[Kinh tế học cấm đoán] Chương 6: Bãi bỏ những biện pháp cấm đoán (Phần 1)

[Kinh tế học cấm đoán] Chương 6: Bãi bỏ những biện pháp cấm đoán (Phần 1)

Như vậy, dường như chắc chắn là Tu chính án XVIII sẽ không thể bị bãi bỏ, dù là toàn bộ hay một phần.
                                                                                              - Irving Fisher, Prohibition Still at Its Worst

 

Sự chắc chắn mà Irving Fisher nói về việc bãi bỏ những biện pháp cấm rượu cũng đúng khi nói về 75 năm cấm đoán các chất ma túy. Bãi bỏ những biện pháp cấm đoán không chỉ được coi là một lựa chọn khả thi sau khi tất cả những biện pháp khác đã thất bại. Bãi bỏ và hợp pháp hoá đang được người ta xem xét trở lại, nhưng còn lâu những biện pháp này mới đại diện cho quan điểm của đa số người dân1.

Bãi bỏ cấm đoán là một đề nghị triệt để chỉ theo nghĩa nó đi vào gốc rễ của vấn đề. “Vấn đề” trong trường hợp này là cấm đoán không thể giải quyết được vấn nạn sử dụng ma túy và những kết quả tiêu cực mà cấm đoán tạo ra. Nó không phải là triệt để theo nghĩa là biện pháp này chưa bao giờ được thử nghiệm, bất bình thường về nội dung hoặc kết quả, hoặc nó sẽ là một hình thức nào đó của chủ nghĩa cộng sản. Những biện pháp cấm rượu và thuốc lá đã bị bãi bỏ và ở những nước khác, những biện pháp cấm đoán tương tự cũng vậy. Trên thực tế, cuối cùng việc bãi bỏ những biện pháp cấm đoán hiện nay là hoàn toàn có khả năng xảy ra; câu hỏi thú vị và quan trọng là, cái gì sẽ thay thế cho những biện pháp cấm đoán đó?

Một loạt chính sách khác nhau đã được đề xuất nhằm thế cho cấm đoán. Hầu hết các đề xuất đều bao gồm sự kết hợp giữa kiểm soát của chính phủ và kiểm soát của thị trường. Một kịch bản nhiều khả năng xảy ra là sau khi bãi bỏ những biện pháp cấm đoán (đầu tiên là cần sa, sau đó mới đến ma túy), các sản phẩm sẽ bị kiểm soát bằng những biện pháp can thiệp hiện hành. Ví dụ, ma túy sẽ trở thành loại thuốc “chỉ bán theo đơn, còn cần sa thì sẽ được điều tiết và phải đóng thuế, tương tự như rượu và thuốc lá. Đây sẽ là lựa chọn đơn giản và khả thi về mặt chính trị.

Trong khi giải pháp này khả thi về mặt chính trị và thích hợp với những điều kiện hiện nay thì nó lại có hai khiếm khuyết nghiêm trọng. Thứ nhất, người ta đã phát hiện ra rằng những biện pháp can thiệp đối với những sản phẩm do thiểu số cử tri sử dụng thường không ổn định về chính trị. Sự mất ổn định này một phần là do khiếm khuyết thứ hai của chủ nghĩa can thiệp: chúng không có khả năng sửa chữa những vấn đề thực sự của xã hội và có xu hướng tạo ra những vấn đề mới.

Dựa trên kết quả công trình nghiên cứu của tôi, hợp pháp hóa là lựa chọn được coi là cuối cùng, nhưng có nhiều khả năng thành công nhất. Phi hình sự hóa (hạ bớt mức độ nghiêm khắc của hình luật hay điều tiết hoạt động hoặc sản phẩm) như là biện pháp thay thế cho cấm đoán được ưa thích chủ yếu vì nó là cơ chế chuyển tiếp thích hợp về chính trị sang hợp pháp hóa (làm cho hoạt động trở thành hợp pháp và trở thành đối tượng của những hạn chế pháp lí và thị trường bình thường). Như W. H. Hutt (1971) gợi ý, người phân tích chính sách phải coi khả năng tồn tại được về mặt chính trị là vấn đề cuối cùng cần phải xem xét, nếu cần phải xem xét vấn đề này.

