[Tinh thần dân chủ] Chương 15: Thầy thuốc, hãy tự chữa bệnh (Phần 5)

[Tinh thần dân chủ] Chương 15: Thầy thuốc, hãy tự chữa bệnh (Phần 5)

NGĂN CHẶN QUYỀN LỰC VÀ BẢO VỆ TỰ DO

Tiền không phải là lĩnh vực duy nhất làm cho các nền dân chủ đã ổn định bị loạng choạng, trách nhiệm giải trình phải lan ra ngoài những vấn đề căn bản là tham nhũng và ảnh hưởng. Ở Hoa Kỳ, nơi cần minh bạch và trách nhiệm giải trình chính trị cao nhất chính là nhánh hành pháp và đặc biệt là văn phòng tổng thống. Trong thời Bush, người ta sử dụng luận cứ “đặc quyền của hành pháp” để ngăn chặn các trợ lí của tổng thống hay các quan chức của nội các ra làm chứng trước quốc hội khi thành tích hay hành vi của những người này bị soi mói hay bị điều tra. Đòi hỏi về đặc quyền của hành pháp có thể phù hợp với cách giải thích hạn hẹp vá cứng nhắc về chia tách quyền lực của hiến pháp, nhưng lại vi phạm những nguyên tắc pháp quyền của chế độ dân chủ và diễn ngôn chính trị cũng như xã hội dân sự.

Khi hành pháp lấn át các nhánh quyền lực khác và tập trung quá nhiều quyền lực vào tay mình thì chế độ dân chủ không thể được coi là mạnh mẽ. Xu hướng dẫn tới cái mà Gerhard Casper gọi – sử dụng ngôn từ của Max Weber – là “caesarism”, trong đó hành pháp coi thường quốc hội, viện cớ “tình trạng khẩn cấp” để phá vỡ luật lệ và quy trình, làm lu mờ những nguồn gốc độc lập khác của quyền lực của chính phủ và coi khinh “những đầu óc độc lập khác về chính trị” đã và đang là vấn đề tái diễn trong nền dân chủ Mỹ.1 Trên thực tế, đấy là vấn đề nội tại của chế độ tổng thống nói chung.2 Nhưng ở Hoa Kỳ, sau ngày 11 tháng 9 năm 2001, nó đã trở thành vấn đề đặc biệt, đấy là khi chính quyền Bush sử dụng “cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu” để biện hộ cho những đòi hỏi quyền lực không bị xem xét lại nhằm cầm giữ vĩnh viễn những người không phải công dân bị nghi là chiến binh, nhằm bắt giữ các công dân bị nghi là chiến binh, [và bố ráp] hàng trăm người ngoại quốc vì bị kết tội nhập cư, giam giữ họ trong những khu vực cách ly và xử họ trong phòng kín, thực chất là bí mật, trong khi quốc hội yếu đuối ủng hộ những biện pháp như thế.3

Đồng thời, chính quyền còn vi phạm các quyền tự do dân sự của người Mỹ bằng cách theo dõi, mà không cần giấy phép, thông tin liên lạc quốc tế của các công dân, vượt quá khuôn khổ của Luật Giám sát Tình báo Nước ngoài (FISA), tuyên bố quyền bao quát và cố hữu của tổng thống trong việc bảo vệ Hoa Kỳ, loại bỏ hầu như tất cả các hạn chế. Đấy đúng là “ceasarism”. Và tháng 8 năm 2007, khi quốc hội thông qua luật cho chính quyền theo dõi thì quốc hội đã làm một cách quá vội vàng, hầu như không có thảo luận và kiểm tra kĩ lưỡng dự luật.

