Dụ ngôn về cái hang

Dụ ngôn về cái hang

Tags: Văn hóa

Dụ ngôn về cái hang nằm trong tập 7 của “Cộng hòa", tác phẩm nổi tiếng nhất của Plato. Đây là một đoạn đối thoại dài về bản chất của công lý. 

Socrates: Và giờ – tôi nói – để tôi trưng ra một hình ảnh [cho thấy] bản chất của chúng ta là được khai sáng hay không được khai sáng tới đâu: Nhìn kìa! loài người sống trong một cái hang dưới lòng đất, miệng hang mở, hướng về phía ánh sáng và ánh sáng chiếu dọc theo hang; họ đã sống tại đây từ bé, chân cũng như đầu bị xích nên không thể cử động, và chỉ có thể nhìn ra phía trước mặt, vì xích ngăn không cho họ ngoái đầu. Ở trên cao và phía sau họ, phía xa xa, là một ngọn lửa bập bùng, giữa ngọn lửa và các tù nhân có một lối đi nhô lên, và anh sẽ thấy, nếu nhìn kỹ, có một bức tường thấp xây dọc theo lối đi ấy, giống như bức màn mà những người diễn rối vẫn có trước mặt họ, qua đó họ biểu diễn rối cho chúng ta xem.

Glaucon: Tôi thấy.

Socrates: Và anh có thấy – tôi nói – có những người đi dọc theo bức tường, đem theo đủ các loại bình, tượng cũng như hình thú vật làm từ gỗ, đá, và nhiều chất liệu khác, những hình ảnh này hiện ra bên kia bức tường? Một vài người đang trò chuyện, một số khác thì im lặng.

Glaucon: Anh đã cho tôi xem một hình ảnh kỳ lạ, và những tù nhân này cũng kỳ lạ.

Socrates: Giống chúng ta thôi – tôi đáp; và họ chỉ thấy bóng của chính mình, hoặc bóng của nhau, do ánh lửa hắt lên bức tường đối diện của cái hang?

Glaucon: Đúng thế – anh ta nói; làm sao họ có thể thấy cái gì khác ngoài những cái bóng nếu họ không bao giờ được phép quay đầu?

Socrates: Và những vật kia được mang vào theo cung cách để họ chỉ có thể thấy được như những cái bóng?

Glaucon: Đúng vậy – anh ta nói.

Socrates: Và nếu có thể nói chuyện với nhau, họ có tin rằng mình đang đặt tên cho các vật ở trước mặt mình?

Glaucon: Quả thế thật.

Socrates: Và giả định sâu hơn nữa, nếu trong nhà tù này có một âm dội đến từ bên kia bức tường, liệu họ có chắc chắn để không tưởng rằng, khi mấy người ở đằng sau nói chuyện, âm thanh mà họ nghe thấy là đến từ cái bóng đang chuyển động?

Glaucon: Chắc chắn là không rồi – anh ta trả lời.

Socrates: Đối với họ – tôi nói – sự thật, theo nghĩa đen, sẽ không là gì khác ngoài những cái bóng của các hình ảnh.

Glaucon: Đúng thế. 

*

Socrates: Và giờ hãy nhìn lại lần nữa, chứng kiến chuyện gì sẽ tự nhiên diễn ra tiếp nếu các tù nhân được thả và thôi không bị trừng phạt vì những lỗi lầm của mình. Đầu tiên, khi bất cứ ai trong số họ được giải phóng và bất thình lình bị thôi thúc phải đứng lên, ngoái cổ lại, và đi tới, nhìn về phía ánh sáng, anh ta sẽ phải chịu những cơn đau buốt; ánh sáng chói lóa sẽ làm anh ta khốn khổ, và anh ta sẽ không thể thấy thực tại của cái thứ mà hồi còn ở trạng thái cũ, anh đã thấy lúc nhìn những cái bóng; và rồi anh ta tưởng tượng có ai đó đang nói với anh, rằng những gì anh thấy trước đây chỉ là ảo ảnh, nhưng lúc này, khi đến gần hơn với hiện tồn, và mắt anh hướng đến một tồn tại cũng thực hơn, anh đã có một cái nhìn rõ hơn, – câu trả lời của anh ta sẽ là gì?

Và anh (Glaucon) có thể tưởng tượng xa thêm nữa: kẻ hướng dẫn cho người này chỉ vào các vật khi chúng lướt qua và yêu cầu anh ta gọi tên chúng, – Liệu anh ta không bị bối rối chứ? Liệu anh ta có không tưởng tượng rằng những cái bóng mình thấy trước kia là thực hơn những vật đang bày trước mặt bây giờ?