Nhiều công trình nghiên cứu ban đầu về cấm đoán có thiên vị và thiếu sót. Chiều sâu của phân tích kinh tế và phương pháp được áp dụng là không phù hợp với nhiệm vụ nghiên cứu những biện pháp cấm đoán và thị trường chợ đen. Những người tiên phong trong việc nghiên cứu những biện pháp cấm đoán chẳng tiến được nhiều trên con đường tạo lập lí thuyết kinh tế về cấm đoán.

Phương pháp tiếp cận theo lối thị trường đối với quá trình can thiệp của chính phủ mang đến một khuôn khổ chung trong phân tích mà khi áp dụng vào phân tích cấm đoán thì sẽ mang lại những hiểu biết lí thuyết thấu triệt. Đóng góp từ kinh tế học, sử học, xã hội học, tội phạm học sẽ hỗ trợ cho quan điểm theo lối thị trường này.

Lịch sử cho thấy rằng cấm đoán đã được hình thành trên cơ sở tìm kiếm lợi nhuận độc quyền. Mục đích ban đầu của các nhà cải cách ôn hòa là lợi ích của xã hội, nhưng những nhà cải cách này lại quay sang với những giải pháp chính trị và thái độ ôn hòa tiến triển thành phong trào chính trị. Người ta đã chỉ ra rằng áp dụng các biện pháp cấm đoán là mục tiêu của liên minh các chính trị gia và quan chức, những nhóm chuyên môn và tôn giáo tìm kiếm lợi nhuận đặc quyền và những người có định kiến với những nhóm thiểu số và người nhập cư, ví dụ như người Mexico và người da đen.

Kết quả đầu tiên thu được từ phương pháp tiếp cận theo lối thị trường là nhận thức về quá trình khám phá chưa được khám phá. Các nhà hoạch định chính sách áp dụng chính sách cấm đoán một phần vì họ (và các cử tri của họ) không công nhận rằng thị trường có khả năng sửa chữa những khiếm khuyết. Thị trường không thể sửa chữa một cách hoàn hảo hoặc ngay lập tức (như các mô hình cạnh tranh hoàn hảo vẫn cho thấy), cấm đoán cũng vậy. Những người ủng hộ việc uống rượu một cách chừng mực mất kiên nhẫn, vì vậy mà họ phải sử dụng giải pháp chính trị và cuối cùng là chuyển sang những biện pháp cấm đoán.

Quá trình khám phá không thể lặp lại (bộ máy quan liêu) đóng một vai trò trong cả việc áp dụng các biện pháp cấm đoán lẫn sự bất lực, không thu được kết quả mong muốn. Bản chất quan liêu của chính phủ không phù hợp với thử nghiệm, cách tân và tinh thần kinh doanh có thể dẫn tới thành công. Bộ máy quan liêu không có cơ chế khách quan và rõ ràng để có thể nhận ra những giải pháp hiệu quả. Trong bộ máy quan liêu, đổi mới và đánh giá còn bị cản trở bởi nhu cầu thiết lập những luật lệ và chính sách cho toàn bộ hệ thống.

Bộ máy quan liêu còn ngăn chặn, không cho thị trường đưa ra giải pháp được mọi người mong muốn. Ví dụ, Sam Peltzman (1974) phát hiện ra rằng qui định của chính quyền bóp nghẹt quá trình “khám phá” trong ngành công nghiệp dược phẩm. Khi có các biện pháp cấm đoán thì việc bóp nghẹt quá trình khám phá trên thị trường còn nghiêm trọng hơn là những qui định vì cấm đoán xóa sổ thị trường, trong khi qui định chỉ gây khó khăn cho nó mà thôi. Việc bóp nghẹt quá trình khám phá do những biện pháp cấm đoán gây ra còn lan sang những khu vực khác, ví dụ như chất lượng sản phẩm, những món hàng bổ sung và thay thế và thông tin về sản phẩm.

Thông tin bị những biện pháp cấm đoán làm cho méo mó theo nhiều cách khác nhau. Trường hợp đáng hổ thẹn là các loại thuốc có bằng sáng chế trong thế thế kỷ XIX, luật cấm của nhà nước và cho bán những loại thuốc chứa thuốc phiện có bằng sáng chế đã làm cho nhiều người tiêu dùng cả tin bị nghiện. Những người tìm cách cai nghiện hoặc tránh bị nghiện đã bị lừa vì sự hiện diện cùng một lúc cả luật cấm của nhà nước và các loại thuốc có chứa những chất ma túy hợp pháp.