Muốn làm mới nền dân chủ Mỹ thì phải khẳng định dứt khoát hơn nữa quyền lực của lập pháp và tư pháp, như các nhánh bình quyền của chính phủ, nhằm bảo vệ những nguyên tắc căn bản của hiến pháp. May là, các toà án đã bắt đầu làm việc này. Năm 2006, trong vụ Hamdan v. Runsfeld, Tòa án Tối cao đã phán quyết rằng kế hoạch của chính quyền Bush nhằm lập ra các tòa án quân sự để xử những người bị nghi là khủng bố, đang bị giam giữ, vi phạm cả Luật về Công lý Quân sự (Uniform Code of Military Justice) lẫn Công ước Geneva. Cũng năm đó, Tòa án Địa phương Liên bang (United States District Court) cho rằng chương trình theo dõi không cần giấy phép của Cơ quan An ninh Quốc gia (National Security Agency) là phi pháp và vi hiến. Tuy nhiên, Tòa thượng thẩm sau đó đã đảo ngược quyết định này, viện cớ rằng nguyên đơn chưa đủ tư cách pháp lí.4 Hàng trăm người ngoại quốc tiếp tục bị giam giữ vô thời hạn tại căn
cứ hải quân Hoa Kỳ ở vịnh Guantánamo, nơi họ bị (chí ít là trong mấy năm đầu tiên) áp dụng những kĩ thuật bị coi là tra tấn. Ngược đãi người ngoại quốc bị giam ở Mỹ làm tổn thương nghiêm trọng vị thế của Hoa Kỳ trên thế giới và làm suy giảm khả năng thúc đẩy dân chủ của nước này.5

Freedom House nhận xét một cách hùng hồn trong một công trình nghiên cứu mới về tự do ở Hoa Kỳ rằng, mặc dù chế độ tự do ở Mỹ vẫn khá là tự do, đa nguyên và có sức bật trong nhiều khía cạnh, nhưng nó cần phải giải quyết những bất bình đẳng đã tồn tại từ lâu, cũng như những bất bình đẳng mới xuất hiện. Trong đó có bất bình đẳng dai dẳng về sắc tộc, những nhà tù chật chội và hiện tượng ngược đãi tù nhân, kết quả của việc gia tăng gấp năm lần số người bị tống giam trong một phần tư thế kỉ qua. “Hầu như mọi người đều choáng váng khi thống kê nói rằng, trong suốt cuộc đời, cứ ba người da đen thì có một người có khả năng bị vào tù – xác suất cao gấp sáu lần so với người da trắng.”6

Đệ tứ quyền phải đóng vai trò lịch sử của nó một cách hiệu quả hơn nữa trong việc soi xét và ngăn chặn hành động của hành pháp. Không thể làm được chuyện này nếu hàng tháng trời không có sự trao đổi giữa tổng thống và các phương tiện truyền thông đại chúng, như đã thường xuyên xảy ra dưới thời Bush. Pietro Nivola và William Galston ở Viện Brooking (Brooking Institute) kêu gọi tổng thống tổ chức họp báo thường xuyên hơn, mục tiêu là hai cuộc họp báo một tháng và tất cả các phương tiện truyền thông có môn bài đều phải
truyền trực tiếp những cuộc họp báo này, cũng như phát sóng dịch vụ công cộng nhiều hơn nữa.7

Chú thích: 

1. Gerhard Casper, “Caesarism in Democratic Politics: Reflections on Max Weber”, Robert G. Wesson Lecture, Freeman Spogli Institute for International Studies, Stanford Unlversity, March 13,2007, http://ils-db.stanford.edu/evnts/4803/Caesarism_in_Democratic_Potics-FSI.pdf.
2. Trình bày mang tính kinh điển trong Juan J. Linz, “Presidential or Parliamentary Democracy? Does It Make a Difference?” In Juan J. Linz and Arturo Valenzuela, eds., The Failure of Presidential Democracy: Comparative Perspectives (Baltimore; Johns Hopkins University Press, 1994), pp.3-87.
3. Casper, “Caesarism”, p. 18.

4. Tôi là một trong những nguyên đơn trong vụ kiện chống lại chương trình theo dõi, đơn này do American Civil Liberlies Union lập.
5. Xin đọc phần Dẫn nhập và Chương 3, “Civil Liberties”, trong Freedom House, Today’s American: How Free (New York, Freedom House, sắp xuất bản).

6. Ibid., overview, p. 7 of manucript.
7. Nivola and Galston, “Toward Depolarization”, pp. 256, 281-82.

Nguồn: Larry Diamond (2008). Tinh Thần Dân Chủ. Phạm Nguyên Trường dịch. Nguyên tác: The Spirit of Democracy (2008)

Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường