![[Tinh thần dân chủ] Lời cảm tạ](http://thitruongtudo.vn/upload/01_bai_viet/k22071_18.1_(1).jpg)
[Tinh thần dân chủ] Lời cảm tạ
LỜI CẢM TẠ
Cuốn sách này chắt lọc kiến thức và hiểu biết sâu xa mà tôi thu lượm được trong suốt ba mươi năm nghiên cứu quá trình phát triển của dân chủ so sánh. Để hoàn thành tác phẩm này, tôi chịu ơn nhiều người mà tôi không thể nói hết ở đây. Tôi xin được bắt đầu bằng cách thể hiện lòng biết ơn đối với các thiết chế đã giúp tôi tiến hành công việc nghiên cứu về dân chủ. Trong hai mươi hai năm qua, Viện Hoover (Hoover Institution) đã là nơi hoạt động nghề nghiệp và tri thức của tôi, đã giành cho tôi sự tự do và trợ giúp trong quá trình nghiên cứu dân chủ trên bình diện toàn cầu. Tôi xin thể hiện ở đây là biết ơn sâu sắc đối với viện Hoover và giám đốc của Viện trong phần lớn giai đoạn này, John Raislain, vì đã dành cho tôi cơ hội có một không hai này. Trong năm năm vừa qua, tôi còn nhận được sự hỗ trợ và khuyến khích về mặt tinh thần từ Trung tâm nghiên cứu Dân chủ, Phát triển và Pháp quyền của đại học Stanford (Stanford’s new Center on Democracy, Development, and the Rule of Law - CDDRL), đây là nơi tôi phối hợp chương trình nghiên cứu dân chủ. Tôi xin cám ơn đương và cựu giám đốc của Trung tâm, Giáo sư Michael McFaul và Giáo sư Stephen Krasner, và Quĩ Hewlett (Hewlett Foundation), sự giúp đỡ của Quĩ đã tạo điều kiện cho chúng tôi thành lập Trung tâm. Tôi cũng xin cám ơn Colt D. (“Chip”) Blacker, giám đốc viện Spogli (Stanford’s Freeman Spogli Institute) vì Trung tâm nghiên cứu quốc tế (mà CDDRL là thành viên) và hiệu trưởng đại học Stanford (Stanford University), John Etchemendy, vì sự trợ giúp mà những nơi này đã cung cấp cho Trung tâm và công việc của cá nhân tôi.
Trên hết, tôi mắc nợ National Endowment for Democracy (NED) vì đã giúp tôi liên hệ giữa lí thuyết với thực tiễn dân chủ, và đã giúp tôi làm quen với nhiều người, truyền cảm hứng cho tôi và những tổ chức đang đấu tranh cho dân chủ và tự do trên toàn thế giới. Gần hai mươi năm kết hợp với NED đã giúp tôi hiểu rõ khả năng của con người trong việc thay đổi dân chủ và vai trò của chiến lược, tổ chức, sáng kiến và lòng dũng cảm khi đối mặt với rủi ro có thể làm người ta nản chí. Nhờ quá trình tham gia của tôi vào các cuộc hội nghị quốc tế của NED, tổng biên tập Tạp chí Dân chủ (Journal of Democracy) của tổ chức này và đồng chủ tịch trong 15 năm qua trong Diễn đàn Quốc tế cho Nghiên cứu dân chủ mà tôi đã biết nhiều nhà hoạt động, những người vốn là hiện thân của tinh thần dân chủ và đang hoạt động, thường là bất chấp những khó khăn, nhằm xây dựng xã hội dân chủ. Tôi xin đặc biệt cám ơn chủ tịch của NED, Carl Gershman, và phó chủ tịch, Marc F. Plattner, đồng tổng biên tập Tạp chí Dân chủ, đồng chủ tịch Diễn đàn và là đối tác tinh thần quan trọng nhất của tôi trong các công trình nghiên cứu về dân chủ. Tôi cũng xin được cám ơn các nhân viên cao cấp của NED, những người đã hào phóng chia sẻ thời gian và kiến thức của họ với tôi, đặc biệt là Sally Blair, Nadia Diuk, Barbara Haig, Miriam Kornblith, Laith Kubba, David Lowe, Dave Peterson, và Abdulwahab Alkebsi (hiện đang làm cho Trung tâm nghiên cứu kinh doanh quốc tế), cũng như các vị chủ tịch trong ba Viện nghiên cứu nòng cốt của gia đình NED, Kenneth Wallack của Viện Dân chủ Quốc gia, Lome Craner của Viện Cộng hòa, và John Sullivan của Trung tâm nghiên cứu kinh doanh quốc tế. Tôi cũng xin cám ơn – cũng như bất kì độc giả nào khác – tổ chức Freedom House vì công trình đánh giá mức độ tự do của các quốc gia trên thế giới và xin đặc biệt cám ơn phó chủ tịch phụ trách nghiên cứu, Arch Puddington.