Mặc dù những tính toán sai lầm của bộ máy quan liêu như thế có thể được coi là ngu dốt hoặc là kết quả của hành vi tìm kiếm lợi nhuận đặc quyền, nhưng đấy phải được coi là kết quả bình thường và có thể dự đoán được của các chính sách can thiệp. Ví dụ gần đây là yêu cầu dán cảnh báo lên gói thuốc lá; tác dụng không mong muốn là thanh thiếu niên tiêu thụ nhiều hơn các sản phẩm thuốc lá khác như nhai và hít thuốc lá, là những thứ mà nhà nước không yêu cầu phải có cảnh báo.

“Quá trình khám phá hoàn toàn vô dụng” là kết quả được người ta tìm thấy ở những nơi mà thị trường chợ đen đã chiếm chỗ của thị trường hợp pháp. Trên thị trường chợ đen, động cơ của các nhà cung cấp thường bị tác động của những biện pháp cấm đoán chi phối hoàn toàn. Tội ác và ma túy có hiệu lực cao hơn là những hậu quả do cơ hội tìm kiếm những lợi nhuận mới tạo ra, mà những cơ hội này lại là kết quả của cấm đoán. Cơ hội tìm kiếm lợi nhuận mới không chỉ làm cho việc thực thi những biện pháp cấm đoán trở nên khó khăn hơn mà chúng còn tạo ra những kết quả trái ngược với mục tiêu của cấm đoán.

Vấn đề hiệu lực và chất lượng sản phẩm có vai trò quan trọng đối với khả năng thực thi những biện pháp cấm đoán hiệu quả. Khi lực lượng thực thi cấm đoán có thêm các nguồn lực (hay có thêm nhiều hình phạt nghiêm khắc hơn) thì những người cung cấp gia tăng hiệu lực của ma túy, sản xuất các loại ma túy có hiệu lực cao hơn và làm chất lượng sản phẩm giảm, giảm các thuộc tính của sản phẩm (như an toàn và thông tin) và giảm những hàng hóa bổ sung (ví dụ nhu kim tiêm, bộ lọc, và thuốc giải độc). Những sự điều chỉnh như thế không chỉ làm cho việc thực thi những biện pháp cấm đoán trở nên khó khăn hơn mà chúng còn tạo ra những kết quả trái ngược với những mục tiêu của cấm đoán. Quan trọng nhất là, những thay đổi về hiệu lực và chất lượng sản phẩm trái ngược với khẳng định cho rằng những biện pháp cấm đoán đã đạt được mục tiêu vì số lượng ma túy tiêu thụ đã giảm.

Những vấn đề về tội phạm và tham nhũng có tác động tiêu cực đối với khả năng thực thi những biện pháp cấm đoán hiệu quả. Khi những lực lượng thực thi những biện pháp cấm đoán có thêm nguồn lực thì giá các sản phẩm bị cấm sẽ tăng. Điều này làm cho thu nhập thực tế của người sử dụng ma túy bất hợp pháp giảm và tạo ra những cơ hội tìm kiếm lợi nhuận cho những người cung cấp và các quan chức. Kết quả là, cấm đoán làm cho tội phạm và tham nhũng gia tăng. Tội phạm và tham nhũng làm cho việc thực thi những biện pháp cấm đoán trở nên khó khăn hơn vì tội phạm làm tăng thu nhập của người sử dụng ma túy và tham nhũng làm giảm chi phí cho những người cung cấp. Tội phạm cũng gia tăng khi những nguồn lực thực thi pháp luật quay sang thực hiện những biện pháp cấm đoán. Tội phạm và tham nhũng do cấm đoán gây ra cũng làm trầm trọng thêm những vấn đề mà cấm đoán hi vọng giải quyết. Tương tự như hiệu lực và chất lượng sản phẩm, tội phạm và tham nhũng hoạt động như những cái van xả bớt mục đích của cấm đoán và làm cho nó trở nên khó khăn và tốn kém hơn. Tội phạm và tham nhũng do cấm đoán gây ra gia tăng làm cho những biện pháp cấm đoán trở thành kém hiệu lực.

Chú thích:

(1) Trong giai đoạn cuối những năm 1970, đa phần dân chúng đã ủng hộ việc phi hình sự hóa cần sa và chính quyền của Tổng thống Carter đã xem xét khả năng này một cách nghiêm túc. Thất bại làm sụp đổ phong trào này được mô tả trong tác phẩm của Patrick Anderson (1981).

Nguồn: Mark Thorntom (2016). Kinh tế học cấm đoán. Phạm Nguyên Trường dịch. Nguyên tác: The Economics of Prohibition

Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường