Đọc lại “Bàn về Tự do” của John Stuart Mill (Phần 2)

Đọc lại “Bàn về Tự do” của John Stuart Mill (Phần 2)

Dân chủ

Theo Mill, trong bất kỳ nền dân chủ nào, giáo dục và đào tạo đều giữ vai trò quyết định. Vào thời ông, ông biết rằng quyền phổ thông đầu phiếu sớm muộn cũng trở thành hiện thực. Tất cả vấn đề là ở chỗ chuẩn bị như thế nào cho ngày đó để quyền này được sử dụng một cách thực sự hiệu quả. Khẩu hiệu của ông: “Phổ thông giáo dục phải đi trước phổ thông đầu phiếu!” (universal teaching must precede universal enfranchisement!).

Ông vững tin vào khả năng cải thiện của con người (improvability) và khả năng cải tạo thực tại bằng “lý tính tự chủ”. Đồng thời ông cũng biết rằng con đường “cải thiện và thăng tiến” là lâu dài. Vì thế, ông thấy cần tìm ra các giải pháp lâm thời cho tình hình trước mắt. Ông thấm thía rằng, về mặt giáo dục và dân trí, nhân dân lao động nước ông, xét chung, chưa đủ chín muồi cho nền dân chủ, dù ông luôn ủng hộ yêu sách chính trị của họ. Ông vừa thừa nhận nguyện vọng của họ, vừa lo âu - thậm chí sợ hãi - trước sự “bất cập” của họ. Khác với cái nhìn thiện cảm đối với giới lao động Pháp, ông càng nhìn tầng lớp lao động nước ông (Anh) bằng cặp mắt nghiêm khắc bao nhiêu, ông càng thấy yêu cầu cải cách giáo dục là bức thiết bấy nhiêu!

Ông đặc biệt căm ghét tính chất quý tộc của hiến pháp nước Anh. Ngay khi mới 19 tuổi, năm 1825, trước “Debating Society”, ông đã đọc diễn văn về hiến pháp Anh, xem nó là một “hiến pháp của bọn nhà giàu”: “nước ta là một nước tự do, nhưng là tự do theo kiểu Sparta [thành quốc hiếu chiến của cổ đại Hy Lạp]… Chúng ta là một nước cộng hòa quý tộc, thiếu sự kiểm soát của công luận”. Ông đòi phải tăng cường việc kiểm soát bộ máy hành pháp, bẻ gãy quyền lực của tầng lớp địa chủ quý tộc, nhưng không giới hạn quyền tư hữu, thiết lập chính thể đại diện để mở rộng tiếng nói của “những người đóng thuế”.

Ông nồng nhiệt tán thành quyền bỏ phiếu của phụ nữ và quyền bình đẳng giới (trong “Subjection of Woman”, 1869, mười năm sau quyển “Bàn về Tự do”). Một quyền hạn quá bình thường đối với chúng ta ngày nay, nhưng là vấn đề hết sức gai góc vào thời đại Victoria!

Ông kiên quyết chống chiến tranh và nhà nước chiến tranh kiểu Sparta. Ông là một trong những nhà chống quân phiệt đầu tiên ở nước Anh đương thời.

Chủ nghĩa Xã hội

Đóng góp lớn của các nghiên cứu mới đây là làm sáng tỏ quan hệ giữa Mill và chủ nghĩa xã hội. H. O. Pappé[21] đã chứng minh thuyết phục rằng, khác với “huyền thoại” lưu hành lâu nay, Mill quan tâm đến “chủ nghĩa xã hội” không phải nhờ thông qua người bạn chiến đấu và người bạn đời của ông là bà Harriet Taylor. Ông cũng đến với “chủ nghĩa xã hội” không phải do tiếp cận với tư tưởng của K. Marx dù hai ông cùng sống và làm việc một nơi (London) suốt hai mươi năm trời! Hình như hai ông không biết nhau, vì không tìm thấy ghi chú nào về Marx trong toàn bộ tác phẩm của Mill.

Như đã nói, Mill không phải là nhà “cá nhân chủ nghĩa” theo kiểu chủ nghĩa tự do “Laissez-faire” hay thuyết công lợi kiểu Bentham. Khái niệm tự do bao trùm tư tưởng của ông - cũng như quan niệm của ông về công lợi, giáo dục, dân chủ… - đều hướng đến xã hội. Vì thế, không ngạc nhiên khi ta đọc thấy trong lá thư vào tháng 11.1848, Mill bảo “chủ nghĩa xã hội là hòn đá tảng quan trọng nhất để cải thiện tình cảnh hiện nay của nhân loại”[22]. Các quan niệm cơ bản của ông về chủ nghĩa xã hội đã được hình thành trước cả cuộc cách mạng 1848 và trước ngày ra đời “Tuyên Ngôn của Đảng cộng sản”. Ta có thể tìm thấy chúng trong chương “Về tương lai của giai cấp công nhân” trong quyển “Các nguyên tắc của kinh tế chính trị học” của ông. Ở đó, ông tán thành:

  • Việc thừa nhận yêu sách của giai cấp công nhân có quyền bình đẳng trong lãnh vực chính trị và – như là điều kiện tiên quyết – tham gia tích cực vào sinh hoạt giáo dục và đào tạo của đất nước.
  • Quyền tự do liên kết của giai cấp công nhân, tức ủng hộ việc thành lập các hợp tác xã, các tổ chức công nhân và công đoàn.
  • Tham gia vào việc quản trị xí nghiệp bằng cách hữu sản hóa tư liệu sản xuất và tạo nên một “quỹ chung” (common fund).
  • Hợp lý hóa tiến trình sản xuất, giảm thiểu gánh nặng lao động của mọi người tham gia sản xuất.
  • Gia tăng tài sản và sự giàu có không chỉ cho một số ít người mà cho “toàn thể” mọi người lao động.
  • Bẻ gãy ưu quyền chính trị và kinh tế của tầng lớp địa chủ quý tộc.