Một số đồng nghiệp đã hào phóng chia sẻ với tôi các số liệu và tài liệu chưa được công bố từ các dự án nghiên cứu dư luận xã hội về dân chủ. Tôi rất muốn cám ơn Michael Bratton và Carolyn Logan từ nhóm nghiên cứu Afrobarometer, Marta Lagos từ nhóm Latinobarometer, Mark Tessler và Amaney Jamal từ Arab Barometer, và nhiều cộng tác viên của tôi từ Asian Barometer, đặc biệt là Yun-
han Chu, Doh Chull Shin, Andrew Nathan, và Robert Albritton. Tôi cũng muốn cám ơn những người đã hào phóng tạo điều kiện cho tôi phỏng vấn, thường là kéo dài trong nhiều giờ. Nhiều người muốn được ẩn danh vì hoàn cảnh dễ bị tổn thương của họ ở trong nước, nhưng tôi rất muốn được cảm ơn Alejandro Toledo, Saad Eddin Ibrahim, và Akbar Ganji.
Ở đại học Standford tôi có may mắn gặp nhiều sinh viên tài năng và tận tụy, đã giúp đỡ tôi nghiên cứu. Tôi xin cảm tạ và xin cảm ơn những sinh viên sau đây: Kevin Hsu (phần Dẫn nhập và Chương 1), Robert Fuentes (Chương 8), Sebastian Burduja (Chương 9), Matthew Platkin và Chan-hong Yiu (Chương 10), Michael Wilkerson (Chương 11 và 14), và Omar Shakir (Chương 12). Tôi đặc biệt tôn trọng và đánh giá cao sự ủng hộ tuyệt vời của hai sinh viên sáng giá của đại học Standford, Alexander Benard (Chương 5 và 6) và Ben Joseloff (Chương 15). Tôi cũng xin cám ơn những sinh viên sau đây, những người đã giúp đỡ tôi nghiên cứu những cố gắng của dân chủ nhằm lợi dụng và những cố gắng của độc tài nhằm đàn áp cái mà trong tác phẩm này tôi gọi là “công nghệ tự do hóa”: Galen Panger, Tucker Herbert, Ryan Delaney, Daniel Holleb, Sampath Jinadasa, và Aaron Qayumi. Tôi xin cảm ơn Galen Panger cũng như Mark Lieber, những người đã giúp tôi nhận thức được sức mạnh khác thường và tiềm năng chính trị của công nghệ thông tin dựa trên Internet khi tôi mới có nhận thức mù mờ về YouTube và chưa từng nghe nói tới Facebook.
Hai người thày giá trị nhất của tôi, Alex Inkeles và Juan J. Linz, đã đọc phần lớn bản thảo và đã đưa ra nhiều nhận xét và gợi ý hữu ích. Tôi cũng xin cảm ơn những người đã đọc và đã nhận xét từng chương và/hoặc sự động viên và khuyến khích đối với tác phẩm này: Abdulwahab Alkebsi, Edward Aspinall, Jamal Benomar, Surnit Ganguly, Carl Gershman, Bruce Gilley, Emmanuel Gyimah-Boadi, Jonathan Hartlyn, Charles Kenney, Miriam Kornblith, Nicholai Lidow, Cynthia McClintock, Andrew Mwenda, Marc F. Plattner, Rob Raznick, Henry Rowen, Emad El-Din Shahin, John Sullivan, và nhiều đồng nghiệp của tôi ở Stanford CDDRL, đặc biệt là Michael Mcfaul, Gerhard Casper, Laura Cosovanu, Thomas Heller, Erik Jensen, Terry Karl, Stephen Krasner, Helen Stacey, và Kathryn Stoner-Weiss. Xin cảm ơn chị tôi, Linda Raznick, một biên tập viên tài năng, vì sự thông cảm và ủng hộ về nội dung và thiết kế. Cũng như với tác phẩm trước của tôi, Squandered Victory, trợ lí của tôi ở Viện Hoover, Alice Carter, một lần nữa lại cộng tác với tôi khi tôi chấp bút tác phẩm này và đã nhanh chóng giúp tôi nhận thông tin và các ấn phẩm – bao giờ cũng nhanh chóng và vui vẻ. Tôi đặc biệt gặp may vì đã nhận được sự giúp đỡ thông minh và tận tụy của bà trong suốt dự án này.
