng của Mitchell về chu kỳ kinh doanh như là một hiện tượng thoát thai từ các mô thức hành vi được tạo ra bởi các thể chế của nền kinh tế tiền tệ đã phát triển (Mitchell, 1927, tr. 61-188). Trong cương vị Chủ tịch Hiệp hội Kinh tế Mỹ, và trong nhiều bài báo chuyên ngành khác, Mitchell kết nối một cách mạch lạc nghiên cứu định lượng và phương pháp tiếp cận thể chế, ông lập luận rằng các thể chế tạo ra các hiện  tượng có tính lặp lại trong hành vi của đa số mọi người trong các phân tích nghiên cứu định lượng (Mitchell, 1924, 1925). Ý tưởng này không chỉ của Mitchell; nó cũng xuất hiện trong các công trình nghiên cứu của nhiều nhà thể chế luận có khuynh hướng định lượng khác, ví dụ như F. C. Mills, Morris Copeland, và Willard Thorp.    

 Thể chế luận được cho là “mang tính khoa học” hơn kinh tế học chính thống bởi nó thực nghiệm hơn và kế thừa những nghiên cứu mới nhất trong các ngành liên quan khác. Dĩ nhiên, lý tưởng của các nhà thể chế luận về kinh tế học mang tính khoa học không có nghĩa là loại bỏ lý thuyết, mà là phát triển một thứ lý thuyết sao cho gần gũi hơn với thực tế và mở rộng cánh cửa hơn cho những kiểm nghiệm thực nghiệm so với lý thuyết “truyền thống”. Trong cách nhìn của các nhà thể chế luận, bằng chứng thực nghiệm không bị giới hạn bởi các phương pháp thống kê và định lượng, mà nó còn có thể bao gồm nghiên cứu tình huống, bằng chứng dạng văn bản (ví dụ, các bản hiến pháp/điều lệ công đoàn thương mại), các ý kiến của thẩm phán và các quyết định của tòa án. Với tinh thần này, J. M. Clark (1927, trang 221) lập luận:

Kinh tế học phải gần gũi hơn với thực tế và bao quát phạm vi dữ liệu rộng lớn hơn kinh tế học “chính thống” đã thực hiện cho đến nay. Nó phải thiết lập được kết nối với những dữ liệu đó, hoặc bằng cách trở nên có tính quy nạp hơn, hoặc bằng cách kiểm chứng các kết quả, hoặc bằng cách tận dụng các kết quả được công nhận bởi các chuyên gia trong các lĩnh vực khác, đặc biệt là tâm lý học, nhân chủng học, luật học và lịch sử. Vì vậy, toàn bộ trào lưu hiện đại có thể được giải thích như một nhu cầu về một quy trình nghiên cứu thực sự có tính khoa học hơn…

Trong những năm ngay sau khi kết thúc Thế chiến I, chương trình nghị sự của các nhà thể chế luận dường như tràn đầy tiềm năng. Những gì đã được thể hiện ra là một phương pháp tiếp cận kinh tế học khẳng định "tính khoa học" và "hiện đại"; tập trung vào việc nghiên cứu mang tính phê phán cấu trúc thể chế hiện hành; phù hợp với các phương pháp thực nghiệm của các ngành khoa học chính xác; dựa trên nền tảng các nghiên cứu mới nhất trong lĩnh vực tâm lý xã hội, triết học, và luật pháp; và gắn liền với các vấn đề cải cách kinh tế và xã hội quan trọng và cấp bách (Rutherford, 2000b; Yonay, 1998). Điều này đã được đem ra so sánh với kinh tế học tân cổ điển "chính thống", môn khoa học dựa trên nền tảng tâm lý học và các giả định lỗi thời, "phi thực tế" trên nhiều khía cạnh chủ chốt; khó khăn khi áp dụng để giải quyết các vấn đề chính sách trong thế giới thực; và có rất ít kiểm định thực nghiệm.3 Chương trình của các nhà thể chế luận đã thu hút số lượng lớn các nhà kinh tế học trẻ, và đã trở thành một phần quan trọng của kinh tế học Mỹ trong giai đoạn giữa hai cuộc chiến. 

(còn nữa)

Chú thích:

(1) Trong giai đoạn này, có rất nhiều người Mỹ đã hoàn thành một số hoặc toàn bộ công việc nghiên cứu sau đại học của họ ở Đức, bởi chỉ có vài chương trình sau đại học sẵn có ở Mỹ, trong khi các trường đại học Đức có uy tín cao và có thể tiếp cận với sinh viên nước ngoài. Tại Đức, kinh tế học thường là một phần của khoa luật, và có mối quan hệ rất chặt chẽ giữa luật học và kinh tế học. Ảnh hưởng của trường phái lịch sử Đức đã được đưa tới Mỹ bởi những sinh viên này. Họ là những người thành lập Hiệp hội Kinh tế Mỹ năm 1885, và phần lớn hoạt động khoa học.

(2) Các tuyên bố của các nhà thể chế luận về phương pháp "mang tính khoa học" và các tranh luận về việc ứng dụng các phương pháp khoa học tự nhiên cho kinh tế học được thảo luận chi tiết hơn trong những nghiên cứu của Rutherford (1999) và Yonay (1998). Trong giai đoạn giữa hai cuộc chiến, các nhà thể chế luận có xu hướng khẳng định rằng các phương pháp thực nghiệm trong khoa học tự nhiên có thể áp dụng được cho kinh tế học, trong khi các nhà kinh tế tân cổ điển bày tỏ thái độ thận trọng hơn. Có thể thấy điều này trong nhiều bài tiểu luận của Tugwell (1924).

(3) Trong hai thập kỷ đầu của thế kỷ XX, việc đưa ra nội hàm cụ thể của thuật ngữ "kinh tế học chính thống" là công việc không hề dễ dàng. Có sự khác biệt giữa các tác giả lớn ở Mỹ như F. W. Taussig, J. B. Clark, Frank A. Fetter, và H. J. Davenport; và Alfred Marshall chưa có ảnh hưởng nhiều ở Mỹ như những gì ông đã làm được ở Anh. Có vẻ như những gì mà các nhà thể chế luận hàm ý trong thuật ngữ kinh tế học "chính thống" có nghĩa gần nhất với phân tích tĩnh của J. B. Clark, bao gồm lý thuyết thỏa dụng cận biên, lý thuyết năng suất cận biên, lý thuyết xác định giá cả cạnh tranh, và lý thuyết độc quyền thuần khiết; cộng thêm một số nghiên cứu của Irving Fisher về vốn, tiền lãi và tiền tệ.

 

Nguồn: The Journal of Economic Perspectives, Vol. 15, No. 3 (Summer, 2001), ptrang 173-194