Với Mill, chủ nghĩa xã hội không phải là mục tiêu gần của một sự đảo lộn xã hội, mà là một viễn tượng lâu dài hướng đến tương lai. Chịu ảnh hưởng của John Owen, ông chủ trương phải từng bước thử nghiệm “chủ nghĩa xã hội” ở các đơn vị nhỏ, có thể theo dõi được (“communities”) trên cơ sở tự nguyện. Ông chủ trương duy trì quyền tư hữu, cải thiện nó và tạo điều kiện cho công nhân lao động tham gia và lớn lên trong tiến trình tích lũy tư bản. Với ông, chủ nghĩa xã hội là một đối tượng của nghiên cứu khoa học đầy thận trọng và với tinh thần phê phán, đồng thời là tiến trình thử nghiệm trong thực tiễn. Nó không phải nhất thành bất biến như một kết quả của khoa học, trái lại phải tự chứng minh sự đúng đắn thông qua tiến trình song đôi đó. Thuyết tất định về kinh tế hay lịch sử không có mặt trong thế giới quan của ông.

Đối với khái niệm về “cách mạng”, Mill cũng có một quan niệm tiêu biểu “kiểu Anh”. Ông cho rằng các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội có thể được giải quyết từng bước bằng con đường hòa bình. Ông xem trọng sự đổi mới về tư duy và luân lý như là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển của một “chủ nghĩa xã hội hòa bình”. Ông không gọi sự “đổi mới” ấy là “cách mạng” mà là “sự đảo lộn”. Trong thư gửi cho bí thư của “Liên hiệp công nhân quốc tế” hạt Nettingham, ông viết: “dùng chữ “cách mạng” để chỉ bất kỳ nguyên tắc hay quan điểm nào đều là trái với “kiểu Anh”. Cách mạng (Revolution) chỉ là sự thay đổi chính quyền bằng bạo lực, dù do nhân dân khởi nghĩa hay bằng đảo chính quân sự”.

Chủ nghĩa đế quốc

Sau tất cả những gì đã trình bày, không có gì đáng ngạc nhiên khi Mill là một nhà tư tưởng kiên quyết chống chủ nghĩa đế quốc. Điều này xuất phát từ lập trường nguyên tắc của ông: không có dân tộc nào có quyền thống trị lâu dài một dân tộc khác; trái lại, mỗi dân tộc có quyền và có bổn phận tự cai trị chính mình. Tuy nhiên, sự “tự cai trị” (selfgovernment) ấy, một lần nữa, chỉ thực hiện được một cách hiệu quả là khi những người cai trị phải là những “educated people” (những người có học vấn). Ông cho rằng “sứ mệnh của nước Anh” phải là người mở đường cho “tự do, dân chủ và tự-cai trị”. Về lâu dài, theo ông, “đế quốc Anh” muốn còn có lý do tồn tại phải trở thành “Cộng đồng thịnh vượng chung” của các quốc gia độc lập, hợp tác hữu nghị và hòa bình. Với tư tưởng viễn kiến ấy, ông có ảnh hưởng và tác động lớn về tinh thần trong tiến trình giải thực đối với chủ nghĩa thực dân Anh. Manfred Schlenke, trong Lời bạt cho bản dịch “Bàn về Tự do” sang tiếng Đức, nhận xét:“Trong lịch sử của tư tưởng tự do, Mill giữ một vị trí đặc biệt. Ông đã nhìn thấy trước rằng chủ nghĩa tự do sẽ tự đào huyệt chôn mình, nếu nó – gắn chặt với lý tưởng tư sản – cứ mãi là tên lính xung kích cho những lợi quyền tư bản chủ nghĩa. Theo Mill, chỉ bằng cách hội nhập với giai cấp công nhân và những quyền lợi của họ, chủ nghĩa tự do mới có cơ may trở thành một quan niệm chính trị mà mọi người có thể chấp nhận được và mở đường tiến bộ cho nhân loại”

Tóm lại, đọc Mill, ta có dịp hiểu thêm về cách đặt vấn đề lẫn những chỗ mạnh, chỗ yếu vốn gắn liền với lập trường duy nghiệm và duy tự nhiên (naturalistic) trong triết học nói chung, đồng thời nhận ra các biến thái và khả năng tự điều chỉnh của “chủ nghĩa tự do” - dẫn đến các thay đổi sâu sắc trong xã hội Tây phương mấy mươi năm qua - để tự rút ra những bài học bổ ích cho chính mình.

Chú thích:

(21) H. O. Pappé: J.S.Mill and the Harriet Taylor Myth, London 1960.

(22) Dẫn theo Manfred Schlenke, Lời Bạt cho bản tiếng Đức: “Bàn về Tự do”, Stuttgart, 1988, tr. 176.

Nguồn: Bùi Văn Nam Sơn. Đọc lại “Bàn về tự do”