Glaucon: Thật hơn nhiều.

Socrates: Và nếu anh ta bị thôi thúc phải nhìn thẳng vào ánh sáng, liệu mắt của anh ta có bị đau, khiến anh ta phải quay mặt đi để chỉ thâu nhận những vật thuộc ảo tưởng mà mắt anh ta có thể thấy, cái ảo tưởng mà anh sẽ cho rằng thuộc một thực tại còn rõ ràng hơn những thứ người ta đang cho anh xem lúc này?

Glaucon: Đúng, giờ thì anh ta như vậy.

Socrates: Và giả định một lần nữa, rằng anh ta miễn cưỡng lết lên một con đường dốc ngược và gồ ghề, bám chắc cho đến lúc buộc phải diện kiến mặt trời, anh ta sẽ đau chứ? khó chịu chứ? Khi tiếp cận ánh sáng, mắt anh ta sẽ lóa, và anh ta sẽ không thể thấy bất kỳ cái gì mà giờ đây được gọi là thực tại.

Glaucon: Trong một lúc là hoàn toàn không – Glaucon nói.

Socrates: Anh ta đòi hỏi phải quen dần với khung cảnh của thế giới bên trên. Và thoạt tiên anh ta sẽ dễ thấy những cái bóng nhất, kế là hình phản chiếu của con người và những vật khác trong nước, rồi mới đến bản thân các vật; xong anh ta sẽ nhìn chằm chằm vào ánh sáng của mặt trăng, của các vì sao, và thiên đường dát vàng dát bạc, và hẳn anh ta sẽ thấy bầu trời và những vì sao vào buổi đêm dễ hơn là ngắm mặt trời và ánh sáng của mặt trời vào ban ngày?

Glaucon: Chắc chắn rồi.

Socrates: Cuối cùng hết, anh ta sẽ có thể nhìn thấy mặt trời, và không chỉ hình phản chiếu của mình trong nước, mà anh sẽ thấy mình tại một nơi xứng hợp với anh, chứ không phải một nơi nào khác; và anh ta sẽ tự ngẫm về bản thân như anh ta, là anh ta.

Glaucon: Chắc chắn thế.

Socrates: Rồi anh ta bắt đầu tiến tới lập luận rằng chính anh ta đã tạo ra mùa màng và năm tháng, là người bảo hộ của tất cả những thứ thuộc về cái thế giới có thể nhìn thấy đây, và theo cách nào đó, là nguyên nhân của mọi vật mà anh ta và bè bạn của anh ta từng quen nhìn?

Glaucon: Rõ rồi – Glaucon nói – anh ta sẽ thấy mặt trời trước tiên, rồi mới lý sự về bản thân.

Socrates: Và khi nhớ lại nơi ở cũ của mình, và thứ thông thái của cái hang cũng như của các bạn tù, liệu anh (Glaucon) có cho rằng anh ta sẽ tự khen ngợi mình về sự thay đổi này, và thương hại những thứ kia?

Glaucon: Chắc chắn anh ta sẽ thế.

Socrates: Và nếu trong đám họ vẫn có thói quen suy tôn những ai nhanh nhẹn nhất trong việc quan sát những cái bóng lướt qua lại, trong việc bình xem cái bóng nào tới trước, bóng nào theo sau, bóng nào đi cùng nhau, và đó sẽ là người giỏi nhất, có thể rút ra các kết luận về tương lai; Anh (Glaucon) có nghĩ rằng anh ta có còn quan tâm tới các danh hiệu cũng như vinh quang đó, hoặc ghen tị với những ai đang sở hữu chúng? Liệu anh ta có nói theo Homer "Thà làm một đầy tớ nghèo của một ông chủ nghèo" và chịu đựng mọi thứ, còn hơn là suy nghĩ như đám bạn tù nghĩ và sống, theo cung cách họ?

Glaucon: Vâng – Glaucon nói – tôi nghĩ rằng anh ta thà phải chịu đựng bất kỳ chuyện gì còn hơn là nuôi dưỡng những quan niệm sai và sống theo cung cách khốn khổ này.

Nguồn: Dịch từ bản tiếng Anh The Republic: The Complete and Unabridged Jowett Translation, Vintage Classics, 1991, 253 – 261

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 
Dịch giả:
Hoàng Lan