Tôi xin đặc biệt cám ơn biên tập viên ở nhà xuất bản Times Books, Robin Dennis, vì những cố gắng mang tính chuyên nghiệp và sáng tạo của bà trong việc chắt lọc, tái tổ chức và chỉnh sửa bản thảo quá dài và một lần nữa, xin cảm ơn tổng biên tập ở Times Books vì sự giúp đỡ hào phóng và những lời chỉ bảo thông thái của ông về nhan đề, cơ cấu và quan niệm tổng thể về tác phẩm. Tôi cũng xin cảm ơn cả hai người về tính kiên nhẫn và lòng độ lượng của họ khi chương trình giảng dạy và những trách nhiệm cá nhân khác đã làm cho việc gửi các chương bị chậm trễ. Tôi xin cảm ơn Scott Mendel, người đầu tiên đề nghị tôi đưa bài báo “Dân chủ phổ quát” (in trên tạp chí Policy Review tháng 6 năm 2003) vào tác phẩm này. Đáng lẽ tôi đã hoàn thành tác phẩm này trước đó hai hay ba năm nếu tôi không nhận được cú điện thoại vào mùa thu năm đó, đề nghị tôi đi Iraq để góp ý về chuyển tiếp chính trị trong giai đoạn Mỹ chiếm đóng, bà cuối cùng đã đưa tôi đến cuộc thảo luận quan trọng về vụ thất bại này. Vì câu chuyện về dân chủ trên bình diện toàn cầu hiện đã khác và không có nhiều hứa hẹn như năm 2003, tôi tin rằng việc chậm trễ đã tạo ra một bản báo cáo chính xác hơn và tốt hơn về viễn cảnh dân chủ toàn cầu.
Cuối cùng, tôi cảm thấy buồn khi phải thông báo về sự ra đi vĩnh viễn của hai người, những người muốn đọc và giúp tôi ca tụng tác phẩm này. Đấy là Seymour Martin Lipset – một người thày, người bạn và đồng tác giả với tôi, và là người có ảnh hưởng nhất về mặt trí tuệ đối với tôi – đã mất ngày 31 tháng 12 năm 2006, sau một thời gian bị bệnh kéo dài. Ông, hơn bất kì ai khác đã giúp tôi có nhận thức đúng đắn về ảnh hưởng mang tính chuyển hóa của quá trình phát triển kinh tế–xã hội đối với dân chủ và vai trò của nền văn hóa đa nguyên, khoan dung và ôn hòa trong việc làm cho chế độ dân chủ trở thành khả thi. Khi tôi đang chuẩn bị hoàn thành cuốn sách vào đầu tháng 8 thì người bạn thân là Beverly Canali chết sau một cơn bạo bệnh. Tình bạn đặc biệt của chúng tôi kéo dài suốt 37 năm, Bev là một trong những nguồn động viên chính của tôi và là một trong những độc giả nhiệt thành nhất của tôi. Là một người dân chủ nhiệt thành và một công dân tận tụy, chị chia sẻ sự quan tâm tha thiết của tôi đối với nền chính trị Mỹ và sự lo lắng của tôi trước những dấu hiệu của sự suy thoái của nó. Tôi đặc biệt lấy làm tiếc là chị đã không kịp đọc chương cuối cùng của cuốn sách này, chương nói về không chỉ sự thất vọng mà còn nói về hi vọng và trên hết là niềm tin của chúng tôi vào chế độ dân chủ Mỹ.
VỀ TÁC GIẢ
Larry Diamond là cộng tác viên cao cấp của Viện Hoover (Hoover Institution) ở Trường đại học Stanford (Stanford University). Ở Stanford, ông là Giáo sư chính trị học, xã hội học và điều phối chương trình của Trung tâm Dân chủ, Phát triển và Pháp quyền. Ông còn là đồng chủ tịch Diễn đàn quốc tế cho những công trình nghiên cứu dân chủ của Quỹ quốc gia Hỗ trợ Dân chủ (National Endowment for Democracy).
Diamond giảng dạy và nghiên cứu ở 25 quốc gia trong vòng 30 năm qua. Ông đã và đang là cố vấn cho cơ quan Phát triển Quốc tế của Hoa Kỳ (U.S. Agency for International Development - USAID). Ông là cố vấn cao cấp cho Chính phủ lâm thời ở Baghdad từ tháng 1 đến 4 năm 2004.
Diamond là tác giả của bốn cuốn sách, gần đây nhất là cuốn Squandered Victory: The American Occupation and the Bungled Effort to Bring Democracy to Iraq (tạm dịch: Chiến thắng bị lãng phí: sự chiếm đóng của Mỹ và cố gắng vụng về nhằm đưa dân chủ tới Iraq). Ông đã biên tập tới hơn hai chục tác phẩm, trong đó có loạt tác phẩm nhan đề Democracy in Developing Countreis (Dân chủ trong các nước đang phát triển), cùng với Juan Linz và Seymour Martin Lipset. Ông là đồng sáng lập tạp chí Journal of Democracy.
Hiện ông sống tại Stanford, California.
Nguồn: Larry Diamond (2008). Tinh Thần Dân Chủ. Phạm Nguyên Trường dịch. Nguyên tác: The Spirit of Democracy (2008)